Một tối mùa đông năm 2014, nhân Trần Trung Ðạo qua chơi, lại có thêm vợ chồng Trần Vũ và Thanh Mai, anh em Trẻ mở họp mặt bạn bè ở Saigon Block. Tuyết rơi đầy trời nhưng trong phòng ấm cúng, có trà (rất thơm), rượu (tới sáu chai vang đỏ) và thức ăn (đầy bàn), chuyện trò rộn rã, có lúc xoay qua điện ảnh. Nhân lúc hứng khởi, Nhật Hoàng, Ðinh Yên Thảo và kẻ này có nhắc tới hai cuốn phim vào hàng kinh điển là The Pianist và The Schindler’s List. Hôm nay, một ngày cuối đông trong ám ảnh chiến tranh diệt chủng hừng hực ở Ukraine gần biên giới Ba Lan, ngồi nhớ lại không khí đêm nào, Nguyễn xin kể lại câu chuyện về cô bé mặc áo đỏ trong phim The Schindler’s List.

Xin nói ngay: Ðây là cô bé mặc áo đỏ chứ không phải cô bé quàng khăn đỏ như trong thơ tôi.

Hỡi cô bé quàng khăn đỏ / đã chết trong hàm răng sói già…

Là hai nhân vật khác nhau – một của cổ tích và một của phim ảnh thời nay- nhưng cả hai cô bé đều là nạn nhân của định mệnh khốc liệt.

Mời bạn đọc theo dõi câu chuyện.

Cô bé áo đỏ là nhân vật duy nhất có màu đỏ trong cuốn phim toàn đen trắng Schindler’s List (Bản danh sách Schindler). Cô mới lên ba thôi mà đã bị đưa vào trại tập trung Auschwitz và rồi chết trong đó. Nhưng trước hết xin nói về cuốn phim. Schindler’s List là thiên sử thi bi tráng bằng hình ảnh, hoàn thành năm 1993, đạo diễn là Steven Spielberg, kịch bản của Steven Zaillian, dựa trên cuốn tiểu thuyết Schindler’s Ark của nhà văn Úc Thomas Keneally. Cuốn phim kể lại câu chuyện về Oskar Schindler, một thương gia người Ðức đã bảo vệ hơn một nghìn người Do Thái Ba Lan thoát khỏi nạn diệt chủng Holocaust bằng cách vận động đưa họ vào làm trong các nhà máy của mình. Chuyện phim diễn ra trong 72 ngày ở Ba Lan trong thành phố cổ Krakow, khởi đầu vào năm 1939 khi Ðức Quốc Xã tập trung người Ba Lan gốc Do Thái trong khu ổ chuột và khu tập trung Kraków Ghetto. Oskar Schindler (Liam Neeson), một doanh nhân đến thành phố từ Sudetenland với hy vọng làm giàu, y đã hối lộ những cán bộ cấp cao Wehrmacht và SS, để họ phung phí ăn chơi sa đọa, nhờ đó được giao cho một nhà máy sản xuất của quân đội. Ông ta hợp tác với Print Itzhak Stern (Ben Kingsley), một viên chức của Krakow Judenrat (Hội đồng Do Thái) có liên hệ với cộng đồng doanh nghiệp Do Thái và Chợ đen bên trong khu ổ chuột. Họ cho ông ta mượn tiền xây dựng nhà máy để đổi lấy một cổ phiếu của những sản phẩm được sản xuất. Những người Do Thái làm việc cho Schindler được cấp một loại giấy chứng nhận, nhờ đó họ có thể ra ngoài các trại tập trung mà không sợ bị quân Ðức bắt hay xét hỏi

Cô bé mặc áo đỏ trong phim The Schindler’s List. nguồn youtube

Trong khi đó, đội trưởng SS Amon Göth (Ralph Fiennes) được điều tới ở Krakow để bắt đầu xây dựng trại tập trung Kraków-Plaszów. Ông ta ra lệnh thanh toán một phần của khu ổ chuột và cuộc thảm sát bắt đầu. Schindler nhìn sự tàn sát từ một ngọn đồi, và cảm thấy đau lòng. Qua Stern, ông hối lộ Göth để y cho phép ông ta xây dựng một tiểu trại cho công nhân. Bỗng mệnh lệnh từ Berlin bắt Göth phá hủy những vết tích của người Do Thái bị giết trong khu ổ chuột Krakow, tháo dỡ Plaszów, và dùng tàu chuyển những người Do Thái còn lại tới Trại tập trung Auschwitz. Bằng cách hối lộ Göth những khoản tiền lớn, Schindler và Stern giữ họ khỏi những chuyến tàu đưa tới Auschwitz, từ đó họ di chuyển tới Tiệp Khắc an toàn, chỉ có một đoàn tàu chở phụ nữ và trẻ em chạy tới trại Auschwitz do nhầm đường. Lạc lõng trong đó có em bé áo đỏ. Sau người ta tìm thấy chiếc áo đỏ của em trên một chiếc xe chở xác.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Vai em bé áo đỏ do Oliwia Dabrowska đảm nhận. Mặc dù không chủ ý, có một sự trùng hợp ở đây: Thực tế tại khu Kraków Getto cũng có một cô bé áo đỏ tên là Roma Ligocka, nhưng cô bé này sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust. Sau khi cuốn phim được trình chiếu, Roma Ligocka viết một cuốn tự truyện tựa đề là The Girl in the Red Coat: A Memoir (2002). Tuy nhiên, cảnh trong phim của Spielberg được dựng lên theo ký ức của Zelig Burkhut, người sống sót từ trại tập trung Plaszow và nhiều trại khác. Khi được Spielberg phỏng vấn trước lúc làm phim, Burkhut cho biết ông gặp ở trại tập trung một cô bé mặc áo đỏ khoảng chưa tới 4 tuổi, bị sĩ quan Ðức Quốc Xã bắn chết ngay trước mắt ông. Hình ảnh đó đã hằn sâu trong trí óc ông, chưa bao giờ phai nhạt. Ðạo diễn Spielberg thì nói ông theo đúng kịch bản và cô bé áo đỏ có thể xem là hiện thân của sự trong trắng và hy vọng bị giẫm nát dưới bàn chân của bạo lực.

Về phần cô bé áo đỏ nhân vật trong phim, cô vẫn được các trang mạng điện ảnh gọi là Red Genia, còn Oliwia người nhập vai cô bé thì sinh ở Krakow ngày 28 tháng Năm 1989. Có lúc cô bảo cô hổ thẹn vì đã có mặt trong cuốn phim “Schindler’s List” của Steven Spielberg. Thật ra hồi đó Oliwia nào hiểu gì về vai trò biểu tượng của mình trong cuốn phim. Mãi tới năm 11 tuổi, bất chấp lời khuyên của Steven Spielberg là đợi tới 18 tuổi rồi hãy xem phim, Oliwia lần đầu tiên thấy hình ảnh mình trong “Schindler’s List” và cô kinh hoảng: “Tôi sợ quá.” Cô nói với báo The Times của Anh: “Tôi không hiểu gì nhiều nhưng tôi mong sẽ không bao giờ xem lại nó trong đời tôi.” Cô còn cho biết bao năm qua nhiều người hỏi vai trò của cô trong cuốn phim làm cô vô cùng hổ thẹn và cô thầm trách cha mẹ sao lại để cô xuất hiện trong vai cô bé áo đỏ quá hãi hùng, bi thảm. Thế nhưng, cho tới nay khi đã trưởng thành và hiểu biết hơn, Oliwia Dabrowska đã nhận thức được sự quan trọng và tinh thần nhân bản của cuốn phim và lấy làm hãnh diện về vai trò biểu tượng của cô trong đó.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Tất nhiên bạn và tôi đều xót thương cho số phận bi thảm của cô bé quàng khăn đỏ và cô bé áo đỏ. Ôi, ước mong sao trên đời này những cô bé hiền lành và đáng yêu như thế mãi mãi bình an và hạnh phúc. Một chế độ được gọi là nhân bản nhân đạo phải thực hiện được điều đó.

TN – theo tin Internet

*Đính chính. Trong bài kỳ trước “Có Nên Đọc Bài Ai Điếu Cho Thơ” ở phần nói về Phùng Quán, xin đính chính lại: “chòi ngắm sóng” chứ không phải “chòi ngắm sông”. Xin cáo lỗi cùng độc giả. TN