Mới đây, xem Lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Mùa Hè Paris, nghe Celine Dion hát L’hymne à L’Amour bỗng nhớ đến danh ca Edith Piaf của Pháp, bà là tác giả bài Ngợi Ca Tình Yêu này.

Edith Piaf – con chim sẻ (La môme – The little sparrow) của thành Paris. Nhỏ bé thế thôi (cao 1m47), tội nghiệp thế thôi, nhưng Edith Piaf là ca sĩ thần tượng của Pháp, biểu trưng của nền văn hóa Pháp Thế Kỷ 20. Edith Piaf được nhiều thế hệ yêu mến. Cuộc đời bà là một bi kịch đã được đưa lên màn ảnh.

Thật vậy, Edith Piaf (1915-1963) là nghệ sĩ lớn nhất của quần chúng Pháp (greatest pop singer). Tiếng hát của bà là linh hồn của Paris. Nó cũng là bi kịch của đời bà. Những bài hát hay nhất và nổi tiếng nhất của Edith Piaf gồm: La Vie En Rose (1946),  Hymne à l’ Amour (1949) Milord (1959) và Non, Je ne regrette Rien (1960). Phim La Môme (Con chim sẻ) vẽ lại tiểu sử đời bà từ ấu thơ cho đến khi gần về cõi chết. Tựa đề của phim dùng ở Anh và Mỹ là La Vie En Rose (Đời màu hồng). Phim từng đoạt Giải điện ảnh lớn tại Berlin (tháng Hai, 2007). Và người đóng vai Edith Piaf trong phim (Marion Cotillard) đã được trao giải Oscar vai nữ tài tử xuất sắc (2008). Bộ phim khắc họa hình ảnh Edith Piaf từ tuổi nhỏ nghèo đói hãi hùng đến năm 46 tuổi trong giai đoạn lịch sử hai cuộc thế chiến. Một cuộc đời đầy biến động với quá khứ bất hạnh đã được đạo diễn Olivier Dahan miêu tả tài tình. Phim được khởi quay vào giữa năm 2006. Để nhập vai hoàn hảo, Marion phải nhuộm đen mái tóc nâu óng ả và đôi mắt nâu. Marion còn phải bỏ ra 5 giờ trang điểm và phục trang sao cho giống hệt Edith Piaf một thời. Phim chiếu tại Cannes lần thứ 60, mở màn LHP Berlin lần thứ 57, và phần diễn xuất của Marion đã nhận được hoan hô suốt hơn 15 phút sau đó. Marion từ một tài tử trung bình đã trở nên nổi tiếng lẫy lừng ở Pháp, thường xuyên xuất hiện trên bìa các tạp chí danh tiếng. Xem phim, người ta có cảm tưởng cô là hiện thân của Edith Piaf.

Xem thêm:   Đêm nghe quạ kêu

Edith Piaf, theo lời kể, sanh ra bên lề đường, bị cha mẹ bỏ rơi, tuổi thơ lớn lên trong nhà thổ của bà ngoại, mắt mù rồi lại sáng, y như một phép lạ. Năm 1929, vừa 14 tuổi, Edith theo cha đi hát dạo trên đường phố. Về sau, Edith rời bỏ người cha và đi theo con đường riêng của mình. 16 tuổi, bà yêu một cậu tên Louis Dupont. Đây là mối tình đầu thơ dại của Edith. Hai người có với nhau một đứa con gái tên Marcelle, bé chết lúc mới 2 tuổi. Năm 1935, Édith lọt vào mắt xanh của một ông chủ  hộp đêm tên Louis Leplée. Ông thuyết phục cô theo nghiệp ca hát và đặt cho cô cái biệt hiệu theo cô tới cuối đời: Con chim sẻ Edith. Ông cũng là người yêu cầu Edith mặc toàn đồ đen khi lên hát, và trang phục này đã khắc họa hình ảnh người ca sĩ tài danh trong lòng người yêu nhạc. Tình yêu lớn nhất trong đời Piaf là với võ sĩ Quyền Anh Marcel Cerdan, mất năm 1949 trong một tai nạn máy bay trên đường đến thăm Piaf khi bà đang ở Mỹ. Trong một thời gian, Piaf lâm vào cơn khủng hoảng. Trong cơn hôn mê cuối đời, bà vẫn gọi tên Marcel.

Edith Piaf – Arkadia Records 

Piaf qua hai lần kết hôn: Lần thứ nhất với Jacques Pills, một ca sĩ. Họ lấy nhau năm 1952 và ly dị năm 1957. Người chồng thứ hai là Théo Sarapo, một thợ làm tóc sau thành ca sĩ và tài tử, anh ta nhỏ hơn Piaf tới 20 tuổi. Chưa hết: Người nữ ca sĩ «con chim sẻ» cao 1m47 nầy còn nghiện rượu, nghiện ma túy. Khi lìa đời vào năm 1963, có cả chục ngàn người đến nghĩa địa Père Lachaise ở Paris để tưởng niệm.

Ngày nay nhắc tới Edith Piaf là nói tới một biểu tượng của văn hóa Pháp. Tiếng hát của bà như còn âm vang đâu đó với đôi mắt mở to, dáng người nhỏ bé mặc toàn đen, với bản «La vie en rose» (1946) ngợi ca tình yêu và hạnh phúc. Bài hát cuối cùng của bà là bài “Non, je ne regrette rien”:

Xem thêm:   Quán Phố Hoài. và những người của một thời

Non, rien de rien

Non, je ne regrette rien

Ni le bien qu’on m’a fait

Ni le mal

Tout ça m’est bien egal

Non, rien de rien

Non, je ne regrette rien

C’est payé, balayé, oublié

Je me fous du passé

Avec mes souvenirs

J’ai allumé le feu

Mes chagrins, mes plaisirs

Je n’ai plus besoin d’eux

Balayé les amours

Avec leurs trémolos

Balayé pour toujours

Je repars à zéro  

Không. Tôi không còn hối tiếc gì nữa. Kể cả điều tốt người ta làm cho tôi, lẫn điều xấu. Tất cả với tôi đều như nhau. Những niềm vui. Những nỗi buồn. Đã quên, đã quét sạch hết rồi, Tôi chẳng thèm đếm xỉa đến quá khứ của mình nữa. Bằng những kỷ niệm, tôi nhúm lên ngọn lửa. Những nỗi buồn, những niềm vui… Tôi chẳng còn cần tới. Tất cả đã được quét sạch. Những mối tình rung động líu lo… đã đuợc quét sạch vĩnh viễn. Tôi lại khởi đi từ số không.

“La Vie En Rose” của đạo diễn Pháp Olivier Dahan quả thật là cảm động. Cuốn phim lột tả những tương phản cùng cực với niềm vui tột cùng và nỗi đau đớn, lầm than của kiếp người: những đường phố hẹp, trong đêm mờ mờ ánh lửa, nhà thổ và những khuôn mặt rã rời, cuộc hành hương cầu nguyện thánh Thérèse, đời sống cơ cực dưới mưa, sự tương phản giữa một Paris trước chiến tranh và New York tươm tất, chào đón người nghệ sĩ tài ba. Đó là cuộc đời của Edith Piaf.

Poster phim La Vie en Rose

Nhà điểm phim Cao Thanh Tùng của báo “Viet Tribune” nhận xét: Nghệ thuật của Olivier Dahan cho thấy rất rõ, những cảnh ( scene) trên màn ảnh không theo một thứ tự thời gian. Sau cảnh ( scene) Normandie là Belleville. Sau Paris tháng Hai, 1960 là California tháng 8, 1955.

Xem thêm:   Roger Ridley. tiếng hát nối liền các bến bờ

Đúng vậy. Kỹ thuật của Olivier Dahan làm xáo trộn tất cả: không gian, thời gian, niềm vui, nỗi buồn. Diễn hành qua trước mắt ta -hình bóng cô gái nhỏ ca hát bên đường lượm từng đồng bạc, người nghệ sĩ như con chim bị ướt lông trên sân khấu với tiếng hát của sự lầm than, tình yêu, đám đông, chim sẻ và những quả chuông, anh lính lê dương, người kéo đàn phong cầm, cuộc hành trình dài của những người nghèo khó, tên ma cà bông, cái đĩa quay hoài…

Trường đoạn gây ấn tượng nhất là lúc Edith Piaf uống thuốc an thần nằm mê, thức dậy, thấy người tình võ sĩ đã về với mình. Hai người ôm nhau, hôn nhau nhẹ nhàng, êm ái. Rồi nàng vội vàng đi sửa soạn bữa điểm tâm cho chàng gồm cà phê đen, bánh nướng. Nhưng rồi, ô hay, bạn bè ở đâu xuất hiện vây quanh. Trong đó có ông bầu hát, đạo diễn sân khấu, nhà quản lý… Họ buồn bã đứng nhìn người ca sĩ: “Edith, hãy can đảm lên. Máy bay từ Ma rốc đã rớt…” Trong phút giây, Edith Piaf trợn trừng đôi mắt, hốt hoảng, khuỵu xuống, hai tay ôm lấy đầu. Lại đứng dậy, chạy quanh. Chạy ra phía sau. Mở ra một nhà hát đầy người. Một sân khấu, một dàn nhạc, và một tiếng hát cất lên…

Một cảnh khác, trên bờ biển California. Edith Piaf ngồi một mình trên bờ cát, trước mặt biển màu nâu tím. Bà đang ngồi đan. Một nữ phóng viên trẻ tuổi tiến tới phỏng vấn bà. Phóng viên: “Bà khuyên phụ nữ điều gì?” Edith: “Yêu”. Phóng viên: “Còn những cô gái trẻ?” Edith: “Yêu”. Phóng viên: “Thế các em bé?” Edith: “Yêu.”

Cảnh cuối cùng của phim muốn làm ta nghẹt thở: Edith hôn mê trên giường bệnh. Bà nhìn thấy mình là cô gái nhỏ đứng với hoa cỏ trên đồi. Thấy mình bị cha mang đi hát rong kiếm sống. Thấy sân khấu lớn mở ra và mình đứng hát: Non, je ne regrette rien. Không, tôi chẳng còn gì để hối tiếc…

TN – Tổng hợp