Ngọc lan… Không hiểu vì đâu khi gọi tên hoa ngọc lan là Nguyễn nghĩ tới ánh trăng. Có lẽ vì màu hoa như màu trăng chăng? Hay vì hương hoa ngọc lan về trong một đêm trăng nào đáng ghi nhớ trong đời mình. Và nhìn trăng thì Nguyễn nghĩ tới mẹ giờ đã ở sau làn mây trắng.

Nhưng xin đi lại từ đầu với hoa ngọc lan. Vừa qua, lang thang trên  các trang web, Nguyễn được đọc mấy câu thơ rất hay của Huệ Trân:

Nhìn dấu vết cây ngọc-lan trên nền sân rêu cũ.

Vẫn ngào ngạt hương của trăm hoa.

Dù cây ngọc-lan không còn đó.

Cây ngọc-lan đã đi xa!

Cây ngọc lan? Cây ngọc lan nào thế nhỉ? Có phải cây ngọc lan trong vườn chùa ngày nọ mà cô bé Thảo của nhà văn Bách Hợp thường nhắc tới. Thuở ấy, theo lời kể của Bách Hợp, khi tóc còn hớt ngắn, còn ham chơi ô quan và nhảy dây, những ngày rằm, mồng một, Thảo thường theo mẹ lên chùa Phú Thọ lễ Phật. Vườn chùa nhiều cây cao bóng mát và chim chóc, Thảo thích nhất cây ngọc lan trên sân gạch của nhà chùa. Thỉnh thoảng, chú điệu tên Hậu dùng sào tre hái cho Thảo mấy bông ngọc lan để Thảo mang về ép vào sách. Thảo thích lắm. Bông ngọc lan thơm dịu dàng, màu hoa ngọc lan trắng như ngón tay chị Như. Thảo không ép bông ngọc lan vào sách mà cài trên đầu. Vào lớp, những đứa bạn ngồi gần Thảo cứ hỏi sao tóc Thảo thơm thế. Chúng đâu biết tóc Thảo cài hoa.

Xem thêm:   Một thời của sách

Cây hoa ngọc lan trên sân chùa theo Thảo suốt thời con gái. Nó gợi lại kỷ niệm cùng mẹ đi lễ chùa. Cho tới lúc đi lấy chồng, Thảo mới tạm biệt cây hoa thời nhỏ. Nhưng thỉnh thoảng, trong cuộc đời làm vợ làm mẹ, mỗi khi tình cờ có ai cho một chùm ngọc lan, Thảo lại sung sướng và cảm động, cất giữ trên bàn trang điểm để sáng chiều còn ngửi thấy mùi hương. Và nhớ lại ngày xưa còn bé dưới gối mẹ cha. Những năm tháng ấy mẹ đã già, tóc trắng như mây.

Và rồi quốc biến. Cộng Sản vào chiếm miền Nam. Thảo và chồng con phải ra đi. Xa bố, xa mẹ, xa cây ngọc lan. Rồi bố qua đời, ngày ấy Thảo không về được. Sau mấy năm mẹ cũng theo bố. Thảo về tới nơi thì tay chân mẹ đã lạnh giá, chỉ còn đôi mắt nhìn Thảo thật sâu. Thảo cầm tay mẹ, có cảm giác những ngón tay mẹ cử động thật nhẹ thật êm. Rồi mẹ nhắm mắt, hai giọt lệ trào ra trên khóe.

Đinh Cường

Chuyện của Thảo ngừng ở đoạn ấy, nhưng mùi hoa ngọc lan mãi còn vương trong gió.  Riêng Nguyễn cũng có một cây ngọc lan, trong sân chùa Già Lam, là nơi năm nào Nguyễn đã gởi lại nắm tro tàn của mẹ cha trước khi bỏ nước ra đi. Cách đây dăm năm, bạn văn Phan Thị Như Ngọc đã tới thăm và hái ít bông ngọc lan để trên cuốn thơ Tôi Cùng Gió Mùa của Nguyễn, rồi chụp hình gởi qua. Nhìn những bông hoa trong hình, Nguyễn xiết bao cảm động. Viết đến đây, Nguyễn chợt nhớ ca từ một bài nhạc của Thanh Tùng: Lối cũ ta về / vườn xưa có còn / thoảng bay trong gió / mùi hoa ngọc lan… Với Nguyễn, kỷ niệm về mẹ cũng có hoa ngọc lan đấy, ngoài ra còn có một vầng trăng. Tại sao lại là vầng trăng? Nguyễn không cắt nghĩa được. Chỉ biết lúc nhỏ phải đi học xa mẹ, Nguyễn thường ngồi khóc dưới vầng trăng. Sau này, lớn lên, mải theo đuổi mộng đời, có lúc lạc mất vầng trăng của mẹ. Nhưng mỗi lúc thất bại, vấp ngã trên đường đời, gặp tai ương khổ nạn, lại thấy vầng trăng và hình bóng mẹ hiện ra. Nhớ lại năm 1979 ở trại tù Thanh Chương Nghệ Tĩnh, khi đi qua thảo nguyên nhớ đến mẹ, mình đã viết:

Xem thêm:   Cái chuông gió

mai mốt mẹ qua vùng thảo nguyên

mẹ ánh trăng vàng trong truyện cổ

lặng soi trên mặt nước hồ gương

đi lang thang qua hàng bia mộ

khi cúi nhìn một cụm hoa lan

thương ôi. mắt nhung xưa còn mở…

Thật ra, ý nghĩ “mẹ là vầng trăng” không phải độc sáng của Nguyễn mà thiền sư Nhất Hạnh và nhà văn Võ Ðình đã nghĩ tới. Thầy Nhất Hạnh viết trong Nẻo Về Của Ý: “Mẹ còn, mẹ mất, ôi cái cảnh vô thường! Nhưng ngửa mặt nhìn trăng là còn thấy mẹ.”

Ðêm nay, khi Nguyễn viết những dòng này, cũng có một vầng trăng trên ngọn cây sồi già. Chợt nhớ một câu trong Vầng Trăng Của May khi hai mẹ con vừa đi dạo dưới trăng về: “… từ nay ánh trăng sẽ theo John suốt cả cuộc đời. sẽ che chở, bảo bọc nó, nhất là những lúc cần tĩnh tâm nhìn lại…” Mẹ ơi, mẹ chính là vầng trăng chiếu sáng đời con. Ðêm nay, một đêm trăng ở thành phố Garland, ước chi Nguyễn có được một vài bông ngọc lan để đặt lên bàn thờ mẹ.

TN