Đứng giữa quảng trường Opéra nổi tiếng của quận 9, du khách có thể bật cười khi lướt qua tấm bảng quảng cáo với dòng chữ “Chưa bao giờ bạn từng thấy Paris như thế!” Thật vậy, chỉ cách đó vài bước chân, ngổn ngang nằm một đống rác to tướng ! Sau ba tuần lễ đình công của nhân viên sở vệ sinh trong tháng 03.2023, người ta ước tính có khoảng 10,000 tấn rác tồn đọng khắp thủ đô nước Pháp, có nơi chất chồng thành một “tường rác” cao đến 1.6m!

Vì đâu mà lại ra nông nỗi này?

– Vì  dự luật cải tổ chế độ hưu trí của chính phủ đấy ạ!

Sau ba lần định thực hiện nhưng bất thành ở thời các Tổng thống tiền nhiệm (1995, 2003, 2010), dự luật này, nằm trong đề cương tranh cử, đã được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Pháp trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Emmanuel Macron (2017-2022). Bị đình trệ vì nạn «Áo bảo hộ vàng», rồi «Covid 19», dự luật lại tái xuất hiện trong nhiệm kỳ cuối của ông (2022-2027). Trên đường phố khắp nước Pháp, tính từ ngày 31.01.2023 cho đến ngày 23.03.2023, đã có đến 9 lần biểu tình, tuần hành toàn quốc với hàng triệu người tham dự. Ðó là những cuộc biểu tình do các tổ chức chính trị và công đoàn tổ chức, có khai báo, được cảnh sát hỗ trợ bảo vệ, bên cạnh hàng trăm lần xuống đường khác, tự phát do có sự kêu gọi qua mạng xã hội, thường đưa đến xô xát, gây thiệt hại cho người và của. Sự biểu dương sức mạnh trên đường phố, đình công, bãi khoá, cắt điện… được tiến hành song song với các cuộc thảo luận nảy lửa về các điều khoản của dự luật tại Quốc hội Pháp, nhất là ở Hạ viện, giữa các dân biểu đại diện cho các chính đảng. Ðiều khoản 7, nâng tuổi về hưu chính thức từ 62 lên 64, gây nhiều tranh cãi nhất, trong lưỡng viện cũng như ngoài đường phố, hay trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Cuối cùng, dự luật được thông qua ở Hạ viện ngày 17.02, tại Thượng viện ngày 11.03 rồi trở lại Hạ viện ngày 16.03 để bỏ phiếu thêm một lần nữa trước khi chính thức trở thành luật được áp dụng. Nhưng, do lo ngại sẽ không có đủ số phiếu đồng thuận, chính phủ của nữ Thủ tướng Élisabeth Borne đã dùng điều luật 49.3 (*) của Hiến pháp để thông qua dự luật mà không cần sự biểu quyết ở Quốc hội.

Xem thêm:   Hang gấu

Bà Élisabeth Borne đã đánh ván cờ liều. Khi chính phủ quyết định dùng luật 49.3 để «cả vú lấp miệng em», Hiến pháp Pháp cho phép các dân biểu đưa ra «kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ». Nếu kiến nghị này chiếm được đa số phiếu (quá nửa) trong Quốc hội, chính phủ sẽ bị giải tán để chính phủ mới được thành lập và dự luật định đưa ra bị xoá sổ. Nhưng hai kiến nghị do hai phía cực tả (đứng đầu là đảng «Nước Pháp bất khuất») và cực hữu (đảng «Tập hợp quốc gia», hậu thân của «Mặt trận quốc gia» do gia đình Le Pen sáng lập) đưa ra đã không đạt được số phiếu mong muốn.

Bày tỏ sự ủng hộ quyết định của Thủ tướng Borne, Tổng thống Macron đã lên tiếng trên truyền hình ngày 21.03. Ông cho rằng «đám đông» rầm rộ xuống đường không mang tính hợp pháp so với ý nguyện của «người dân», được thể hiện qua sự chọn lựa của các dân biểu. Lời phát biểu này bị khắp nơi chỉ trích, vì, đã không tìm cách xoa dịu tình hình, ông Macron lại đi châm thêm dầu vào lửa, khi ám chỉ những người biểu tình phản đối dự luật cải tổ chế độ hưu trí là một đám đông bạo loạn, ô hợp.

Có ý kiến cho rằng dự luật được đưa ra không đúng lúc, khi hậu quả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine khiến lạm phát tăng phi mã, người dân đã nghèo đi, còn gặp thêm cái eo tăng tuổi về hưu, ai mà chịu được! Rằng Tổng thống Macron và Thủ tướng Borne «cố đấm ăn xôi», ép cho dự luật thành hình, vì cứ muốn nước Pháp làm tấm gương điển hình cho Âu Châu noi theo, trong khi thực ra chỉ là anh học trò tồi lệt bệt cầm đèn đỏ, ít nhất trong chuyện hưu trí này. Hơn nữa, ông Macron sẽ mang tiếng thất hứa với cử tri của mình khi một dự tính quan trọng trong đề cương tranh cử tổng thống đã không thực hiện được.

Người dân Pháp bất bình. Nếu khi chính phủ đưa ra dự luật nâng tuổi về hưu, có người bênh kẻ chống, thì việc nữ Thủ tướng Borne dùng điều luật 49.3 tại Quốc hội bị đa số dân chúng phản đối. 70% những người được thăm dò ý kiến đều cho đó là phản dân chủ, dù hợp hiến. Ngay trong chiều 16.03, khi luật cải tổ hưu trí vừa được thông qua tại Quốc hội do sức ép của chính phủ, hơn ba ngàn người đã tụ tập tại quảng trường Concorde ngay trước Hạ viện để phản kháng. Họ đốt phá và dùng đá lót đường tấn công biệt đội cảnh sát được huy động đến để giải tán cuộc tụ tập tự phát này. Nhiều thành phố lớn của nước Pháp hỗn loạn những ngày sau đó, mà đỉnh điểm là lần biểu tình thứ chín (kể từ đầu 2023) ngày 23.03.2023 với trên một triệu người (theo bộ Nội vụ) / ba triệu rưỡi người (theo công đoàn CGT) tham gia: nhiều người bị thương nặng, cả phía cảnh sát lẫn người biểu tình, nhiều hàng quán, quầy báo, xe cộ bị đập phá. Những bao rác, thùng giấy tích tụ từ ba tuần lễ không ai thu dọn quanh khu Opéra của Paris trở thành mồi lửa không thể tránh khỏi của bọn thích phóng hoả, phá hoại.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Bọn ấy là ai? Từ khoảng hơn 10 năm trở lại, gần như trong bất cứ cuộc biểu tình nào mang tính cách chống đối lại các dự luật của chính phủ Pháp, đều có một nhóm được mệnh danh là black blocs, đa số gồm những thanh niên da trắng đến từ khắp Âu Châu, có khuynh hướng chính trị cực tả (chống tư bản / anti-capitalist), vô chính phủ hay cực hữu (tân phát-xít), đi mở đường, đối đầu với cảnh sát, ném gạch đá, quăng bom xăng, chất nổ, đốt phá, lãnh lựu đạn cay… tạo nên hình ảnh «chiến tranh đường phố» rất ác liệt. Ngay tiếp theo sau là đoàn người già trẻ lớn bé, cờ quạt, múa may, hát hò, hô vang các khẩu hiệu chống đối trong không khí vui nhộn, như bước vào lễ hội. Nhưng tất cả những điều đó đã tạo được một tiếng vang lớn trên toàn thế giới: chuyến viếng thăm nước Pháp của vợ chồng vua Anh Charles III, được chuẩn bị từ nửa năm trước, vừa bị hoãn lại. Nhiều người cho đây là một chiến thắng đầy ý nghĩa của đường phố đối lại với sự ngoan cố của «vua» Macron. Những người khác xem đó là một cái nhục của quốc thể. Giữa chính phủ một bên và các đảng phái đối lập, công đoàn, người chống đối một bên, trận so găng vẫn tiếp tục. Cuộc biểu tình, đình công lần thứ mười sẽ được tổ chức vào ngày 28.03.2023, trong khi chính phủ vẫn nhất định tiếp tục đường lối của mình và tìm cách thương lượng để tìm thoả thuận chung.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Du khách đến thăm nước Pháp không khỏi kinh ngạc khi thấy hàng triệu người bỏ cả công ăn việc làm đi biểu tình suốt ba tháng qua, chỉ để đòi bỏ việc nâng tuổi về hưu lên 64, trong khi ở đa số các nước Âu Châu khác, hay Nhật, Mỹ, Úc… tuổi về hưu đều ở mức 65 – 67, và các dự luật tăng tuổi về hưu ở các nước này được lặng lẽ thông qua trong sự thờ ơ của dân chúng.

Người Pháp thích làm ve hơn làm kiến? Người Pháp thích hưởng thụ hơn làm việc? Người Pháp có lý không khi nói: hơn 200 năm trước, khi cả thế giới đều còn vua, dân Pháp làm cách mạng lật đổ chế độ quân chủ, dựng nền Cộng hoà, Dân chủ. Hôm nay, khi cả thế giới lụm cụm làm việc khi đã ngoài 65, người về hưu ở Pháp, chỉ trên dưới 60, còn sức, đủ tiền, dư thời gian, sẽ tận hưởng rốt ráo những tháng ngày cuối của cuộc đời.

Nhưng, ai sẽ trả nợ công 3,000 tỉ euros? Ai sẽ không còn lương hưu trí để lãnh mỗi tháng, một khi các quỹ cạn kiệt, lúc người lớn tuổi càng lúc càng sống lâu hơn, trong khi người còn trong tuổi lao động, lực lượng đóng góp chính cho các quỹ hưu, càng lúc càng ít dần? Người dân Pháp, một mặt không chịu sinh đẻ, mặt khác lại không muốn người nhập cư vào nước mình quá đông, lấy ai để làm việc đây?

Hay là: sản xuất robot, bắt chúng làm việc không lương, nhưng vẫn phải đóng thuế và góp tiền vào các quỹ hưu? Ai sẽ là người viết thêm chi tiết cho câu chuyện giả tưởng của nửa cuối thế kỷ XXI ở Pháp?

Bài và ảnh CN

Thiais 26.03.2023

(*) Điều khoản 49.3 (ghi vào Hiến pháp nước Pháp từ 1958) quy định quyền của chính phủ được thông qua một dự luật mà không cần có cuộc bỏ phiếu của các dân biểu tại Quốc hội. Đây là một biện pháp nhằm tránh tình trạng một dự luật gặp bế tắc khi có sự tranh chấp giữa hành pháp (chính phủ) và lập pháp (Quốc hội).