Chúng ta vừa bước qua năm mới. Năm 2020. Cũng như mọi năm cứ vào dịp này, nhất là đêm New Year’s Eve, mình lại nhớ ca khúc của ABBA và những câu thơ đã viết ngày nào:

Tiệc đã tàn

những ngọn nến đã tắt

giờ đây. chỉ còn anh với em

trên đường khuya

những bước chân lang thang

kìa. rạng đông màu xám. đã lên

ở phía chân trời

Những câu trên là viết từ lời ca của ban Abba, với chút tưởng tượng riêng, theo bài Happy New Year. Khúc thơ viết đã lâu, bây giờ đọc lại vẫn còn bâng khuâng, nghĩ ngợi.

Vâng. Cứ tưởng tuợng tiệc đã tàn. Bình minh màu xám đục bắt đầu. Cả anh và em đều cảm thấy chút gì hoang vắng. Nhưng không giống ngày hôm qua đâu – hiện tại lúc này chính là thời khắc để chúng ta cùng chúc nhau Happy New Year! Happy New Year! Và có lẽ chúng ta có trong trí tưởng một viễn ảnh nào đó về một thế giới mà mọi người đều là bạn của nhau. Và có lẽ chúng ta có cả những hy vọng, ước nguyền để thực hiện. Nếu không như thế, ta sẽ ngã xuống và từ giã thế giới này thôi, cả anh và em!

Nguyễn nhân dịp này cũng muốn mượn những lời trên của ban nhạc Abba để gởi đến bạn bè, bên này và bên kia biển rộng, lời cầu chúc Happy New Year – một năm mới thật tốt lành. Phải chăng, hỡi bạn nhỏ thân yêu, chúng ta trong đời viết lách, đã có lúc mơ ước rằng mỗi ông hàng xóm đều là bạn của mình (every neighbor is our friend). Lúc bấy giờ sẽ không còn ngăn cách, hận thù, không còn chiến tranh và những trại tập trung. Vậy đó, nhưng một thế giới như thế bao giờ sẽ đến, và liệu nó có trên trái đất này không. Dẫu sao thì ta vẫn có quyền ước mơ, phải không bạn nhỏ?

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Vâng. Ðể bắt đầu một ngày mới Nguyễn xin gởi đến các bạn một tin vui đọc thấy trên trang web của Ðài Pháp Quốc RFI. Ðó là tin về Bản Giao Hưởng số 9 của Beethoven được  UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ðài RFI viết:

“Không phải ngẫu nhiên mà bản giao hưởng Symphony số 9 được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cũng không phải tình cờ tác phẩm này là nguồn cảm hứng vô tận cho các thể loại nghệ thuật từ sân khấu đến văn chương, từ hội họa đến điện ảnh. Cũng từ đó bản Giao Hưởng số 9 được cất lên khi bức tường Berlin sụp đổ và đã được chọn là nhạc hiệu của Liên Hiệp Châu Âu.

Bản giao hưởng số 9 là tác phẩm giao hưởng trọn vẹn cuối cùng do Ludwig van Beethoven biên soạn. Hoàn thành vào năm 1824, nó sử dụng một phần nội dung của bài Ode à la joie (Tụng Ca Niềm Vui) thơ của Friedrich Schiller làm lời ca cho những người đơn ca và đồng ca thể hiện trong chương cuối. Ðây là lần đầu tiên giọng hát con người được đưa lên sân khấu của nhạc giao hưởng.

Ðược ra mắt công chúng lần đầu tại thành Vienne, vương quốc Áo, năm 1824, bản Symphony số 9 đã khẳng định chỗ đứng riêng biệt trong khu vườn âm nhạc của nhân loại. Như đã nói Beethoven là người đầu tiên đưa dàn hợp xướng và bốn tiếng hát đơn vào thể loại giao hưởng. Chương bốn (chương cuối) bản Symphony số 9 cũng có thể xem như một bản giao hưởng hoàn toàn độc lập.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Về hành trình của bản Symphony số 9, cần ghi nhận: Năm 1792 là một cột mốc quan trọng trong đời Beethoven – ông từ bỏ hẳn Bonn đến định cư tại Vienne, theo lời mời của một nhạc sĩ bậc thầy đang ngự trị trên vương quốc Áo, là Joseph Haydn. Ðấy cũng là thời điểm Beethoven bắt đầu tìm tòi để phổ nhạc bài thơ An die Freude -Ode à la joie- Khúc Hoan Ca của thi sĩ Friedrich Schiller sáng tác năm 1785.

Bốn năm trước cuộc Cách Mạng Pháp 1789, trong xã hội phong kiến của vương quốc Áo cuối thế kỷ 19, Schiller đã ngợi ca công bằng, bác ái, một xã hội mà người người bình đẳng không chỉ trước Phán Xét Cuối Cùng của Thượng Ðế. Nhân loại bình đẳng dưới vòm trời của hạnh phúc và niềm hân hoan. Beethoven đồng cảm với khát vọng tự do, với lý tưởng về một thế giới đại đồng, nơi mà:

“Triệu triệu con người mở rộng vòng tay,

Là anh em một nhà”

Lời thơ của Schiller là ngọn đuốc dẫn đường, là tiếng chuông ngân vang suốt tuổi trẻ và cả cuộc đời của người nhạc sĩ. Ðến nỗi trong 30 năm liền, Beethoven biến mỗi tác phẩm của ông như một cuộc thử nghiệm, như một viên đá lót đường để có được bản Giao Hưởng số 9.

Từ năm 1795 khi mới 25 tuổi Beethoven đã phác họa sơ cho một dàn đồng ca và piano. Tiết tấu đó được ông sử dụng lại trong một bản Fantaisie, sáng tác năm 1808. Mãi gần chục năm sau, vào quãng 1817, Beethoven mới thực sự phác họa sườn bản Symphony số 9. Ông chỉ giữ lại khoảng 1/3 lời thơ của Schiller để phổ nhạc, nhưng đã có chiếc đũa thần, để bài thơ của thi hào Ðức Friedrich Schiller chắp cánh bay cao, để những dòng suối nhỏ cùng vươn ra biển lớn.”

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Bài thơ Ode à la Joie – Ode an die Freude của Friedrich Schiller và bản Giao Hưởng số 9 là một bản tuyên ngôn nhân quyền trước thời đại. Trong niềm hân hoan ấy, tất cả chúng ta, bạn và tôi, cùng bước vào một năm mới 2020 với niềm vui và hy vọng.

TN – Tổng hợp