Bài: Trân Phương
Ảnh: Cẩm Tú
Bao nhiêu năm qua, hiếm khi mới có ngày đầu năm, mùng 1 Tết, rơi đúng cuối tuần như năm nay. Ngày đầu Xuân Canh Tý nhằm thứ Bảy ngày 25, tháng 1 năm 2020. Còn nằm trong tháng 1 Tây nên có thể nói là năm nay Tết đến sớm.
10 giờ sáng, tôi xuất hành về hướng Tây, không thể theo “Tam Tông Miếu” dù “quẻ” bói nên đi hướng khác vì chỉ một con đường “one way” để đến Central Florida FairGround, nơi mà Giáo Xứ Thánh Philipphê Phan Văn Minh dùng làm nơi tổ chức Tết đã nhiều năm qua. Năm nay, lần thứ 28, Hội Tết Về Nguồn có chủ đề Hồn Quê. Tôi rời nhà sớm, khi sương mai đã tan, mặt trời đang từ từ lên phía sau xe mang theo ánh nắng của buổi bình minh báo hiệu một ngày ấm áp, thật đẹp trời cho Orlando nói chung và cho hội Tết nói riêng. Chưa đến giờ khai mạc nhưng người người từ các nơi đang đổ về. Chỗ đậu xe gần đường đã kín. Phải vòng đến dãy thứ 3 mới có chỗ. Hú vía!
Đập vào mắt mọi người là một tác phẩm nghệ thuật. Chú Chuột đan bằng tre chễm chệ ngồi trên cột cao của cổng vào chợ Tết. Bà con tha hồ tạo dáng chụp hình với “Tý lớn” (nếu đặt dưới đất Chuột sẽ bự hơn một vòng tay ôm nhiều). Biết mình “không xinh” bằng “người mẫu” Chuột nên tôi bỏ mục chụp hình, trốn ngay vào chợ Hoa. Mai, Lan, Cúc, (Không thấy Trúc) đủ màu đủ sắc. Tôi ôm về một nàng Lan có hai bông màu tím đỏ thật đẹp và có mùi thơm dìu dịu. Quên mất cái tên dù ông Khang, chủ “gánh hàng hoa” (không phải Khái Hưng nhé) đã nói và dặn đi dặn lại cách chăm sóc thật “nguy hiểm” là để “mặc” Lan cho gió, cho sương “trông nom”. Đừng “tưới tắm” gì cả. Tôi tạm gửi lại cây Lan ở đó để đi chợ Tết.
Ngay từ cửa vào là quầy bán vé số. Trước là mua vui, xem sự may mắn của mình tới đâu trong năm mới, tôi mua tấm vé số. Không trúng thì xem như góp chút xíu cho ban tổ chức. Cũng là niềm vui. Trên sân khấu, MC Kim Tân, một khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng, đảm nhiệm phần tổng quát, đang mời mọi người vào ghế ngồi. Ngoài ra còn có nữ MC duyên dáng Thùy Vân đến từ Wichita, Kansas và Mai Toàn, với giọng nói trầm ấm đã hướng dẫn phần nghi thức với Lễ Chào Cờ Việt Mỹ, phút Mặc Niệm. Tiếp đến là nghi thức Tế Lễ và Niệm Hương trước bàn thờ Tổ quốc. Theo sau phần nghi lễ là mục giới thiệu thành phần quan khách tham dự gồm đại diện các hội đoàn, đoàn thể tôn giáo, chính trị, cơ quan truyền thông, báo chí… Đặc biệt, ông Robert Stuart, Commissioner of city of Orlando, district 8 đã lên sân khấu chúc tết đến cộng đồng người Việt Orlando. Kế đến là diễn văn chào mừng và chúc tết của Bác Sĩ Trần Chính Trực, thay mặt Ban Tổ Chức Hội Tết Về Nguồn Xuân Canh Tý.
Linh Mục Giuse Nguyễn Thanh Châu, Chánh Xứ Giáo Xứ Thánh Philipphê Phan Văn Minh với lời chúc Xuân đến quan khách hiện diện và tuyên bố khai mạc Hội Tết Về Nguồn với phần Múa Lân và Đốt pháo bên ngoài hội trường liền sau đó.
Đội Lân với những bài múa nhịp nhàng, uyển chuyển rất đẹp mắt của các em Thiếu Nhi Thánh Thể (càng ngày càng nhuần nhuyễn sau nhiều năm trình diễn) đã được mọi người vỗ tay khen ngợi. Tiếng pháo nổ rộn rã vang vọng trong không gian, hương pháo mang niềm ấm áp đến mỗi người, xác pháo được dịp tung bay trong gió xuân. Mọi người như quên hết những buồn phiền lo âu trong năm cũ để đón chào Xuân mới, hy vọng một năm an vui, hạnh phúc sẽ đến với nụ cười trên môi và lời chúc lành đến lẫn nhau. Tay bắt, mặt mừng, gặp ngay chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ (CQĐ) Chu Quang Điện, tôi – trong vai trò phóng viên Trẻ (PVT) làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng.
PVT: Làm cách nào để Hội Tết Về Nguồn (HTVN) chọn được đúng ngày 1 Tết (ta) vào cuối tuần như hôm nay?
CQĐ: Không có lựa, chọn gì đâu. Chỉ là sự trùng hợp may mắn thôi. Khi ghi tên giữ chỗ cho ngày tổ chức, Giáo Xứ đã chọn thứ Bảy (và Chúa Nhật) của tuần lễ cuối cùng trong tháng 1 Dương lịch liên tiếp trong 5 năm liền để có được giá đặc biệt. Vì thế có khi Hội Tết Về Nguồn được tổ chức trước Tết (ta) 1 hay 2 tuần, hoặc cũng có thể là sau Tết ta (tùy vào ngày của Dương lịch đã giữ trước đó).
PVT: Tên “Hội Tết Về Nguồn” từ đâu ra và hình như đã có mặt ở Central Fair Ground lâu lắm rồi phải không?
CQĐ: Tên “Hội Tết Về Nguồn” “ra đời” từ Cha Châu và được tổ chức lần đầu tiên và nhiều năm sau tại hội trường Giáo Xứ St. Charles Borromeo nằm trên đường Edgewater, Orlando. Vì khi ấy, những năm 1993, 1994 gì đó, ngườì Việt mình chưa đông lắm. Càng ngày đồng hương di chuyển về vùng nắng ấm, tình nồng này càng nhiều. Hội trường của St. Charles trở nên quá chật chội nên Giáo Đoàn Việt Nam (khi đó chưa trở thành Giáo Xứ) mới mướn chỗ tổ chức Tết ở FairGround với diện tích khoảng 20 ngàn Sqft. Chỉ sau đó vài năm dân số Việt Nam gia tăng nhanh hơn nữa nên HTVN chuyển sang hội trường lớn gấp đôi – 40 ngàn Sqf – cho đến nay.
PVT: Năm 2020 là lần thứ 28, có nghĩa là sau nhiều năm tổ chức HTVN thì có lẽ ban tổ chức phải “thâm niên” lắm?
CQĐ: Nếu hiểu theo nghĩa nhiều “tuổi của hội chợ” thì đúng. Còn hiểu theo nghĩa nhiều “tuổi của ban tổ chức” thì không. Mỗi năm lại có một ban tổ chức mới. Nói cho vui thế chứ thật ra HTVN do tất cả các giáo dân góp công, góp của, chung tay, đồng lòng làm việc. Ban tổ chức thật ra cũng từ giáo dân mà ra. Riêng chức trưởng ban thì do hội đồng tài chánh “chọn mặt”. Năm nay ông Trần Ngọc Lê Vũ làm trưởng ban với sự giúp sức của rất nhiều ban như: Ẩm thực, kiến trúc, an ninh trật tự, văn nghệ, tiếp tân, gây quỹ, trò chơi… Đôi khi mọi người cũng thay “show”, ví dụ như chạy từ việc phục vụ trong ban tiếp tân năm ngoái sang ban ẩm thực năm nay (cười vui).
PVT: Có lẽ ban ẩm thực cần nhân sự nhiều và bận rộn nhất ?
CQĐ: Nhờ kinh nghiệm nhiều năm nên phần phân phối các gian hàng ẩm thực tương đối đầy đủ. Mỗi “quán” bán một loại thức ăn khác nhau. Thức uống cũng thế. Mọi sự chi, thu đều là ngân quỹ của Giáo Xứ nên các hội đoàn trong Giáo Xứ có nhiệm vụ phụ trách một quán hàng. Đi một vòng sẽ thấy nào là hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Liên Minh Thánh Tâm, Hiệp Sĩ Kha Luân Bố, trường Giáo Lý Việt Ngữ, Ca đoàn Thánh Gia… Các gian hàng ăn chia ra hai bên, phải và trái của sân khấu. Từ trước ngày Tết, các thức ăn đã được chuẩn bị theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh của thành phố nên rất cần người. Người nấu, người bán, người dọn dẹp. Chính xác là ban ẩm thực luôn luôn “tuyển” thiện nguyện viên. (lại cười). Bận rộn thì trong hai ngày hội Tết, ai cũng như ai, thấy việc là làm, Hết giờ “đóng bộ” lúc khai mạc xong thì mặc vào quần áo đồng phục “chạy bàn” sau đó. (đúng như tôi đã thấy Phó chủ tịch Tuấn kiêm “lon ton” đi dọn bàn).
PVT: Xin cám ơn sự chia sẻ của ông chủ tịch. Tinh thần phục vụ của giáo dân ở đây thật đáng nể phục. Chính vì thế mà HTVN càng ngày càng phong phú, tốt đẹp và được phổ biến mạnh mẽ không những trong cộng đồng người Việt mà cả với người bản xứ Hoa Kỳ.
“Công tác” xong, tôi đứng xếp hàng mua bánh cuốn nhân thịt tráng tại chỗ để ăn trưa. Hàng thật dài nhưng chờ không lâu vì thức ăn đã bỏ sẵn trong hộp để chờ người mua trả tiền đem ra bàn ngồi ăn. Mua thêm ly nước mía ở quán ông Kìa là xong bữa. Hàng bên cạnh có “món ruột” mì Quảng, rồi bún bò nóng hổi trong tiết Xuân hơi lành lạnh thật là “lý tưởng” nhưng cái bao tử tưởng là có lý lại không đủ chỗ để cho thêm bất cứ thức gì, và tôi đành đi ăn “bằng mắt”. Các gian hàng quảng cáo thương mại cũng chia ra hai bên hội trường. Bắt mắt nhất là “cây lì xì” NextHome Realty. Một ý tưởng mới lạ của Kathleen Lê. Những phong bì màu vàng, đỏ, chứa kẹo hay tiền treo đầy trên cây. Mua nhà mà có cây tiền này trồng trong sân thì phát tài nhanh là cái chắc. Một quà tặng cũng rất hay của công ty bảo hiểm First Insurance là cây viết có thể gắn điện thoại “thông minh” để đặt trên bàn nếu bận tay. Bảo hiểm Farmer tặng lịch để bàn, BB&T Bank cũng cho cây viết. Care Plus cho túi xách. Thế là tôi bỏ các món quà nhỏ vào trong túi xách thơ thới hân hoan ra về. Ghé lấy cây hoa Lan được bà chủ Trinh cho thêm trái táo, ông chủ Khang cho quả quýt vàng lườm. Đầu năm có quá xá là Lộc. Có lẽ tôi đã xuất hành đúng hướng!!!
Chúc mừng sự thành công của Hội Tết Về Nguồn năm nay. Kính chúc quý độc giả của TRẺ một năm mới an khang, thịnh vượng. Riêng những vị tuổi Tý sẽ được như “Chuột sa chĩnh gạo” nhé!