Thời xưa, đối với những hiện tượng siêu nhiên ngoài tầm kiểm soát của con người thì người ta giải thích bằng cách gán những hiện tượng ấy cho đấng tối cao (việc tốt) hoặc ma quỷ (việc xấu.)

Tôi dám cam đoan với quý độc giả đang đọc bài viết này rằng thời còn là những đứa trẻ thì vị nào cũng sợ ma đến “đứng trong quài” luôn. Buổi tối mà người lớn sai chạy tiệm chạp phô đầu xóm/cuối xóm mua món gì đó, rủi trên đường đi có bụi cây lớn, cây cổ thụ, thì y như rằng nhứt định không chịu đi, hăm dọa đánh đòn cũng không chịu đi dù trăng sáng vằng vặc. Mà đứa nào gan hơn một chút phải xách theo cây đèn bão. Ði ngang bụi cây, gốc cây thì cắm đầu chạy cái ào qua, trống ngực đập thình thịch. May phước thời đó có đèn bão nên chạy nhảy, gió thổi cỡ nào đèn cũng không tắt. Tôi ngày còn nhỏ cũng vậy. Cho tới khi đã từng trải lăn long lóc cuộc đời, bước vào tuổi “ma sợ tôi” thì tôi hiểu ra người châu Á dạy trẻ bằng cách hù dọa ma quỷ rất phản khoa học, làm cho trẻ mất hết tự tin và khả năng phản kháng khi vào đời. Cho đến bây giờ, người Việt Nam vẫn giữ kiểu giáo dục này, Tháng Bảy âm lịch (Xá Tội Vong Nhân) con nít không được ra ngoài ban đêm, sợ bị ma quỷ bắt hồn. Rồi ôi thôi đủ kiểu cúng kiến, đồng bóng, hàng mã, tụng kinh… cầu xin ma quỷ đừng quấy phá.

Thời xưa người châu Âu cũng giống người châu Á, nhưng họ thay đổi rồi. Văn minh Tây phương thời nay không hù dọa cho con nít sợ ma quỷ, không cúng kiến, thần bái ma quỷ mà người ta coi ma quỷ là cơ hội để vui chơi, để kiếm tiền. Nếu ở Việt Nam có ngày rằm Tháng Bảy cúng cô hồn thì ở Mỹ và châu Âu cũng có ngày Halloween (Lễ hội ma quỷ) như một lễ hội vui vẻ của trẻ em, người lớn, là cơ hội hái ra tiền của các cửa tiệm buôn bán. Ma quỷ cũng là cảm hứng sáng tác cho các nhà sản xuất phim ảnh. Nếu quý độc giả không tin tôi thì cứ thử vô YouTube gõ các từ: horror, ghost, vampires, dracula movie thì quý vị sẽ thấy đổ ra một list phim ma dài sòng sọc coi tới sang năm vẫn chưa hết phim.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Bắt đầu khoảng Tháng Chín, các cửa tiệm đã bày bán tấp nập những mặt hàng đầy chất ma mị để mọi người mua về trang trí nhà cửa, quần áo, bày trên bàn khách, ngoài vườn. Nếu người châu Á bỏ tiền ra mua rất nhiều đồ hàng mã làm bằng giấy y như thật để đốt, sang năm lại mua cái mới đốt nữa; hàng hóa ma quỷ ở Mỹ mua một lần chơi Halloween xong có thể cho vô bọc nilon (giữ cho nó mới và sạch) đem cất, sang năm lôi ra chơi tiếp, không hao tốn lãng phí như người châu Á. Nhà ông hàng xóm có hai cô con gái 13, 14 tuổi cũng rộn rịp mua vài cái áo T-shirt trắng rẻ tiền về rồi hai cô bé xịt màu nhuộm vải, gắn lủng lẳng đủ thứ xanh, đỏ, đen, cam lên áo để mặc đi chơi với bạn đêm Halloween.

Ði dạo các tiệm Mỹ coi đồ chơi Halloween cũng là một cái thú. Vô các chuỗi tiệm lớn như 99 cents hay Home Depot thì ôi thôi, những bộ xương người bằng nhựa trắng hoặc đen đủ kích cỡ, từ bịch nilon đựng 5 bộ xương người nhỏ xíu giá $1, bộ xương cao bằng người thật đến con ma sói cao hơn 2 yards giá $199.99, khách hàng muốn “chơi lớn” cỡ nào cũng có.

Trong bất cứ thứ đồ chơi, đồ dùng thượng vàng hạ cám gì họ cũng đều gắn kèm hình ảnh sọ người, bộ xương người, xương thú, nhện đen, rắn, sừng quỷ, máu giả, mặt trái bí con ma vui vẻ… Những bộ chân đèn (gắn đèn điện hoặc nến,) bình cắm bông, cục dằn giấy, túi đi chợ, tạp dề nhà bếp, nơ kẹp tóc, headband, xô, thau, mặt nạ, bí đỏ, lồng đèn giấy, lồng chim màu đen nhưng không chứa chim mà chứa bộ xương thú, những túi kẹo, những cái xô nhỏ hình trái bí có vẽ mặt ma để đựng kẹo, ma nhỏ, ma lớn cứ giơ tay về phía khách hàng…

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Có thể nói, kinh doanh ma quỷ là một ngành công nghiệp của người Mỹ thuộc loại “bá chủ thiên hạ.” Các tiệm quán, chợ búa Việt Nam ở Little Sài Gòn chỉ là “muỗi” so với các tiệm Mỹ, chợ Mỹ. Thậm chí, tiệm Việt thờ ơ như chưa từng biết đến Halloween. Tôi ở Little Sài Gòn dù gì cũng đã được 5 mùa mưa nắng, và tôi chưa thấy tiệm quán, chợ Việt Nam nào có trang trí hình nộm con ma vui vẻ nhân ngày Halloween. Có lẽ các doanh nhân gốc Việt ở đây chưa dứt được quan niệm đem ma quỷ vô tiệm thì xui xẻo và phải đốt vàng mã tống tiễn ma đi xa xa một chút?

Chuỗi tiệm Fry’s Electronics, Best Buy, cây xăng Con Sò Shell trang trí con ma vui vẻ để thu hút khách đến coi chớ họ không bán đồ chơi Halloween. Ðó cũng là nghệ thuật bán hàng, nếu ai đó đã vô tiệm chơi, đi lòng vòng trong tiệm coi hàng thì khi trở ra người đó cũng mua món gì đó ít nhất là $5 chớ hiếm có ai trở ra tay không. “Tích thiểu thành đa,” chủ tiệm chỉ cần có nhiều khách- hàng- $5 bước vô, coi như chiêu trò câu khách của họ đã thành công rồi. Hiện nay chưa thấy chuỗi tiệm Walmart, Costco dựng con ma khổng lồ bằng bong bóng lên như các năm trước, nhưng Walmart đã dành hẳn hai dãy kệ dài để bán rất nhiều đồ chơi Halloween, áo thun các kiểu, áo sơ mi (shirt) người lớn, trẻ em. Năm nay đang mùa “dịch vật,” nếu không thì các tiệm chuyên bán quần áo treo tràn ngập những chiếc áo in hình mặt ma, bí rợ màu cam rồi.

Người Mỹ coi Halloween là một lễ hội vui vẻ, dù tạo hình ma quỷ nhưng ma quỷ kiểu Mỹ nhìn rất khôi hài, buồn cười, trẻ con thì được cha mẹ dẫn đi từng nhà hàng xóm để xin kẹo. Giới trẻ ở Việt Nam lại du nhập Halloween vào Việt Nam theo kiểu rùng rợn, kinh dị, mang màu sắc tội ác và chết chóc, làm cho không ít trẻ em sợ hãi và người lớn đứng đắn cảm thấy bất bình. Các quán ăn, quán cà phê, khu vui chơi…  ở Việt Nam thì bày các món ăn gây sợ hãi, cho nhân viên kể cho khách nghe những câu chuyện giết người cướp của, ăn thịt người v.v. trước khi lên món. Các tiệm buôn nhân cơ hội bán đồ vật hóa trang là bịch máu tươi giả, những khúc tay, khúc chân người, những tròng mắt dính đầy máu giả y như thật. Nếu ai đã từng coi phim Zombies thì hình ảnh trong phim vẫn chưa kinh tởm bằng kiểu chơi của “nam thanh nữ tú” giới con nhà khá giả ở quốc nội. Các tiệm, quán thì trang trí tiệm theo kiểu gây sợ hãi để phục vụ các “thượng đế” thích kinh dị vào chơi.  Ðiều may mắn là kiểu chơi kinh hãi này chỉ phổ biến ở Hà Nội, Sài Gòn, chưa tràn ra các tỉnh và vùng nông thôn. Tôi nhớ ông bà xưa có nói đại khái học cái tốt thì khó, học thói hư tật xấu thì dễ. Cách “hội nhập” văn hóa Halloween ở Việt Nam lại theo vế thứ hai.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Còn hơn một tuần nữa mới tới ngày lễ hội Halloween, vì vậy trong phạm vi bài viết này tôi chỉ kể cho quý độc giả chuyện “kinh doanh ma quỷ” kiểu Mỹ làm giàu một cách văn minh mà thôi. Các năm trước, cộng đồng Việt Nam tổ chức thi hóa trang giống người nổi tiếng, thí sinh dự thi cũng phải trổ tài biểu diễn một tiết mục nghệ thuật nào đó mới đạt điểm tối đa mới giật giải được. Giải thưởng chủ yếu là tượng trưng, để cất giữ kỷ niệm vui tươi, còn giá trị vật chất món quà không có bao nhiêu. Hy vọng Halloween sắp tới cư dân quận Cam được thưởng thức một ngày lễ hội hóa trang vui vẻ.

TPT