Lời Tòa Soạn: Ngay từ những năm 1988, 1989 Trần Vũ đã nổi tiếng như một hiện tượng văn học hải ngoại, là đại diện cho lớp viết trẻ và cũng là nhà văn trẻ nhất bấy giờ. Sở trường của Trần Vũ là truyện ngắn, đã đăng trên các tạp chí Làng Văn, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Trẻ và các webs văn học như Talawas; Damau v.v… Trần Vũ cộng tác với Trẻ nhiều năm và không còn lạ gì với độc giả Trẻ qua mục Trong Hầm Rượu. Bạn đọc có thể tìm đọc một vài tác phẩm của Trần Vũ tại https://tusachtre.com và hiểu hơn về cuộc đời nhà văn Trần Vũ, cũng như thân phận người Việt sau 75, qua bài phỏng vấn dưới đây của Sinh Đặng.

Trần Vũ cuối thập niên 80 

Sinh Đặng (SĐ): Anh là một thuyền nhân sau 75, biến cố 30 tháng 4 đến với anh như thế nào?

Trần Vũ (TV):  Có những hình ảnh mà một đứa bé lớn lên không bao giờ quên. Với tôi là khi cha chết. 3 ngày sau khi Dương Văn Minh đầu hàng, cha thổ huyết vì uất. Căn phòng đầy máu. Cha nằm bất động. Tôi òa khóc và người lớn lôi tôi ra. Xe vào nhà thương Grall và 10 ngày sau cha mất. Cái chết của Miền Nam, đối với tôi, là cái chết của cha. Tôi muốn quên, nhưng căn phòng vẫn ở đó.

SĐ: Hành trình vượt biên của anh ra sao?

TV: Năm 79 vượt biên bán chính thức bùng phát. Mẹ tôi gom hết tiền cho tôi với anh Cả ra đi, mẹ và chị không đủ tiền đành ở lại. Lúc đưa chúng tôi ra xe, mẹ và chị đứng khóc dưới gốc cây. Tôi không bao giờ quên.

Chuyến tàu MT-603 xuất phát từ Mỹ Tho đêm 28 tháng 5-1979 mắc cạn ở Bãi Ngầm Trường Sa. Ban ngày nước lên đến ngực, đến trưa rút xuống bụng và chiều xuống đùi, nhưng đêm đến thủy triều dâng quá đầu. Chúng tôi bám vào ván gỗ, dây thừng và níu chặt nhau suốt đêm. Thân tàu đã sập tầng trên chỉ còn lườn, thủy thủ với chủ tàu quát tháo không cho leo lên sợ lật tàu. Chúng tôi ở dưới nước tổng cộng 13 ngày. Da tôi nhăn nhúm như da bà già. May mắn là biển ấm và trời mưa.

Phép màu sau đó, chúng tôi được một hải vận hạm Phi cứu thoát. Lên đảo Palawan ngày 29 tháng 6-1979.

Song thân Trần Vũ Tết Ất Mão 1975

SĐ: Anh có những kỷ niệm nào đáng nhớ trong những bước đầu tị nạn?

TV: Hội Hồng Thập Tự cho các trẻ vị thành niên không cha mẹ vào cô nhi viện. Tôi sống trong một trại cô nhi miền Bắc Pháp. Tôi là cô nhi Á châu duy nhất. Trong trại có một cô nhi Tây cứ trông thấy tôi là nó ngoác miệng: “Ðàn ông Việt Nam làm cu li cho Tây, đàn bà Việt Nam làm điếm cho Tây…”  Tôi nhớ lời mẹ dặn: Sang đất người phải biết nhịn nhục, một điều nhịn chín điều lành. Tôi im lặng và tránh né. Thằng mất dạy tưởng tôi sợ nó, càng làm tới, hễ trông thấy tôi ở đâu là nó ré lên: “Ðàn ông Việt Nam làm cu li cho Tây, đàn bà Việt Nam làm điếm cho Tây… Nhìn cái mặt cu li kìa!” Tôi chịu hết nổi, một hôm thu hết sức bình sinh tôi phóng lên đấm vào mặt nó, nhưng chỉ trúng ngực, vì nó cao hơn tôi cái đầu. Nó không hề hấn, cung tay móc một trái direct. Tôi lãnh cú thôi sơn ngã lăn ra đất. Thằng mất dạy nhào tới đè lên ngực và thọi tôi liên tiếp. Máu mũi tôi trào ra đỏ tấy. Hôm đó nếu giám thị không can ra là tôi đã bể quai hàm.

Tôi về phòng rửa mặt. Máu mũi chảy ròng ròng, một bên môi sưng và mắt bầm. Tôi tháo chân ghế gỗ trong phòng. Loại chân rời bắt ốc, có đinh xoáy ở đầu. Tôi biết đánh không lại, phải có võ khí. Cái chân ghế đút vừa cặp-táp. Tôi trở xuống phòng ăn. Ðại sảnh giấc trưa đông đúc. Các dãy bàn 12 người xếp san sát. Thằng mất dạy ngồi quay lưng ở góc. Tôi xin giám thị cho đi tiểu. Toilettes gần lối ra ngay chỗ thằng mất dạy đang ăn. Tôi bước ngang qua chỗ nó ngồi, lúc ngay sau lưng, tôi mở cặp và rút cái chân ghế quất vào đầu nó. Nhưng thằng mất dạy nghe tiếng “cách” của nắp khóa khi tôi mở cặp, nó xoay lại và né cực nhanh, cái chân ghế vụt sát mặt nhưng không trúng, chỉ có đầu đinh gỉ sét xước mang tai làm rách da chảy máu. Nó đứng bật dậy xô bàn. Tôi vụt cái nữa. Nó chụp ghế đỡ. Tôi không kịp quất cái thứ ba vì các giám thị đã nhào đến đè tôi xuống. Thằng khốn nạn cũng bị đè xuống.

Xem thêm:   Mát-xa tại…nhà

Chiều hôm đó ban giám hiệu thông báo cho tôi biết, họ chuyển tôi sang Trung Tâm Dành Cho Trẻ Gặp  Khó Khăn. Tôi tưởng tượng ra trại trừng giới. Tôi đã đọc Tiểu đoàn Trừng giới của Konsalik của Nhà xuất bản Thùy Dương năm 73. Tôi buồn bã vô hạn. Tôi nghĩ nếu mẹ tôi biết, chắc bà buồn lắm. Bà sẽ khóc và cuộc đời tôi tiêu rồi. Tại sao tôi không còn quốc gia, không còn cha mẹ?

Khi tôi đến Centre d’Acceuil pour Enfants en Grande Difficulté, thì… đầy Việt Nam.

Trần Vũ và thân mẫu 1962

SĐ: Rồi sau đó?

TV: “Cô nhi nghĩa tử” Việt đủ thành phần. Du đãng Rạch Giá, lơ xe đò tuyến đường Sàigòn-Long Xuyên, vá lốp ngoài chợ Cầu Ông Lãnh, bộ đội phục viên quê Thái Bình đi chui ở Hải Phòng cũng có… Tất cả trên hai mươi tuổi khai xuống còn 15. Tôi là cô nhi duy nhất giữ đúng năm sinh. Trong trại có khoảng 40 cô nhi Việt, 20 Lào và 15 Kampuchia. Nam nữ lẫn lộn. Một sáng nghe tin quân đội Việt Nam “giải phóng” Xiêm Riệp, tảo thanh Battambang, đám Việt Nam rùng rùng kéo sang khu Khmer để “bình Tây”. Các bạn tôi đấm đá thanh niên Khmer túi bụi. Nhóm Lào-Kampuchia bỏ chạy tán loạn. Các giám thị dàn hàng ngang trên sân để chặn. Nhưng phía Việt Nam quyết chiến. Các bạn tôi rút thắt lưng, cầm gậy gộc ghế đẩu lao tới, hét vang: “Ðiện Biên Phủ! Ðiện Biên Phủ!”… Ðến lượt giám thị Tây bỏ chạy. Rồi cảnh sát được kêu tới…

Phải nói rõ ràng là tôi không tham gia những cuộc “bình Tây”. Không phải vì tôi nhát nhưng thời gian đó tôi mất phương hướng, thất lạc, trở nên bất động suy nghĩ và bất động thể chất. Tôi đứng nhìn mà không hiểu chuyện gì xảy ra. Một lần khác, tôi với tên bạn đang đứng xếp hàng. Tên bạn kể chuyện rút dao phay chém đứt lìa bàn tay công an trước khi nhảy xuống thuyền vượt biên. Vì tay công an tịch thu hàng hóa của bố mẹ nó. Giám thị đi tới quát: Silence! Bạn tôi vẫn thao thao kể chuyện. Tay giám thị bợp tai nó. Gương mặt nó đanh lại rồi bất thình lình nó chụp  lấy cổ giám thị quật xuống nền xi-măng, lên gối và dộng liên tục vô mặt. Tay giám thị gãy hai cái răng phun máu ra đất. Sau đó bạn tôi bị nhốt riêng. Nhưng đêm đó nó đập kính leo cửa sổ bỏ trốn. Tôi không gặp lại nữa.

Lúc đó, lúc nó đánh giám thị, tôi vẫn đứng yên nhìn. Tôi giống tê liệt. Làm gì? Nhào vào đánh hội đồng hay kéo bạn mình ra? Ðánh hội đồng vì gì? Can ra thì đã muộn rồi. Ðầu tôi đầy những dấu hỏi. Tôi không hiểu cảnh tượng trước mắt. Chuyện gì vậy? Mới hôm qua tôi còn là học sinh Lasan Taberd đứng chào lá cờ vàng và hát quốc ca với tất cả kiêu hãnh của một công dân biết quốc gia mình độc lập, đang vươn lên, và mình sẽ phụng sự lá cờ này. Mới hôm qua, tôi hãy còn cha mẹ gia đình và danh dự. Sao quốc gia biến mất? Sao cha mẹ biến mất? Sao chị Cả biến mất? Còn anh Cả đi bán khoai tây chiên đêm… Vì sao?

Nhiều năm sau xem phim The Sand Pebbles, có Steve McQueen đóng, đoạn cuối bị bắn thủng bụng sắp chết, Steve McQueen kêu lên: “Mais bon sang! Qu’est-ce qui m’est arrivé? J’étais encore chez moi hier!” (Chết tiệt! Mình bị gì vậy? Hôm qua mình còn ở nhà!). Tôi chép lại câu đó trong đoạn kết của truyện ngắn Pháo Thuyền Trên Dòng Yang-Tsé về sau.

Phải thật lâu tôi mới hiểu, những gì xảy ra chính là vì miền Nam bại trận. Nguyên nhân là chiến tranh.

Gia đình Trần Vũ – 1968

SĐ: Anh không có kỷ niệm nào vui hơn hay sao?

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

TV: Tôi không biết phía Pháp có duyệt xét hạnh kiểm cô nhi hay không nhưng tôi là cô nhi duy nhất cho đi học trung học, thi tú tài rồi vào cao đẳng. Những cô nhi Việt khác phải học nghề thuộc da, lột da hay giết bò. Nhiều đứa không dám ăn thịt bò nữa vì mỗi ngày cầm súng điện gí vô trán bò cho đến chết, từ sáng đến chiều mấy chục con bò chết trong tay nó. Lên Cao đẳng Ðiện toán, Cục Tế Bần và Xã Hội (Direction Départementale des Affaires Sanitaires et Sociales), trông coi các cô nhi viện, thuê phòng cho tôi ở Nhà Trọ Công Nhân Trẻ (Foyer des Jeunes Travailleurs). Tôi quen với Jadwiga Dabrowska là một nữ sinh viên Ba Lan nhận học bổng sang Pháp học về khí cụ âm nhạc. Chúng tôi sàn sàn tuổi. Chung quá khứ Cộng sản nên dễ thân. Khi đó Công đoàn độc lập Ðoàn Kết Solidarnosc của Lech Walesa đang tranh đấu cho một Ba Lan không Cộng Sản. Chúng tôi theo dõi tin tức và bàn luận với nhau mỗi cuối tuần đánh cờ ở Hội quán, vừa xem tivi chiếu những cảnh đình công và đàn áp. Cả hai thật sự thân thiết sau hôm Jadwiga đứng ngắm say mê núi thịt trong siêu thị, rồi quay lại nói với tôi: “Ở xứ tôi không có nhiều thịt như vậy và không bán tự do”. Tôi kể cho Jadwiga nghe là ở Sàigòn cũng vậy. Sau “giải phóng”,  phải ra Phường xếp hàng rồng rắn để mua vài lạng thịt hôi cá ươn. Jadwiga đáp: “Các xứ theo chủ nghĩa Marx giống nhau, thanh niên Pháp không hiểu chúng ta.”

Một trưa Chủ Nhật, sau ván cờ với món súp Zurek bán với giá đồng hương trong Hội quán Ba Lan, Jadwiga nhìn tôi nghiêm trang: “Tôi với anh đánh cờ đã bốn tháng rồi phải không? Nếu anh muốn tôi về phòng anh, tôi sẵn lòng. Tôi không khách sáo.”

Là lần đầu tiên tôi khám phá thân thể của người khác phái. Căn phòng hẹp chỉ đủ kê một giường đơn với một mặt bàn, buồng tắm toilettes ngoài hành lang, nhưng Jadwiga khá tự nhiên và khuyến khích. Tuyết rơi đầy trên lan can và những tàn thông mấp mé cũng trĩu tuyết. Gió thổi rào rạo lên mặt kính. Tôi nhìn Jadwiga lạ lùng, vì đôi mắt cô gái ráo hoảnh.

Tôi hỏi: “Tại sao Jadwiga không khóc?”

Jadwiga ngạc nhiên, hỏi ngược: “Tại sao tôi phải khóc?”

Ðến phiên tôi ngạc nhiên: “Trong tiểu thuyết, sau ân ái, tất cả thiếu nữ đều khóc.”

Jadwiga cười ròn tan: “Hay nhỉ! Tiểu thuyết nào vậy? Ai viết?”

Tôi bắt đầu bực: “Tiểu thuyết Việt Nam. Ân ái là trao thân. Sau trao thân, người con gái khóc.”

Jadwiga cười phá, ôm bụng ngặt nghẽo: “Tôi rất muốn khóc cho anh vui nhưng anh làm tôi mắc cười quá!”

Jadwiga cười ngất làm tôi thêm khó chịu. Tôi nghĩ thầm: Chết rồi, mình gặp gái làng chơi.

Tuy vậy chúng tôi san sẻ thời gian cô độc với nhau thêm một năm cho đến khi Jadwiga quyết định bỏ học bổng về Poznan để tham gia phong trào tranh đấu Ba Lan. Lúc chia tay, Jadwiga có chút bịn rịn: “Tôi sẽ không quên.” Tàu hỏa rời cánh đồng mù-tạt vàng cháy. Tôi thấy Jadwiga thật may mắn vì đã có một quốc gia để trở về, một quốc gia đang chuyển mình.

Là kỷ niệm vui hơn.

Jadwiga Dabrowska và Trần Vũ đầu thập niên 80

SĐ: Anh đã trở về quê nhà từ lúc đó?

TV: Trong tiểu thuyết Những Khúc Xương Con Gái (Les Os des Filles), Line Papin Xuân Linh viết về hành trình trở về quê tìm lại mình trên đường phố Hà Nội: “Lúc ấy em chớm mười bảy tuổi, và em đã bay, một mình, về Hà Nội. Em thấy đó, hôm nay tôi hai mươi ba tuổi, và tôi đang quay về, một mình, một lần nữa, về nơi chốn tuổi thơ của em.

Em đã quay về và tôi vẫn đang quay về, mỗi lần sau lưng em. Tôi có lẽ sẽ quay về mãi mãi để tìm em, tìm cô bé đã sinh ra, sẽ chết, đã tự tìm kiếm, cô bé viết văn, đang quay trở lại. Tôi sẽ quay về mãi mãi với em đã trở lại, về những hũ cốt đựng xương, về những tầng quá khứ xảy ra nơi này.” […]

“Con nghĩ về những khúc xương, con nghĩ về những vết bầm tím, về những quả bom, những hạt gạo, về năm cô gái dưới mái nhà đau khổ này, con nhớ những tràng cười, lời những bài hát, những móng tay, răng, đôi mắt, những cánh tay, những tấm lòng, con nhớ mái tóc đen huyền.” […]

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

“Con khổ quá mẹ ơi. Tại sao chúng ta phải ra đi và rời xa tất cả những người yêu thương con? Là câu hỏi con đặt ra, như hơi thở hắt. Con khổ vì những người yêu con, con cũng yêu họ. Tại sao phải cắt, dưới chân tình yêu của mẹ, cả một thảm cỏ?”

Xuân Linh khá sáng tạo khi dùng ba ngôi thứ nhất, thứ nhì và thứ ba để viết về cô khi rời lưu vực sông Hồng theo mẹ vừa kết hôn sang Pháp, rồi quay về để tìm lại đứa bé ngày xưa. Là cô ở tuổi ấu thơ. Tôi bắt gặp tâm trạng mình trên những trang sách của Xuân Linh.

Tôi cũng đã trở về Tân Ðịnh, ngôi phố tôi thương mến nhất trên trái đất. Ngôi nhà nơi tôi lớn lên đã thành khách sạn Ðức Huy nhưng tôi còn nhận ra những mặt tiền bên cạnh, từng mái hiên, cả lề đường gập ghềnh. Tôi cũng trông thấy bóng một đứa bé và đứa bé ấy dắt tôi ra Làng Ðại Học Thủ Ðức, đến ngôi biệt thự sát cạnh số 9 Einstein (bây giờ là El Mar The Caffè).

Tôi đứng trước ngôi nhà cũ của cha, nơi cha lái xe đưa chúng tôi về nghỉ cuối tuần. Vườn cây kiểng của mẹ đã thay bằng những gốc dừa. Một gia đình cán bộ đang cho vịt ăn trong piscine mà tôi bơi lội thuở nhỏ. Hồ tắm tuổi thơ của tôi đầy vịt. Tôi nghĩ đến truyện Kẻ Sát Nhân Lương Thiện của Lại Văn Long, giải nhất báo Văn Nghệ 1991. Truyện kể một gia đình có công với Cách Mạng được cho vào ở Villa Pensée của Ngụy. Một thập niên sau sĩ quan Ngụy cải tạo trở về đòi lại biệt thự và gia đình tác giả phải dọn ra. Ít lâu sau, đứa con của Cách Mạng quay lại rút súng bắn chết tươi hết thảy nhà Ngụy và tự cho mình là kẻ sát nhân lương thiện.

Tôi nghĩ đến truyện ngắn đó, và nghĩ kẻ sát nhân lương thiện phải là tôi mới đúng. Vì không gia đình “Ngụy” nào lấy lại được nhà, tất cả đều phải lưu vong. Nhưng tôi không bắn bất kỳ ai phía chiến thắng, ngay cả khi Căn Phòng vẫn ở đó.

SĐ: Anh có hối tiếc đã sang Pháp và phải sống trong cô nhi viện?

TV: Tôi không thể hối tiếc, vì không có chọn lựa. Mẹ gửi tôi đi vượt biên. Ở trại đảo anh Cả quyết định đi Pháp vì anh biết tiếng Pháp. Hội đồng Ðịnh hướng Học đường (Conseil en Orientation scolaire) cho tôi làm trắc nghiệm rồi quyết định xếp tôi vào ban H Session Informatique là Trung học Kỹ thuật Tin học. Tôi không được chọn bất kỳ chuyện gì.

Tôi học lớp 10 cho đến Tú tài trong cô nhi viện. Tôi hay ngồi trên bậc tam cấp trông ra khoảng sân xao xác có vài tượng Thánh. Miền Bắc Pháp gió rất mạnh thổi từng luồng làm lá cờ Tam Tài phần phật. Tôi ước ao khoảng sân trước mắt là một sân điện như những khoảng sân lát đá cổ xưa của một nước Pháp hoàng kim với ngự lâm quân mà tôi từng đi xem trong rạp Rex, phim Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ của Alexandre Dumas, có Raquel Welch và Oliver Reed đóng năm 73. Cha chở cả nhà đi xem. Tôi ước ao cha còn ngồi bên và lát nữa cha sẽ chở tôi về.

Không phải sân triều. Chỉ có lớp xi-măng sần sùi với những đứa trẻ cô nhi đã đủ sức làm tình.

SĐ

(17 tháng 1-2022, Áp Tết Nhâm Dần)

Tác phẩm

Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu (1988, tái bản năm 1994)

Cái Chết Sau Quá Khứ (1993)

Phép tính của một nho sĩ (2019)

Giáo sĩ (2021)

Những truyện ngắn của Trần Vũ được tuyển chọn dịch và in thành sách tiếng Anh, tiếng Pháp:

The Dragon Hunt (Nhà xuất bản Hyperion xuất  bản năm 1999), do Nina McPherson và Phan Huy Đường dịch.

Sous Une Pluie d’Epines (Paris: Nhà xuất bản Flammarion, năm 1998), Phan Huy Đường dịch. Và Terre des Ephemeres (1994), Au Rez de Chaussée du Paradis (1994) và En traversant Le    Fleuve (1996).

Tiểu luận

Đông Dương 1993;

Sát thát;

Quân đội Việt Nam – con đường canh tân;

Quân đội Việt Nam – 1979, cơ hội đánh mất….

Hiệp hội tương tế Bắc Việt nghĩa trang,

Di vật,

Lưng trần…