Kinh tế Đức đang suy thoái. Dự báo sẽ kéo dài và sẽ rất lâu phục hồi. Tình hình này ảnh hưởng không chỉ mỗi người dân Đức (Có thống kê, mỗi gia đình Đức thiệt hại khoảng 2,500 euro mỗi năm) mà còn kéo theo cả Châu Âu…Lao động Việt Nam ở Đức, nhất là tại Berlin trong mùa Đông năm 2024, đối diện với muôn vàn khó khăn.

Chỗ trú qua đêm mùa Đông, đối diện Nhà ga trung tâm Hauptbahnhof 

Nỗi lo việc làm, đời sống

Tình trạng kinh tế xuống dốc khiến người dân Đức kể cả người Việt có việc làm, cuộc sống ổn định cũng… thắt lưng buộc bụng, chi tiêu tiết kiệm hơn. Việc này đồng nghĩa với nhiều cửa tiệm, quán ăn do người Việt kinh doanh ít nhiều đều bị ảnh hưởng.

Một thanh niên (36 tuổi), quê Quảng Trị, sang Đức từ đầu năm 2019 kể: “Cháu bị “đứt đường” sang Anh nên đành ở lại Berlin. Nhờ người quen cùng thành phố Đông Hà giới thiệu vào làm cho một công ty của người Việt chuyên xây dựng, sửa chữa nhà hàng, quán ăn… Công việc cũng có nhưng nhiều nhất là vận chuyển hàng phế thải. Khi dịch COVID-19 bùng phát thì mất việc luôn. Năm 2023, xin được chân phụ bếp kiêm luôn việc dọn dẹp quán. Tưởng đâu ổn định nhưng rồi chủ quán kêu trời vì thu nhập giảm sút. Cháu là 1 trong 3 người bị quán sa thải trong mùa Đông u ám này. Cũng may chủ quán cho được 1,000 euro thay cho tiền trợ cấp thất nghiệp và hẹn sẽ nhận làm lại khi tình hình sáng sủa hơn”.

Những lao động trẻ Việt Nam từ Hungary, Ba Lan chạy sang và từ Việt Nam đến Đức choáng váng khi mới vào Đông đã buốt lạnh. Đây là thách thức về thời tiết ban đầu, kế đến là việc làm. Thật không hề dễ dàng đối với kẻ tha phương chẳng có bạn bè lẫn người thân làm chỗ dựa ban đầu. Một học viên đang theo học ngành Cơ khí tại Berlin thổ lộ: “Trước đây, mỗi Chủ Nhật, cháu được một chủ nhà hàng quen biết hợp đồng công việc giao hàng. Đạp xe cật lực, quay vòng liên tục, từ 12 giờ trưa đến 8 giờ tối. Tệ tệ cũng được 150 đến 175 euro. Mới chớm Đông thôi, cô chủ nhà hàng đã cho thôi việc vì ít khách đặt hàng!”.

Nhiều quán bán hàng ăn uống cũng giảm dần nhân viên. Đối tượng đầu tiên họ nhắm tới là những lao động không có giấy tờ hợp pháp, làm chui dù với tiền công rẻ. Bớt được nhân viên chừng nào hay chừng đó! Những lao động chuyên chở đồ phế thải xây dựng cũng ở không. Ít người xây dựng, sửa chữa nhà ở, cửa hàng thì lấy đâu ra việc để làm nên thu nhập giảm sút … cuối cùng nghỉ việc luôn! Nói đâu xa, Tết sát rạt rồi mà nhiều nhà hàng, quán tiệm ở Hà Nội, Sài Gòn đóng cửa, trả mặt bằng, rất đông nhân viên mất việc, lao đao …

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 16 tháng 1 năm 2025

Tìm mọi cách để tồn tại

Như ngành nail, để trụ lại, một số chủ cửa tiệm đã xuất chiêu cạnh tranh bằng cách giảm giá (không công khai) để thu hút khách. Ví dụ như, khách thay vì trả tiền công 10 euro như trước đây thì được khuyến mãi 3 euro … bất ngờ! Sau đó ít hôm thì nhiều khách tìm đến vì nghe có giảm giá. Vài cửa tiệm nail trên đường phố nọ khách vắng teo! Nhân viên tiệm cứ dán mắt vào điện thoại suốt thay vì ngóng khách. Có ngóng cũng dài cổ thôi. Và như quy luật tất yếu, nhân viên của vài cửa tiệm … hoàn thành nhiệm vụ, được tiễn lên đường … Giống như thợ hớt tóc nam sẵn sàng đến tận nhà phục vụ quý ngài, quý ông kể cả các cháu nhỏ với giá phải chăng. Một số nhân viên nữ làm nail, làm tóc, uốn mi, mát-xa mặt cũng lên mạng tiếp thị phục vụ quý bà, quý cô theo địa điểm rất đúng giờ, uy tín. Trên mạng xã hội ngoài những người ẩn danh kêu gọi giúp đỡ về việc làm, lác đác có vài cô gái đăng hình (thật hay giả không rõ) giới thiệu mình có tay nghề mát xa… đen rất điệu nghệ, kỹ thuật tốt. Nhất định không làm các anh thất vọng. Giá rất yêu thương. Có cô đăng ảnh rất sexy giới thiệu mình dáng ngon, cung cấp thức ăn… cho chim tận tình, lịch sự, kín đáo, sạch sẽ và chiều anh hết mình. Nhanh tay ib đặt lịch ngay, có kèm số điện thoại …

Có người Việt lên mạng đăng “Cần tìm người” không giấy tờ phụ việc cho quán như dọn dẹp, rửa bát. Mỗi tháng sẽ được trả 500 euro, có nơi ăn, ngủ. Được cho học đứng bếp, sau này muốn đi đâu thì đi! Những chủ quán này đang… chơi bài liều, 5 ăn 5 thua. Nếu bị kiểm tra phát hiện dùng người lao động không có hợp đồng, không có giấy tờ đi lại hợp pháp thì chủ nhà hàng, quán ăn bị phạt rất nặng! Tuy vậy, có nhiều người cho là chủ quán bóc lột công sức lao động của người làm. Biết có người đang cần việc nên bắt chẹt. Phải 2,000 euro mới xứng! Thời điểm này không loại trừ có chủ quán cơ hội làm khó người lao động… không quần áo (không có giấy tờ hợp pháp).

Xem thêm:   Thành phố quê hương của ông già Noel Rovaniemi

Có một số người Việt, Syria, Ấn Độ… là nam, nữ công nhân trong công ty, nhà hàng, khách sạn nhà nước cũng bị sa thải, nay nhận trợ cấp thất nghiệp. Họ đã trở thành shipper bất đắc dĩ. Chạy giao hàng đồ ăn cho Wolt, Uber Eats bằng xe ô tô, xe đạp…trong thời tiết buốt giá.

Ai rồi cũng ngủ bến tàu thôi! (Ảnh trên Internet)

Người trong cuộc nói gì?

“Xin chào cả nhà! Em quê Hà Tĩnh. Em sang Đức hơn 1 năm. Nay đang bơ vơ chốn này chốn kia. Em nghĩ người làng, người xóm đưa sang tưởng giúp em công việc làm thời gian đầu. Ai ngờ mình phải tự lo kiếm việc. Học làm nail 5 tháng rồi cũng không xin được việc. Giờ chẳng biết làm sao. Mùa Đông này lại khổ vì không nơi trú ngụ ổn định. Giờ mà về Việt Nam thì một đống nợ. Có phải ít tiền đâu, mấy trăm triệu đồng. Anh chị em nào có thể giúp em được không? Em là nam, có thể phụ nail, nhà hàng, làm cơ khí”, một bạn nam… kể lể.

Có người than: “Bằng mọi cách cầm cố, vay mượn đi qua Châu Âu, đích đến là Đức. Đến nơi rồi tìm không ra việc nên năn nỉ mọi người, ai có việc cho phụ làm không lương, chỉ cần ăn ngày 3 bữa cầm cự trong mùa Đông lạnh buốt!”. Có người tự trào: “Mất mấy trăm triệu qua Đức. Ngày ra sân bay người thân, bạn bè, người yêu bịn rịn chia tay. Rồi chụp hình check in các kiểu với những cái cap hay đăng facebook: “Châu Âu chờ tôi nhé!”, “ Đất nước màu hồng đợi tôi nhé!”. Bạn bè bên ấy động viên qua đây sẽ có vô số việc làm. Người ta làm được thì mình cũng làm được. Trời sinh voi ắt sinh Hai Bà Trưng. Không bao lâu sẽ đổi đời, quay về xây nhà, sắm ô tô. Chỉ mong đặt chân đến Đức với hy vọng tràn trề sẽ “mang tiền về cho mẹ, không mang ưu phiền về cho mẹ”! Qua tới nơi mới thấm cảnh trời Âu. La liệt người đi xin việc. Một người rao tuyển lao động thì cả trăm người vô comment xin làm với lời lẽ thống thiết, cho em làm việc gì cũng được miễn có cơm ăn, có tiền tiêu vặt là được. Mùa Đông đến rồi! Mùa Đông đến rồi! Nhiều người còn tiếc rẻ phải chi qua Đài, qua Nhật, đi Hàn mà có giấy tờ, có việc trong công ty, nhà máy cho dù lương thấp còn đỡ hơn bên Đức. Giờ không giấy tờ, không có việc, lang thang bến tàu… Mùa Đông tê tái quá!”. Chưa sang thì nói khổ mấy em cũng chịu được. Sang rồi mới thấy khổ quá em chịu không nổi! “Coi chừng mấy đường dây với mấy trung tâm dịch vụ lụi. Qua bên này là xác định luôn – chôn vùi tuổi trẻ!”, có người khuyến cáo.

Xem thêm:   New York cuối năm

Có ai lang thang vật vờ?

Nhiều bạn trẻ không có giấy tờ hợp pháp lo lắng đã đành. Người có giấy tờ hợp pháp cũng lo âu không ít. Đó là tình trạng không có việc làm lẫn có việc làm chưa biết khi nào bị sa thải. Có không ít trường hợp đau xót là không có tiền trả thuê phòng trọ phải xin ở ghép, xin làm việc gì cũng được miễn có cơm ăn…

Tôi dò hỏi có tin người Việt mình trong mùa Đông này phải lang thang xin ăn, ngủ ở gầm cầu tàu điện, nhà ga, cô nhân viên (ở quận Lichtenberg) một quán ăn trong chợ Đồng Xuân, kể: “Hai, ba người ngửa tay xin tiền ở chợ thì có thỉnh thoảng. Cháu không biết có người Việt mình ngủ nghỉ vật vờ ở nhà ga hay không. Gần chỗ cháu ở có một nhà kho. Hai thanh niên người Việt dùng mấy tấm kê hàng (pallet), tấm bạt với bìa các tông dựng cái chòi nhỏ. Ban ngày đi đâu, làm gì không biết, chỉ thấy tối về đó ngủ. Hôm bữa có người ốm, tiều tụy thấy tội. Mấy nhóm từ thiện có kêu gọi giúp đỡ tiền!”.

Tôi chưa thấy người Việt mình ngủ dưới gầm cầu tàu điện hoặc gần nhà ga. Nhưng có thấy tận mắt vài người Việt trẻ đi xin tiền người đồng hương ở chợ Đồng Xuân. Chiều ngày 18/12/2024, tôi ngồi chờ xe buýt ở phía đối diện Nhà ga trung tâm Hauptbahnhof. Có một thanh niên lại gần hỏi: “Chú có phải người Việt Nam không?” Lúc này tôi mặc áo ấm, trùm mũ len kín. Tôi gật đầu trả lời đúng thì cậu thanh niên ngoài 30 tuổi, người gầy ốm, áo quần phong phanh, đầu trần, nói giọng Nghệ An, thỏ thẻ: “Chú cho con xin ít tiền lẻ mua vé tàu”. Theo phản xạ, tôi vét trong túi áo một nhúm tiền xu đưa cho cậu ta. Cậu ta cảm ơn rồi bỏ đi thật nhanh. Tôi bình tâm lại, đứng lên đi loanh quanh tìm cậu ấy. Tôi tiếc mình chưa hỏi được gì và định bụng cho thêm 5 hay 10 đồng chi đó, nhưng không gặp.

Có lẽ mong ước không chỉ của lao động người Việt mà cả người dân Trung Đông tị nạn hoặc nhập cư lậu, và cả người dân Đức là mùa Đông u ám qua nhanh nhanh giùm cái!

Bài & ảnh LKD