Cuối năm, Quy Nhơn mưa và lạnh, người ta ngại ra đường. Thành phố nhỏ bên rẻo biển Miền Trung đường phố thêm vắng lặng, 9 giờ đêm phố xá vắng tanh, trong khi những thành phố lớn khác, đây là thời điểm mà mọi người còn dạo phố mua sắm cho một năm mới sắp đến.

Ban Mai – Họa Sĩ Đặng Mậu Tựu   

Tôi đến phòng tranh Đặng Mậu Tựu vào một buổi sáng se lạnh, khi cuộc triển lãm đã trải qua gần 2 tuần,  ngày mai là ngày cuối. Phòng tranh tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định, một không gian rộng, sang trọng, yên tĩnh nhưng ấm áp. Xung quanh bức tường cao xám lạnh là các bức tranh với đủ đường nét, màu sắc lung linh dưới ánh đèn vàng. Những bức tranh im lặng như đang chờ đợi, như đang mời gọi người thưởng lãm bước vào thế giới sắc màu của tác giả.

36 bức tranh trưng bày là 36 tâm cảm mà tác giả muốn gửi gắm cho người thưởng ngoạn, mỗi bức tranh là mỗi hoài niệm, đàng sau những bức tranh là cả một câu chuyện dài của một thời đã qua. Tôi trôi theo dòng ký ức của người họa sĩ, về lại một làng quê nghèo xứ Nẫu, tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định  vào những năm 60 của thế kỷ 20.

Từ năm 11 tuổi tác giả rời xa quê hương nhưng ông không bao giờ quên hình ảnh tuổi thơ cùng bạn thả diều dưới đình làng, giàn bí đao khổng lồ ở làng Chánh Trạch nhà ông, cái động cát có tảng đá lớn trên bãi Tân Phụng, một đêm trăng đẹp hớp hồn trên cánh đồng muối Mỹ Thành, những nhánh hoa Mào Gà, hoa Vạn Thọ rực rỡ trong những ngày Tết. Hình ảnh tụi trẻ chạy theo đường bờ ruộng bắt cá, bắt cua trong tiết tháng 10. Nụ cười cô gái vùng biển ôm rổ cá tươi rói khi thuyền mới trở về, lũ chim dòng dọc, con trâu trên cánh đồng là những người bạn thân thiết của ông thời thơ ấu, dù rời xa đã lâu, nhưng với ông, nhắm mắt lại hình ảnh ấy vẫn còn tươi xanh như mới ngày hôm qua.

Thú đi ăn đêm

Có lẽ yêu thích và dừng lại lâu hơn của tôi là bức tranh đổ bánh xèo lúc trời mưa dông, bức tranh làm tôi nhớ thuở nhỏ, ngày mưa mẹ tôi cũng đúc bánh xèo vỏ bên bếp than hồng như vậy, trẻ con tụi tôi ngồi quây quần bên mẹt thúng, đứa nào cũng chìa sẵn cái chén cho mẹ đổ vào, đúc cái nào là tụi tôi vớt ngay cái đó, bánh xèo vỏ chấm nước mắm nêm ớt tỏi, vừa thổi vừa ăn ngon không thể tả. Hay một đêm khuya ăn hột vịt lộn dưới ngọn đèn dầu, có dĩa rau răm, gừng chua, đặc biệt chỉ ở xứ Nẫu luôn có ly rượu cơm nếp bên cạnh.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 7 tháng 11 năm 2024

Những tập tục, những nét văn hóa của làng quê xứ Nẫu được ông phác họa rõ nét qua bức tranh “Nhà có nhân khẩu mới”, ông vẽ người mẹ mang 2 con cá tươi xanh đang mở cửa vào nhà, con cá bà dùng để nấu cho con gái mới sinh. Ngôi nhà nằm sát mép biển, một góc hiên nhà có treo lủng lẳng một nhánh xương rồng, đó là tập tục quê ông dùng để báo hiệu trong nhà có người đang ở cữ, người lạ xin đừng vào sợ mắc phong long.

Hay bức tranh tĩnh vật “Kỷ vật quê tôi ai còn nhớ?” vẽ 5 cái vòng tròn trên vách tường 2 cái màu đen, 3 cái màu đỏ, bên trái là cái mõ gõ bằng tre, bên phải là cái đèn hột vịt hay còn gọi là đèn Huê Kỳ. Với những người thế hệ trẻ những đồ vật ấy khó hiểu, được ông giải thích cặn kẽ. Ngày xưa những năm 60 thời ông Ngô Đình Diệm người ta lập ấp chiến lược tập trung dân làng lại, quê ông là vùng “xôi đậu” ngày Quốc gia, đêm Cộng sản là việc bình thường, vì vậy mỗi nhà đều có một cái mõ bằng tre dùng để gõ mõ báo động cho dân làng biết khi Việt Cộng về, nhằm ẩn nấp, lánh đi. Cái mõ tre như một biểu tượng hòa bình, tránh gây xung đột. Ngày ấy, ở nông thôn còn nghèo khổ, thiếu thốn khi đêm xuống dân làng đốt đèn dầu phộng trên một cái dĩa có cắm ngọn bấc, thường gọi là đèn dầu lạc, ánh đèn leo lét mau tắt và mờ tối. Vì vậy từ ngày Mỹ sang bán dầu hỏa của hãng Shell con sò và cho cái đèn hột vịt để người dân đựng dầu thắp sáng, lúc đó ở nông thôn là một phát minh lớn, là niềm vui khi đêm tối có ánh đèn dầu hột vịt soi tỏ để họ làm việc nhà. Hồi đó người ta thường gọi là cái đèn Huê Kỳ. Còn 5 cái vòng tròn trên tường trong mỗi căn nhà là hình ảnh mà tất cả người dân thời ấy đều không quên, chính phủ chủ trương bình dân học vụ, ở Miền Nam bắt buộc xóa mù chữ toàn dân, họ đến từng nhà điều tra dân số, ví dụ nhà có 5 người 3 người biết chữ và 2 người mù chữ, ban điều tra sẽ lấy lọ mực vẽ vòng tròn trên góc vách nhà, nhà nào có 3 người biết chữ thì 3 vòng tròn đỏ, 2 người mù chữ thì 2 vòng tròn đen, rất đơn giản dễ nhớ và hữu dụng. Khi các liên gia trưởng đến điều tra, đến từng nhà nhìn lên vách thì biết ngay nhà đó bao nhiêu người, mấy người biết chữ, mấy người không. Tất cả những hình ảnh như mõ tre, đèn Huê Kỳ, những khoanh tròn trên vách ngày ấy đối với cậu bé con, đã trở thành kỷ vật một thời không quên, đánh dấu một giai đoạn lịch sử đã qua.

Kỷ vật quê tôi ai còn nhớ

Đặng Mậu Tựu là một họa sĩ chuyên vẽ tranh trừu tượng, nhưng riêng cuộc triển lãm “Quê Nẫu” ông chọn nhiều những bức tranh thiên về hiện thực để trưng bày. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ông cho biết: “Tôi vẫn luôn tìm kiếm những thể nghiệm mới ở dòng tranh trừu tượng, nhưng trở về với quê hương lần này, tôi muốn mang về quê mình những gì thân thương, chân thực nhất, chất phác nhất. Bởi tôi sinh trưởng và lớn lên trong sự dịu ngọt của chính cái đời thường, giản dị ấy của xứ Nẫu. Thế nên lần này, với “Quê Nẫu” tôi cố gắng chạm đến nguồn cội trong vẻ thuần khiết nhất. Nghệ thuật, với tôi, là một cánh cửa mà tôi có thể gửi gắm chút ưu tư. Quê hương là nơi mà tâm hồn tôi được tắm mát, dung dưỡng. Vậy nên, tôi muốn trình bày với quê hương những gì thuần hậu và giản dị hết mức có thể.”(1)

Xem thêm:   Tình Thu tháng 11

Với Đặng Mậu Tựu, tranh phải có câu chuyện, ở đó lịch sử và văn hóa là những giá trị kết tinh, mỗi bức tranh của ông là một câu chuyện ẩn chứa những suy ngẫm về thế giới mà ông đã thể nghiệm. Chúng ta có thể thấy hình ảnh lịch sử ấy thông qua bức tranh “chàng Lía” một nhân vật xuất hiện trong chuyện kể của bà ngày nhỏ nói về một con người trượng nghĩa, cướp của người giàu chia cho người nghèo, dù sau này ông bị hành hình nhưng dân chúng vẫn yêu thương ông: “Chiều chiều én liệng Truông Mây/ Thảm thương chàng  Lía bị vây trong thành…” hay bức tranh “Tin vui từ Đông Đô” ông vẽ hình ảnh Ngọc Hân Công Chúa đang cầm cành Đào mà vua Quang Trung gửi về cho nàng để báo tin thắng trận.

Nhưng độc đáo nhất là bức tranh “Ngậm ngùi hòn đá trắng chùa Thập Tháp”, mà có nhiều tranh luận về ý nghĩa của bức tranh này. Bức tranh là những nhát chém của cây cọ với khối mảng màu lớn xen kẽ sắc vàng và đỏ tía, đó là màu tượng trưng của vua chúa, vương quyền, một góc bên phải là hòn đá trắng, chính giữa có một triện son, phía trên hòn đá trắng là hình ảnh mờ tối của những cái đầu bị chặt phứt. Đằng sau bức tranh này là một câu chuyện bi thương của lịch sử đất nước. Tương truyền, hòn đá trắng ở trước nhà Phương Trượng chùa Thập Tháp chính là hòn đá chém, khách thập phương khi bước vào phải đạp lên hòn đá chém này. Nó là chứng nhân lịch sử tàn khốc của vương triều Nguyễn Ánh khi chiếm đóng Kinh Đô đã cho chém đầu các triều thần nhà Tây Sơn, không trừ một ai từ già, trẻ, gái, trai. Hòn đá chém gói bao oan hồn đã chết. Truyền thuyết kể cứ đêm đêm hòn đá lại lăn từ cửa kinh thành đến đập cửa các nhà viên quan có mặt trong cuộc hành quyết đẫm máu, phát ra lời đòi mạng thống thiết. Hòn đá oán hờn được dân trong làng và các sư thầy lập đàn cúng kính, cầu siêu. Cuối cùng được đưa về chùa để ngày đêm nghe tiếng kinh kệ để siêu thoát. Hơn 200 năm  trôi qua, biết bao vương triều đến rồi đi không một dấu vết, thế nhưng hòn đá trắng vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt như một chứng nhân lịch sử, ghi lại một thời đã qua. Xúc động trước câu chuyện này, người họa sĩ đã vẽ lại bức tranh như đồng cảm với nỗi thống khổ của con người, các tội đồ ngày xưa dù ở phía bên này hay bên kia, nó cũng là một kiếp người, là nạn nhân của những vương triều. Theo tôi, cái sáng tạo của bức tranh ở chỗ tác giả đặt hòn đá trắng như biểu trưng của một vương triều, vì vậy ông đã nghĩ ra việc vẽ thêm dấu triện của vua chính giữa hòn đá.

Góc bếp ngày đã xa

Trong một lần trả lời phỏng vấn, họa sĩ Đặng Mậu Tựu từng thổ lộ: “Khi một người sinh ra, trưởng thành ở đâu thì những tác phẩm của họ đều bàng bạc những hoài niệm về nơi chốn, nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Với riêng tôi, hình ảnh quê hương luôn hiện hữu trong mỗi tác phẩm, luôn thường trực trong con người của mình … Ký ức ấy, những hoài niệm ấy, khi vẽ cứ hiện về…”(2)

Xem thêm:   Dở khóc dở cười các giải tranh tài của học sinh

Một buổi sáng cuối năm trong phòng tranh vắng lặng tôi được đắm mình vào những sắc màu rực rỡ của tuổi thơ, những sắc màu đằm sâu của hoài niệm, không gian hoài niệm về tuổi thơ của ông, cũng chính là không gian hoài niệm của nhiều người xứ Nẫu. Qua kinh nghiệm sống của tác giả những cảm nhận về cuộc đời được dồn nén lại, nỗi đau nhân thế cũng mang màu triết lý hơn, nó giúp cho người thưởng ngoạn thông qua hội họa hiểu hơn về một thời đã qua.

Cảm ơn ông, cảm ơn người họa sĩ qua tác phẩm của mình đã giúp tôi hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của vùng đất tôi đang sống, từ đó cảm nhận sâu sắc hơn, yêu hơn xứ Nẫu của mình.

BM

Quy Nhơn, 31.12.2023

(1) (2) Đặng Mậu Tựu trả lời phỏng vấn của nhà báo Lê Viết Thọ