Những năm gần đây, cùng sự gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tình trạng thiếu niên vi phạm pháp luật ở Việt Nam đang trở thành mối lo ngại của nhiều người. Những vụ án, hoạt động gây rối, đánh chém nhau, cướp giật, lừa đảo, vi phạm pháp luật liên tục ghi nhận tại Sài Gòn cũng như nhiều tỉnh, thành mà thủ phạm là những gương mặt còn “búng ra sữa”!

Trẻ vị thành niên phạm tội đang gia tăng ở VN. Ảnh: tác giả cung cấp.   

Ðêm 1-6-2022, Hào (17 tuổi) cùng 2 người bạn ngồi uống cà phê ở quán thì Lâm (17 tuổi) và 20 người khác đi trên 8 xe máy mang theo hung khí tự chế kéo đến. Hai người bạn kịp bỏ chạy, riêng Hào bị đám đông đánh chém gục tại chỗ. Nhóm này còn đập phá bàn ghế trong quán và mấy chiếc xe máy trước khi bỏ đi. Công an sau đó bắt được Lâm. Lâm khai do mâu thuẫn với Hào trong việc tranh giành chỗ chơi trước đó tại sân bóng đá Bắc Sài Gòn (phường 13, Gò Vấp) vì thế khi về nhà đã gọi nhóm bạn hữu mang hung khí tìm đối thủ “đánh cho biết mặt”.

Tối 15-10-2022, nhóm thiếu niên Trung, Thành và Quốc ngồi ăn chè tại quán trên đường Rạch Bùng Binh (quận 3). Lúc này, một nhóm 6 thiếu niên đèo nhau bằng 3 xe máy do Tài dẫn đầu tới trước quán rồi dừng lại, bất ngờ dùng hung khí xông vào đuổi chém khiến Trung và Thành trọng thương. Qua điều tra, công an bắt được cả 6 tên. Tài (16 tuổi) khai là học sinh lớp 11 và nguyên nhân đánh nhau do mâu thuẫn trước đó “trên mạng xã hội” với Trung. Cả 2 em đều học chung một ngôi trường ở quận 3.

Chuẩn bị “đồ chơi” để đi đánh nhau. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tối 29-10-2022, nhóm của Minh (16 tuổi) gồm 5 người ngồi uống bia tại quán trên đường Nguyễn Văn Lượng (Gò Vấp) thì nhóm của Vinh (15 tuổi) gồm 9 người đi 4 xe gắn máy cùng đến, ngồi nhậu gần chỗ bàn Minh. Lúc sau, hai bên cự cãi vì nhóm Vinh cho rằng “nhóm Minh nói chuyện la lối ồn ào quá”, sau đó tất cả bỏ đi. Khoảng 30 phút sau, nhóm Minh đi trên 3 xe gắn máy tìm đến công viên thuộc khu phố 6 (Gò Vấp) để ngồi chơi tình cờ gặp lại nhóm Vinh cũng đang ở đây. Do mâu thuẫn trước đó nên hai nhóm xông vào đánh nhau. Cuộc hỗn chiến khiến Minh tử vong ngay hiện trường do bị gạch đập vào đầu, một người  bên nhóm Vinh gãy tay…

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Những câu chuyện nêu trên minh chứng tình hình tội phạm độ tuổi vị thành niên ở VN đang có chiều hướng manh động đáng báo động. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội trong lứa tuổi này dễ thấy một phần do bộc phát tức thời, tính khí bốc đồng muốn khẳng định bản thân, thiếu kiềm chế, hạn chế trong ứng xử, thiếu hiểu biết pháp luật. Thống kê của công an Sài Gòn cũng cho biết trong 10 tháng đầu năm 2022, số vụ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật ở đây chiếm tỷ lệ gần 11% trong tổng số các vụ vi phạm. Cũng thống kê này, độ tuổi phạm tội của các em dưới 14 tuổi chiếm 3.62%, từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm 27.26% và dưới 18 tuổi chiếm 69.12%. Ðặc biệt trong số thiếu niên phạm tội có hơn 70% em đã bỏ học…Việc tội phạm hình sự có xu hướng càng trẻ hóa cũng như tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của chúng không còn đơn thuần là xích mích, đe dọa, trộm cắp vặt mà có chiều hướng manh động, hung hãn hơn, vượt hẳn giới hạn lứa tuổi vị thành niên qua các hình thức dùng hung khí đánh nhau, thậm chí cướp của, giết người, mua bán, sử dụng ma túy, tụ tập băng đảng….

Cái kết là bị hốt vào đồn công an. Ảnh: tác giả cung cấp.

Có muôn vàn lý do trẻ vị thành niên phạm tội, với mỗi vụ việc là một hoàn cảnh, nguyên nhân, mức độ. Song, mẫu số chung thường thấy đó là những đứa trẻ dễ bị kích động, lôi kéo, bị ảnh hưởng xấu từ lối sống thực dụng, đua đòi ăn chơi…Có ý kiến cho rằng những đứa trẻ phạm tội do thiếu sự quan tâm của gia đình, cha mẹ. Chúng thường xuất thân từ những gia đình có cha mẹ ly hôn hoặc ly thân, cha mẹ mải mê kiếm tiền bỏ bê, buông lỏng quản lý con cái. Còn có những em xuất thân từ các gia đình quyền thế, giàu tiền lắm bạc nhưng luôn nung nấu lối suy nghĩ “Biết bố tao là ai không?” cũng sớm trở thành tội phạm.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Trong khi ấy phần lớn trẻ vị thành niên vốn chưa phát triển đầy đủ về thể chất, nhân cách, tâm sinh lý, nhận thức, kinh nghiệm sống hạn chế, rất dễ bị kích động, lôi kéo vào những hoạt động mạo hiểm. Một nguyên nhân nữa là do các em sớm bị tiêm nhiễm, bị tác động bởi những phim ảnh, thông tin xấu từ mạng xã hội, các loại game mang tính chất cổ vũ bắn giết, bạo lực…

Cái kết là bị hốt vào đồn công an. Ảnh: tác giả cung cấp.

Rõ ràng quá trình đô thị hóa và những áp lực khác về mặt kinh tế đang khiến nhiều gia đình buộc phải đứng trước sóng gió lớn. Nó ập tới tứ phía mà một số người hay nói vui là “cuộc sống này không dành cho người yếu tim”. Trong khi các dịch vụ, tiện ích, chế độ phúc lợi xã hội… cũng không cân bằng được những sức ép này nên rất dễ đưa nhiều người đến bờ vực trầm cảm, stress, lo âu…

Một thành phần lớn giới trẻ ít được trang bị về các kỹ năng sống, dẫn tới sức chống chọi và chịu đựng trước các vấn đề của xã hội hiện đại kém hẳn. Từ đó không ít gia đình dễ đổ vỡ, kéo theo tình trạng trẻ không được quan tâm, giáo dục, chăm sóc… dần dà rơi vào con đường sa ngã, sớm trở thành kẻ phạm tội.

Xem thêm:   Allen PAC

Nhìn chung, giáo dục gia đình vẫn là nền tảng vững chắc nhất nhằm hình thành nhân cách con người. Cha mẹ là những người rất quan trọng định hướng cho con em đường đi đúng đắn, giúp các em ý thức được các hành vi thế nào là chuẩn mực đạo đức. Vì vậy, mỗi bậc phụ huynh cần chăm sóc, gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, chăm lo sự phát triển tinh thần và thể chất cho con em. Có như thế các em mới có nền tảng vững chắc để sẵn sàng chống trả những cạm bẫy luôn hiện hữu giữa cuộc sống kim tiền này…

NS