Ngày 23 Tháng Chạp đưa ông Táo về trời là ngày tụi con nít quê tôi rất háo hức. Lúc đó, bọn tôi còn chưa biết coi lịch, coi ngày âm, ngày dương và chưa biết coi giờ trên đồng hồ do mặt đồng hồ không có số.

Có một vài dấu hiệu làm cho đám con nít nhận biết sắp tới ngày đưa ông Táo, đó là trước ngày 23 vài ngày, từ sáng sớm tới chiều vài đứa trẻ hoặc người lớn bưng cái thúng tre, đi quần lên quần xuống từ xóm trên xuống xóm dưới, miệng rao lớn: “Cò bay chỏ pế đây” (nhấn mạnh âm “pế”). Nghe tiếng rao, tôi hỏi mẹ tôi: “Người ta bán cái gì vậy mẹ?”. Mẹ tôi trả lời: “Bán giấy tiền vàng, áo mão, con ngựa cho ông Táo cỡi bay về trời”. Tò mò, tôi bèn đi lẵng nhẵng theo sau người bán. Tới lúc trong xóm có ai đứng trước nhà đưa tay ngoắt, kêu lớn: “Cò bay, vô đây!”. Người bán “dạ” một tiếng lớn và lẹ làng tấp vô, hạ cái thúng xuống đất thì tôi cũng a tới, đưa cái bản mặt vô nhìn chăm chú coi cái gì trong thúng. Thì ra thúng đựng từng cọc giấy màu vàng xỉn xỉn (giống giấy block lịch loại rẻ tiền); có cọc in rất nhiều hình vẽ đồng tiền xu kiểu xưa trên một mặt giấy; có loại in nhiều hình vẽ áo, mão, hia, dao, dĩa, chén… có cọc in hình con ngựa, con cá chép, con cò… Tất cả đều in mực đen. Người mua chỉ tốn vài đồng xu là được người bán đưa cho mỗi loại giấy in ba tờ. Hỏi sao nhà hàng xóm mua mỗi thứ cả xấp mà mẹ tôi mua ít quá? Mẹ tôi trả lời có ba ông Táo mỗi ông một con ngựa, một con cá chép vừa đi trên bờ, vừa đi dưới sông là được rồi, trước khi đi người ta đã cúng cho ăn no rồi, đâu cần xài nhiều tiền. Mua nhiều quá rơi rớt dọc đường, ngựa cá chạy lạc hết cũng vậy hà.

Cò bay chỏ pế

Mẹ tôi làm một mâm cơm cúng ở nhà trên gọi là “cúng đưa ông bà theo ông Táo về trời”. Dưới bếp cũng có một mâm cúng ông Táo đơn sơ hơn, gồm dĩa kẹo thèo lèo và vài món mặn đựng trong dĩa nhỏ. Cái mà bọn tôi hóng chờ tàn nhang, đốt giấy vàng trong cái thau nhôm cũ xong là được ăn kẹo thèo lèo, chớ ngày thường có mấy khi được ăn món này. Kẹo thèo lèo xứ tôi người ta làm theo mùa: Tết Nguyên đán, Trung Thu và đám hỏi, đám cưới. Nhà nào sắp cưới dâu phải đặt lò kẹo làm vài bao kẹo thèo lèo đem qua đàng gái làm “sính lễ”, đàng gái chia kẹo vô từng gói giấy đỏ, tới từng nhà họ hàng, xóm giềng biếu kẹo như một cách “báo hỉ”. Cũng trong dịp này, ở quê tôi người ta lau chùi tất cả bàn thờ trong nhà sạch sẽ, đốt hết chưn nhang cũ trong lư hương, đổ cát cũ bỏ, thay cát mới vô lư.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 2 năm 2024

Thời nay, ở Việt Nam người ta “tiễn ông Táo” rầm rộ ngoài đường như có gánh hát tuồng (tại đình làng) vì hoạt động mua bán cá chép, thả cá chép xuống sông sau khi cúng, đốt vàng mã ngoài đường hoặc nơi thả cá. Khu vực từ Sài Gòn trở ra Bắc rầm rộ nhiều hơn khu vực các tỉnh miền Tây Nam kỳ; càng trở xuống vùng đất chóp mũi tình hình càng tĩnh lặng theo phong tục cũ. Tôi không biết thuở xưa ngoài Bắc có tục thả cá chép sống này hay không, nhưng tôi đã đọc rất nhiều sách viết về ngày Tết ở miền Bắc thì không thấy nhà văn nào mô tả. Việc thả cá chép hình thành một ngành kinh doanh cá chép sống, từ nhà sản xuất, nhà buôn, người tiêu dùng, những “nhà vớt cá” và lại xoay vòng vô thau, thùng của nhà buôn cá, rồi lại tới tay người tiêu dùng tới khi con cá chép đờ ra và ngủm củ tỏi mới chấm dứt vòng quay. Người thả cá thì cho rằng cá chép sống một mặt làm phương tiện cho ông Táo về trời, một mặt là “phóng sinh” luôn. Tôi nghĩ cá chép thả nhỏ bằng ngón tay thì ông Táo hẳn phải bé như con dế mới ngồi lên được mình cá. Còn cá vừa xuống nước đã có ngay đội quân “nhà vớt cá” chực sẵn nhanh chóng túm lên ngay để trở lại vòng quay (tôi đã kể trên) thì những con cá chép này chỉ được “phóng” mà chẳng có “sinh”.

Vàng mã xưa

Có người kể rằng trong ngày này họ phải rất vất vả chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ nào có nước ngọt, nước trong và rộng để thả cá. Ở khu vực thành thị, địa điểm đủ điều kiện thả cá không nhiều nên đã xảy ra hiện tượng chen chúc, tranh chỗ thả cá ở ven bờ. Coi video, thấy mọi người thả cá ở các hồ tại Hà Nội, tôi lại tưởng tượng tới cảnh các ông bà Táo sau khi được gia chủ đãi tiệc xong thì lóp nhóp kéo nhau đi bộ từ nhà tới tập trung quanh hồ đứng chờ gia chủ thả cá ra. Táo nhà ai chờ cá nhà đó, không được giành cỡi cá của nhà khác. Ông bà Táo nào xui thì chủ nhà mình vừa thả cá ra chưa kịp trèo lên cỡi đã bị một “nhà xúc cá” tung cái vợt bự tổ chảng xúc lên rồi. Táo mất phương tiện di chuyển đành phải đi bộ tới Thiên đình. Hoặc chủ nhà không mua kịp mua cá những ngày trước, lúc cận kề giờ cúng đã mua nhầm cá cũ (bị thả xuống vớt lên nhiều lần) nên cá vừa xuống nước không đủ sức bay lên Thiên đình mà chuyển sang “ngủm củ tỏi” làm Táo nhà ta đi bộ.

Xem thêm:   Thử tài trí thông minh nhân tạo AI

Các loại giấy tiền vàng mã, hình vẽ Táo cỡi cá chép, Táo cỡi ngựa thời nay cũng được dùng giấy bóng láng loại tốt và in màu sắc sặc sỡ. Mâm cỗ cúng thật sự linh đình với đủ các món mặn (xôi, rượu, thịt) bánh, kẹo, trầu cau, rượu, nhang, đèn, bông, trái cây… đúng công thức của các “thầy cúng”. Tôi không hiểu có thêm trầu cau trong mâm cúng ông Táo để làm gì? Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ khả năng tài chánh để cúng theo công thức, còn người nghèo cúng theo kiểu “có gì dâng nấy”. Áo, hia mão bằng giấy cho ông Táo cũng được làm kích thước lớn và rực rỡ màu sắc, kiểu cọ giống như đồ hát tuồng.

Thả cá chép

Lúc sinh thời, mẹ tôi thường nói: “Mỗi ngày ông Táo ghi chép hết việc làm tốt lẫn xấu của tất cả mọi người trong nhà, đến ngày 23 Táo bay về trời sẽ dâng sớ tâu cho Ngọc Hoàng biết, ngày thường tụi bây liệu hồn mà ăn ở cho tử tế”. Nay thì người ta viết luôn sớ cho Táo và đốt theo khi hóa vàng mã. Có người còn cầu kỳ mướn người viết sớ, hoặc bắt chước “sớ mẫu” của các “thầy cúng” trên internet mà tự viết cho nhà mình. Không hiểu tự viết sớ như vậy thì mấy chuyện gian lận, khuất tất họ có viết ra hay ém nhẹm luôn?

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

Lớp trẻ thời nay ở miền Tây không còn mấy ai biết “cò bay chỏ pế” là cái gì. Một bạn trên Facebook nói với tôi anh ta sống ở Rạch Giá, xứ này bây giờ cũng “tràn ngập Bắc kỳ” với tục thả cá chép.

Ngày 23 này, đồng hương Việt ở Little Sài Gòn vẫn giữ phong tục cúng tiễn ông Táo. Tuy nhiên, ở đây chỉ có đốt giấy tiền vàng mã đơn giản mua tại các chợ Việt Nam, còn “cò bay chỏ pế” không thấy có chợ nào bán, cũng không có quần áo giấy, hia, mũ làm sẵn từng bộ như ở Việt Nam. Cá chép giấy được thay thế bằng những con cá chép làm bằng bột hai màu trắng cam rất khéo tay, và cá chép bột nằm trên dĩa chớ không đốt được. Sau khi cúng xong, hạ mâm cúng thì cá chép bột lên bàn ăn của gia chủ luôn. Thiệt là “nhứt cử lưỡng tiện” vậy. Tôi chưa thấy đồng hương nào khoe cúng tiễn ông Táo với con ngựa bằng bột, có lẽ làm con ngựa thì khó hơn là làm con cá chép.

Giấy tiền vàng mã cúng đưa ông Táo về trời.

TPT