Miếng đất cộng đồng, nơi Ban Chấp Hành Cộng Đồng Việt Nam Trung Tâm Florida (BCH CĐVN/TTFL) đang vận động gây quỹ để xây dựng Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng được bắt đầu bằng đêm văn nghệ mang tên MỘT ƯỚC MƠ CHUNG đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều đồng hương.

Tại tòa soạn Trẻ (từ trái sang: Ông bà Đoàn Thảo, ông Phạm Ngọc Cửu, bác sĩ Đỗ Văn Hội, bà Xuân Lê)

Trải qua các nhiệm kỳ khác nhau, mỗi Ban Chấp Hành đã sử dụng miếng đất này theo cách này hay cách khác. Trong thời gian hạn hẹp Trẻ đã mời bác sĩ Đỗ Văn Hội (cựu chủ tịch BCH CĐVN/TTFL nhiệm kỳ 1997-1998), ông Phạm Ngọc Cửu (cựu chủ tịch BCH CĐVN/TTFL nhiệm kỳ 1992-1996), ông Đoàn Thảo (cựu trưởng ban quản trị miếng đất) và bà Xuân Lê (cựu trưởng ban cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Florida); những người đã có ít nhiều kỷ niệm gắn bó với mảnh đất thân thương này từ những ngày đầu để nghe lại những câu chuyện kể về một thời đã qua, mà không phải ai trong chúng ta cũng nhớ và biết rõ về những sinh hoạt ngày ấy…

Cuốn đặc san quý giá được ông Bửu Sao biên soạn bằng Anh ngữ năm 1999                

Vào lúc 1 giờ chiều thứ Bảy ngày 24 tháng 8 tại văn phòng báo Trẻ, ông Đoàn Thảo đã đem cho chúng tôi mượn cuốn sách BUILDING A VIETNAMESE COMMUNITY CENTER IN ORLANDO (XÂY DỰNG TRUNG TÂM SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM TẠI ORLANDO) do ông Bửu Sao biên soạn bằng tiếng Anh, xuất bản năm 1999 với những tư liệu rất giá trị (trong đó bao gồm kế hoạch xây dựng trụ sở, tài chánh và quản lý, sơ đồ của dự án, giấy tờ sở hữu đất, giấy phép xây dựng, giấy miễn trừ thuế…) . Bác sĩ Đỗ Văn Hội và bà Xuân Lê cũng chuẩn bị sẵn các hình ảnh của miếng đất lúc vừa mua xong cùng những sinh hoạt nhộn nhịp tại đó trước và trong khi lần đầu tiên tổ chức hội chợ Tết cổ truyền tại đây.

Tại buổi ký giấy tờ để mua miếng đất

Trẻ: Cám ơn bác sĩ Đỗ Văn Hội, chú Phạm Ngọc Cửu, cô chú Đoàn Thảo và cô Xuân Lê đã dành thời gian ghé thăm tòa soạn Trẻ và tâm tình với chúng tôi về những sinh hoạt của cộng đồng trên miếng đất chung  vào thời gian mới mua được. Xin quý vị cho biết từ đâu cộng đồng chúng ta đã mua miếng đất này và mục đích sử dụng là gì?

Ông Phạm Ngọc Cửu: Tôi bước chân vào cộng đồng với cương vị chủ tịch BCH vào năm 1992 khi đến với thành phố Orlando được 1 năm và làm cho đến năm 1996. Khi ấy, chúng ta không có trụ sở sinh hoạt nên việc họp hành, tổ chức các chương trình rày đây mai đó và gặp nhiều trở ngại. Ở thời điểm đó, tại Orlando có tổ chức của cộng đồng Á Châu (Asian Community), hay mời chúng ta đến sinh hoạt với họ thường xuyên, nhưng cộng đồng Việt Nam không dám mời họ đến với mình vì không có trụ sở sinh hoạt, tôi cảm thấy rất mắc cỡ. Cho đến nhiệm kỳ của BCH mới do bác sĩ Đỗ Văn Hội làm chủ tịch thì vấn đề này mới được đặt ra một cách rốt ráo.

Bác sĩ Đỗ Văn Hội (chủ tịch BCH CĐVN/TTFL nhiệm kỳ 1997 -1998) trong tiệc gây quỹ

Bác sĩ Đỗ Văn Hội: Thật ra, bất kỳ ai khi lên làm chủ tịch đều ao ước có được một nơi để sinh hoạt. Lúc đó, BCH đã bàn bạc và quyết định đi tìm mua một miếng đất để làm trụ sở và cũng đủ rộng để tổ chức các chương trình lễ hội hàng năm. Việc tìm mua miếng đất được ông Tony Lâm (realtor) tận tình giúp đỡ cùng sự nỗ lực của rất nhiều người có tâm huyết đã bỏ thời gian đi lùng sục khắp nơi. Cơ duyên đã đưa chúng tôi tìm được miếng đất này qua sự giới thiệu của ông Tony Lâm. Miếng đất 5 mẫu 1/4 này lúc đó tuy cây cối rậm rạm, rác rến khắp nơi như một bãi tha ma nhưng mọi người ưng ý vì không chỉ rộng rãi mà còn nằm kế một cái hồ lớn và cách downtown Orlando, phi trường, các cơ sở tôn giáo đều không xa. Nói chung rất thuận lợi cho đồng hương Việt Nam của chúng ta.

Cố nhạc sĩ Mã Đình Sơn trên sân khấu buổi cơm gây quỹ

Trẻ: Vậy những việc phải làm tiếp theo là gì sau khi BCH đã tìm được miếng đất ưng ý này, thưa bác sĩ?

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Bác sĩ Đỗ Văn Hội: Cái quan trọng nhất là vấn đề tài chánh. Giá của miếng đất khoảng $80,000 là số tiền không nhỏ vào lúc đó. Rất may là chúng tôi đã tổ chức gây quỹ làm hai lần. Tôi còn nhớ cuộc gây quỹ đầu tiên là tại trụ sở của mục sư Phạm Thiện và sau đó tiếp tục vận động quyên góp được cả thảy $35,000. Chuyện quyết tâm là của BCH Cộng đồng, nhưng sự thành bại là nhờ vào bàn tay đóng góp của rất nhiều nhân sĩ, mạnh thường quân và đồng hương hưởng ứng một cách mạnh mẽ.

Ca sĩ Ngọc Thanh ngày ấy

Hồi đó, chúng ta cũng gặp được người chủ đất tử tế đã cho cộng đồng trả trước 20 ngàn, mỗi tháng chỉ cần trả tiền lời với điều kiện 5 năm sau phải trả dứt nợ. Nhờ vậy mà ngày mùng 10 tháng 6 năm 1997 chúng ta đã đặt bút ký mua miếng đất này.

Kế đó là dọn dẹp. Khi chúng tôi vận động thì mọi người tới rất đông đủ, kể các anh em bên tôn giáo. Tới nơi, thấy miếng đất ai cũng khiếp vía, cây cối dữ dội lắm phải dùng máy xới, máy ủi (popcat) mới có thể bắt đầu khai phá được. Tinh thần của mọi người lúc đó rất cao, nên mỗi ngày sau giờ làm việc là kéo nhau ra để cắt dọn, nhất là các anh em ở khu Pine Hills. Đặc biệt là khi sắp sửa tổ chức hội chợ Tết 1998, anh em lại kéo nhau đến làm hàng rào, chỗ đậu xe… Sau khi nỗ lực clean up thì miếng đất nhìn khá khang trang. Sau đó chúng tôi làm lễ đặt mốc..

Dọn dẹp đất để chuẩn bị đặt cột mốc trên miếng đất cộng đồng năm 1997

Ông Phạm Ngọc Cửu: Phải nói, bác sĩ Hội là người đầu can đảm trên danh nghĩa lớn lao khi tổ chức Tết ở fairground, lần đầu tiên thi hoa hậu áo dài cho giới trẻ do cô Xuân Lê làm trưởng ban. Khi bs. Hội đặt vấn đề tổ chức Tết đó mời tôi làm điều hợp chương trình, tôi đã tham khảo rất nhiều người và tìm hiểu tấm lòng của đồng hương tại đây. Ai cũng sợ không có đủ tiền để trả nhưng không ngờ thành công vượt bực và tạo cho cộng đồng có một tư thế mới.

Xem thêm:   Oscar 2024

Trẻ: Còn cô Xuân Lê thì sao. Nghe nói cô là người đầu tiên đưa cuộc thi hoa hậu áo dài đến với thành phố Orlando. Từ đâu cô có ý tưởng đó và việc chuẩn bị như thế nào?

Hàng rào bắt đầu được dựng lên

Cô Xuân Lê: Trở lại một chút với tổ chức Tết năm 1997 (Đinh Sửu). Đó là cái Tết ở Trung Tâm Florida lần đầu được BCH của thời bác sĩ Hội tổ chức vào 2 ngày cuối tuần. Cũng vì tổ chức hai ngày nên để lấp đầy chương trình của ngày Chủ Nhật và cùng với ý nghĩa mang giới trẻ đến với sinh hoạt cộng đồng nên BTC đã quyết định tổ chức cuộc thi hoa hậu do tôi đề xướng và chọn tôi làm trưởng ban tổ chức cuộc thi này. Năm đó, chúng tôi chỉ có khoảng 1 tháng để chuẩn bị, nên mọi người làm việc hết công suất, mỗi ngày chúng tôi phải làm việc từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối mới kịp cho chương trình Tết. Tuy mệt nhưng mọi người rất hào hứng và vui lắm. Và năm sau thừa thắng xông lên, chúng tôi tổ chức tiếp cuộc thi hoa hậu “trẻ” cho dịp Tết Mậu Dần ở ngoài miếng đất cộng đồng vừa mua xong, lôi kéo rất đông đồng hương đến tham dự. Sự tổ chức lúc đó thành công ngoài công sức đóng góp của mọi người, chúng tôi còn may mắn có sự bảo trợ của viện thẩm mỹ Bích Ngọc (mỗi năm bảo trợ $5,000) và sự dẫn dắt chương trình rất duyên dáng và tài ba của nữ MC bác sĩ Minh Vân (hiện đang định cư tại Houston) và người bạn đời, nam MC Công Vinh (nay đã mất)

Công việc tuy vất vả nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi

Trẻ: Lý do gì bác sĩ và BCH nhiệm kỳ 1997-1998 tổ chức hội chợ Tết hai ngày. Quyết định này có được sự ủng hộ của mọi người lúc đó không?

Xem thêm:   Triết Gia & Danh Ca

Bác sĩ Đỗ Văn Hội: Hồi đó, khi quyết định tổ chức hội chợ Tết hai ngày ai cũng sợ, cũng can ngăn, nhiều người cho rằng chúng tôi liều lĩnh. Nhưng thật ra, chúng tôi làm việc gì cũng có tính toán và nhất là tôi đã từng có kinh nghiệm tổ chức Tết tại San Jose trước đây rồi. May mắn cho chúng tôi đó là sự yểm trợ của rất nhiều người và đặc biệt là BCH khi đó có sự tiếp sức của ông bà Bửu Sao cùng các vị đang ngồi chung với chúng ta ngày hôm nay và tất cả đồng hương. Lúc đó, chúng tôi tổ chức hội chợ Tết nếu trùng ngày thì nhà thờ họ cũng sẵn sàng nhường ngày cho cộng đồng làm trước… nên mọi chuyện rất tốt đẹp.

Chuẩn bị cho hội chợ Tết Mậu Dần năm 1998

Ông Phạm Ngọc Cửu: Cho tôi trong giây phút này được nhắc đến những người có những sự đóng góp không mệt mỏi cho mảnh đất thân thương này đã vĩnh viễn không còn ở lại với chúng ta. Trong đó phải kể đến cụ Nguyễn Quốc Quỳnh, bà Bửu Sao, vợ chồng anh Đỗ Xuân Hùng, chị Ái Khanh, anh Trần Ngọc Phụng, anh Nguyễn Huấn… Họ đã cống hiến rất nhiều cho cộng đồng, cho miếng đất đến ngày nhắm mắt.

Ông Trần Ngọc Phụng (hình trên, áo lính) cùng các tình nguyện viên, ban tổ chức đang lắp ráp và dựng cổng chào của hội chợ

Riêng bản thân tôi hồi đó khi làm trong sở, có gỗ hay đồ dư tôi đều lượm lặt và gọi bác sĩ Hội đem xe đến chở về để dành chế biến làm những đồ dùng hữu ích cho đất cộng đồng và các anh em khác nữa cũng đều làm như thế, thậm chí mọi người còn đi gom góp vỏ chai, lon bia… đi bán để kiếm thêm tiền. Đó là những kỷ niệm tuy cực nhưng có lẽ không bao giờ quên và nói như vậy để thấy bước ban đầu chúng ta gian nan và thiếu thốn như thế nào.

Cô Xuân Lê: Nhớ lại lúc đó, cộng đồng chúng ta còn để những cái lon ở các chợ và cơ sở thương mại với hàng chữ Gây Quỹ Xây Dựng Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng để đồng hương đóng góp và quan tâm đến công việc chung, mỗi tháng cũng được vài trăm, tuy không nhiều nhưng vui lắm.

Một vài hình ảnh của buổi lễ đặt mốc trên miếng đất chung

Trẻ: Dạ, chú Đoàn Thảo có thể kể thêm về những kỷ niệm trong khoảng thời gian này không?

Ông Đoàn Thảo: Thì cũng như các anh chị ở đây chia sẻ. Lúc đó trong vai trò quản trị miếng đất, tôi phối hợp rất chặt chẽ với mọi người cố gắng làm tốt nhất những gì được giao phó để không phụ lòng tin tưởng của quý đồng hương. Phải nói, nhiệm vụ và vai trò của mỗi người khác nhau, ai cũng được chia việc cụ thể nhưng khi cần bất cứ việc gì thì mọi người đều chung tay, hết sức để cùng nhau làm. Từ việc đi tìm mua đất, dọn dẹp cây cối, dựng cổng hội chợ, làm hàng rào, chỗ đậu xe, tổ chức hội chợ Tết và các sinh hoạt trên miếng đất.. thì chẳng có ai nề hà, kể cả thời gian và công sức. Còn nhớ tôi và bác sĩ Hội mượn được cái xe điện (xe chạy ở sân golf) có mặt ở mọi nơi, mình mẩy dơ dáy, mặt mũi lấm lem bùn đất, xắn tay làm mọi việc nên nhờ đó mà được các anh em tình nguyện viên, đồng hương đến giúp sức họ rất thương và sẵn sàng tiếp tay với mình

Trước cổng hội chợ Tết năm 1998

Khách mời và đồng hương gặp mặt đầu năm

Trong một buổi picnic ngoài trời tại đất cộng đồng

Cố đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh dựng cây nêu đầu Xuân

(còn tiếp kỳ 2)