“Mồng Chín vía trời, mồng Mười vía đất”. Nếu người dân trong nước có tập tục lễ vía Ngọc Hoàng và Thần Tài, cúng trời cúng đất rồi đến lễ Thượng Nguyên rằm tháng Giêng ngày càng phổ biến hơn thì tại hải ngoại, những ngày sau Tết là những dịp họp mặt đồng hương, gặp gỡ hàn huyên và nhắc nhớ một vùng đất lịch sử mình đã sinh ra, vui hội ngộ tình đồng hương trong những ngày năm mới.
Hai ngày cuối tuần liên tiếp, đến dự họp mặt đồng hương Bình Định ngày thứ Bảy rồi Tam Kỳ trong ngày Chủ Nhật, tôi cảm nhận niềm vui Xuân như được kéo thêm dài. Nghe bảo một số hội đồng hương khác tại địa phương cũng sẽ tổ chức các cuộc họp mặt trong một đôi tuần tới. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà.
Văn hóa cộng cư không chỉ thấm trong cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung mà còn xuống đến từng vùng miền khác nhau tại các thành phố, tiểu bang có nhiều người gốc Việt cư ngụ. Nên tính địa phương hiện rõ ở những cuộc họp mặt này khi ban tổ chức, những người dẫn chương trình hầu như nhắc nhở về những anh hùng hào kiệt xứ mình, trích dẫn những thi ca thắm đậm tình quê về vùng đất của mình. Mà đất nào ít hay nhiều chẳng có những danh nhân hay tao nhân mặc khách để tôn vinh.
Hội Bình Định theo thông lệ họp mặt hàng năm là lễ tế Vua Quang Trung, vị anh hùng áo vải cờ đào. Nghe nhà báo Thái Hoá Lộc sơ lược về Vua Quang Trung và chiến thắng Đống Đa mới nhận ra Chiến Thắng Kỷ Dậu, vua Quang Trung đại thắng quân Thanh thì năm nay là tròn 235 năm (1789-2024). Tiền nhân đã có những trang sử giữ nước hào hùng.
Tôi tìm đọc lại dăm trang viết trong cuốn “Mơ thành người Quang Trung” của nhà văn Duyên Anh mà tôi từng say mê thuở thiếu thời. Đó là những bài học lịch sử gần gũi và dễ nhớ với tuổi mới lớn.
(trích) “Chương còm yêu những giờ học sử Việt. Thầy nó giảng sử say mê hơn các môn học khác. Thầy nó thường dặn:
– Các con ơi, các con hãy yêu lịch sử nước ta. Trang sử nào của nước ta cũng đẹp cả. Tổ tiên ta đã dùng mồ hôi, nước mắt, xương trắng máu đào viết lên sử của nòi Hồng Lạc. Các con yêu lịch sử là các con yêu tổ quốc, quê hương. Và, mai sau, các con sẽ viết thêm sử sách những trang hào hùng hơn. Nếu các con yêu sử nước nhà, không bao giờ các con để mất quê hương, không bao giờ các con nỡ để tổ quốc điêu đứng.
…
Các con lắng tai nghe đây! Ta tả cho các con nghe một vị anh hùng bách chiến bách thắng trong lịch sử nhân loại. Vị anh hùng đó là Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Nước ta, thuở ấy, loạn ly đau khổ. Dân tộc ta bị phân cách bởi dòng sông Gianh. Ngoài Bắc, chúa Trịnh lấn áp vua Lê, chuyên quyền đàn áp dân hiền. Quan liêu hống hách, thẳng tay vơ vét tài sản mồ hôi, xương máu của dân. Hết loạn này đến loạn khác. Thanh niên bị bắt đi lính không phải để diệt Chiêm Thành hay chống quân Tầu mà để vào Nam đánh giết đồng bào mình. Trong Nam, chúa Nguyễn nhu nhược, quyền bính lọt vào tay tên độc tài Trương Phúc Loan. Bao nhiêu trung thần bị họ Trương hãm hại. Trương Phúc Loan vơ vét, tham ô không kém gì bọn quan liêu ngoài Bắc. Giặc giã nổi lên tứ tung. Dân tình đói khổ. Ấy thế mà vẫn phải đánh nhau với quân chúa Trịnh. Cuộc chiến tranh huynh đệ kéo dài ròng rã một trăm năm chưa chịu chấm dứt.
Bấy giờ, ở đất Tây Sơn, nẩy sinh một vị cứu tinh dân tộc. Vị cứu tinh xuất hiện sừng sững như một trái núi khổng lồ mọc trên đất Bình Ðịnh. Vị cứu tinh là Nguyễn Huệ đó, các con ạ! Nguyễn Huệ dựa lưng vào Ai Lao, Cao Mên, quay mặt ra Nam Hải. Ngài vươn tay trái, ngai vàng của chúa Trịnh miền Bắc sụp đổ. Ngài vươn tay phải, ngai vàng của chúa Nguyễn miền Nam tan rã. Bọn quan liêu tham nhũng, chuyên quyền chết như sâu bọ. Ngài đạp chân phải, 2 vạn quân Xiêm La chết khốn nạn ở miền Nam. Ngài đạp chân trái, 20 vạn quân Thanh chết nhục nhã ở miền Bắc. Ngài vươn mình, Việt Nam lớn lên, hãnh diện vẻ vang và dòng sông Gianh không còn ngăn cách tình người Việt Nam nữa.
Các con ơi,
Các con yêu dấu của ta ơi.
Nay đã già nua mà mỗi lần đọc sử tranh đấu, ta vẫn mơ được làm tên lính quèn dưới cờ vua Quang Trung. Ta mơ được quỳ dưới chân Nguyễn Huệ, nâng áo bào khét lẹt mùi thuốc súng của Ngài mà hít hà lần Ngài ra Thăng Long đuổi loài rợ Mãn Thanh. Các con, các con phải biết mơ thành người Quang Trung các con nhé!…” (Mơ thành người Quang Trung – Duyên Anh).
Đọc lại lời văn mộc mạc, gần gũi mà hào khí ngút trời của Duyên Anh đã đi theo cùng năm tháng với không ít người.
“Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà…”
Bùi Giáng
Với đôi thế hệ người Việt đầu tiên, quê nhà vẫn còn đậm trong tâm trí rất nhiều người. Những dịp họp mặt đồng hương thế này không chỉ những tà áo Xuân rực rỡ, những món ăn dân dã tiêu biểu vùng miền, những nụ cười và lời chúc đầu năm, những tiếng trống lân hay màn hô lô-tô vui nhộn với dăm món quà nho nhỏ đầu Xuân, mà còn là những dịp để nhắc về những trang sử dân tộc, những thi văn ý nhị của những vùng đất quê hương. Về để giữ cái hồn quê xưa và văn hóa ngàn đời luôn luân chuyển nơi xứ người.
Đầu năm Giáp Thìn 2024
ĐYT