Ngày 6-5, vụ án tử tù Hồ Duy Hải được Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân Dân Tối cao Việt Nam mở phiên xét xử tại Hà Nội theo thủ tục giám đốc thẩm.  Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình, làm chủ tọa phiên xét xử và Hội đồng thẩm phán có 17 thành viên.

Theo báo chí trong nước, phiên tòa dự kiến sẽ xử trong 3 ngày. Trong trường hợp những nội dung kháng nghị chưa được làm rõ hết trong thời gian dự kiến ba ngày thì phiên xử có thể kéo dài thêm.

Luật sư Trần Hồng Phong, mời tham gia 3 ngày diễn ra phiên xử này. Ngay trong buổi sáng 6-5, ông đã trình bày những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng khi hồ sơ vụ án bị “rút bớt” – nhất là lời khai của nhân chứng quan trọng Phụng Hiếu (người đầu tiên tiếp cận hiện trường), nhân chứng Đinh Vũ Thường… Đặc biệt, hồ sơ về nhân vật tên Nghị đã biến mất. Tiếc là luật sư Phong chỉ được dự 30 phút và bị đuổi ra khỏi tòa. Tòa cho rằng, các buổi còn lại họ sẽ làm nội bộ, không cho ông Phong tham dự như lời mời ban đầu.

Bản thân Hồ Duy Hải không được triệu tập đến phiên xử như trong hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm trước đây. Mẹ của anh Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị  Loan, cũng như thân nhân không có giấy tham dự phiên xử. Bà Loan không được vào sân tòa. Bà cũng không được đứng gần cổng.

Tại phiên xét xử, điều tra viên thừa nhận có sơ suất trong khám nghiệm hiện trường.

Vào cuối năm 2019, Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên  tử hình về tội ‘giết người, cướp tài sản’ đối với anh Hồ Duy Hải trước đây.

Gia đình tử tù Hồ Duy Hải suốt 13 năm đã đi kêu oan khắp nơi cho anh. Một số tổ chức nhân quyền quốc tế và đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đã lên tiếng kêu gọi việc điều tra lại vụ án vì nhiều những sai phạm trong điều tra trước đó.

Tên của Hồ Duy Hải bị viết sai trong quyết định bắt khẩn cấp –  Ảnh: Facebook 

Nguồn tin: Tổng Hợp