Huế có nhiều di tích để đến thăm, chiêm ngưỡng, ôn lại lịch sử như: Đại Nội, lăng tẩm, chùa, nhà thờ…
Hổ Quyền
Khách du lịch đến một di tích ở Huế, không chỉ một lần mà còn trở lại lần thứ 2, thứ 3 vì nhiều lý do như: lần đó đi với bạn này, lần này đi với bạn khác mà bạn chưa đến, vậy là ‘chìu’ bạn đến thêm lần nữa; hay, đôi khi vì thích và lâu rồi muốn trở lại xem có gì khác không. Khác ở đây là di tích trước kia hoang phế, đổ nát giờ được làm mới lại chưa, làm mới như thế nào…
Với những lý do ở trên, tôi đến di tích Hổ Quyền và điện Voi Ré lần thứ 3. Một đấu trường độc đáo mà có thể chưa nhiều người biết hay đến rồi mà không thích, vì chẳng có gì để coi nên không thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, ngắm di tích và tìm hiểu lịch sử mới thấy đây là một nơi khá thú vị.
Lần đầu tiên tôi đến đây vào năm 2002, hôm ấy đã chiều, một nơi hoang vắng đến lạnh người, cỏ cao quá đầu. Dù xung quanh có nhiều nhà dân nhưng không thoát khỏi vẻ u tịch. Bước chân lên những bậc cấp cao, trèo qua khung cửa bảo vệ chúng tôi lên được bờ thành và nhìn xuống trọn khu vực mà khó có thể hình dung trong quá khứ mỗi năm một lần hổ và voi đấu nhau đến chết mới thôi.
Tọa lạc ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biểu, di tích Hổ Quyền được xây dựng vào năm 1830 (Minh Mạng thứ 11).
Theo Wikipedia, Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên, dáng hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5.80m; vòng thành ngoài 4.75m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế; chu vi tường ngoài là 140m, đường kính lòng chảo là 44m. Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng đông nam của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và đình thần. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ. Đối diện với khán đài có 5 cái chuồng nhốt hổ, sân đấu là một thảm cỏ hình tròn. Ngoài thành có một cửa cao 8 thước 7 tấc, rộng 4 thước 5 tấc có 2 cánh cửa bằng gỗ mà đế làm bằng phiến đá thanh, trên cửa có ghi chữ “Hổ Quyền” (chữ Hán), voi được đưa vào sân đấu bằng lối cửa này. Có 2 lối dẫn lên khán đài bằng các bậc đá, một lối dành riêng cho vua và quốc thích đại thần, một lối dành cho quan chức và binh lính.
Chuyện kể rằng, trước khi Hổ Quyền được xây dựng, những trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức sớm nhất, có tư liệu ghi chép lại là vào thời các chúa Nguyễn và được tổ chức ở đảo Dã Viên trên sông Hương. Vào năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền đến hòn đảo Dã Viên để xem một cuộc đấu giữa voi và hổ. Đây có lẽ là trận đấu khủng khiếp và đẫm máu nhất trong lịch sử vì từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, 40 con voi đã tàn sát 18 con hổ được thả ra để làm vật tế thần trong ngày hội.
Thời các vua Nguyễn, khi chưa có một đấu trường riêng để bảo đảm an toàn, những cuộc đấu giữa voi và hổ vẫn được tổ chức và được xem là những ngày hội lớn của triều đình và dân chúng. Đã có những bất trắc xảy ra như dưới thời vua Gia Long, trong một trận đấu được tổ chức ở trước Kinh Thành, một con hổ đã nhảy lên tát người quản tượng rơi xuống đất và ông đã bị chính con voi do mình huấn luyện giẫm chết. Thời Minh Mạng, nhân ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh (năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận đấu giữa voi và hổ ở bên bờ Bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, hổ đã lao ra và bơi về phía thuyền rồng. Vua Minh Mạng kịp dùng con sào đẩy lùi được con hổ và nhờ vậy, quan quân mới kịp chèo thuyền đến giết chết hổ giữa dòng sông cứu vua kịp thời. Do những bất trắc như vậy nên Hổ Quyền được xây dựng là một đấu trường kiên cố nhằm tổ chức những cuộc đấu nói trên được an toàn.
Trận đấu cuối cùng được tổ chức vào năm 1904 dưới triều Vua Thành Thái, một con voi cái chà chết con hổ. Cuộc chiến đấu xảy ra ngắn ngủi, và từ đó về sau, mãi mãi không diễn ra trận đấu nào nữa.
10 năm sau tôi trở lại lần thứ 2, lúc này đã bớt u tịch hơn, tuy nhiên, leo lên đến những bậc cấp bên trên để nhìn xuống “đấu trường” cũng khó khăn khi gạch đá lởm khởm, vừa leo vừa vịn mà có chỗ còn không biết vịn vào đâu.
Và lần thứ 3 là tháng 9 vừa rồi, tức 12 năm sau. Di tích được trùng tu trông khang trang, sạch sẽ… nhưng, nếu như lần trước, tôi ngắm được bên trong “đấu trường” qua các song sắt cánh cổng thì bây giờ mọi thứ bị bịt kín bởi cánh cổng đã thay mới, đường đi lên lối nào cũng có bảng cấm, nên tôi không biết vào bên trong bằng cách nào. Đi một vòng chung quanh, những chỗ khấp khểnh đã làm lại thẳng thớm, những ống máng xối nước hình đầu cá được làm mới… Nói chung là hết hẳn vẻ u tịch nhưng để thu hút khách du lịch thì còn nghèo nàn khi không có người hướng dẫn, giải thích cho du khách. Hôm đó có chúng tôi và 2 bạn trẻ người Pháp chỉ nhìn ngắm bên ngoài rồi cùng đi tiếp đến điện Voi Ré cách Hổ Quyền khoảng 400m.
Điện Voi Ré
Còn gọi là Long Châu Miếu nằm trên đồi Thọ Cương, một khu đất rộng khoảng 2000 mét vuông. Phía trước có một cái hồ, rộng khoảng ngàn mét vuông. Hôm chúng tôi đến hồ không còn sen vì đã qua mùa. Bước lên Cổng Tam Quan với 17 bậc cấp. Bên trên lối chính giữa có 3 chữ Hán bằng sành “Nghiễm Nhược Lâm”. Trước khi vào đến sân miếu có bình phong Long Mã.
Miếu Long Châu nằm ở vị trí trung tâm, gồm 5 gian 2 chái. Chính giữa ngôi miếu là một bức hoành phi khắc nổi 3 chữ Hán màu vàng “Long Châu Miếu”, bức hoành phi này được làm lại mới vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Trong miếu có bài vị các vị thần.
Hai bên miếu Long Châu có Đông Phối Điện và Tây Phối Điện, là nơi thờ những con voi lập được nhiều chiến công trong trận mạc vào thời kỳ dựng xây đế nghiệp của triều Nguyễn, còn có 2 tòa miếu phụ thờ thần vị voi, còn được gọi là miếu Tượng.
Theo Wikipedia: “Dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, trong một trận giao tranh với quân đội Đàng Ngoài, một dũng tướng của Đàng Trong hy sinh giữa trận tiền. Đau buồn trước cái chết của chủ, con voi của vị dũng tướng đã chạy trên một quãng đường dài hằng trăm dặm từ chiến địa về tận thủ phủ Phú Xuân, đến địa điểm phía đông của đồi Thọ Cương, nó đã rống lên một tiếng vang trời như phẫn uất, như đau thương cùng cực rồi phủ xuống trút hơi thở cuối cùng. Cảm động trước sự trung thành của một con vật có nghĩa, dân địa phương đã làm lễ an táng, xây mộ cho nó, người ta vẫn gọi một cách mộc mạc là mộ Voi Ré.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng bên cạnh mộ con voi một ngôi điện thờ với tên gọi là Long Châu Miếu để thờ các vị thần bảo vệ và miếu thờ 4 con voi dũng cảm nhất trong chiến trận của triều Nguyễn. Từ truyền thuyết và sự kiện lịch sử như vậy, dân gian quen gọi ngôi miếu này là điện Voi Ré”.
Bài và hình ĐTTT