Ðang mùa hè, Nguyễn tôi xin kể chuyện phiếm về dế.

Hình ảnh của dế chính là hình ảnh tuổi thơ mà ai cũng trìu mến. Chính vì lẽ đó, các thi sĩ và nhà văn viết về dế bằng những lời thật đẹp. Ðối với trí óc bất bình thường của kẻ này, thi sĩ nào không có đôi câu về dế về ve thì chưa phải là thi sĩ chân chính, đích thực.

Như đã nói ở trên, trong tuổi thơ của mỗi người đều có hình ảnh con dế. Ở những xứ Châu Á gió mùa, và cả ở Châu Âu Châu Mỹ, e cũng vậy thôi. Thời nhỏ đọc sách ai không mê con dế mèn của Tô  Hoài. Còn nhớ hồi ở Trung Học kẻ này có đọc một đoạn văn của Charles Dickens -không nhớ trích ở sách nào- viết rất hay về những chú dế crickets bu lại dưới ánh đèn khuya. Mới đây, một bà mẹ ở Mỹ, nói về tuổi thơ của con trai mình cũng nhắc tới những con dế. Như vậy, dế có mặt khắp nơi, tham dự vào những tuổi thơ hạnh phúc cũng như tủi cực. Như bao trẻ khác, tuổi thơ của Cu tôi nơi sằn dã cũng đã từng bắt dế, nuôi dế, say mê nghe dế gáy… Muốn bắt dế phải lần theo tiếng dế gáy chứ biết đâu mà tìm. Có thể dế nằm dưới một tấm bửng trong vườn cỏ mọc đầy, chỉ cần lật lên là tóm được vài ba chú. Nhưng thường dế ở trong hang và cất tiếng gáy re re, nhất là trong những đêm trăng. Trường hợp này, phải lấy lon múc đầy nước đổ vào lỗ, thế là dế ta ngộp thở trồi đầu lên, cứ việc tóm lấy râu là bắt được. Dế ăn cỏ. Tim tôi bắt về cho vào hộp diêm nuôi để đêm nghe nó gáy. Nghe chán, dăm ba ngày, thả dế ra lại. Các con của Tim cũng rất thích chơi dế. Vườn nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ Ðà Lạt chỉ toàn đất sỏi và gốc thông, ít cỏ nên không có dế. Vợ Tim phải ra chợ mua dế về cho hai chú con chơi. Hai đứa như hai hòn bi, suốt ngày làm bạn với dế, cho dế ăn, cho uống nước. Mặt hai đứa cứ đỏ gay, hết bứt sợi tóc này đến sợi tóc khác, buộc vào dế rồi quay để cho dế hăng tiết đá nhau. Mỗi đứa có ít ra là mươi con. Ðêm trong phòng ngủ dế gáy ran khiến đôi lúc bực mình, Tim tính đem liệng hết nhưng nghĩ tội nghiệp cho hai chú nhóc bèn ráng chịu trận.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Tiếng dế thường vui, cùng với những kỷ niệm ấu thời – Ðây rồi chú dế giang hồ ấy / Vẫn hát say sưa dưới cỏ buồn / Nghe tiếng chân người chợt nín lặng…(Tô Thùy Yên). Dẫu vậy, tiếng dế cũng thường đượm buồn do ở hoàn cảnh con người. Ôn Như Hầu viết: Ðâu ngờ tiếng dế than ri rỉ / Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng … Nguyễn Khuyến tả cảnh đêm mùa hạ cũng có tiếng dế kêu thiết tha. Các thi sĩ thời nay viết về dế như một lời tự tình bi thảm. Con dế mèn tự tử giữa đêm khuya… (Du Tử Lê). Tim tôi, hồi mới đi cải tạo về, đói rách và tuyệt vọng, nghe tiếng dế từ trong vườn xưa như một nỗi niềm ai oán: cháy trong vườn lãng quên / chiều nghiêng đốm lửa / người tù xa lâu năm trở về / bên mái nhà và bờ ao / mùa thu tàn ố / khòm lưng. nấu bát cháo ngoài hiên / nấm mộ đá ong / dế khóc…

Chester Cricket, Chuột Tucker và Mèo Harry 

Bây giờ xin kể chuyện về con dế ở quảng trường Times Square. Con dế có tên Chester Cricket là vai chính trong một cuốn truyện của George Selden – Con Dế Ở Quảng Trường Times Square, The Cricket in Times Square. Selden kể trong tự truyện: “Một hôm tôi đáp xe điện ngầm về nhà. Lúc bước xuống ga ở quảng trường, tôi nghe tiếng một con dế gáy, lập tức một cốt truyện hình thành trong đầu tôi chỉ trong vài phút. Một tác giả phải cảm tạ những giây phút như thế mặc dù chúng xảy ra không thường xuyên lắm.”

Cốt truyện xoay quanh “nhân vật” mang tên Chester Cricket, một con dế có tài âm nhạc, một hôm đến New York trên chuyến tàu từ Connecticut. Nó thậm chí còn đi xe điện ngầm đến quảng trường Times Square. Tại đây, anh bạn Mario Bellini, có người cha đang lo điều hành một tiệm sách báo đang gặp khó khăn về tài chánh, đã tìm thấy con dế Chester và mang nó về nuôi cho vui, hy vọng nó sẽ mang điều lành tới cho tiệm. Cha của Mario là Papa Bellini cũng rất hoan hỉ khi có thêm con dế Chester trong nhà. Tại đây, Chester gặp Chuột Tucker và Mèo Harry. Hai tên này thường lang thang trong thành phố kiếm ăn nhờ những thực phẩm người ta bỏ đi. Chúng đưa Chester đi thăm quảng trường Times Square và Chester tỏ ra vô cùng thích thú. Thế rồi dần dần Dế Chester phát hiện ra tài năng ca hát của mình. Mario bèn đưa chú đi Phố Tàu mua cho chú một cái lồng để ở. Một hôm, Chester gặm mất hai đô la trong quầy tính tiền khiến Mama Bellini -mẹ của Mario – giận muốn đuổi dế đi, nhưng Chuột Tucker đã dùng những đồng tiền đi xin được để cứu Dế Chester và hoàn lại số tiền. Thời gian qua, trong một bữa tiệc vui của ba đứa – Dế, Chuột và Mèo – chúng đã vô ý để lửa cháy tiệm báo. Ngọn lửa được dập tắt, nhưng Mama Bellini vô cùng tức giận, bảo Mario đuổi Chester ra khỏi nhà. Tuy nhiên, đúng lúc ấy, Dế Chester cất tiếng hát khúc ca Mama Bellini từng ưa thích, và Mama đã hát theo và rồi Mama thay đổi ý kiến. Rõ ràng Chester có một ký ức âm nhạc tuyệt vời khi nó hát những khúc opera kỳ diệu khiến Papa Bellini cũng lấy làm ngạc nhiên thán phục. Về sau nhờ một giáo sư âm nhạc nghe và thích tiếng hát của Chester Cricket đã viết một bài đăng lên tờ “New York Times” nên khách hàng tấp nập kéo đến tiệm báo để nghe Chester trình tấu âm nhạc. Việc buôn bán của gia đình Bellini nhờ đó trở thành phát đạt. Nhưng rồi lòng hoài hương trỗi dậy, Chester muốn trở về vùng đồng nội của mình. Mọi người đều khuyên can nhưng cuối cùng Mario phải để Chester đi. Ðêm hôm ấy, khi trăng lên, Chester cất tiếng ca não nùng từ biệt Mario và bạn bè, rồi tất cả đưa Chester ra nhà ga lớn để về lại Connecticut, quê nhà của Chester.

Xem thêm:   Một thời của sách

Chuyện tản mạn về dế xin được kết thúc bằng bài thơ của Barbara Trần. Sinh năm 1968 tại New York, Barbara Trần nhận văn bằng Cao học Nghệ thuật tại đại học Columbia. Cùng với Monique Trương, D.Trương và Lưu Trường Khôi, Barbara từng là đồng chủ biên của tuyển tập Ngấn Nước, gồm thơ văn của người Mỹ gốc Việt. Tim tôi rất thích bài thơ Con Dế của cô. Con dế ở đây không là biểu tượng của tuổi thơ hay nỗi niềm nostalgia da diết, mà là thực tại của cuộc ân ái giữa Barbara và chồng. Ôi, sao tình thế. Riêng Tim này chỉ muốn được cùng ai như con dế nọ trên cánh đồng cỏ xanh:

Barbara Trần – nguồn asianartsinitiative.org

Ðêm tôi nằm

dụi người vào chồng

hy vọng trốn chạy chính mình

gắn chặt thân thể chàng

như thể khi mơ

chàng có thể nghĩ rằng tôi

như con dế

trên c

của mảng lưng chàng.

 

Dế và cỏ cùng

đu đưa

trong gió,

nhẹ như hơi thở,

chúng tìm ra một vùng đất.

 

Tôi bỗng thấy mình cô độc

trên cánh đồng này.

Chú thích khi xem lại bài: Từ “con dế” dùng để chỉ nhiều thứ lắm. Hồi ở trại tù, thiếu thuốc, thèm quá nhiều anh em đã phải đi nhặt tàn thuốc hút lại, gọi là nhặt dế. Gần đây, ở Việt Nam trong đám sinh viên cũng có danh từ con dế. Thí dụ: Hình như con dế của cô (không phải dế của anh?) đang gáy. Ðố các bạn biết nó là cái gì? Cái cell phone đấy. Ngoài ra từ “dế” cũng dùng chỉ một thứ khác nữa. Nhưng Tim này chẳng dám nói ra đây. Mắc cỡ lắm!

Xem thêm:   Tháng Ba, đưa người

TN