Cô Nguyễn Đài Thi là cựu Thanh Tra của Sở Thuế Hoa Kỳ (IRS) và cũng là cựu Thanh Tra của Bộ Ngân Khố (U.S. Treasury Inspector General). Hiện cô đã nghỉ hưu, nhưng với bề dày 30 năm kinh nghiệm làm việc cho Sở Thuế và Bộ Ngân Khố, có nhiều chuyện “hỉ, nộ, ái, ố” khá độc đáo mà Trẻ được cô chia sẻ, tâm sự một cách cởi mở trong bài phỏng vấn sau đây…
Thiên An: Chào chị Đài Thi, một trong những mục mới nhất của Trẻ là “Mục Thuế Vụ” được rất nhiều độc giả yêu thích. Trong đó có những người không hề làm thương mại, hoặc “đụng chạm” đến sở Thuế, ngoài việc “ngoan ngoãn” nộp thuế hàng năm. Nhưng họ bảo “thích” mục này, có lẽ trong đó có nhiều thông tin rối rắm, éo le khiến tôi liên tưởng đến show truyền hình thực tế rất ăn khách trên ti vi là “Judge Judy”, có phải vậy không chị?
Đài Thi: Thi không dám so sánh sự thành công của “Mục Thuế Vụ” với show ti vi nổi tiếng “Judge Judy”. Được độc giả khắp nơi yêu mến và nhiệt tình ủng hộ “Mục Thuế Vụ” thật là một niềm khích lệ lớn cho Thi, vì nguyện vọng của Thi là chia sẻ với đồng hương những kiến thức về thuế. Rất cám ơn báo Trẻ đã góp phần lớn trong việc giúp Thi chuyển tải những kiến thức này.
Thật ra lúc đầu Thi cũng lo ngại, vì thuế vụ là một đề tài rất khô khan và khó hiểu. Đôi khi Thi phải cố gắng đơn giản hóa vấn đề để bài dễ đọc dễ hiểu hơn. Cũng may là độc giả thích các thông tin về thuế và các câu chuyện thật trong nghề thuế cho nên bỏ qua những chi tiết kỹ thuật khô khan.
Thiên An: Người Việt mình nói chung, nhất là những người làm doanh nghiệp thì xanh mặt, thậm chí mất ăn mất ngủ khi sở Thuế gọi tên, có phải nhân viên sở Thuế đáng sợ vậy không chị. tại sao nó “khủng bố” tinh thần người làm doanh nghiệp, thậm chí cá nhân đến vậy?
Đài Thi: Nhân viên của Sở Thuế thì chẳng có gì đáng sợ, nhưng chính là sợ quyền hành của Sở Thuế khi phải đương đầu với họ, nếu chẳng may mình gặp rắc rối về thuế.
Sở Thuế có quyền hành thật đấy, vì chính phủ Mỹ giao cho họ trọng trách thu thuế cho nên ban cho họ đầy đủ quyền hành. Ví dụ như thiếu thuế mà không trả thì Sở Thuế được quyền tịch thu niêm phong tài sản. Khai thuế gian lận thì Sở Thuế được quyền kiểm thuế hoặc truy tố kẻ khai gian ra tòa án hình sự.
Cá nhân Thi từng là thanh tra Sở Thuế mà còn sợ Sở Thuế thì huống gì mọi người. Hôm nào nhận được thư của Sở Thuế là mất vui, không muốn mở thư ra đọc chút nào, cứ cảm giác như là có hung tin.
Phải có lý do thì Sở Thuế mới liên lạc với mình. Bất kể là thư gì, cho dù chỉ là báo tin gì đó liên quan đến hồ sơ thuế của mình, hoặc gửi tiền hoàn thuế cho mình. Nhưng tâm lý chung ai cũng nơm nớp lo sợ bị kiểm thuế hoặc bị đòi nợ thuế, cho nên hầu như không ai có cảm tình với Sở Thuế.
Thiên An: Sở Thuế (IRS) đã ám ảnh như vậy, nhưng chị làm Thanh Tra của Sở Thuế Hoa Kỳ và là cựu Thanh tra của Bộ Ngân Khố U.S., nghe oách quá. Có thể nói chị là “hung thần” của mấy ông bà ở Sở Thuế (IRS). Chị có thể giới thiệu sơ nét về công việc của chị với độc giả Trẻ được không?
Đài Thi: Đúng vậy, mấy ông bà Sở Thuế từ sếp lớn sếp nhỏ đến cấp dưới xem Thi như “hung thần”. Mỗi lần Sở Thuế bị Thi kiểm tra là họ cũng xanh mặt giống y như mình bị Sở Thuế kiểm thuế vậy.
Thật ra phải nói là hệ thống chính quyền liên bang ở Mỹ rất đáng khâm phục. Không riêng gì Sở Thuế mà đa số các cơ quan lớn của chính phủ liên bang đều có một Bộ Thanh Tra đi kèm để canh chừng, họ thường được gọi là “watchdog”. Cho nên trước sau gì mọi gian lận, tham nhũng, sai lầm, đều bị lộ ra khi bị kiểm tra. Đây là một đặc điểm rất hay của chính phủ Mỹ, mà không đời nào chế độ cộng sản dám bắt chước vì sẽ lộ tẩy chuyện tham nhũng, tẩu tán tài sản quốc gia.
Hàng năm Sở Thuế thu vào mấy nghìn tỷ đô la cho ngân sách quốc gia. Sở Thuế có gần 100,000 nhân viên và hằng hà sa số các văn phòng, công việc, trách nhiệm, thủ tục, hệ thống vi tính, dữ liệu (data), v.v. Vì sự quy mô và trọng trách của Sở Thuế, cho nên Bộ Tổng Thanh Tra Ngân Khố theo kèm sát bên để kiểm soát.
Thiên An: Chị đến Mỹ năm nào, diện gì, mỗi di dân Việt đến Mỹ đều có những kỷ niệm hấp dẫn, ly kỳ. Chị có thể kể cho độc giả đôi nét về hành trình và hội nhập vào đời sống Mỹ, nhất là những khó khăn…
Đài Thi: Thi đi vượt biển năm 1980, khi ra khỏi hải phận Việt Nam thì máy tàu bị hư cho nên thuyền cứ chơi vơi trên biển. Mấy ngày sau thì được tàu khoan dầu khí của Đức vớt và đưa vào trại tị nạn Songkhla ở Thái Lan. Ở trại chỉ vài tháng thì được gia đình ở Mỹ bảo lãnh. Lúc đó Thi dưới tuổi vị thành niên cho nên vừa đến Mỹ là bị bắt buộc phải vào trường học chứ không được ở nhà chơi .. hehe.
Nhớ thời gian đầu thật khó khăn, nhất là về ngôn ngữ. Không biết một chữ tiếng Anh, đi đâu cũng kè kè theo cuốn tự điển Anh-Việt cầm tay nhỏ xíu. Thầy cô bạn học muốn nói chuyện với mình đều phải viết ra giấy, rồi mình dò tự điển xem họ muốn nói gì. Phải chi hồi đó có điện thoại thông minh như bây giờ thì nhờ ông Google dịch giùm tiện lẹ biết mấy, hi hi…
Ban đầu tuy gặp khó khăn về ngôn ngữ, nhưng Thi lại dễ dàng hội nhập vào cuộc sống ở Mỹ. Rất thích thức ăn Mỹ, nhất là món “hamburger”, mà đặc biệt là món bánh mì “Big Mac” ở McDonald. Lúc đó gia đình nghèo lắm cho nên Thi không dám xin tiền. Sau giờ tan học Thi đi lượm ve chai bán lấy tiền mua “Big Mac” ăn, mà thấy ngon vô cùng. Nhớ mãi không quên… hi hi
Thiên An: Lúc đến Mỹ, ấn tượng lớn nhất của chị là gì?
Đài Thi: Lúc đến Mỹ thì nhớ Việt Nam lắm. Hầu như đêm nào cũng nằm mơ thấy mình đang ở Việt Nam, có khi thấy mình tung tăng dưới mái trường với bạn bè, có khi trở về nơi đó để giúp người vượt biên.
Ai đã từng sống với Cộng Sản vào những năm 1975-1980 thì sẽ hiểu được sự khốn khổ của những ngày ăn độn bo bo, và những vụ đổi tiền làm người miền Nam kiệt quệ tài chánh. Cho nên khi thoát được qua Mỹ rồi thì Thi ước ao tất cả bạn bè người thân của mình cũng được đi thoát như mình, và vì đó hằng đêm Thi cứ nằm mơ thấy mình tổ chức những cuộc vượt biên thật ly kỳ sống động. Mãi gần 2 năm thì những giấc mơ đó mới nguôi ngoai.
Thiên An: Có rất nhiều nghề “nữ tính” hơn, và không nhiều người Việt làm những công việc có vẻ ‘gai góc’ như chị, cơ duyên nào khiến chị trở thành một nhân viên sở Thuế, và sau đó Thanh tra Sở Thuế U.S?
Đài Thi: Vì nhà nghèo cho nên sau khi xong trung học ở Mỹ thì Thi được chính phủ trợ cấp học bổng vào đại học. Trong thời gian đi học Thi có đi làm bán thời gian. Không biết cuối năm khai thuế như thế nào mà bị Sở Thuế audit. Họ nói mình khai sai và có phạt mình chút đỉnh, ấm ức lắm. Lúc đó mới biết Sở Thuế IRS là ai và có ấn tượng mãi. Tức quá, mình tự tuyên bố là sau này khi học xong mình sẽ làm thanh tra Sở Thuế để hiểu vì sao mình bị audit. Nói chơi vậy mà thành thật. Ngay sau khi ra trường, Sở Thuế mướn mình làm thanh tra thật, hi hi…
Rồi sau đó mình có mộng đi giang hồ (travel) đây đó. Mình xin chuyển qua làm thanh tra cho Bộ Ngân Khố để được đi kiểm tra các văn phòng Sở Thuế trên khắp nước Mỹ. Thế là từ đó mình cứ khăn gói xách vali đi công tác ở nhiều nơi trên toàn quốc.
Thiên An: Nghề vui nhất là… diễn hài, nhưng trong những phỏng vấn của những danh hài như Vân Sơn, Bảo Liêm họ cũng than thở nhiều khi buồn muốn khóc. Vậy nghề chị chọn, có vẻ hoàn toàn không có bóng dáng nụ cười, toàn những nạn nhân sầu thảm, nhưng biết đâu? Chị có thể kể một vài kỷ niệm đặc biệt trong thời gian làm việc trong bộ máy chính phủ?
Đài Thi: Nghề thanh tra có buồn vui lẫn lộn. Mình không thấy nghề này gai góc, vì khi đi thanh tra mình vẫn mặc “đầm”, vẫn ăn nói nhẹ nhàng rất nữ tính (nhưng cứng rắn). Nhưng nghề thanh tra thường hay bị thiên hạ ghét, thậm chí có người lén đâm lủng bánh xe của mình, có người nói bóng gió miệt thị dân Việt ở Mỹ. Cũng có người mến mình vì họ hiểu rằng mình chỉ làm bổn phận công việc của mình. Những người “phá” mình thì mình kiểm tra thuế không nương tay (cười). Những người mến mình thì sau này có người trở thành bạn quý của mình.
Thi nhớ có lần đi kiểm thuế một doanh nghiệp vào mùa đông buốt giá. Vợ chồng người chủ doanh nghiệp cố tình tắt máy sưởi, để “tống” mình đi cho lẹ. Mình vừa làm việc vừa run cầm cập, trong lúc kiểm tra giấy tờ của họ mình vẫn phải mặc áo khoác, đeo khăn choàng cổ, đeo găng tay. Ngày hôm sau mình quay lại kiểm tra tiếp và họ vẫn không bật máy sưởi. Nhưng đến ngày thứ 3 mình trở lại thì họ bật máy sưởi ấm và đòi mua đồ ăn thức uống “tẩm bổ” cho mình. Sau đó hai vợ chồng cùng xin lỗi, mình phạt thuế bao nhiêu họ cũng chấp nhận vì họ cảm thấy cách mình làm việc rất công bằng và hợp lý (fair and reasonable).
Có lần mình kiểm thuế một văn phòng luật sư. Ông luật sư và cô phụ tá mến mình ngay từ phút đầu. Khi kiểm thuế xong, mình phạt ông ta vài chục ngàn đô la, giải thích cặn kẽ lý do ông bị trả thuế thêm. Là luật sư cho nên ông ta hiểu luật và vui vẻ ký ngay cái check, và từ đó ổng và cô phụ tá trở thành bạn thân của mình.
Thiên An: Có chuyện vui nào không chị?
Đài Thi: Có lần kiểm tra một nhân viên Sở Thuế, ông ta sợ quá bỗng nhiên nói cà lăm trong khi bình thường ông nói chuyện rất lưu loát, mồ hôi chảy ướt đẫm mặt mày, trán, và cả trên đầu. Vài phút sau thì … mái tóc của ông rớt xuống. Thì ra ông ta bị hói đầu, và mồ hôi đã làm mái tóc giả rớt ra, thấy tội nghiệp ổng (cười).
Thiên An: Có kỷ niệm buồn nào không?
Đài Thi: Lúc mới vào nghề thanh tra Sở Thuế, Thi ghét nhất là khi mình gặp những trường hợp kỳ thị. Họ bất mãn vì hồ sơ thuế của họ bị Sở Thuế audit, rồi họ trút giận qua mình. Nhất là khi họ nói đụng chạm đến người Việt là cái máu “tinh thần dân tộc” của mình nó sôi sùng sục. Lúc đó chỉ muốn bỏ nghề thanh tra. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thì mình biết cách “phang” lại họ vài cú, họ nói bóng gió xóc hông thì mình cũng nhẹ nhàng “xỏ” lại. Quyền hành trong tay mình cho nên cũng không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra (cười).
Thiên An: Sau khi nghỉ hưu, chị đã hăng hái giúp đồng hương người Việt những kiến thức giá trị về Thuế, chị tham gia rất nhiều ở các kênh truyền thông, báo chí trong đó có báo Trẻ. Theo nhận xét riêng của chị thì câu hỏi nào thường được người ta đặt ra nhiều nhất?
Đài Thi: Chắc ai cũng nơm nớp lo sợ cho nên câu hỏi thường gặp nhất là: “Làm sao tránh bị Sở Thuế audit?”
Thiên An: Ai cũng nghĩ Sở Thuế (IRS) là bất khả xâm phạm, họ giống như những ông trời con. Vậy chị còn audit cả Sở Thuế, thường thì chị kiểm tra họ về lãnh vực nào?
Đài Thi: Rất nhiều người (Mỹ lẫn Việt) rất ngạc nhiên khi nghe Sở Thuế bị kiểm tra. Ai cũng tưởng Sở Thuế là ông trời con, không ai dám đụng đến, nhưng thật sự không phải vậy.
Mục đích của các cuộc kiểm tra là để xem Sở Thuế làm việc có đúng thủ tục không, và quan trọng nhất là để ngăn chặn và phát hiện các hành động gian lận, hoặc lạm dụng quyền hành và lũng đoạn ngân sách.
Thi kiểm tra nhiều lãnh vực khác nhau. Có khi kiểm cách họ thu thuế và kiểm thuế, cách họ phục vụ khách hàng (customer service). Khi thì kiểm cách họ bảo mật dữ liệu thuế và hệ thống máy vi tính, cách họ chi thu ngân sách, mướn nhân viên, huấn luyện nhân viên v.v. Thật ra không có giới hạn ở khu vực nào cả.
Thiên An: Những sai phạm của Sở Thuế khi chị audit thì thường là những lỗi gì?
Đài Thi: Thường là họ làm việc không đúng với thủ tục, quy định, luật lệ của chính phủ.Có khi lỗi trầm trọng, có khi lỗi nhẹ. Cũng có khi họ không làm sai gì cả, nhưng mình đề nghị họ sửa đổi một ít để kết quả được mỹ mãn hơn. Nhất là trong những thời kỳ ngân sách bị cắt giảm, vì thiếu nhân lực và phương tiện để thi hành trọng trách thu thuế cho chính phủ cho nên công việc họ bị đình trệ hoặc sai sót.
Thiên An: Nếu họ phạm sai lầm thì hình thức xử phạt như thế nào?
Đài Thi: Sở Thuế không bị xử phạt, mà họ phải hoàn thiện và trả lời trước Quốc Hội (Congress) nếu cần. Khi kiểm tra xong thì mình viết bản tường trình gửi cho Quốc Hội. Quốc Hội dựa trên những bản báo cáo đó để quyết định ngân sách hằng năm của Sở Thuế, cũng như điều chỉnh một số nhiệm vụ cho Sở Thuế.
Thiên An: Ngoài ra, chị cũng audit cá nhân và doanh nghiệp. Trường hợp nào thì một cá nhân hay doanh nghiệp nằm trong “tầm ngắm” của chị, hay cơ quan chị, nói chung.
Đài Thi: Chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ, đa số những ai bị audit là do hệ thống vi tính của Sở Thuế lựa ra chứ không nằm trong tầm ngắm của ai cả. Sau khi máy lựa ra rồi thì có một đội ngũ kiểm lại xem có nên audit hay không, vì Sở Thuế thiếu nhân sự thanh tra cho nên phải lọc lựa kỹ hơn. Vì vậy, khi mình bị audit là xem như xui lắm mới không thoát qua được mấy cái ải chọn lọc này.
Có một số trường hợp đặc biệt Sở Thuế tập trung audit vì số người khai gian khá nhiều, thì không liên quan gì đến máy vi tính chọn lựa. Chẳng hạn như trường hợp các doanh nghiệp nhỏ như tiệm nail và tiệm ăn trả lương cho nhân viên mẫu 1099 thay vì W-2. Sở Thuế cũng đặc biệt lưu ý đến những ai khai thu nhập giả để lấy được tiền trợ cấp EIC do lương thấp, hoặc trợ cấp CTC vì có con nhỏ tuổi.
Thiên An: Tôi cũng có nghe nói Sở Thuế có những program đặc biệt để “quét” qua số liệu và quyết định việc có audit hay không? Những kỹ thuật đó ngày càng phát triển tinh vi hơn, chị có thể kể vài phương pháp của Sở Thuế không?
Đài Thi: Tuy rằng kỹ thuật của Sở Thuế rất tinh vi nhưng cũng rất dễ hiểu. Họ thu thập dữ liệu thuế của hằng triệu hồ sơ thuế, đủ mọi ngành nghề, mọi người, mọi nơi. Rồi họ thống kê lại tất cả các dữ liệu này để tính những mức trung bình.Nếu hồ sơ khai thuế của mình khác biệt xa với mức trung bình thì sẽ bị máy “chọn” ra để audit.
Ví dụ như tiệm giặt đồ coin laundry, theo thống kê của Sở Thuế thì nếu hàng tháng mình chi phí điện nước 1,000 đô la, thì mình sẽ thu vào khoảng 1,500 đô. (Đây chỉ là những con số ví dụ.) Nhưng nếu mình khai thu vào 500 đô, chỉ bằng 1/3 con số thống kê, thì nghe chẳng hợp tình hợp lý chút nào, chắc chắn là sẽ được máy vi tính nó “chọn” ngay.
Nói đại khái là khác biệt chút đỉnh không sao, chứ khác quá nhiều thì mình tự đặt mình vào sổ bìa đen. Sở Thuế liên tục làm thống kê cho nên những con số của họ khá chính xác.
Thiên An:. Người ta hay bảo, việc bị Sở Thuế audit, cũng giống như giông sét, phang trúng ai nấy chịu, chứ người ta biết những doanh nghiệp trốn thuế sờ sờ, vẫn phây phây năm này tháng nọ, trong khi một số thì “dính chưởng”. Nói chung là “hên – xui”. Chị nghĩ sao về nhận định này?
Đài Thi: Chuyện hên xui trong chuyện bị dính chưởng của Sở Thuế là có thật. Cũng giống như khi mình lái xe quá tốc độ, xui xẻo thì bị cảnh sát chặn cho giấy phạt, trong khi mấy chiếc xe trước mình chạy lẹ hơn mà may mắn lại được thoát.
Nếu cảnh sát có đủ nhân lực canh mọi nẻo đường thì chắc nhiều người sẽ bị chặn lại lãnh giấy phạt lắm. Và nếu Sở Thuế có đủ nhân lực thì họ cũng sẽ audit rất nhiều, nhưng vì họ thiếu nhân lực cho nên chỉ audit một số ít thôi. Vì vậy, hên xui là chỗ đó.
Thiên An: Nếu cá nhân hay doanh nghiệp sai phạm thì xử phạt như thế nào? Có trường hợp nào gia giảm không, và làm sao để được giảm nhẹ hình thức phạt.
Đài Thi: Khi bị audit thuế, những ai khai gian, khai sai, hoặc giấu bớt thu nhập thì chắc chắn sẽ bị trả lại thuế và bị phạt. Tùy theo mức độ sai phạm, nhẹ thì bị phạt nhẹ cộng thêm tiền lãi suất, tổng cộng sơ sơ cũng khoảng 20 phần trăm. Để càng lâu thì tiền phạt càng tăng.
Sai phạm nặng, nhất là cố tình gian lận (fraud), thì bị phạt rất nặng, 100 phần trăm và có thể lãnh án tù.
Sở Thuế có thể cứu xét gia giảm phạt nếu mình có lý do và bằng chứng vô tình hay vô tội. Không thể đổ thừa tại người khai thuế sai, vì khi mình ký tên vào giấy thuế là mình hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Thiên An: Khi kiểm toán cá nhân và doanh nghiệp, theo kinh nghiệm của chị thì thường ai bị “dính” nhiều nhất, tại sao?
Đài Thi: Đa số cá nhân bị audit vì khai làm nghề tự kinh doanh (self-employed). Hoặc những người khai lương giả và có con nhỏ để lấy về được nhiều tiền trợ cấp thuế.
Rất ít khi nào Sở Thuế audit những ai có thu nhập lương W-2.
Thông thường doanh nghiệp bị audit vì khấu trừ thuế quá táo bạo, có khi liên tục nhiều năm. Khi đi sâu vào audit thì thanh tra cũng thường hay tìm tòi xem doanh nghiệp có giấu bớt thu nhập không.
Thiên An: Nếu bị Sở Thuế audit thì nên làm gì, chuẩn bị như thế nào? Tôi nghe nói có khi họ “đòi” bản khai thuế 5 -7 năm trước, mà thường thì ít ai giữ lâu như vậy. Bản thân tôi, hễ ngăn tủ chật chội là vứt bỏ các giấy tờ cũ, kể cả hồ sơ khai thuế mới 1, 2 năm trước….
Đài Thi: Giấy tờ thuế cá nhân cần phải lưu giữ 3 năm, vì thông thường Sở Thuế có 3 năm để audit mình. Chỉ trừ trường hợp giấu bớt thu nhập thì Sở Thuế có 6 năm, hoặc trường hợp gian lận thì vô hạn định – Sở Thuế có thể audit mình bất cứ lúc nào.
Giấy tờ thuế doanh nghiệp thì nên giữ ít nhất 3 năm nhưng tôi nghĩ nên giữ 7-10 năm, nhất là nếu có các máy móc vật dụng để trừ thuế lâu dài.
Khi bị audit thì chuẩn bị bank statements để chứng minh là mình khai thu nhập đầy đủ. Soạn các hoá đơn và giấy tờ sổ sách để chứng minh là mình khấu trừ thuế hợp lệ
Thiên An: Có khi nào chị gặp người Việt trong khi audit doanh nghiệp hay cá nhân không?
Đài Thi: Sở Thuế họ “khôn” lắm, họ tránh đặt nhân viên vào trường hợp khó xử hoặc thiên vị, cho nên họ không để cho người Việt audit người Việt.
Tuy nhiên, nhiều lần Sở Thuế cũng đã nhờ Thi nghe băng và thông dịch họ thâu lén người Việt bàn tính kế hoạch hối lộ thanh tra Mỹ. Cho nên Thi nghĩ Sở Thuế không để cho Thi audit người Việt thì cũng đúng thôi.
Thiên An: Xin chị cho vài lời khuyên cho người Việt, kể cả cá nhân và doanh nghiệp về việc an toàn với Sở Thuế và tránh gặp rắc rối với Sở Thuế.
Đài Thi: Đừng trốn thuế. Đừng gian lận thuế. Sở Thuế sẽ tìm đến mình, vấn đề chỉ là thời gian.
Đừng tin những lời đồn nhảm là “ông này bà kia khai thuế giỏi, táo bạo, nhiều mánh khóe, giúp cho nhiều người lấy thuế về nhiều”. Nên tìm người khai thuế có lương tâm.Khai thuế hợp pháp, để được ăn ngon ngủ yên, không phải nơm nớp lo sợ.
Đừng tin những dịch vụ hứa hẹn giúp quý vị núp dưới bóng một hình thức nào đó và suốt đời không phải đóng thuế đồng nào.
Đừng hối lộ nhân viên Sở Thuế. Hối lộ họ sẽ bị ghép vào tội hình sự.
Thiên An: Nếu lỡ “đụng chuyện” với Sở Thuế thì nên làm gì để “tai họa” được trôi qua suôn sẻ nhất?
Đài Thi: Tùy theo mức độ của vấn đề. Nếu đơn giản chỉ cần trả lời vài câu hỏi thì tự quý vị có thể giải quyết được. Nhưng nếu có liên quan đến việc khai thuế sai trầm trọng thì tốt hơn hết nên tìm người đại diện cho mình trước Sở Thuế, đừng tự mình đương đầu với họ, nên tránh mặt.
Thiên An: Cảm ơn chị đã dành thời gian cho Trẻ về cuộc phỏng vấn này. Chúc chị luôn có những ngày vui trong thời gian hưu trí, và mong chị tiếp tục chia sẻ những kiến thức về Thuế cho người Việt khắp nơi.
TA