Bài: Trân Phương – Ảnh: Cẩm Tú

Nghe đến danh trường Kỹ Sư Phú Thọ, người Việt mình ai cũng biết đó là nơi đào tạo những tài năng của thời Việt Nam Cộng Hòa. Thi tuyển vào trường này khó hơn thi vào Y, Dược, Nha Khoa nhiều vì trường đòi hỏi những bộ óc sáng tạo, những suy nghĩ có nền tảng, những lý luận sắc bén để đào tạo ra những kỹ sư đa ngành. Thí dụ như ngành điện, hóa, công nghệ, hàng hải, công chánh…  Ít người (như tôi) biết đến tên “trường Kỹ Sư Công Nghệ”. Nói cho chính xác thì trường Kỹ Sư Công Nghệ là một ngành, và nằm trong khuôn viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ nên hầu hết người dân thường gọi chung là Kỹ Sư Phú Thọ. Với chương trình học 4 năm, các sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về nhiều ngành, nghề chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của nền Công, Kỹ nghệ đang phát triển vào thời gian đó.

Ông Nguyễn Đắc Ứng (Canada), trưởng Ban Điều Hợp đọc lá thư tâm tình của cựu Phó Giám Đốc Bùi Tiến Rũng gửi đến đồng môn

Áp dụng theo phương thức và chương trình của “École National D’lngenieurs Des Arts Et Metier”, từ Pháp quốc, trường Kỹ Sư Công Nghệ Việt Nam được thành lập năm 1956 tại Sài Gòn. Trực thuộc Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa. Hoạt động được 19 năm, cho đến tháng Tư năm 1975, khi Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay Cộng Sản, trường đã đào tạo được 458 Kỹ Sư Công Nghệ với 16 khóa hoàn tất và ba khóa 17, 18, 19 đang học dở dang.

Phóng viên Trẻ đang theo dõi chương trình

Sau nhiều năm ly hương, Đại Hội Kỹ Sư Công Nghệ họp mặt lần thứ nhất tại San Jose, California năm 2006 với 120 người tham dự. Từ lần gặp gỡ này ý tưởng thành lập hội Ái Hữu Kỹ Sư Công Nghệ đã thành hình với mục đích tạo điều kiện gặp gỡ giữa các hội viên và nhân viên, ban giảng huấn, cùng các cựu sinh viên của trường để giúp đỡ nhau về mặt vật chất cũng như tinh thần. Ngoài ban điều hành, hội còn có ban cố vấn, ban đại diện các vùng (Âu, Á, Úc Châu), các miền (Đông, Tây Hoa Kỳ). Và năm nay, 2019, Đại Hội Kỹ Sư Công Nghệ tổ chức lần thứ 9 tại Orlando, Florida do CN8 (công nghệ khóa 8) do ông Phó Quốc Uy làm trưởng ban tổ chức.

Ban chấp hành KSCN nhiệm kỳ trước và được tín nhiệm luôn cho nhiệm kỳ mới

Chương trình sinh hoạt của Đại Hội Công Nghệ gồm 3 ngày chính thức, bắt đầu từ 18 đến 20 August, 2019. Để lôi cuốn người tham dự, ban tổ chức đã thêm vào hai sinh hoạt bên cạnh như đi thăm Bahamas bằng du thuyền 5 ngày, 4 đêm trước khi đại hội bắt đầu và 5 ngày sau đại hội để giới thiệu những nơi đặc biệt của Florida như Trung Tâm Không Gian Kennedy Space Center tại Merritt Island; Air Boat Ride ở Everglades Safari Park;  thăm vườn trái cây nhiệt đới ở Miami; viếng di tích lịch sử St. Augustine; thăm điểm cuối cùng của Florida là Key West, còn được gọi là “Mile Zero”. Từ điểm này, bạn có thể nhìn thấy lờ mờ nước Cuba từ xa trong những ngày trời quang đãng cũng như chiêm ngưỡng cảnh mặt trời “trôi” từ từ xuống dưới nước đẹp tuyệt vời hay ngắm mặt trời  mọc như một cái “mâm đồng” vàng chói  “hiện” lên bầu trời tinh sương trong tĩnh lặng của buổi sáng sớm…

Bên trong khán phòng của Holiday Inn Resort

Để dễ dàng trong việc tổ chức đại hội, thông tin, liên lạc, thắt chặt tình thân ái giữa các đồng môn, hội Ái Hữu KSCN do ban điều hành đương nhiệm gồm Hội Trưởng Nguyễn Hùng Quân (CN17), Phó Đỗ Quốc Hy (CN18), Tổng Thư Ký Phạm Văn Hiếu (CN18), và Thủ Quỹ Đỗ Huỳnh Hổ (CN11).

Tại bàn của ông bà cựu giám đốc Trần Kiêm Cảnh

Tiền Đại Hội, 18 tháng 8:

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Sau khi ghi danh, nhận bảng tên, nhận áo kỷ niệm, các KSCN thăm hỏi người cũ, gặp gỡ người mới, tay bắt, mặt mừng hàn huyên, tha hồ tâm sự.

Ca sĩ Tuấn Minh và ban nhạc “Điếc Con Ráy” giúp vui văn nghệ

Phần nghi thức bắt buộc phải có như Chào Cờ Việt Mỹ, phút Mặc Niệm rất trang nghiêm và trang trọng. Chưa khi nào tôi thấy chương trình của hội đoàn nào tổ chức được đúng giờ như KSCN. Hoan nghênh ban tổ chức. Thêm một điểm son nữa, các vị “vác ngà voi” đã đồng ý tiếp tục hy sinh khi được quý đồng môn lưu nhiệm. Ngoại trừ ông Thủ Quỹ (cũ) đã cong lưng vì xách nặng nên “nhường bọc tiền” cho CN Nguyễn Đình Thông (mới) xách tiếp. Xong phần bầu cử ban điều hành, mọi người hăng say bầu tới luôn cho CN ở California trách nhiệm tổ chức đại hội lần thứ 10.

Ban văn nghệ gửi đến người nghe bản hùng ca Hát Cho Ngày Sài Gòn Quật Khởi

Sang ngày chính của Đại Hội 19 tháng 8:

Vẫn chính xác giờ giấc, hậu duệ Brandon trong phần nghi thức, cháu nội của CN Phó Quốc Uy, mới 12 tuổi, đã tự chơi Guitar và hát bài Quốc ca VNCH  trong sự thán phục và nhận được lòng yêu mến của các ông, bà khán giả. Một phần quan trọng nữa là chụp hình lưu niệm. Đến từ nhiều quốc gia, từng nhóm CN đã lên chụp hình. Từ Sydney, Úc Châu, có 14 người với trưởng nhóm là CN13 Võ Ngọc Minh; cũng là cựu trưởng ban tổ chức đại hội 8 kỳ trước. Khi được hỏi về sinh hoạt của KSCN tại Úc, CN Minh đã vui vẻ cho biết vẫn họp mặt vào mỗi 3 tháng. CN Minh nguyên là cựu giảng viên ngành Hàng Hải đã bị tù cải tạo và đã vượt ngục. Vừa đặt chân đến trại tỵ nạn Pulau Bidong, CN Minh đã xin với Cao Ủy LHQ trợ giúp thành lập trường huấn nghệ đầu tiên cho người tỵ nạn tại Mã Lai. Các lớp dạy nghề điện lạnh, máy nổ, động cơ xe hơi… đã giúp rất nhiều cho người sắp hội nhập vào xã hội mới ở Âu, Mỹ. Vừa xử dụng thời gian trong khi chờ định cư một cách bổ ích, vừa có được tay nghề vững chắc trong tương lai. Bước mở đường đáng trân quý này chắc mọi người sẽ mãi không quên.

Dàn phóng viên đông đảo

Theo đúng chương trình, lúc 6:50, trưởng ban tổ chức CN Phó Quốc Uy khai mạc bằng những lời ngắn gọn và cho biết nhân số KSCN chỉ còn khoảng một nửa so với con số đã tốt nghiệp. CN Uy còn mơ ước các đồng môn còn sức khoẻ để về xây dựng lại một Việt Nam Tự Do, Dân Chủ. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều cầu cho mơ ước của CN Uy thành hiện thực trong một ngày không xa.

Phóng viên Trân Phương chụp hình cùng ông bà Võ Ngọc Minh, cựu giảng viên trường Kỹ Sư Phú Thọ, Sài Gòn

Tiếp đến là diễn văn chào mừng của vị CN3, Trần Kiêm Cảnh, một người có mặt từ những ngày đầu của hội Ái Hữu KSCN, người giám đốc cuối cùng của trường KSCN (năm 1975). Dù đã quá bát tuần, tuổi già nhưng tâm hồn luôn tươi trẻ, đến từ Paris, vẫn tiếp tục sinh hoạt với đồng môn trong những năm qua. Sau lời cám ơn ban tổ chức, CN Cảnh không quên lời cám ơn sự hưởng ứng của các KSCN đã đến đây họp mặt, chung vui để nhớ lại một thời nhiều kỷ niệm. Niềm vui xưa của vị cựu giám đốc KSCN này là ngày cuối niên học, khi các tân kỹ sư tốt nghiệp.  Vui vì biết sẽ có thêm nhiều bàn tay đóng góp vào sự kiến thiết đất nước, canh tân xứ sở.

Nơi gia đình cô Tuyết Mai và bạn hữu gặp nhau

Vừa ăn tối, vừa thưởng thức chương trình văn nghệ. Ban hợp ca hùng hậu với các CN đẹp mắt trong những chiếc áo dài muôn màu của “dâu công nghệ” với những bài hát đấu tranh “Hát Cho Ngày Sài Gòn Quật Khởi và Quyết Không Nô Lệ Tàu” của ca, nhạc sĩ Nguyệt Ánh mang lại một bầu không khí phấn khởi cho một buổi tối đầu tuần. Ai cũng bật cười khi người điều hợp chương trình giới thiệu tên ban nhạc “Điếc Con Ráy” đang hăng say trình diễn. Ngoài ca sĩ Tuấn Minh mà tôi biết mặt, biết tên còn toàn là “cây nhà là vườn”. Tưởng là toàn những “Sư”(kỹ) ai dè quý vị này kiêm luôn cả “Sĩ”(ca). Nghề kỹ sư hay ca sĩ, đờn sĩ đều nhuần nhuyễn. Sau những bài hùng ca trong phần đầu, phần sau là những bản tình ca để mọi người tiêu thụ năng lượng và để cho không khí khán phòng êm dịu. Trong lúc các cặp đang tay trong tay dìu nhau trên sàn nhảy tôi lặng lẽ rời phòng vì “đường về xa quá, người ơi!”.

Tiếp viên của nhà hàng Hao Wah dọn thức ăn lên bàn

Chương trình của ngày mai là picnic, tắm biển tại jetty Park, Cape Canaveral từ sáng đến chiều. Từ chiều đến khuya đi downtown Disney. Một ngày dài. Cầu chúc mọi người sức khỏe để hưởng những ngày vui bên nhau.

Gia đình ba thế hệ của cựu giám đốc Trần Kiêm Cảnh trước sân khấu

Niềm vui quanh bàn rượu

“Tụi tui trẻ hoài nhờ nụ cười này đó!”

Các đồng môn và các quý bà hàn huyên tâm sự

Những câu chuyện đời

Các ông bà cựu KSCN trong vai người mẫu

Riêng một góc… bàn

Điều không thể thiếu trong những lần họp mặt

“Tui chụp đủ mặt hai người rồi đó nghen!”

Thay mặt BTC tôi “long trọng” tuyên bố “không say – không dzìa!”

Khi các chiến hữu lâu ngày gặp lại

Một phút riêng tư

“Nhìn về hướng tay tụi tui chỉ hén!”

“Cái phone sao bây giờ nặng dzữ cà?”

Bé Brandon trong một bản nhạc được khán giả yêu cầu

Đêm dạ vũ bắt đầu

Trân Phương