Buổi sáng đầu năm đi dạo trong tuyết giá, thấy những cọng cỏ xanh và những bông hoa tím li ti trồi lên, đồng thời nghe tiếng chim lảnh lót trên ngọn sồi trước nhà, tự nhủ lòng thôi hãy quên đi những nỗi buồn riêng, những chuyện bất ưng của đời sống, và hãy như chim kia ca ngợi thiên nhiên và quý tiết, tìm về tuổi thơ và tiếng cười.

Vâng, tuổi thơ của Tim – mà chắc tuổi thơ của bất cứ ai cũng vậy – luôn đầy ắp tiếng cười. Riêng Tim phải nói như thế này mới đủ: Tim có một tuổi thơ đầy ắp tiếng cười và hương cỏ. Thử tưởng tượng ở những ngày xa xôi ấy, nằm lăn trên cỏ nhìn lên bầu trời xanh, có khi còn lim dim mắt như ngủ, chạy chân không trên cỏ, lội trong cỏ may ngập đầu gối như Tim đã viết trong bài Thảo Nguyên, bứt những lá cỏ vò trong bàn tay để hít thở mùi hương nồng ngái. Rồi bắt dế, bắt chuồn chuồn cho cắn rốn cũng trên vùng cỏ biếc. Có một trò chơi con nít mà Tim cũng rất thích là đá cỏ. Cỏ ở đây là cỏ mồng gà. Và chơi đá cỏ mồng gà là cuộc vui bất tận của tuổi thơ nơi sằn dã. Kẻ thắng cuộc bao giờ cũng là anh cỏ mồng gà dày dạn, kiên cường nhất. Ðôi lần thua cuộc mắt đỏ hoe, khóc tấm tức khiến chị Thoa phải vội chạy đi mua cho mấy cái kẹo cau. Con bé Thỏ cũng theo an ủi. Cuối cùng thì Tim cũng hiểu được rằng thắng hay bại là lẽ thường, ngay cả trên tình trường đẫm nước mắt và câu thề… Và anh cỏ mồng gà kia, cho dẫu đôi khi được tôn vinh là sát thủ, cũng chỉ là một thứ cỏ giữa trăm ngàn hoa đồng cỏ nội, sinh ra đâu phải để cho các chú bé con chơi trò đấu đá. Ấy vậy mà những kỷ niệm của trò chơi đá cỏ ở tuổi thơ vẫn sống mãi trong lòng Tim. Ai nhặt giùm ta cây cỏ sướt / Làm đôi gà đá, đá ăn cười / Mùa hè đi khuất kêu không lại / Bãi mía điêu tàn gốc cháy thui……

Mùa Hè đi khuất, thời gian lớp lớp trôi qua, bài thơ Vườn Hạ của Tô Thùy Yên với trò chơi đá cỏ, bắt dế, thả diều mãi mãi còn với tuổi thơ của tôi, của em và con cháu chúng ta. Cũng như trò chơi ô quan, nhảy dây, bịt mắt bắt dê mãi mãi vẫn còn ở một góc khuất nào đó của đời sống, phải không em? Riêng Tim, ngoài những cuộc rong chơi thơ dại như vừa kể, Tim còn là bạn đích thực của những cánh đồng cỏ. Xin nhắc lại: Hình ảnh Áo vắt vai đi qua rừng sim / lội trong cỏ may ngập đầu gối trong bài Thảo Nguyên chính là hình ảnh của Tim thời bé dại. Hồi tưởng thời nhỏ nhít đã xa thật xa ấy, nhà Tim làm nghề buôn thóc lúa ở một tỉnh miền Hạ Lào. Thường phải về tận các bản làng xa khuất trong vùng sơn thôn để thu mua. Và nhà Tim có cả mấy chiếc xe bò chở lúa hàng tuần đi và về xuyên qua núi rừng khe suối. Bên cạnh ông anh lớn, Tim nghiễm nhiên trở thành cậu bé chăn bò và đánh xe bò. Lúc ấy mới còn nhỏ xíu như cậu bé Oliver Twist của Charles Dickens. Những buổi dừng chân nghỉ giữa rừng, Tim thường lùa bò vào dưới chân núi hay thung lũng, nơi có những đồng cỏ xanh mướt, thả cho bò mặc sức lang thang gặm cỏ, rồi Tim đi lội tìm bắt cua tôm dưới khe nước, hoặc đi hái trái móc, trái sim… Có khi Tim nằm trên một gốc cây khô đắp cái mũ lên mặt ngủ lơ mơ, nghe tiếng chuông trên cổ bò rộn rã rồi từ từ nhỏ dần trong hốc rừng. Và Tim chợp đi, thấy mình cùng cô bé hàng xóm bay như chim… Bay tới một thế giới toàn những người bé tí, mà nhà cửa toàn bằng kẹo gương trong suốt.…

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Như vậy đó, ấu thời của Tim nồng mùi hương cỏ. Nhưng thôi, xin tạm thoát ra khỏi cái không khí nostalgia, để bàn phiếm một chút về các loại cỏ. Có vô số, không ai biết hết được, kể cả các nhà thảo mộc học. Ðại khái, họ nhà cỏ theo như Tim biết, gồm có: cỏ may, cỏ lát, cỏ lùng, cỏ tranh, cỏ gấu, cỏ mật, cỏ lá mía, cỏ lau, cỏ cú, cỏ tóc tiên, cỏ sướt, cỏ bồng.…Và còn một thứ cỏ nữa, Tim không dám kể ra đây, mắc cỡ chết! Còn thứ cỏ đáng ghét nhất là cỏ gấu, cỏ cú mà cụ Phan Khôi gọi là cỏ Cộng Sản. Với Tim, thân thiết nhất trong thời thơ ấu là cỏ may. Hình như ngày xưa có một nàng tôn nữ ở Vỹ Dạ, Huế, mang tên loài cỏ này? Tình em như hoa cỏ may / Một chiều cả gió bám đầy áo tôi. Ôi chao ôi, tình ơi là tình, hỏi sao người con gái nọ không cảm động thút thít cho được!

Bảo Huân

Nói tới cỏ lại nhớ tới một loài cỏ ở sườn núi Cẩm Khê năm nào. Cỏ chỉ. Gọi thế vì nó kết thành về, sợi dài như sợi chỉ. Mùa Ðông năm ấy (1976) lạnh thấu xương, đêm nằm nghe gió rú rít qua liếp cửa lán tù mà toàn thân run lên từng chặp. Trong lúc đi lao động qua bên kia núi, Tim và các bạn tìm cắt từng ôm cỏ chỉ mang về, phơi khô, rũ sạch, rồi nhồi vào các bao tải làm chăn đắp. Cũng ấm ra phết, nhưng một thời gian sau sinh ra những con bọ nhỏ như hạt cám cắn đỏ rần thân thể. Như thế đó, một thời đã ghi vào trí nhớ và những trang tiệp ký rải rác đó đây. Thời ấy, Tim và bạn bè còn mê một thứ cỏ có một cái tên thật gợi cảm nhưng vô cùng da diết, là tương tư thảo. Cỏ tương tư, trong tù mà có được một dúm là kể như vương giả, mà thiếu nó là đời hiu hiu xế tà, sửa soạn về với gió núi mây rừng!

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Nhà văn Hoàng Thi, hiện còn trong nước, cách đây nhiều năm kể lại một lần đi Yên Bái viếng thăm nơi an nghỉ của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học, thấy nấm mộ thấp bè bè nằm ven sông Hồng, không có la thành, chung quanh cỏ dại mọc rối bước chân, hoang vắng thê lương. Một vùng cỏ áy bóng tà / Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.… Chỉ có cỏ làm bạn với người anh hùng. Trong khi đó, cán bộ Cộng Sản địa phương mải lo đào đá quý, đẵn gỗ quý làm giàu, đâu có đoái hoài tới mộ tiên hiền liệt sĩ!

Bây giờ tới chuyện chiếc nhẫn cỏ. Thời sinh viên, chàng và nàng thường đi chơi ven hồ nước, chàng hái một ngọn cỏ tết thành chiếc nhẫn đeo vào ngón tay hồng hồng của nàng. Mối tình ấy rồi tan theo gió ven hồ, nhưng nàng không quên chiếc nhẫn cỏ của một thời đầy hoa và tiếng chim. Rồi một ngày em phải lên xe hoa / Ngón tay lồng vào nhẫn cưới / Em quay đầu nhìn lại / Trên trang sách học trò / Chiếc nhẫn cỏ dần khô… Chừng nớ đủ rồi. Chắc không cần phải nói gì thêm, em hỉ?

Còn một chuyện nữa về cỏ, nghe cũng thơ mộng, bát ngát vô cùng. Trong thành nội Huế, ở chỗ xưa kia là thượng uyển, có một loài cỏ thật lạ lùng, những người có chữ đặt cho nó cái tên vô cùng gợi cảm: Ngu mỹ nhân thảo. Cỏ nàng Ngu Cơ. Lá dài, thân mỏng, cao là là trên mặt đất. Hễ đêm trăng sáng, có mùi rượu bay thoảng, là  vươn những chiếc lá như cánh tay. Người ta nói đó là lúc hồn Ngu Cơ bồi hồi nhớ người tình chung thủy Hạng Vương. Vì sinh từ máu huyết Ngu Cơ nên nhựa của cỏ có màu đỏ lựu. Cứ chín tháng mười ngày cỏ lại ra hoa một lần.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Chuyện của cỏ là như thế. Cũng lãng mạn như chuyện của người vậy.

TN