Dân ta thường tự khen nhau là người Việt có tính thông minh, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm … nhưng ít thấy ai đặt câu hỏi: Thông minh, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm … đều là những đức tính tốt nhưng tại sao dân ta không giàu như dân Mỹ, dân Bắc Âu, nước Việt ta không phải là nước phát triển như nước Mỹ hay châu Âu? Theo ý tôi thì tất cả những cái gọi là thông minh, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm … ấy lại ở trong cùng một cá nhân, nên nó lại kềm chế lẫn nhau, làm cho người Việt chỉ thông minh, tiết kiệm vặt vãnh, chỉ thấy cái lợi gần mà không thấy thiệt hại ở xa.

Bảo Huân 

Tuần  rồi, cô bạn tôi rất là nhiệt tình mời tôi đi ăn phở tại một quán ăn mới mở thêm chi nhánh (tức quán thứ hai, cùng tên với quán chính đã có từ lâu) với lời giới thiệu là quán sạch sẽ, thức ăn ngon, phục vụ chu đáo.

Tôi nghe vậy cũng rất hí hửng đi ăn thử cho biết. Quán đông nghẹt khách đứng xếp hàng chờ ghi tên. Bên ngoài có chừng hơn chục chiếc bàn, bước vô trong cũng có khoảng chục chiếc bàn lớn, tôi nhẩm tính có khoảng 150 chỗ ngồi. Từ trước tới nay, các tiệm ăn Việt ở Little Sài Gòn đều theo thông lệ khách vô quán coi menu xong, có thể suy nghĩ, thảo luận với nhau (nếu đi cùng nhiều người) và gọi người bồi bàn đến order món ăn, ăn xong thì tự cầm bill (hóa đơn) đến quầy trả tiền.

Còn quán này vì “mới” nên bước vô là khách phải qua “cửa ải” cashier, đọc menu “tốc hành,” (do cashier đưa) suy nghĩ “tốc hành” để order thức ăn và trả tiền liền mới được vô bàn ngồi hoặc cầm cái ghim số bàn do người cashier đưa đem ra bàn ngoài sân ngồi. Nếu có hẹn với bạn mà người kia tới không kịp cũng phải order đại một phần ăn để “giữ chỗ” (mặc kệ kẻ tới trễ có thích ăn món đó hay không.)

Thôi thì cũng tạm chấp nhận đi, coi như mình đi mua McDonald’s hay KFC cũng đều phải trả tiền trước. Sau khi ăn xong tô phở, tôi vô restroom mới ngạc nhiên lẫn khó chịu với cách bày biện ở đây. Quán thiết kế cho đông người như vậy mà chỉ có hai phòng restroom đơn (nam và nữ) nhỏ xíu. Restroom nữ ngoài cái toilet (bồn cầu) màu trắng (chắc không thể mua được màu đen?) thì từ bàn rửa mặt, vách tường, nền nhà đều có màu đen xì xì, làm tôi có cảm giác restroom rất dơ dáy, ngột ngạt và tăm tối. Chậu rửa tay tuy rộng nhưng phần đáy lại nông choèn choẹt, ai đó vô trước rửa tay làm nước văng tứ tung ướt tè le xung quanh lẫn dưới nền nhà.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Người nào vô ý trợt té ở đây thì chủ quán có thể bị bắt đền. Nếu lòng chậu rửa tay sâu xuống khoảng một gang tay thì khi rửa tay nước sẽ không bị văng ra ngoài ướt nhẹp. Cái toilet thì bình chứa nước quá nhỏ, nước không đủ sức lôi mảnh giấy vệ sinh xuống theo mà cứ quay vòng vòng ở trên. Kiểu này không bao lâu sẽ nghẹt cầu, rồi tốn tiền mướn bơm hút liên tục thì còn quá xá tốn so với tiền gắn một cái toilet lớn có lực hút mạnh nữa. Trong khi bơm hút đương nhiên phải nghỉ bán chớ khách nào chịu ngồi ăn trong bầu không khí đó. Có duy nhất một cuồn giấy toilet loại dùng cho gia đình (cuồn nhỏ) nằm chơ vơ trên bồn nước phía trên toilet.

Tuy trong restroom có dán tờ giấy yêu cầu khách không bỏ giấy xuống bồn cầu, nhưng đó là khăn giấy, giấy lau tay hoặc những thứ khác kìa, chớ giấy vệ sinh, giấy lót bệ ngồi là giấy dơ sau khi dùng, bỏ vào thùng rác cạnh bên nó bốc mùi thối um ai chịu nổi, mà cũng không ai vớt mảnh giấy đã lỡ thấm nước dưới bồn cầu lên bỏ thùng rác cả.

Còn cái máy làm khô tay bằng hơi nóng gắn trên tường thì nó nhỏ xíu và yếu, nên khách vẫn phải lôi cuồn giấy toilet ra lau tay. Tất nhiên, tôi không có ý định quay lại quán mới này lần thứ hai cho dù có được mời đi ăn free.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Tôi ghét nhất kiểu phải ăn vội ăn vàng, rồi quáng quàng trả tiền, nhiều khi không kịp uống hết ly nước, quáng quàng đứng lên chạy ra xe để tìm một chỗ khác đi vệ sinh. Những nơi như thế này tôi chỉ đến một lần chỉ tôi không biết rõ nó mà thôi.

Tình trạng này tôi nhận thấy xảy ra phần lớn (không phải tất cả) các phòng restroom nhà hàng, tiệm ăn Việt ở Little Sài Gòn. Chủ nhân tưởng là tiết kiệm được tiền sắm thiết bị vệ sinh, tiết kiệm được nước, tiết kiệm được giấy, nhưng cuối cùng phải tốn kiểu khác còn nhiều hơn tiền trang bị đồ vệ sinh tốt hơn.

Con số các nhà hàng, quán ăn ở Little Sài Gòn biết quan tâm, chú trọng vấn đề vệ sinh của khách hàng theo kiểu nhà hàng Mỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những nơi này chủ nhân thiết kế phòng restroom thành một dãy nhiều phòng nhỏ với thiết bị vệ sinh tốt, các loại giấy vệ sinh, xà bông rửa tay được cung cấp đầy đủ. Những nơi như vậy, có khi thức ăn chưa phải là ngon nhất, nhưng khiến cho khách hàng cảm thấy ngoài việc trả tiền cho món ăn thì họ còn “mua” được một không gian thoải mái để vui vẻ với bạn bè, người thân.

Nhà hàng, tiệm ăn Việt còn có món “đặc sản” trà đá mà tiệm Mỹ, tiệm Mễ, tiệm Nhật không có. Dùng từ “đặc sản” cho “oai” chớ thật ra trà đá kiểu Việt chỉ là loại trà đen thông thường pha chứa sẵn từng bình lớn. Khi bán cho khách thì cho đá viên vô đầy ly, rót nước trà pha sẵn vô rồi bưng ra, do đó giá thành một ly trà đá rất là rẻ. Tuy đơn giản như vậy nhưng khi chúng ta đang khát khô cổ hoặc mới ăn xong thì không món giải khát nào uống vô cảm thấy đã khát mà ngon như uống trà đá.

Giá trà đá thông thường $1/ly, có những tiệm Việt “chơi sộp” tặng thêm ly trà đá cho khách ăn, nhưng cũng có tiệm bán ly trà đá giá cắt cổ $2.5/ly. Có lần, bạn tôi rủ vô một nhà hàng tên Tây (chủ thì Việt) trên đường Brookhurst ăn mì Tàu. Mì ăn tạm được mà giá hơi cao hơn tiệm khác, cái này thì tôi cũng “kệ,” nhưng nhìn thấy bill tính hai ly trà đá $5 thì tôi thề với lòng không bao giờ bước vô nhà hàng đó lần thứ hai và tôi đặt cho nhà hàng này tên “tiệm trà đá $2 rưỡi.” Nhà hàng mất luôn hai người khách thích ăn mì Tàu từ dạo ấy. Nói theo kiểu của mẹ tôi lúc sanh thời là “Tao tử giá từ vi” (tức một đi không trở lại.)

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Kể chuyện ăn mà không kể chuyện đi đứng thì cũng thiếu sót. Tôi để ý ở các trường chính phủ có đông người Việt học tại Little Sài Gòn thì dân ta có thói quen mỗi lần đi thang máy là đứng bít hết cửa thang máy để giành bước vô trước. Riêng tôi bấm nút thang máy xong tôi đứng né qua một bên cửa. Thang máy ở trường học đương nhiên lượt người sử dụng rất đông, cửa mở ra người bên trong bước ào ào ra. Nhóm người đứng chắn trước cửa thang phải dạt hết ra xa để lấy chỗ cho người bên trong bước ra. Tôi nhìn thấy cảnh bọn họ bị “bắn ra” như ong vỡ tổ, rất buồn cười. Vì tôi là người đứng bên cạnh cửa, ở trong bước ra hết thì tôi là người đứng gần cửa nhất nên tôi trở thành người bước vô đầu tiên rồi mới tới những người bị “bắn ra” lúc nãy. Tôi e rằng những người khác sắc tộc đó họ sẽ nghĩ người Việt bất lịch sự khi cứ thường xuyên bị chắn trước lối ra thang máy.

Tất nhiên trong cuộc sống cần phải khôn khéo, nhưng đừng tính toán chi li quá làm thiệt người và thiệt luôn cả mình thì các cụ xưa gọi là “Tính già hóa non” vậy.

TP

Ảnh: Quán ăn Việt.

Tạ Phong Tần / Trẻ