Xin phép giải thích luôn, chữ “kỵ” ở đây tôi dùng với nghĩa kiêng kỵ, nghi kỵ, chớ không phải kỵ là giỗ như cách nói của người miền Bắc. Người miền Nam lại gọi ngày giỗ là ngày “cúng cơm,” đúng ngày người thân qua đời, nên cũng có ý nghĩa tưởng niệm người đã khuất.

nguồn: istockphoto

Người dân quê thời trước kiêng kỵ nhiều thứ, bây giờ nhắc lại mà tôi cảm thấy rùng mình lẫn tức cười. Thời bao cấp, mỗi năm tôi chỉ được cha mẹ may cho một bộ quần áo bằng vải tám dệt thô từ sợi bông vải (100% cotton) mua theo tem phiếu. Thứ vải này rất thấm hút nước nên mặc vài tháng đã bị thâm kim và mục nên vá quần áo là việc làm mỗi ngày, làm quanh năm. Rất ít gia đình có kinh tế khá giả (nhờ có thân nhân ở nước ngoài gởi hàng) để có thể mặc quần áo lành lặn. Phần lớn mọi người mặc quần áo cũ, vá chồng lớp này lên lớp khác, may mắn là dân Nam thường xuyên giặt quần áo dưới sông, dưới ao với nước tro bếp nên không bị rận.

Nhà tôi nghèo, mua kim vá đồ thì chỉ đủ tiền mua mỗi lần một cây kim may tay. Ðang may kim gãy phải ngưng lại chạy qua tiệm chạp phô mua cây kim mới. Có hôm vá đồ ban đêm, tôi đi mua kim hổng ai chịu bán. Người ta “kỵ” nhiều thứ quái dị lắm. Tiệm chạp phô không bán kim chỉ, không bán đinh, không bán củi, không bán dầu lửa… sau khi mặt trời lặn. Ngoại tôi nói vì người ta cho rằng không có chuyện gì phải gấp gáp, vội vàng đến mức độ phải đóng cành cạch hoặc may vá, nấu nướng ban đêm, trừ phi đóng hòm (quan tài,) nấu “cháo khuya” (cháo phục vụ người canh đám ma) và may đồ tang.

Lý do kiêng kỵ đó làm cho tôi rất bực tức, nhưng mình là người cần mua thì mình “lép vế” hơn người bán rồi. Ngày nào tôi cũng phải vá quần quần áo lủng, “sứt chỉ đường tà,” có khi tắm xong mặc đồ vô mới phát hiện chỗ rách mà không có bộ quần áo nào khác để thay thế thì phải lập tức thay ra hì hục vá lại chớ sao.

Target – Garden Grove, CA. Photo: tạ phong tần / trẻ

Rồi ngày Tết Tây, Tết Nguyên Ðán cổ truyền thì người buôn bán ăn Tết “hết mùng tới mền,” qua ngày hạ Nêu (tức ngày Mùng Bảy âm lịch) mới khai trương “Lấy hên” này Mùng 8, Mùng 9. Cha mẹ tôi làm gì có nhiều tiền mua đồ ăn khô dự trữ, đồ tươi mua chợ được vài hôm là hết, và bắt đầu những ngày ăn kho quẹt kho khòn để chờ chợ búa nhóm trở lại. Dần dần, thời thế thay đổi, khi dân chúng làm tất cả mọi cách nhằm mục đích kiếm tiền thì không còn kiêng kỵ gì nữa, ai nghỉ cứ nghỉ, ai bán cứ bán nên ngày Tết tôi đỡ bị nhịn đói. Hỏi cô con gái bà chủ tiệm chạp phô sao không “kiêng” nữa, cổ nói: “Tiền vô là hên nên ai mua thì bán, ngu gì hổng bán.” Nói theo kiểu cụ Thu Giang – Nguyễn Duy Cần thì cô chủ tiệm (chưa hết tiểu học) đã áp dụng “Thuật quyền biến,” bởi người luôn kiêng kỵ đủ thứ là má của cô ấy. Quyền biến hay tùng quyền đều cùng một nghĩa.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Ðó là chuyện hồi xưa, lúc tôi còn nhỏ. Bây giờ khác rồi, đồng hương Việt Nam ở quận Cam rất là siêng năng “lượm” tiền. Trong khi các chợ, tiệm Tây, Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Giáng sinh, nghỉ Tết Tây thì các quán ăn Việt ngày Tết cổ truyền cũng có nơi nghỉ một ngày, có nơi không nghỉ, các chợ Việt (supermarket) bán thực phẩm thì không bao giờ nghỉ ngày nào trong năm.

Cũng phải nói thêm rằng những ngày cuối năm 2021 tiểu bang Cali bị bão lớn, quận Cam cũng bị ảnh hưởng bão nên mưa lớn dầm dề suốt một tuần kèm gió lớn, bầu trời luôn âm u xám xịt và nhiệt độ xuống thấp làm cho rất nhiều người không muốn bước chân ra khỏi nhà nếu không có công việc cần thiết. Thành ra lượng khách vô tiệm để dạo chơi, để ngắm hàng hóa trốn “biệt tích giang hồ” luôn, làm cho các chợ, tiệm 5 giờ chiều là vắng ngắt như chùa bà Ðanh dù 9 -10 giờ đêm mới đóng cửa. Cư dân cũng ngại tới chỗ đông người lạ do cơ quan hữu trách quận Cam công bố con số “15,427 ca nhiễm Covid-19 mới và 5 ca tử vong.” Tuy nhiên, giống như năm ngoái, không thấy ai nhắc gì tới tình hình dịch cúm mùa. Các thành phố gần khu Little Sài Gòn như Santa Ana, Fountain Valley đã cố gắng tổ chức các hoạt động vui chơi mừng ngày Christmas để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho cư dân nhưng tình hình có vẻ như số lượng “diễn viên và ban tổ chức nhiều hơn khán giả.”

Bên trong Target. Photo: tạ phong tần / trẻ

Vậy là năm nay các đại gia bán lẻ nghĩ ra “độc chiêu” nhằm cố gắng “lượm bạc cắc” theo tinh thần “có còn hơn không” bằng cách không nghỉ Tết như những năm trước. Cũng dễ hiểu khi ngày 31 Tháng Mười Hai và ngày 01 Tháng Một, 2022 rơi vô Thứ Sáu và Thứ Bảy là những dịp cuối tuần dân cư đi mua sắm đông nhứt, nghỉ Tết vào lúc này rõ ràng là “thiệt hại to béo” cho người bán. Trong tình hình buôn bán kém cỏi suốt năm qua nên dịp kiếm tiền cuối năm hy vọng khách hàng sẽ mua sắm tăng lên thì nhứt định không thể nghỉ. Chiêu này người châu Á gọi là “Ngộ biến tùng quyền” vậy. Các chuỗi tiệm tạp hóa lớn như Target, Walmart đều mở cửa đến 9 -10 giờ đêm là giờ của mỗi ngày, không đóng cửa nghỉ từ buổi trưa như những năm trước. Quả thật, sự “tùng quyền” này thu được kết quả lượng khách vô tiệm mua sắm không hề ít. Năm nay không nghe thấy nhiều tiếng pháo nổ. Cả khu xóm tôi chỉ một gia đình gốc Mễ tổ chức tiệc mừng giao thừa và đốt pháo, còn lại nhà nào cũng đóng cửa im lìm. Tôi nghĩ phần lớn cư dân không tổ chức tiệc tùng ở tư gia vì bị thất thu về kinh tế chớ không phải vì sợ bệnh dịch.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Bình thường, muốn rửa xe tôi phải đến tiệm từ Thứ Hai đến Thứ Sáu trong tuần, cuối tuần và lễ, Tết tiệm đóng cửa. Tình cờ buổi trưa ngày Tết Tây tôi lái xe đi ngang tiệm rửa xe tự động ở góc đường Westminster – Newhope, thấy “bà con ta” vô rửa xe đông nghẹt nên tôi cũng tấp vô rửa xe luôn. Số là sau khi xe cộ bị bỏ dầm mưa suốt một tuần thì mọi người ai cũng có nhu cầu rửa xe và ông chủ tiệm đã không chịu bỏ lỡ “dịp may hiếm có” này.

Những người bạn tôi ở các tiểu bang có tuyết rơi đã cho hay những tiệm tạp hóa lớn bán thực phẩm đều trống trơn các kệ hàng, và bạn tôi đã không thể mua được thức ăn dự trữ cho vài ngày Tết Tây. May mắn thay, Cali là tiểu bang nông nghiệp và khí hậu không đến nỗi quá lạnh nên ở đây các chợ đều đầy ắp thực phẩm, hoa quả tươi ngon, giá rẻ nên rất thu hút người đi chợ vào ban ngày. Dù đã có lịnh cấm tập trung đông người trong không gian kín cho các hoạt động vui chơi giải trí, thì ở phạm vi gia đình vẫn có nhiều người tổ chức ăn Tết rình rang với người thân và bạn bè tại tư gia vì mọi người đã không còn quá sợ hãi “con virus Covid-19” như thời bỡ ngỡ, bối rối ban đầu.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Người Việt có câu: “Qua cơn mưa trời lại sáng” để tự khích lệ tinh thần mình phấn chấn lên, hướng tới tương lai. Hôm nay Little Sài Gòn đã có nắng trở lại. Kệ đi, tôi tự an ủi Little Sài Gòn lạnh nhưng vẫn ấm hơn Seattle rất nhiều. Hổng có tiền nhưng vẫn ăn ngon ngủ kỹ, không cần lo lắng mất ăn mất ngủ khi lương lãnh giá bèo mà cứ “đóng hụi chết” giỗ chạp, đám điếc nhà sếp, Tết này Tết nọ phải nhịn ăn nhịn mặc, chạy tiền mua quà cho sếp mệt xỉu như thời còn ở Ðông Lào.

Rửa xe. Photo: tạ phong tần / trẻ

TPT