Bắt chước thi hào nước Ðức F. Hoelderlin, tôi muốn viết: Trên ngọn đồi kia có bóng cây sồi già. Trong vòm lá của nó, chim chóc thường về nghỉ cánh, ca hát vang lừng. Trên thân cây sần sùi, những chú sóc thường chạy chơi. Dưới gốc sồi mọc nhiều bông hoa, mùa Xuân hoa tulip và daffodil nở đầy. Nơi đây, dưới bóng cây sồi này, tôi ước mơ một ngày kia đeo chiếc nhẫn cỏ vào ngón tay em…

Ngày xưa, đọc truyện đọc văn tôi đã có lòng yêu cây sồi. Yêu thôi nhưng chưa thấy nó bao giờ. Phải tới khi qua Mỹ mới nhìn thấy cây sồi thực. Ở Duncan, Oklahoma, trong nông trại của ông bà bảo trợ. Ở Parkwood, OK, trước ngôi nhà của anh con trai tên Bách thuê. Chung quanh gốc sồi mọc đầy những cây uất kim hương và thủy tiên vàng, thỉnh thoảng những chú sóc tung tăng chạy nhảy thật vui vẻ. Trước nhà anh con trai lớn là Tùng ở Dallas này cũng có một cây sồi già, sớm chiều vang động tiếng chim. Có thể nói ở khắp nơi trên nước Mỹ đâu đâu cũng có bóng cây sồi. Nó sống cùng với kỷ niệm vui buồn của những đời người. Nó là hình ảnh mạnh mẽ của thần linh, không sợ cuồng phong, sương tuyết.

Nguyễn tôi yêu cây sồi và tìm thấy ở đó sự tin cậy, mùa Xuân vĩnh cửu và niềm an nghỉ. Nhất là khi được nhìn thấy hình ảnh cây sồi khổng lồ, hình do nhiếp ảnh gia Edwin Wisherd chụp từ năm 1930 với lũ trẻ đùa chơi. Từ hình ảnh đó, Nguyễn tìm thêm nhiều cây sồi khác và đã gặp những mẩu chuyện lý thú, cảm động. Trước hết là cây sồi của đại văn hào Nga Lev Tolstoi. Ðây xin nghe: Bây giờ đã là đầu tháng Sáu. Cây sồi già tỏa rộng thành vòm lá xum xuê xanh tốt thẫm mầu, đang say ngây ngất, khẽ đung đưa trong nắng chiều. Không còn nhìn thấy những ngón tay co quắp, những nứt sẹo và vẻ ngờ vực, buồn rầu trước kia. Xuyên qua vỏ cứng già hàng thế kỷ, những nhóm lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được chính cây sồi già cằn cỗi kia đã sinh ra chùm lá non xanh mơn mởn ấy.”

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Và sau đây là một chuyện tình được kể lại trong ca khúc “Tie A Yellow Ribbon Round The Old Oak Tree” của Irwin Levine và Larry Brown. Năm 1971, tại một tỉnh vùng núi xa xôi của nước Mỹ, trong một thị trấn nhỏ có một chàng trai bị kết án 3 năm tù. Trước khi lên chiếc xe dành cho tù nhân, chàng trai nhờ chuyển cho Mary người vợ chưa cưới của mình một lá thư rồi đi ngay. Anh không kịp nhìn thấy cô đang đứng khuất phía sau, vừa khóc vừa nắm chặt tờ giấy với những dòng ngắn ngủi: “Anh biết anh không xứng đáng với tình yêu của em. Anh cũng không còn hy vọng em còn yêu anh sau những chuyện này. Nhưng nếu em tha thứ cho anh, hãy buộc một dải ruy băng màu vàng lên cây sồi già duy nhất ở quảng trường thị trấn vào ngày anh trở về. Nếu không nhìn thấy dải ruy băng, anh sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ quấy rầy em nữa”. Trong suốt 3 năm ngồi tù, dù cho chàng trai mong mỏi Mary đến đâu cô vẫn bặt tin. Chàng trai nhờ người hỏi han tin tức và chỉ nghe phong phanh là cô đã đi xa, thật xa. Ðến những ngày tháng cuối cùng trong tù, anh không còn nghĩ đến dải ruy băng màu vàng nữa, nhớ về người con gái anh yêu lại càng không. Ðến ngày ra tù, anh quyết định sẽ lên xe bus đi thẳng ra thành phố chứ không qua quảng trường thị trấn như đã hẹn. Thế rồi… Một chuyến… hai chuyến xe đã dừng lại rồi chạy tiếp mà chàng trai vẫn không bước lên. Mãi tới khi chuyến cuối cùng chạy qua, anh mới lầm lũi đi bộ tới quảng trường. Chiều hôm đó, hàng trăm người có mặt tại quảng trường đã ngạc nhiên khi thấy một chàng trai bật khóc nức nở dưới tán sồi vàng rực bởi hàng trăm dải ruy băng…(theo Làng Xì Trum)

Vẫn chuyện cây sồi. Bây giờ là cây sồi 500 tuổi. Ðây là ‘bưu điện’ cổ kính của những lá thư yêu thương, nơi người cô đơn tìm hạnh phúc. Bạn đang tìm kiếm một nửa yêu thương của mình? Bạn có thể gửi bức thư tình tới địa chỉ:

Bräutigamseiche

Dodauer Forst

23701 Eutin, Ðức

Nếu bạn tìm được ý trung nhân cho mình tại đây, chắc chắn đó sẽ là một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Xin lưu ý: Ðường đến cây sồi như sau: Men theo đại lộ B76 từ Eutin đến Plön, rẽ phải tại nhà máy rượu Alex Münster và bạn sẽ thấy một biển chỉ dẫn về phía cây bên trái. Nghe có vẻ hài hước đúng không? Nhưng sự thật là trong hơn một thế kỷ qua, cây sồi 500 tuổi bên ngoài thị trấn Eutin, Ðức đã trở thành trung tâm kết nối những người độc thân trên thế giới và nhờ đó đã có ít nhất 100 cuộc hôn nhân diễn ra.

Cây sồi số 9 – Trịnh Cung

o O o

Vào một chiều Ðông lạnh, ở phía sâu trong khu rừng Dodauer thuộc miền Bắc nước Ðức, người bưu tá mặc bộ quần áo vàng tươi đang một mình băng qua khu rừng. Anh bước đến bãi cỏ, lục lọi từ trong túi của mình một phong thư màu tím rồi leo lên bậc thang gỗ cao 3m đặt trong cây sồi 500 tuổi. Hôm nay, anh chỉ có một phong thư tại đây. Nó của một người phụ nữ 55 tuổi có tên là Denies ở Bavaria, cô ấy hay cười và yêu thiên nhiên. Cô ấy hy vọng tìm được người hợp ý. Tiếp theo Denies còn nhiều người nữa: Marie từ Brandenburg muốn tìm một người đàn ông biết nhảy; Heinrich từ Saxony muốn tìm người bạn đồng hành trong chuyến du lịch của mình; Liu đến từ Thạch Gia Trang Trung Quốc muốn biết liệu có người phụ nữ Ðức nào muốn kết bạn với một người Trung Quốc. “Ðó là một điều kỳ diệu và lãng mạn”, Karl – Heinz Martens, 72 tuổi nói. Trong suốt 20 năm qua, Martens là người đưa thư, mang những hy vọng của mọi người đặt tại nơi nó cần đến.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Bây giờ xin nói đến tình yêu của bà Val Theroux, 64 tuổi, ở Canada, dành cho cây sồi của nước Anh. Hơn 5 năm qua, mỗi năm bà vượt chặng đường dài 11 nghìn km đi thăm cây sồi người yêu của bà. Chia sẻ cảm xúc về cây sồi, bà Val cho biết: “Khi lần đầu tiên nhìn thấy cây sồi, tôi đã có một cảm giác gì đó rất đặc biệt. Tôi bắt đầu yêu từ đấy và kể từ khi trở lại Anh một năm sau đó, năm nào tôi cũng bay đi bay lại để thăm người yêu của mình”. Với bà Val, tất cả các cây đều có năng lượng giống như con người. Bà coi cây sồi đó như một con người, có thể khiến bà bị cuốn hút và nhớ nhung. “Ðầu tiên, tôi coi cái cây như một thiếu niên nhưng tính cách của nó đã trưởng thành rất nhiều trong hơn 12 tháng qua”. Người phụ nữ kỳ lạ này còn thích được ở một mình bên cạnh cây sồi vào mỗi buổi sáng. Bà nói: “Tôi đến đây chỉ để ngắm nó. Nếu ở đây một tuần, tôi sẽ đến với nó tất cả các ngày và dành vài giờ trong ngày để chơi với nó”.

Họa sĩ Trịnh Cung của chúng ta cũng đặc biệt yêu những cây sồi tình cờ phát hiện thấy ở thành phố Arcadia, California, trong những ngày lang thang theo mây trời. Ông nói những cây sồi ở đây mang dáng dấp con người một cách kỳ bí. Chúng đã gây ám ảnh và xúc cảm mạnh khiến ông đã vẽ và viết về chúng. Một trong những bức vẽ bằng chì than ấy, bức số 9, Trịnh Cung đã dành riêng tặng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng khi biết bạn mình đang lâm bệnh ngặt nghèo như một lời cầu nguyện tốt đẹp cho bạn. Và với “Huyền Thoại Cây Sồi Già và Người Ðàn Ông Duy Nhất,” dùng hình thức của chuyện cổ tích, Trịnh Cung mô tả cây sồi như một biểu tượng của sự sinh tồn bất diệt, của tự do và yêu thương thủy chung dù trong bão tố, trong địa chấn hay trong khốn cùng.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Cô nhà thơ Lâm Tử Viên cũng đặc biệt yêu cây sồi và cô đã làm thơ về nó. Với Nguyễn này, cây sồi là văn chương nghệ thuật, là tình yêu không nhạt phai. Dạo này, mỗi chiều từ phố về, Nguyễn đều nhìn thấy vầng trăng trên ngọn sồi già. Nó gợi cho mình biết bao cảm xúc thẩm mỹ và ý nghĩ nhân sinh. Như đêm nay…

đêm nay

trên đường về

anh lại nhìn thấy trăng lên

trên ngọn cây sồi

đầu ngõ

ôi. vầng trăng. thiền sư

và cây sồi

qua bao mùa gió dữ

bão tuyết

mưa sa

vẫn đứng

trầm tư. trong cõi người

như từ cổ sử

ôi. cây sồi của tôi

TN – Tổng hợp