Việt Nam là quốc gia chưa có giải Nobel hoặc giải văn chương lớn, Việt Nam cũng là quốc gia có đội tuyển bóng đá thuộc hàng tầm tầm trong khu vực và thuộc hàng yếu kém so với bóng đá thế giới. Thế nhưng nói tới Việt Nam, người ta không ngần ngại xưng đây là cường quốc thơ và cũng không ngần ngại xưng mình là cường quốc bóng đá, thế mới ngầu. Mà thế nào là cường quốc thơ Việt Nam? Thế nào là cường quốc bóng đá Việt Nam?

Cường quốc thơ, cường quốc bóng đá, cường quốc nhậu, đi đâu cũng thấy cổng chào     

Cường quốc thơ

Một nhà thơ trong hàng vạn, hàng triệu nhà thơ tại Việt Nam, tên Duy, khi được hỏi về thơ, không ngần ngại nói rằng:

– Việt Nam chúng ta là một cường quốc thơ chị ạ!

– Anh dựa trên cơ sở nào để nói rằng Việt Nam là một cường quốc thơ?

– Thì Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong thời còn là Phó Chủ tịch từng nói như vậy, và mình thấy anh Thiều nói đúng, bởi có xứ sở nào giống xứ mình đâu, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, vui làm thơ, buồn làm thơ, đám cưới làm thơ, đám tang làm thơ, đám đầy tháng làm thơ, đám thôi nôi làm thơ, đi thăm bệnh cũng làm thơ… Thơ có mặt mọi nơi, mọi lúc, kể cả trên bàn nhậu, thơ luôn có mặt nữa là đằng khác. Có xứ nào làm thơ như Việt Nam, không cường quốc thì gọi là gì đây? Và người Việt rất chuộng thơ chính thống nha!

– Câu này tôi chưa hiểu lắm, tức câu người Việt chuộng thơ chính thống ấy, xin anh nói rõ hơn được không?

Khuya lắc khuya lơ vẫn có người thu xếp công việc để chuẩn bị coi đá bóng

– Chị làm báo chị không biết đó thôi, chứ có nhiều nhà thơ, được đăng báo văn nghệ một bài thơ, vậy là mua nguyên một con bò về thui, đãi cả làng, sau đó mang tờ báo Văn nghệ ra khoe, và đọc, ngâm, phổ nhạc bài thơ ấy. Người Việt không chuộng thơ chính thống thì chuộng cái gì đây? Vừa rồi, có vụ lùm sùm về cái đơn xin gia nhập hội văn học nghệ thuật tp. HCM đó, cũng vòi tiền, đòi quà, cũng cửa trước cửa sau phết. Như vậy chứng tỏ người ta mê chính thống đến mức ghê gớm hơn cả mê cái bằng đại học, tiến sĩ nữa kia!

Xem thêm:   Bán vé số

– Anh có chân trong hội văn học nghệ thuật tỉnh không?

– À, có chứ, tôi là hội viên của Hội văn học nghệ thuật tỉnh. Thời tôi gia nhập còn dễ, chứ bây giờ khó lắm. Tôi đang “phấn đấu” để vào Hội nhà văn Việt Nam đây chị ạ. Nếu mình có thực lực thì sợ gì    mà không “phấn đấu” để khỏi mất quyền lợi chứ?!

– Vào Hội có cái gì mà hấp dẫn, lôi cuốn người ta vậy anh?

– Ơ… vào hội có nhiều cái hay lắm chứ chị! Ở đó mình có cơ hội đi giao lưu trên khắp mọi miền đất nước, nói tế nhị một chút thì hầu hết nhà thơ xứ mình đều nghèo, tôi cũng nghèo, nhưng đã là  nhà thơ thì cái chân ưa đi, cái bụng sợ đói và cái miệng ưa ăn món ngon. Chỉ có vào Hội quốc gia thì mới được đi đây đi đó, cứ tới tỉnh nào thì mình trình cái thẻ Hội viên của mình ra, được cơ quan, đoàn thể tỉnh đó tiếp đãi nồng hậu, ăn ở khỏi tốn.

Hải sản phơi khô, cường quốc mồi…

– Chỉ cần trình cái thẻ hội viên ra hay còn gì khác không anh?

– Đương nhiên là cái thẻ hội viên phải có giá trị thật, thẻ thật, không phải thẻ giả, giả là chết. Trình xong thì mình cũng nói với anh em ở đó là mình đi “thực tế sáng tác”, mình cần sự hỗ trợ của họ để mình sáng tác về tỉnh nhà (tức cái tỉnh đang cho người trình thẻ ăn, ở – UC), vậy là họ phải nâng niu mình một chút để mình có cảm hứng mà sáng tác chứ!

– Ủa, nói như vậy, tức là anh từng có kinh nghiệm ăn ở theo diện hội viên ở các tỉnh khác?

– Đúng rồi chị, nhưng chưa chính thức, tức mình đi cùng mấy anh bạn hội viên và họ được biệt đãi (ưu đãi đặc biệt), mình thấy thích lắm, thôi thì mình “phấn đấu” để có cái đó, ông bà mình nói rồi, một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ í mà!

Nghe tới đây, tôi không dám hỏi thêm nhà thơ Duy câu nào nữa, vì cảm thức thơ của anh có vẻ nặng phần thịt làng với thịt chợ, có hỏi gì rồi cũng lòng vòng chuyện này, nên rất khó nói chuyện.

Đá bóng, coi đến mờ mắt vẫn còn coi

Khác với Duy, Hùng là một nhà thơ tự do, hay viết “cúng Phây” (cúng Facebook) chứ chẳng có đăng tờ báo nào. Hùng chia sẻ:

Xem thêm:   Thần tháng Giêng mở cửa thiên đường

– Làm thơ, rõ ràng Việt Nam là cường quốc thơ, tuy không có giải thơ nào cho nhà thơ trong nước nhưng chúng ta mạnh lắm!

– Anh dựa trên cơ sở nào để tin rằng Việt Nam là cường quốc thơ?

– Bởi thơ có sức cuốn hút đặc biệt với người Việt Nam. Từ ông lãnh đạo đương chức cho đến cán bộ về hưu đều rất máu làm thơ và luôn có khuynh hướng để thơ của mình cát cứ trên một trang báo nào đó. Chị không thấy ông Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, đứng trước vành móng ngựa, nói về tội lỗi của mình mà sang sảng đọc thơ đó sao!

– Anh có chân trong hội nhà văn hay văn học nghệ thuật địa phương không?

– Ồ, không đâu chị ơi! Mình chỉ viết cúng phây cho vui thôi, mình đâu có đủ dũng cảm để muối mặt xông vào cái chốn ấy!

Làm thơ nhiều, coi đá bóng nhiều.. đôi khi hy hữu gặp nhau ở phòng khám bệnh viện vì lên huyết áp

Cường quốc bóng đá

Mùa Euro Cup đang giai đoạn cao trào, Việt Nam không phải là quốc gia có đội tuyển bóng đá thuộc hàng có “đẳng cấp” trong khu vực hoặc “số má” trên thế giới. Thế nhưng Việt Nam tự xem mình là cường quốc bóng đá, điều này thật khó hiểu. Nhưng dân mê bóng đá thì hiểu nó theo cách của họ, như lời của anh Mãi, một người vừa mất gần 3 tỉ đồng vì cá độ bóng đá, chia sẻ:

– Bóng đá là giấc mộng thần tiên chị ạ!

– Tôi chưa hiểu lắm, xin anh nói thêm cho rõ hơn ạ?

– Vì bóng đá cũng có chất gây say, gây nghiện của nó, một khi đã thành con nghiện của bóng đá, thì người ta không từ nan chuyện gì. Chị không thấy nhiều cô khỏa thân ngoài đường vì bóng đá, nhiều người tan cửa nát nhà vì bóng đá đó sao, nó là thần tiên, một dạng tiên nâu chị ạ!

– Bóng đá là một môn thể thao lành mạnh, mệnh danh thể thao vua, sao anh lại cho rằng đó là một dạng tiên giống như tiên nâu chứ?

Xem thêm:   "Tôi chỉ là người kể chuyện"

– Bóng đá có cầu trường công khai và những câu chuyện phía sau cầu trường. Hầu hết những người mê bóng đá lành mạnh đều ra ngoài cầu trường, xem trên cầu trường, cũng có người ra cầu trường xem nhưng lại lén lút bắt tay với thế lực phía sau cầu trường, và với một số trường hợp, đi coi bóng đá nhằm mục đích coi diễn biến câu chuyện phía sau cầu trường chị ạ!

Cường quốc gì rồi cũng rối mù

– Ý anh nói là chuyện cá độ?

– Đúng rồi, câu chuyện trong bóng tối bao giờ cũng hấp dẫn và lôi cuốn hơn câu chuyện ngoài ánh sáng. Nếu bóng đá chỉ giữ nguyên sự trong sáng và lành mạnh của nó thì nó không bao giờ trở thành môn thể thao vua được đâu chị. Người ta trở nên đam mê bóng đá là nhờ phần bóng tối của nó. Một thứ bóng tối kỳ diệu, huyễn hoặc, nó giúp cho người nghèo trở nên giàu có trong thoáng chốc và khiến cho người giàu có trở nên trắng tay cũng trong chớp mắt. Nó cứ y như trái bóng tung vào lưới vậy, huy hoàng và sụp đổ trong chốc lát chưa đầy nửa giây. Và có người huy hoàng thì cũng có kẻ sụp đổ, thế thôi!

– Nhưng, sự huy hoàng và sụp đổ này liên quan gì đến cái gọi là cường quốc bóng đá vậy anh?

– Có chứ chị, một quốc gia mà có quá nhiều gia đình cược số phận gia đình vào một môn thể thao nào đó và sống chết với nó, thì quốc gia đó xứng đáng được xem là cường quốc của môn thể thao đó. Mà trong ý nghĩa này, Việt Nam là một trong những quốc gia ít ỏi và hiếm hoi khi bàn về bóng đá, chúng ta không có đội bóng mạnh nhất thế giới nhưng chúng ta dám chơi bóng mạnh nhất thế giới. Đó mới gọi là cường quốc chứ!

– Theo quan sát của anh, trong mùa Euro Cup này, các gia đình Việt Nam bị tan nát bởi bóng đá ít hay nhiều?

– Con số phải nói là ít hơn mọi kỳ bóng đá khác nhưng nhiều so với chính mình, nhiều vô kể. Vì sao? Vì sau 3 năm dịch giã, sau 3 năm kinh tế bế tắc, ăn còn thiếu, vậy mà người ta dám chơi tận mạng vì bóng đá, gọi là chơi xả láng sáng về sớm đấy! Có ai hơn người Việt mình khoản này chứ!

Nói tới đây, tôi cũng không muốn hỏi thêm câu nào trước người đàn ông có niềm đam mê và tự hào bóng đá dân tộc quái đản này. Nhưng rất tiếc, anh không phải là hiện tượng hay trường hợp cá biệt!

Bài và hình UC