Hàng loạt các cuộc xuống đường đã nổ ra tại nhiều thành phố khắp nước Mỹ trong tuần lễ qua. Tính đến ngày 1/6 đã có hơn 70 tỉnh thành có biểu tình, bắt đầu tại Minneapolis, Minnesota.

Một nhóm người biểu tình gần Tòa Bạch Ốc hôm thứ Bảy đã khiến Tổng thống phải được đưa xuống hầm trú ẩn khoảng một tiếng đồng hồ. ảnh: alex brandon/AP     

Vào ngày 25 tháng 5, một người đàn ông da đen tên George Floyd, 46 tuổi, đã bị một nhóm cảnh sát viên ở Minneapolis bắt vì bị tình nghi dùng tờ giấy bạc giả trị giá $20. Trong quá trình bắt giữ George Floyd, cảnh sát viên Derek Chauvin đã đè đầu gối lên cổ anh ta gần 9 phút đồng hồ trong khi George Floyd cầu cứu và rên la “Tôi không thở được. Cả người tôi đang đau nhức. Làm ơn ngừng tay.” Sau khi Floyd bất tỉnh khoảng 3 phút thì Chauvin mới ngừng không đè cổ anh ta nữa. George Floyd qua đời. Bốn cảnh sát viên bị khiển trách, cấm không cho làm việc nhưng vẫn được ăn lương trong khi nhà chức trách điều tra. Một ngày sau họ bị đuổi việc nhưng không ai bị buộc tội. Cách giải quyết này của sở cảnh sát đã gây làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng Minneapolis, dân chúng bắt đầu xuống đường đòi công lý cho George Floyd. Mãi đến ngày 30/5 Chauvin mới bị bắt giam và buộc tội ngộ sát.

Cảnh sát cùng người biểu tình quỳ gối trong sự thông cảm lẫn nhau tại Portland, Oregon hôm tuần rồi. ảnh: ryan ao

Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra tại một số thành phố khác, nơi cũng từng có những vụ cảnh sát hoặc người da trắng bạo hành người da đen mà không bị pháp luật trừng phạt. Chẳng hạn như vụ Ahmaud Arbery bị hai cha con Mỹ trắng bắn chết ở Georgia hồi tháng Hai trong khi đang chạy bộ, hay vụ nhân viên cứu thương Breonna Taylor bị cảnh sát bắn chết tại nhà riêng ở Kentucky hồi tháng Ba… Và còn rất nhiều trường hợp khác.

Một nhóm thanh niên đập cửa kính một nhà hàng ở Los Angeles để ăn cắp … mấy chai rượu! ảnh: wally skalij

Mặc dù đa số các cuộc biểu tình đều khởi đầu trong ôn hòa, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng bạo loạn, đập phá, hôi của. Thị trưởng những thành phố lớn như Dallas, Los Angeles, Chicago, Philadelphia, Minneapolis, Pittsburgh, Seattle… đã ban hành lệnh giới nghiêm cuối tuần qua để kiểm soát tình hình và bảo vệ cư dân và doanh nghiệp trong vùng.

Một phụ nữ không lùi bước trước cảnh sát San Jose ngày 29/5. ảnh: ben margot/AP

Đồng thời, có nhiều dấu hiệu cho thấy một số nhóm cực đoan đang lợi dụng tình hình rối ren để gây thêm bạo loạn. Trên các trang mạng xã hội đang xuất hiện nhiều lời kêu gọi thành viên hãy đến nơi biểu tình để gây rối và đập phá. Riêng tại Minneapolis, cảnh sát cho biết gần 80% những kẻ bị bắt giữ không phải là cư dân trong vùng. FBI đang vào cuộc điều tra.

Cảnh sát quỳ cùng người biểu tình trước tòa án Spokane, Washington. ảnh: colin mulvaney

Tổng thống Trump cũng lên tiếng và gọi các nhóm Antifa có dính líu đến bạo loạn là ‘khủng bố’ (Antifa là một phong trào chống Fascist). Ngoài Antifa ra còn có sự tham gia của những nhóm cực hữu được trang bị súng ống với phương châm “Boogaloo” (mật hiệu cho một cuộc nội chiến thứ nhì.)

Một xạ thủ dùng cung bắn người biểu tình ở Salt Lake City, Utah. Ông ta đã bị đám đông vây đánh và sau đó đốt xe. nguồn: twitter

Và như thể tình hình không thể phức tạp hơn, một số hình ảnh cảnh sát dùng võ lực một cách vô lối tại các khu vực biểu tình đã được tung lên mạng, làm cho làn sóng phẫn nộ càng tăng cao. Tuy nhiên, tại một số nơi cũng có những hình ảnh cực đẹp, như cảnh sát viên quỳ gối trước đám đông để chứng tỏ họ cũng đồng cảm với nỗi tức giận của cư dân, hay người biểu tình vây quanh một cảnh sát viên để bảo vệ anh ta khi bị đám đông tấn công. Giới quan sát cho biết các cuộc xuống đường này có thể so sánh với những vụ biểu tình thời chiến tranh Việt Nam, nếu không dám nói là tệ hơn.