Nông sản, thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc, luôn chiếm tỉ trọng khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản mỗi năm.

Theo báo đầu tư, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 41.41 tỷ USD. Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là thuỷ sản (1.23 tỷ USD), nông sản (2.429 tỷ USD), hạt điều (590 triệu USD), cà phê (101 triệu USD)…

Do vậy, khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới bị bùng phát từ Trung Quốc. Việc nước này quyết định đóng cửa biên giới để ngăn ngừa phát tán dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ một số hàng nông sản tại Trung Quốc đã chững lại – đã khiến nông sản Việt gặp khó khăn vì từ lâu đã quá lệ thuộc vào thị trường này.

Nhu cầu giảm cộng với việc đóng cửa giao dịch đã đẩy nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đang vào vụ gặp khó, nhất là khi nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay chỉ có thể xuất khẩu qua cửa khẩu phụ. Một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cung cấp cho Thành phố Vũ Hán buộc phải hủy đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona.

Tại Long An, đợt thu hoạch thanh long đúng vào dịp các cửa khẩu với Trung Quốc tạm đóng cửa, khiến giá thanh long giảm chỉ còn khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, riêng đợt thu hoạch thanh long ruột đỏ chính vụ tại Long An và Tiền Giang từ nay tới đầu tháng 3 sẽ thu hoạch hơn 80.000 tấn, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Tại Bình Thuận, gần 100.000 tấn cũng trong thời kỳ thu hoạch.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, trong cuộc họp của Bộ Nông nghiệp hôm 3-2, cho biết rằng, “hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe trái thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. Điều đáng nói, thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên, bình quân mỗi ngày 20-30 xe container” . Đã có hàng trăm container trái cây khác, nhất là thanh long, vận chuyển sang Trung Quốc đã phải quay đầu trở về. Một số kêu gọi ‘giải cứu’ và chấp nhận bán tháo tại Hà Nội.

Giá dưa hấu nội địa hiện cũng chỉ còn ở mức 1.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân không muốn thu hoạch. Hàng ngàn ha dưa hấu đang trong nguy cơ thối nẫu ngoài ruộng. Không chỉ thanh long, dưa hấu, mà theo báo Thanh niên, mít, cua biển cũng đang rớt giá thê thảm.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đánh giá, nếu dịch viêm phổi do virus corona gây ra kéo dài, việc thông thương qua cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế, chắc chắn lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn trong thời gian tới.

Còn những giải pháp như chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, phối hợp doanh nghiệp logistics bảo quản trái cây, vận động chủ hàng trao đổi cư dân sang xuất khẩu chính ngạch… mà Bộ Công Thương đưa ra; hay điều chỉnh một số cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và lợi thế của từng địa phương mà Bộ Nông nghiệp đưa ra trong cuộc họp ngày 3-2 thực ra đã từng được đề cập đến nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa được như mong muốn.

Và bởi vậy, bài ca ‘giải cứu nông sản’ mà trước đây, khi chưa có dịch thi thoảng cũng được đưa ra, nay càng trở nên thống thiết hơn.

Ảnh: HOANG DINH NAM/GETTY IMGAES