Một chị bạn Facebook nhà ở một tiểu bang Bắc Mỹ nói với tôi nơi chị sống không có đài truyền hình tiếng Việt, muốn coi phim phèo, tình hình thời sự gì đó bằng tiếng Việt chỉ có lên YouTube coi thôi. Ngược lại, tiểu bang Cali là nơi dày đặc “tần suất phủ sóng” của rất nhiều loại truyền hình, radio tiếng Việt. Ở khu vực Little Sài Gòn thì cái sự “dày đặc” này còn hơn cả chữ “dày đặc” gấp nhiều lần.

Năm nào cũng vậy, cứ tầm trước Tết Nguyên Ðán khoảng một tháng thì ôi thôi, khán giả người Việt bị “bội thực” các loại quảng cáo cho các hội chợ Tết, quảng cáo đại nhạc hội của các chùa chiền, nhà thờ… trên các loại báo chí, các đài truyền thanh, truyền hình, người phát tờ rơi, dán posters tá lả…. Quảng cáo ở đây chưa đến mức thô thiển kiểu quảng cáo “Trĩ, mạch lươn ôm cột điện” như ở Việt Nam hiện nay, nhưng nhứt định ở Little Sài Gòn không kém cạnh bao xa.

Trước đây, trong một bài viết, tôi đã giới thiệu với quý độc giả rằng ở Little Sài Gòn (Nam Cali) đồng tồn tại ba tổ chức đều được gọi là “cộng đồng” của cư dân gốc Việt, thì hàng năm cũng có ngần ấy hội chợ Tết Nguyên Ðán lớn, nhỏ do từng ấy “cộng đồng” tổ chức. Ngoài ra, còn có hội chợ Tết sinh viên (thành phố Costa Mesa (quận Cam, cách Little Sài Gòn 30 phút lái xe,) hội chợ Tết quy mô nhỏ của nhà thờ (Công giáo, Tin Lành,) Hội chợ Hoa Xuân (Flower Festival,) Hội chợ Ẩm Thực Việt buổi tối  v.v.

Các thánh lễ trong nhà thờ chủ yếu vào ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần và không thay đổi. Ngày Tết thì có thêm một vài lễ Tết cho cộng đồng Việt Nam, còn người sắc tộc khác họ không quan tâm. Thành thử, ngày Tết trong các nhà thờ không xôm tụ bằng các chùa Việt, việc quảng cáo cho nhà thờ vì vậy cũng kém phần rầm rộ so với các chùa.

Ngược lại, theo Phật giáo, ngày Mùng Một, ngày rằm âm lịch đều là những ngày lễ trọng trong tháng, tín hữu Phật giáo đến chùa đông đúc, và cũng trùng hợp với ngày Tết Nguyên Ðán luôn. Do đó, đêm Giao Thừa và Mùng Một Tết ở các chùa tổ chức rất lớn, rộn ràng, đông nghẹt người đến viếng chùa Lễ Phật, du Xuân,  chụp ảnh, hái lộc, cầu may… Ðể thu hút thêm du khách, các chùa cũng cho quảng cáo chương trình đại nhạc hội, chương trình lễ Giao thừa, Mùng Một trên các báo, đài truyền hình y như quảng cáo hội chợ, còn “cạnh tranh” chùa này có sân khấu lớn hơn, có truyền hình trực tiếp hoặc có quan chức dân cử (địa phương) nào đó tới dự nói vài câu phát biểu (để kiếm phiếu cho mùa bầu cử tới,) ca sĩ chùa này mời nổi tiếng hơn ca sĩ chùa kia mời, dây pháo đốt dài bao nhiêu thước, nổ 5 phút hay 10 phút nữa… Quảng cáo về việc đốt pháo nổ cũng là một cách đánh vào tâm lý hướng về nguồn cội của người Việt, dù có đạo Phật hay không thì người ta vẫn muốn vô chùa đêm Giao Thừa hay ngày Mùng Một để coi đốt pháo, để hửi mùi thuốc pháo, là hình ảnh, mùi vị thời thơ ấu ở quê nhà mà từ thập niên 80 đến giờ nhà cầm quyền Việt cộng ở Việt Nam đã cấm tiệt. Nếu chỉ đọc những dòng chữ trong bài viết này thì quý độc giả ở xa không thể hình dung được “tính cạnh tranh” trong các mẫu quảng cáo, mà quý vị phải coi trực tiếp quảng cáo, nghe phát thanh viên đọc kiểu “hùng hục” rất “nặng ký” câu “Ðặc biệt chùa chúng tôi” thì quý vị mới cười lăn cười bò ra. Âu cũng có thể gọi đây là những mẫu quảng cáo vui nhứt trong năm.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Năm nay, tất cả các loại quảng cáo dzui dzẻ kể trên đều im bặt trên phương tiện truyền thông. Chợ đêm “ẩm thực” vẫn cho phép mở cửa đến 7 giờ tối, điều này có nghĩa là những ai phải đi làm sẽ không đủ thời gian tới chợ thưởng thức trước giờ đóng cửa. Lượng khách đến chợ đêm vì vậy cũng sẽ giảm đáng kể. Những ngày cận Tết Nguyên Ðán, nhờ thời tiết ấm hơn, ánh nắng trong ngày nhiều hơn nên người đi Hội chợ Hoa Xuân cũng tăng lên nhiều lần so với ngày mới khai trương.

Trong niềm vui nhỏ bé, hiếm hoi bởi ảnh hưởng dịch bệnh này, người dân quận Cam có một nỗi lo lớn hơn, đó là mất việc và tăng giá tiêu dùng. Ảnh hưởng đầu tiên đã xảy ra ở các thành phố theo “đường lối chỉ đạo của anh Bảy Ðờn” (tiếng lóng cư dân mạng dùng phổ biến mùa bầu cử để chỉ ông Joe Biden,) là ráo riết thực hiện chính sách tăng lương bằng nghị định. Chị bạn tôi sống ở thành phố biển Long Beach (quận Los Angeles, Nam Cali) cho hay tập đoàn bán lẻ Kroger đã tuyên bố đóng cửa hai chợ Food 4 Less và Ralph ở Long Beach vào Tháng Tư tới vì không kham nổi tiền lương trả cho nhân viên. Việc đóng cửa hai chợ này sẽ kéo theo 300 người bị mất việc. Từ Tháng Bảy 2020, mức lương tối thiểu ở quận Los Angeles là $15/h cho những business có trên 26 nhân viên. Tháng vừa rồi, “hội nghị đảng bộ của Long Beach ra nghị quyết bắt Kroger tăng thêm $4/giờ cho tất cả chứ không chỉ cho những người nhận lương tối thiểu” (tức hội đồng thành phố Long Beach, cách nói của chị bạn tôi,) như vậy mức lương này là $19/h (gọi là “hero pay.”) Tình hình tới đây, các thành phố khác như Los Angeles, San Diego, San Jose sắp sửa “noi gương điển hình tiên tiến” của Long Beach.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Cái sự tăng lương bằng nghị quyết (giống y ở Việt Nam hiện nay) mà không tạo ra được giá trị sản phẩm mới, tức không có thêm hàng hóa đưa vào thị trường thì rõ ràng hại nhiều hơn lợi. Ðiều đáng nói là sự tai hại này nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người, chớ không đơn thuần chỉ có hại cho người chủ thuê mướn lao động và nhân viên của họ. Ðừng nghĩ đơn giản chợ này đóng cửa ta đi chợ khác, ngồi xe hơi chớ có phải đi bộ đâu mà lo. Cá nhân tôi đã cảm nhận cái sự “hại” này từ tuần trước. Ðó là tôi thấy các mặt hàng thiết yếu như xà bông, dầu gội đầu bỗng dưng tăng giá bán gấp đôi hoặc giảm trọng lượng đóng gói. Lượng nhân viên thu tiền ở các quầy bán hàng giảm xuống, hậu quả là khách mua phải xếp hàng dài dằng dặc chờ tính tiền, mỗi lần mua sắm phải mất vài tiếng đồng hồ cho cái sự “chờ tính tiền” này, và nó đặc biệt làm mất thời gian và phiền phức vô cùng ở các tiệm không có đặt máy cho khách tự trả tiền.

Xăng đã bắt đầu tăng giá. Khu vực chỗ tôi ở là nơi bán xăng giá thấp hơn Little Sài Gòn, trước đây chưa tới $3/gallon thì nay đã nhảy lên $3.5/gallon rồi. Ở Cali có nơi giá xăng đã nhảy lên $5/gallon và hơn nữa nếu gần mấy con đường freeway. Ðiều này có nghĩa là tôi sẽ phải “bó cái mỏ” lại (hà tiện bớt tiền ăn ở restaurants cuối tuần) để dành tiền đổ xăng xe, nghĩa là mấy restaurants quen thuộc với tôi sẽ mất khách “mối ruột” là tôi (biết đâu có nhiều người khác cũng giống tôi,) restaurants bán ế hơn, chủ tiệm sẽ sa thải bớt nhân viên, số người thất nghiệp lại tăng lên… Thiệt là một sự sụp đổ dây chuyền, một minh họa điển hình cụ thể dễ hiểu nhứt mà người ta gọi là “hiệu ứng Domino” vậy.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Tuy nhiên, còn một chút an ủi là người Việt ở Little Sài Gòn vẫn đi mua sắm Tết ở các chợ Việt, các dãy phố kinh doanh bánh kẹo, hoa quả, bánh tét, bánh chưng, hoa tươi bày bán ê hề. Nhộn nhịp kẻ bán người mua tấp nập như chưa từng xảy ra dịch bệnh, làm cho không khí ngày Tết cũng bớt phần cô quạnh. Ai có tiền sắm Tết cứ sắm, riêng tôi năm nay không đủ tiền mua bánh tét.

TPT

Photo: Tạ Phong Tần / trẻ