Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

Người phụ nữ Việt ấy là ai?

Thưa, đó là bác sĩ Phạm Đỗ Thiên Hương, người đã dành rất nhiều thời gian để phục vụ cộng đồng Việt Nam với trái tim đầy nhiệt huyết. Với nỗ lực gìn giữ tiếng Việt trong sáng qua chương trình UMV, chị đã được Dân biểu Liên bang Harley Rouda vinh danh các hoạt động và tài lãnh đạo xuất sắc của chị, nhất là  trong việc bảo tồn di sản văn hóa của Người Mỹ Gốc Việt tại Hoa Kỳ.

BS. Thiên Hương và phu quân Phạm Đình Ngà 

Ngân Bình (NB): Trẻ hân hạnh được gặp chị, một người nổi tiếng trong nhiều lãnh vực: hướng đạo, du ca, và nhất là bảo tồn tiếng Việt tại hải ngoại. Được biết chị vượt biên đến Mỹ năm 1980, chị có thể kể lại vài kỷ niệm trong những năm đầu hội nhập với đời sống mới tại Mỹ không?

Thiên Hương  (TH): Thưa chị, tôi đến Mỹ vừa đúng lúc để chuẩn bị nhập học. Irvine High School lúc bấy giờ có rất ít học sinh VN, nhưng chúng tôi vẫn lập Hội Học Sinh VN để sinh hoạt với nhau. Chúng tôi làm báo xuân vào dịp Tết. Cùng nhau tập hát, tập múa để tham dự văn nghệ Xuân liên trường. Mỗi Tháng Tư, đều có tổ chức chương trình văn nghệ Hướng Về Quê Hương Ngục Tù.  Ngày «International National Day», chúng tôi mặc áo dài và làm chả giò để giới thiệu VN đến thầy cô và các bạn dân bản xứ. Về chuyện học hành chị cũng biết, dân mình nổi tiếng giỏi toán. Thầy và bạn Mỹ cứ «há hốc mồm», vì họ chưa bấm xong “calculator” thì mình đã có câu trả lời rồi. Một trong những kỷ niệm khó quên nhất là ngày đầu đi học ở trường Mỹ. Ông thầy dạy toán to con đến quỳ gối bên cạnh bàn học của tôi để thăm hỏi tận tình. Ở VN, làm sao có chuyện thầy giáo quỳ trước học trò. Có lẽ vì vậy, khi làm huynh trưởng, làm cô giáo, tôi cũng rất tự nhiên quỳ xuống, khi cần lắng nghe các chú Sói Con, Chim Non, hay các cô cậu học trò nhỏ.

NB: Phong trào Hướng Đạo tại Nam Cali rất mạnh mà chị là Liên Đoàn trưởng hướng đạo Hướng Việt, và gia đình đều là những thành viên, chị vui lòng cho biết đôi nét về sinh hoạt này.

TH: Tôi và “anh xã” Phạm Ðình Ngà đều là Hướng Ðạo Sinh từ hồi còn bé, trước năm 1975 ở VN. Sang Mỹ, chúng tôi tiếp tục sinh hoạt cho đến hôm nay. Vì vậy, dòng máu Hướng Ðạo đã truyền xuống các con. Cả 4 cháu đều sinh hoạt từ bé và đã trở thành trưởng Hướng Ðạo. Liên Ðoàn Hướng Việt sinh hoạt ở thành phố Irvine từ năm 2005, quy tụ 300 Hướng Ðạo Sinh tuổi từ 7 đến 21. Các em sinh hoạt song song cả hai chương trình của Hướng Ðạo VN và Hướng Ðạo Hoa Kỳ. Hiện, tôi là Trưởng Cố Vấn. Vợ chồng tôi phụ trách chương trình huấn luyện trưởng, và dạy Việt Ngữ cho các Hướng Ðạo Sinh.  Liên Ðoàn Trưởng đương nhiệm của Liên Ðoàn Hướng Việt là trưởng Lê Quỳnh Phương.

Xem thêm:   Hang gấu

NB: Bên cạnh sinh hoạt Hướng Đạo, được biết chị còn là Trưởng Đoàn Du Ca Nam Cali (từ năm 2012). Chị có thể kể vài sinh hoạt Du Ca không?

TH: Từ xưa đến nay, Hướng Ðạo và Du Ca vẫn gắn bó keo sơn.  Ða số các huynh trưởng Du Ca xuất thân từ Hướng Ðạo. Phương pháp, tinh thần Hướng Ðạo được áp dụng vào sinh hoạt Du Ca, còn nhạc Du Ca thì luôn được hát vang trong các buổi sinh hoạt Hướng Ðạo. Bởi vì, cả hai tổ chức đều có những mục tiêu như nhau: kêu gọi tình yêu tha nhân, lòng bác ái, và tinh thần dấn thân phục vụ đất nước. Ðối với Du Ca, tôi thuộc hàng «em Út».  Năm 2012, khi trưởng Hướng Ðạo Nguyễn Ðức Quang, cũng là cánh chim đầu đàn của Du Ca VN đã lìa rừng, tôi và nhóm Hội Ca Cầm đứng ra thay thế để Du Ca Nam Cali tiếp tục hoạt động. Lúc đó, chỉ có khoảng 10 anh chị em. Tôi đã đăng thông báo trên báo chí về việc Du Ca Nam Cali nhận du ca viên.  Kỷ niệm đáng nhớ nhất là ngày đầu Du Ca Nam Cali chính thức tái hoạt động. Các anh chị đến rất đông, người lớn tuổi nhất là… 80, râu tóc bạc phơ, và người bé nhất là tôi. Ấy vậy mà đã bao nhiêu năm qua rồi Du Ca Nam Cali vẫn thuận buồm xuôi gió.

Gia đình Hướng Đạo

NB: Được biết chị cũng là người rất tâm huyết trong việc giữ gìn tiếng Việt. Điều gì đã thôi thúc để chị tham gia vào lãnh vực này? Và chị đã bắt đầu từ đâu?

TH: Thưa chị, cũng như đa số các phụ huynh VN, tôi luôn mong mỏi trẻ em Việt sống ở hải ngoại còn biết mình là người VN, còn hiểu phong tục, nếp sống của người Việt, còn gần gũi với ông bà cha mẹ, gia đình, và còn gắn bó với cộng đồng Việt nơi chúng sinh sống, và với «quê nhà xa xăm» mà ông bà, cha mẹ của chúng đã phải lìa xa. Tôi dạy Việt Ngữ từ năm 1999, qua sách vở trong lớp học hay các buổi sinh hoạt ngoài trời.  Sinh hoạt Hướng Ðạo lâu năm, mê ca hát và thích làm cô giáo, tôi đã áp dụng những trò chơi, bài hát sinh hoạt vào lớp Việt Ngữ, áp dụng phương pháp Montessori (vừa học vừa hành, hands on, show and tell…). Sau nhiều năm dạy trẻ, tôi rút kinh nghiệm và soạn những bài hướng dẫn “Dùng Bài Hát Ðể Dạy Việt Ngữ”, “Dùng Trò Chơi Ðể Dạy Việt Ngữ” và đã chia sẻ với các thầy cô Việt Ngữ qua các khóa Tu Nghiệp Sư Phạm và với các huynh trưởng Hướng Ðạo qua các khóa “Nghề Trưởng” từ nhiều năm qua.

NB: Hiện nay, nhiều trẻ em sinh ra tại Mỹ hầu như không biết nói tiếng Việt. Một số phụ huynh cho rằng, ở Mỹ nói giỏi tiếng Anh là được rồi. Chị nghĩ sao về điều này?

TH: Ðúng là khi mới sang Mỹ đã có một số người nghĩ rằng phải tập trung vào việc học tiếng Anh để hội nhập thật nhanh vào cuộc sống mới. Con cái sinh ra ở Mỹ đã là Mỹ con, không cần phải học tiếng Việt nữa.  Các cô cậu Mỹ con ngày nào giờ đã thành người  lớn, một số không ít, đang tiếc mình không biết tiếng Việt khá hơn để có thể làm việc, phục vụ cộng đồng Việt một cách hữu hiệu hơn.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

NB: Năm 2019, chị lập chương trình “Ước Mơ Việt” (ƯMV) để khuyến khích các em học tiếng Việt. Xin chị cho biết sơ đôi nét về chương trình này.

TH: ƯỚC MƠ VIỆT là một chương trình khuyến khích trẻ học tiếng Việt, do một nhóm anh chị em thiện nguyện viên trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ sáng lập.

  1. Chung tay với các thầy cô giáo dạy Việt Ngữ ở Hoa Kỳ trong việc bảo tồn tiếng Việt trong sáng.
  2. Giới thiệu và khuyến khích trẻ em cũng như thanh thiếu niên VN học hỏi tiếng Việt trong sáng qua các bài hát, truyện ngắn, bằng các phương tiện phổ thông nhất hiện nay: cell phone, computer, và sách song ngữ.
  3. Tạo cơ hội và phương tiện cho con em VN ở Hoa Kỳ có thể tranh đua và thi thố sở học tiếng Việt của mình qua các cuộc thi, với sự bảo trợ của các cơ quan truyền thông trong cộng đồng người Việt.
  4. Ủng hộ và giúp phổ biến các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật của những tác giả có tài và có lòng trong việc duy trì tiếng Việt trong sáng.

BS. Thiên Hương (góc phải) và Du ca Nam Cali

NB: Xin chị giới thiệu về cuộc thi ƯMV. Nếu phụ huynh ở các tiểu bang ngoài Cali muốn con cháu tham dự cuộc thi “Ước Mơ Việt” có được không? Cách thức ra sao

TH: Cuộc thi “ƯMV” dành cho trẻ em và thanh thiếu niên VN trong hạn tuổi từ 5 tuổi đến 21 tuổi, sinh ra và lớn lên tại hải ngoại hay rời VN từ lúc 5 tuổi. Các em, dù chưa bao giờ học tiếng Việt cũng có thể tập hát, tập đọc, thí sinh của ƯMV đến từ khắp nơi trên thế giới. Phụ huynh có thể lấy bài hát, bài đọc từ website uocmoviet.org và hướng dẫn con mình học tại nhà. Sau đó, gửi bài dự thi của các em bằng video qua email. Quý phụ huynh chỉ cần vào website uocmoviet.org  sẽ có đầy đủ chi tiết. Nếu cần hướng dẫn, xin gọi 562-713-2353 hay email ctuocmoviet.org sẽ có thiện nguyên viên túc trực để giúp quý vị.

NB: Một số người ráng dạy tiếng Việt cho con, nhưng mua tài liệu, sách vở từ trong nước, với những từ ngữ mới lạ, và nội dung không phù hợp, có khi phản giáo dục. Vậy có nguồn sách báo, tài liệu nào khác để các phụ huynh có thể sử dụng?

TH: Ðúng vậy. Chúng ta chấp nhận những sự thay đổi tất phải có theo môi trường, hoàn cảnh, thời gian…nhưng chúng ta không thể làm ngơ hay truyền bá những điều sai trái như cách đặt câu sai văn phạm, cách nói tắt hay ghép chữ một cách vô tội vạ, cách dùng chữ không đúng ý nghĩa. ƯMV xin phổ biến và giới thiệu những sách báo, tài liệu của tiếng Việt truyền thống từ trước 1975 hay được biên soạn và ấn hành ở hải ngoại. ƯMV đã thực hiện rất nhiều bài hát theo hình thức Karaoke, bài đọc theo hình thức audio book. Xin vào uocmoviet.org,  phần TÀI LIỆU HỌC TẬP, VIDEO KARAOKE, và GIỚI THIỆU, để lấy bài học cho các con. ƯMV kêu gọi quý vị nhạc sĩ, văn sĩ, nhà giáo cung cấp, chia sẻ tài liệu. ƯMV cũng giới thiệu các bài học trên mạng như: kênh Tiếng Việt, Sử Việt, kênh Tự Học và Dạy Tiếng Việt qua phương pháp 18 bảng vần, kênh Tinh Hoa VN.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

NB: Những kế hoạch sắp tới của chị và BTC “ƯMV” là? Trẻ có thể giúp BTC đăng tải chương trình này miễn phí, khi nào BTC soạn thảo xong và sẵn sàng phổ biến

TH: Mục đích của chương trình ƯMV là tạo phương tiện để các phụ huynh có thể dạy con (và cùng học với con -trường hợp của các phụ huynh trẻ), huynh trưởng của các đoàn thể thanh thiếu niên hay các thầy cô của các trường Việt Ngữ có thể khuyến khích đoàn sinh/ học trò, trau dồi thêm tiếng Việt qua các sinh hoạt phụ trội: hát, đọc truyện, thi đua. Ai cũng có thể lấy tài liệu từ uocmoviet.org để học. Chỉ có cuộc thi là có đề tài, tuổi tác, thời hạn. Ngoài cuộc thi, ƯMV có các chương trình như sau:

CHƯƠNG TRÌNH HIẾU HỌC: Các em có thể vào uocmoviet.org lấy bài để học, quay video nộp cho BTC để được khen thưởng.

CHƯƠNG TRÌNH SỬ CA:  giới thiệu lịch sử VN qua sinh hoạt văn nghệ: hát, múa, hoạt cảnh…

Đã thực hiện

Sử Ca 1:  Ðàn Chim Trắng – vinh danh Biệt Ðội Thiên Nga, Quân Lực VNCH.

Sử Ca 2:  Bạch Ðằng Giang – vinh danh Ðức Thánh Trần và Hải Quân VNCH.

Đang thực hiện

Sử Ca 3:  Tiếng Trống Mê Linh – vinh danh Hai Bà Trưng và hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương.

NB: Những công việc xã hội tốn rất nhiều thời gian, công sức. Làm sao chị có thể sử dụng thời gian cân bằng, khi vừa làm việc tại Trung tâm nhãn khoa Euclid Optometry, vừa điều hành sinh hoạt của Hướng Đạo, Du Ca, và Ước Mơ Việt?

TH: Thưa chị, tôi có thể làm được những việc này hoàn toàn là nhờ may mắn có được sự đồng tâm hiệp lực của người bạn đời. Về công việc ở Trung Tâm Nhãn Khoa Euclid Optometry, thì tôi chịu bớt thu nhập, làm việc 4 ngày thay vì 6, để có thời gian cho những hoạt động có ý nghĩa. Hồi các cháu còn nhỏ, mỗi sáng Chủ Nhật cả nhà đi Hướng Ðạo – bố mẹ là Trưởng, các con là Hướng Ðạo Sinh, chiều Chủ Nhật cả nhà đi Việt Ngữ – bố dạy lớp năm, mẹ dạy lớp ba, các con là học trò. Khi các cháu lớn, trở thành Trưởng, gánh bớt công việc của bố mẹ ở Hướng Ðạo, để bố mẹ dành thời gian cho Du Ca và Ước Mơ Việt.

NB: Cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này, và mong rằng “Ước Mơ Việt” sẽ đạt được ước mơ, không chỉ cho chị, cho BTC, mà tất cả những bậc phụ huynh tại hải ngoại, những người có tâm nguyện gìn giữ tiếng Việt cho các thế hệ sau.