Ðặt chân tới Paris, có lẽ, là một sự kiện khó quên nhất trong đời những ai có được may mắn này. Sự ngưỡng mộ đối với thành phố huyền thoại chắc chắn được làm nên bởi sức mạnh lan tỏa vô hình của nghệ thuật từ hàng trăm năm nay, với bao tên tuổi của các nhà triết học, nhà thơ, nhà văn, các nghệ sĩ, kiến trúc sư nổi tiếng và không nổi tiếng của Pháp và thế giới.

Có một điều đặc biệt lạ, khi bước chân trên các con phố của Paris, tôi không hề thấy ngỡ ngàng như ở Moskva hay Berlin hoặc Amsterdam. Một cảm giác cứ vương vấn như ta quay trở về các khu phố cổ Hà Nội vậy. Cũng những con phố nhỏ hẹp đông đúc người qua lại, cũng những cửa hàng buôn bán ngay trên vỉa hè. Một điều đập ngay vào mắt là rất đông người nước ngoài gốc Phi và gốc châu Á. Có lẽ, điều thành công nhất mà nước Pháp làm được trong mấy trăm năm đô hộ các nước thuộc địa là tạo nên những hình mẫu mô phỏng tương tự Paris tại hầu khắp các châu lục và một tình yêu gần như sùng kính đối với văn hóa Pháp tại các nước này.

Cần phải nói rằng, khó có ở đâu mà chúng ta, nhất là thanh niên, tìm thấy được sự hài hoà giữa các tình cảm xáo trộn bên trong tâm hồn với môi trường xung quanh như ở Paris. Thành phố mở ra trước mỗi người những điều bí mật của riêng mình, nhưng đồng thời cũng không cho ai biết và cũng không thể biết đến tận cùng được mọi ngóc ngách của cuộc sống Paris dưới ánh mặt trời và Paris trong bóng đêm, ngay cả những người sinh ra và chết đi tại đây.

Paris không sạch như nhiều thủ đô châu Âu khác. Mỗi ngày, người ta thu dọn được 13 tấn phân chó trên khắp các con đường, công viên của thủ đô. Chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp nơi cái vẻ cẩu thả đáng yêu và rất trí tuệ qua cách ăn mặc, cách  bài trí trong các cửa hàng cửa hiệu. Cái sự nhởn nhơ vô ưu của người dân Paris trong các quán cà phê bên đường, qua cái dáng ngồi gần như nằm ườn ra trên ghế hoặc cách gác đôi giày da không được đánh xi bóng loáng lên ghế của những cô những cậu thanh niên ngồi đọc báo đọc sách, tán gẫu trong công viên hoặc nằm ngả ngớn trên các thảm cỏ xanh mướt.

Tóm lại, Paris là một xưởng nghệ thuật khổng lồ của một nghệ sĩ thiên tài nơi mà mọi kích thước, mọi màu sắc, mọi âm thanh đều được chấp nhận, đều tìm được bạn thưởng thức, cái này không chèn ép không che lấp cái kia mà xếp cạnh bên nhau, nơi mà người ta tự cảm thấy mình giàu có vì truyền thống văn hoá và thấm đẫm hơi thở của đông tây kim cổ.

Tác giả chụp tại Paris. Photo: Vũ Tuấn Hoàng 

Ðứng bên bờ sông Seine, lấy mũi giày hất mấy hòn sỏi rơi tõm xuống mặt nước gợn sóng lao xao, thì bất cứ người Nga, người Thổ, người Hy Lạp hay Trung Quốc, Việt Nam… cũng chẳng cảm thấy quá ngỡ ngàng xa lạ gì vì hình như từ khi còn bé thơ, hình bóng của Tháp Eiffel bên bờ sông Seine đã chiếm giữ đâu đó, một góc nào đó trong tâm hồn.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Tôi bước đến bên cạnh hai ông bà già tóc bạc trắng đang ngồi tung những mẩu bánh mì cho đàn chim bồ câu dưới vòm cuốn khổng lồ của chân tháp và hỏi:

– Cụ là người Paris, phải không ạ?

– Chúng tôi sinh ra ở đây và cũng sẽ chết ở đây – Cụ bà nói, không giấu vẻ tự hào

– Cụ có thể cho cháu biết, tại sao tháp này lại trở thành biểu tượng của nước Pháp? Ở Paris còn rất nhiều di tích lâu đời hơn và giá trị hơn chứ ạ?

Ông cụ nghe thấy thế bèn phá ra cười rất sảng khoái.

– Tại sao á? Cụ tự hỏi rồi cầm lấy chiếc batoong để bên cạnh và vẽ lên trên mặt đất một chữ rõ đậm – Amour, có nghĩa là tình yêu. Tháp Eiffel có hình dáng của chữ cái đầu tiên A. Nước Pháp tôn thờ Tình yêu, với người Pháp nó là tôn giáo – Nói đến đây ông quay sang ôm quàng lấy bà vợ già và hôn lên má một cái rõ to. Một cảm giác ngượng nghịu thoáng qua trên gương mặt của bà già và hình như đôi má bà cũng hồng lên dưới làn da nhăn nheo điểm đồi mồi.

– Anh có nhìn thấy tấm lưới màu xanh chăng kín vòm cuốn của chân tháp không? – Bà già chỉ tay lên phía trên đầu – Cũng vì tình yêu mà nhiều người tìm đến đây để tự kết liễu cuộc đời của mình bằng một cú nhảy ngoạn mục. Chính quyền đã phải chăng lưới để đỡ lấy những con thiêu thân của chữ cái A đấy.

Trong một tiệm bánh mì Pháp Photo: Vũ Tuấn Hoàng

Cũng như tại nhiều thành phố châu Âu khác, chúng ta có thể được chiêm ngưỡng nụ hôn ở khắp mọi nơi công cộng, thanh niên hôn, trung niên hôn, ông già bà cả cũng vẫn hôn. Họ hôn ngay trên vỉa hè giữa dòng người xuôi ngược, họ hôn trong lúc xếp hàng chờ mua tờ báo hay một suất bánh mì kẹp thịt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ buổi sáng, họ hôn trong xe ôtô khi chờ đèn xanh đèn đỏ, họ hôn trên xe buýt, trên tàu điện ngầm, đi xe đạp… Ðàn ông hôn đàn ông, đàn bà hôn đàn bà. Những đôi đồng tính cũng công khai biểu lộ tình cảm của mình không chút e dè ngượng ngập…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Paris không là Paris nếu vắng bóng những nụ hôn này.

Paris có lẽ là một thủ đô mà ẩm thực của cả thế giới hội tụ về đây đông đúc nhất và rực rỡ nhất. Mùi vị đặc trưng của bếp núc  châu Âu, Ả Rập, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Ðộ, Việt Nam, Campuchia… túa ra trên các đường phố của quận 13. Chúng tôi đến thưởng thức món ăn Pháp tại nhà hàng La Couple, một nhà hàng có tiếng ở Paris, được khai trương từ năm 1911.

Theo như chỉ dẫn của chủ nhà hàng thì những năm trước cuộc Cách mạng tháng 10 Nga, nhà hàng này là nơi lui tới thường xuyên của các lãnh tụ vô sản như Lenin, Trotsky… còn các danh nhân văn hoá có Picasso, nhà thơ Nga Gumilyov, Jean Paul Charles (Sartre), Joz Simenon… Trên tường của nhà hàng treo đầy ảnh của các vị này như một chiêu quảng cáo, còn thực sự họ có đến đây hay không thì chỉ có… cơ quan phòng nhì Pháp mới biết mà thôi. Thực đơn chính của nhà hàng là các món hải sản.

Khách có thể tự do đi lại quan sát không chỉ nội thất độc đáo mà cả công việc bếp núc của các đầu bếp với những chiếc mũ trắng cao lênh khênh trên đầu. Chờ đợi người phục vụ bưng món ăn ra cũng phải mất 30-40 phút, với cái dạ dày lép kẹp cồn cào vì đói sau một ngày thăm viếng nhiệt tình thì đến… giấy ăn cũng là một món ngon chứ chưa nói gì đến hải sản!

Ăn uống ngoài đường phố là cái thú của người Paris. Photo: Vũ Tuấn Hoàng

Người Pháp nói chung ăn uống cũng đơn giản như cách ăn mặc của họ vậy. Ðơn giản nhưng có thẩm mỹ. Mốt thời trang Paris và phụ nữ Paris là hai khái niệm, theo tôi, không tỷ lệ thuận với nhau. Tại Kiev và Moskva, trên đường phố gặp nhiều phụ nữ xinh, sắc sảo và giàu nữ tính hơn ở Paris. Nhưng có một điều tôi nhận thấy là sự bình đẳng giới ở đây so với Ðông Âu mạnh hơn nhiều. Người phụ nữ tự kéo lấy những chiếc vali nặng trên sân ga và một mực từ chối những lời xin giúp đỡ của cánh mày râu. Cử chỉ đỡ tay người đàn bà lên các phương tiện công cộng, trong suốt thời gian ở Paris tôi chưa được mục sở thị, ở Liên Xô cũ đó là việc rất đỗi bình thường.

Xem thêm:   Dubai

Paris cũng thức dậy sớm chẳng kém gì Hà Nội. Từ cửa sổ căn buồng khách sạn 7 tầng tại khu gần chợ trung tâm, tôi ngắm nhìn màn đêm thu xanh phớt cứ nhạt dần nhạt dần trên các tháp chuông, trên các mái nhà cổ. Tiếng động cơ xe cộ tuy chưa rõ hẳn song cũng đã như tiếng sóng ì ầm vỗ ở bờ xa. Từ phía chợ, đưa lại một hương vị rất đặc trưng của các khu chợ hoa quả, thực phẩm.

Một mảnh trăng lưỡi liềm nhạt thếch vẫn treo lơ lửng trên vòm trời, tưởng chừng chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ làm nó rơi xuống tòa nhà cổ bốn góc Pale-Roal nơi vào các thế kỷ 18-19 các nhà thơ, các nhà chính khách Pháp trú ngụ. Ðối diện của toà nhà này là ngôi nhà mà hai văn hào Balzac và Victor Hugo thường xuyên lui tới. Từ đây, theo hàng trăm bậc thang nhỏ hẹp lên đến tầng sát mái là nơi ở của nữ thi sĩ Marselina Dep O-Vanmon.

Cách đó không xa, lấp loáng một tượng đài bằng đá cẩm thạch mà từ đó Kamin Demulen, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Cách mạng Pháp, đứng ra kêu gọi nhân dân tấn công chiếm ngục Bastille. Từng viên đá trong khu vực này đều là nhân chứng của lịch sử nước Pháp. Tại một khu nhà nằm sát thư viện quốc gia, ngay cạnh viện bảo tàng Louvre, vào những năm giữa hai cuộc đại chiến thế giới, văn hào người Áo Stefan Zweig đã thuê một căn nhà và cho ra đời kiệt tác “Bức thư của người đàn bà không quen biết”.

Chủ khách sạn nơi tôi trọ là một ông già Việt Nam 80 tuổi đã sống ở Pháp 60 năm, song tiếng Việt nói vẫn rất sõi, thậm chí chất giọng Nam bộ còn đậm đặc. Ông khoe các con ông đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và điện ảnh. Ông xách giúp tôi chiếc túi đựng máy ảnh, máy quay phim ra tận chỗ đỗ của chiếc xe taxi để ra ga đi Strasbourg thuộc tỉnh Elzas. Bắt tay tôi bằng bàn tay vẫn còn rất ấm áp, ông nói: “Ðể có một tâm trạng trẻ trung vui tươi ở Paris thì không nhất thiết cứ phải đến vào đúng mùa Xuân. Paris xanh muôn thuở mà!”

VTH