Năm 2019, lần đầu sang Berlin, CHLB Đức, tôi có dịp thử món bánh kẹp thịt xay trong một nhà hàng của người Thổ Nhĩ Kỳ trên đường Langhans, khu vực Weissensee, Pankow, Berlin. Bánh có tên gọi Doner Kebab hay nói gọn Doner, người Việt quen gọi là bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ.
Ghiền Doner từ đó
Hôm ấy bận nhiều công việc đến nỗi không nấu ăn tối, cả nhà con gái tôi 3 người và vợ chồng chúng tôi kéo nhau đến nhà hàng gần đó. Thay vì ăn phở như nhiều khi thì lại ăn bánh Doner. Con gái tôi khuyến khích, ngon lắm, ba mẹ ăn chắc chắn sẽ còn muốn ăn nhiều lần nữa! Thôi thì ăn “cơm tay cầm” cho qua bữa vậy!
Nhà hàng Langhans bán nhiều loại bánh. Nào là bánh mì xúc xích, bánh pizza Thổ Nhĩ Kỳ, bánh Doner ăn tại chỗ, bánh Doner bỏ hộp mang đi…Bánh ăn tại chỗ, gói trong giấy mỏng. Nếu bánh mang đi sẽ được gói trong giấy bạc để giữ nóng… 5 người gọi 5 cái bánh Doner lớn và thêm nước uống cocacola, bia không độ và rượu. Bánh được bọc một lớp giấy mỏng hình tam giác, đặt trên dĩa.
Thấy cái bánh bự chảng đã hơi ngán. Nhìn mấy ông Tây bàn bên cạnh miệng nhồm nhoàm ra chiều đắc ý. Tôi nhìn ông con rể và con gái, hai người cầm bánh ăn rất gọn. Tôi cầm bằng hai tay đưa cái bánh lên miệng, cắn một miếng, nhân đổ ra trên giấy, dĩa, nước xốt cũng nhỏ giọt theo. Cắn miếng đầu tiên tuy không gọn gàng nhưng có cảm giác ngon miệng vì vừa thơm, giòn vừa béo. Thế là cứ từ từ… giải quyết ổn thoả, không như vợ tôi ăn một chặp đã năn nỉ … chia bớt. Nếu cắn miếng nào nhân rớt ra (thịt, cà chua, dưa leo (dưa chuột), hành tây… cắt nhỏ, mỏng) thì dùng nĩa chĩa vô mà đưa vào miệng, không bỏ qua!
Có ông khách Tây dùng mấy ngón tay dồn nhân rớt ra trên dĩa rồi đưa vào miệng luôn. Thú thật là hai bên mép tôi cũng dính nhân, phải dùng giấy lau lia lịa. Nhưng có điều tôi ăn trọn, không phải để thừa chút nào, ngoại trừ nước xốt! Công nhận là bánh ngon và nghĩ thầm, bánh mì Việt Nam mình qua đây sẽ khó địch lại với Doner, trừ hambuger và một số loại bánh mì… biến tấu khác. Từ ăn thử cho đến ăn thiệt cũng 4, 5 lần trong một tháng. Lúc ăn trưa, khi ăn tối. Khi ăn ở nhà hàng đường Langhans, khi ở thị trấn Antonplatz, lúc ở Trung tâm Alexanderplatz.
Từ năm 2022, 2023 rồi 2024, sang Đức, chúng tôi cũng thường chọn ăn Doner thay bữa, tất nhiên không thường xuyên như thay cơm bằng phở, bún bò, mì Quảng ở quán hoặc tự làm ở nhà! Sau dịch COVID-19, nhân bánh Doner… đã ít thịt hơn so với trước kia nhưng giá lại nhích lên. Trước giá 5.5 euro/cái lớn, 4.5 euro/cái nhỏ. Nay có loại bánh lớn giá 6.5 euro đến 8.5 euro, bánh nhỏ 5 euro.
Doner cộng với chai cocacola giá 10.5 euro! Giá lên nhưng chất lượng có xuống chút ít. Ở Đức có quy định thịt xiên chỉ được bán hết trong ngày, không được để sang hôm sau. Chắc họ phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Nhưng kiểm tra thế nào thì không biết.
Trên đường phố Berlin, hầu như không có đường nào vắng bóng nhà hàng, quán bán Doner. Một con phố hoặc một khu vực có đến 4, 5 hàng, quán, chưa kể gần trạm tàu điện, xe buýt, khu vui chơi đều có Doner … hiện diện.
“Lai lịch” bánh Doner
Bánh Doner của Đức hay Thổ Nhĩ Kỳ? Nó xuất hiện từ bao giờ?
Có nơi nói loại bánh này của Thổ Nhĩ Kỳ, xuất hiện năm 1972. Bánh này do một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ tên là Nurman bán ở Tây Berlin được người Đức và khách du lịch yêu thích nhờ giá trị dinh dưỡng. Nó là thức ăn nhanh, vừa đi vừa ăn, phù hợp với phong cách sinh hoạt người Đức. Ông đã kết hợp thịt xiên nướng cùng bánh mì với cà chua, xà lách, hành tây… và nước xốt. Bánh mì có dạng hình tam giác, rắc một ít mè được kẹp nóng. Thịt xiên được thái lát mỏng…làm nhân.
Một số khác cho rằng món bánh mì kẹp thịt này thực sự là phát minh của người Đức và có nhiều biến thể ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước Trung Đông. Mehmet Aygun, một người Đức trước đây cũng tự nhận mình làm ra Doner Kebab từ năm 1971. Có một chuyên trang du lịch (Culture Trip), cho biết tại Đức, trước dịch COVID-19, bánh mì Doner Kebab đạt doanh thu 3.5 tỉ euro mỗi năm và tiêu thụ hết 600 tấn thịt để làm nhân kẹp mỗi ngày.
Chẳng biết Doner là món bánh của ông Nurman người Thổ hay ông Mehmet Aygun người Đức. Với tôi, bánh mì kẹp thịt (có thể là thịt cừu, thịt gà hoặc thịt bò) cùng với nước xốt, kèm một vài loại rau củ xắt mỏng, nhỏ … bán ở Berlin nếu …ăn là dễ bị ghiền! Ăn tại chỗ chứ mang đi chắc là không ngon! Vì sao? Có thể bánh sẽ không còn ấm nóng. Ăn mà không kèm một mớ giấy lau miệng là rất gay go! Ăn ở nhà hàng, quán bánh, bảo đảm sẽ không thiếu giấy lau cho thực khách! Ngoạm một miếng, lau miệng một cái là điều chắc chắn! Ai chưa ăn qua, nếu có dịp, xin hãy thử! Cô Đ.H.N. định cư ở Đức gần 15 năm chia sẻ: “Ăn Doner dễ nghiện lắm chú ơi! Bà chị cháu sang đây chơi 2 tháng, ăn Doner cũng 5, 6 lần. Chỉ về điện sang nói thèm bánh Doner dễ sợ là chú biết rồi!”.
Doner đến Việt Nam ngót nghét cũng 20 năm. Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng đều có nhưng đã khác đi ít nhiều, nhất là nhân thịt kể cả bột làm bánh mì. Nhân bánh Doner không phải bằng thịt cừu, bê hay bò, gà mà phổ biến là nhân thịt heo! Nhìn xiên thịt vừa nhỏ vừa mỏng không được bắt mắt cho lắm. Nước xốt cũng được “biến tấu” khá nhiều. Giá thấp nhất một cái bánh cũng 30 nghìn VNĐ. Giá cao có khi 50 đến 60 nghìn đồng. Tuy vậy các quán bán bánh mì dạng thịt xiên Doner Kebak này cũng thu hút khá đông thực khách.
Bài & ảnh LKD