Thời buổi đại dịch, nhiều tiệm ăn đóng cửa nghỉ hẳn luôn, những tiệm còn mở cửa bán “to go” thì èo uột lắm, chủ tiệm nào cũng than chết than sống “Bán ế quá, làm cực muốn chết mà không có lời.”

Thời gian tôi ở trong tù cộng sản, Thứ Sáu nào tôi cũng ăn kiêng thịt. Tôi ăn kiêng thịt ngày Thứ Sáu là do học theo quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế. Ở trong tù chỉ có lo mấy vụ ăn, ngủ, rình coi cai tù làm gì sai thì ghi nhớ. Hễ tôi vui thì thôi, tôi buồn lại lôi mấy chuyện đó ra chửi cai tù “giải trí”. Riết rồi thành thói quen, mấy đứa bạn tù thường phạm ở chung phòng giam đều biết tôi kiêng ăn thịt ngày Thứ Sáu. Tôi ăn cơm chung với con Phương (dân tộc Thái) nó lại còn nhớ dai mấy vụ ăn kiêng này hơn tôi. Có hôm tôi quên béng, kêu nó đặt (order) căn-tin mua thịt kho, giò chả gì đó ăn cơm thì nó lại nhắc “Ngày mai Thứ Sáu đó chị.” (Tôi có viết chi tiết trong hồi ký “Ðứng Thẳng Làm Người” của tôi).

Từ ngày sống với “đế quốc Mỹ” đến nay, chẳng mấy khi tôi nhớ ngày Thứ Sáu mà ăn kiêng (cũng may là vẫn còn nhớ đi lễ hàng tuần), tôi trở lại thời kỳ “cơm hàng cháo chợ,” “ăn quán ngủ đình,” ra ngoài đường ăn uống vạ vật lung tung, không còn điều độ như trước nữa. Có nhiều hôm sáng sớm ra khỏi nhà tới tối mịt mới về, đụng gì ăn nấy. Thấy đói thì tấp vô chỗ nào đó, “làm đại” cái gì đó lưng lửng bụng là xong.

Trước khi xảy ra vụ Covid, Cô viếc thì ăn quán cũng bình thường như không khí chúng ta thở, nước sạch chúng ta uống mỗi ngày, hầu như chẳng mấy khi chúng ta cảm nhận được nó quan trọng với chúng ta. Thời gian có lệnh “cấm túc” vẫn lái xe đi long rong được, nên tôi hầu như không cảm thấy có gì thiếu thốn. Tôi nghĩ cấm cũng không sao, miễn chợ vẫn mở cửa mỗi ngày là được. Tuy nhiên (sự đời thường hay có chữ “tuy nhiên” mới chết chớ), tôi vẫn phải học, vẫn phải đi mua sắm, vẫn phải ra ngoài làm video, vẫn phải ra bưu điện gởi hàng … nói chung là đủ thứ hầm bà lằng hết, còn cực hơn lúc chưa có đại dịch. Ðến nỗi có vài khúc vải thun mua từ lúc chợ trời còn mở cửa (định để may váy đầm) cho tới nay tôi không có thời gian rớ tới đống vải đó. Sau khi loanh quanh bên ngoài mệt nhoài thì người ta cần một chỗ để nghỉ chân và ăn uống nóng sốt ngon lành bốc khói nghi ngút, và không có nơi nào lý tưởng để thực hiện điều này bằng cách vô tiệm ăn Việt ở khu Little Sài Gòn – nơi nổi tiếng “món Việt nào cũng có, vừa rẻ vừa ngon.”

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Nhưng thời buổi đại dịch, nhiều tiệm ăn đóng cửa nghỉ hẳn luôn, những tiệm còn mở cửa bán “to go” thì èo uột lắm, chủ tiệm nào cũng than chết than sống “Bán ế quá, làm cực muốn chết mà không có lời.” Trước thì tuần nào cũng một lần đi ăn tiệm, nào phở, nào mì, nào bún v.v. Ngồi trong tiệm ăn ngó thiên hạ cũng đi ăn, quan sát cách họ ăn uống, nói chuyện với nhau cũng là một cái thú, rồi phân tích, nhận định, đánh giá đánh hẹ… kể ra cũng vui lắm. Bây giờ ra tiệm ăn đứng lấp ló ngoài cửa, người nào người nấy mặt che kín bởi khẩu trang và kiếng mát, tay xỏ bao tay cao su, có người chụp luôn cái nón bảo vệ kiểu “xô xách nước” lên đầu, đứng cách xa nhau 6 feet. Thiệt nhìn giống y như người sao Hỏa mới rớt xuống địa cầu, lơ ngơ lớ ngớ. Xếp hàng dài sòng sọc, mua được hộp thức ăn đem về tới nhà thì nó nguội ngắt nguội ngơ rồi. Ðổ ra tô cho vô microwave hâm lại, cũng đầy đủ rau, ớt, gia vị… nhưng ăn sao không thấy ngon gì hết, mà cảm thấy mệt mỏi hơn, lần ăn nào cũng “bỏ mứa”. Nhớ lại những lúc ngồi ăn tiệm sao mình có thể “quất” hết một tô xe lửa phở hay bún bò Huế mà không ngán? Lúc ra về còn “cõng” thêm mấy đồng bánh cam chiên giòn bỏ túi giấy nữa chớ.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Hơn chục ngày nay, tiểu bang đã cho phép các tiệm ăn mở cửa đón khách trở lại với các quy định nghiêm ngặt về an toàn sức khỏe, làm cho người người lên Facebook “bày tỏ” sự háo hức. Thằng em ở cùng thành phố Garden Grove (cũng là bạn Facebook) khoe hình nó hai tay bưng một cách trịnh trọng mâm beef steak, nét mặt nó rất là “hề”, cùng câu status “Em đã thèm nó ba tháng rồi nay mới được ngồi tại restaurant ăn. Ðã gì đâu.” Gần 5 năm rồi, tôi ăn beef steak duy nhứt một lần, vì tôi kiêng thịt đỏ. Nhưng kiểu “trình diễn” của nó khiến tôi thèm quá. Tôi hỏi nó tiệm nào? Nó trả lời Huntington Beach làm tôi cụt hứng. “Ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày,” hổng chơi.

Cuối tuần này, tôi đi lòng vòng các tiệm ăn Việt khu Little Sài Gòn, cố công tìm một tiệm nào đó bự bự một chút vô ngồi chọn món cho thoải mái. Tưởng tượng mình hùng dũng bước vô kéo ghế cái rột ngồi xuống, cầm tờ Menu lên coi lướt qua một lượt (dù chẳng bao giờ gọi thêm món mới ngoài món thường ăn), kêu một tô gì đó rồi chờ “tiểu nhị” bưng mâm thức ăn nóng bốc khói ra… Mới tới đó thôi mà thấy chảy nước miếng rồi. Chao ôi! Thiệt là thất vọng quá đi, các tiệm ăn lớn đều đề bảng “Only take out”, trời ơi là trời! Hỏi bỏ lịnh cấm rồi mà, sao không bày bàn ra cho khách vô ngồi ăn? Chủ tiệm trả lời bán ế quá, ít khách mua lắm, mà kêu thêm bồi bàn thì ít nhứt cũng phải từ 5 tới 10 người, tiền đâu trả lương. Giờ chỉ có chủ, đầu bếp và hai người phụ bán. Thôi chết, chủ tiệm chờ đông khách mới mướn thêm người làm, khách (như tôi) thì lại chờ được vô tiệm ngồi ăn mới chịu chớ hổng thích “tu gô” về nhà, hai bên chờ qua chờ lại biết bao giờ mới được như xưa? Các khu thương mại Việt trước đây luôn chật chội, khó kiếm chỗ đậu xe thì bây giờ trống lổng, mỗi khu lác đác khoảng hơn chục chiếc xe đang đậu thôi.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Loanh quanh một giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng nhào đại vô một tiệm nhỏ xíu tên Song Long trong khu chợ Ðà Lạt (thành phố Garden Grove). Tiệm này bán bánh mì, xôi, bánh ngọt, bánh mặn, chè, sinh tố, giải khát các loại, lô tô, và chỉ bán độc một món cho khách ngồi ăn tại chỗ là bún bò Huế. Tô bún cũng nhỏ xíu giá $7/tô (Giá trung bình các tiệm lớn từ $9 – $12/tô). Tiệm phở Thanh lớn hơn kế bên (bán cơm, phở, bún các kiểu) vẫn khóa cửa im ỉm bằng cọng lòi tói bự xự. Tôi đứng trong tiệm Song Long nhìn ra thấy ngoài hành lang tiệm có vài cái bàn tròn, nhiều người vây quanh để đánh cờ thế và coi đánh cờ. Ðiều làm tôi ngạc nhiên là họ đứng, ngồi san sát nhau, cười nói rôm rả mà không đeo khẩu trang hay bao tay gì hết. Tôi biết rõ đây là những tay “ghiền ngồi quán” chớ không phải là người cùng một gia đình, vậy có mạo hiểm quá không? Sở dĩ tiệm này vẫn phục vụ món bún bò Huế “mini” cho khách ngồi ăn tại chỗ vì từ trước tới nay tiệm chỉ có duy nhứt một chị đứng tuổi, vừa đóng vai “phổ ky” (hầu bàn) vừa đóng vai “tổng khậu” (bếp trưởng), vài cái bàn “mini” nên khách ăn bún bò vô đông hay ít cũng vậy thôi.

Thời nay đi ăn tiệm là phải bỏ túi đem theo chai cồn xịt sát trùng “mini”. Trước khi đụng tay vô thức ăn thì xịt vô tay, dùng khăn giấy lau khô rồi mới “xực”. Bún bò $7 tất nhiên chất lượng không thể bằng bún bò $9 trở lên rồi, chủ yếu là húp nước bún bò nóng hổi “lấy hơi” chớ bún trong tô dạo được vài đũa đã hết sạch. Nên sau khi ăn xong chúng tôi mua thêm hai vỉ xôi mặn $6 nữa. Kệ đi! Có còn hơn không, chờ mai mốt hết dịch rồi kiếm tiệm khác ăn mới đã thèm.

TPT

(Little Sài Gòn, Nam Cali)

Một số ảnh hàng quán thời đại dịch ở California do tác giả cung cấp