Cha mẹ tôi sống ở nơi nửa quê nửa chợ xứ Nam kỳ lục tỉnh. Nếu phải khai lý lịch theo kiểu ngày xưa thì người ta sẽ ghi là thành phần “dân nghèo thành thị”. Tuy không giàu có nhưng cũng đủ ăn đủ mặc, nhà tường gạch mái tôn, TV Sony đen trắng, tối tối con nít cả xóm bu vô nhà tôi coi ké thiệt là náo nhiệt.

Kể lể dông dài cốt để quý độc giả hiểu tôi được ăn ngon, ăn sang chẳng là bao mà ăn mắm, mút dòi thì nhiều. Nhờ cái sự “ăn mắm mút dòi” đó nên tôi đã từng viết hàng trăm bài kể về văn hóa ẩm thực Nam kỳ. Thỉnh thoảng có chen vô vài món ăn độc và lạ của miền Trung, miền Bắc cho thêm phần mới mẻ, đa dạng. Ẩm thực Nam kỳ là kiểu ẩm thực dân dã, đơn sơ, đậm chất “gừng cay muối mặn” do cuộc sống ở vùng đất mới khẩn hoang của những con người phóng khoáng, hào sảng đất phương Nam.

Ðộc giả báo Trẻ thích những bài viết của tôi không phải vì tôi “dọn” cho độc giả những món ăn sang trọng, mà là những món ăn “tầm thường”, xưa cũ, rất nhà quê nhưng chuyên chở những kỷ niệm tuổi thơ, hương vị, hơi thở quê nhà thuở quý độc giả chưa dấn bước tha hương. Những người trẻ sanh ra và lớn lên trên đất Mỹ này không bao giờ có cùng cảm nhận với lớp độc giả có tuổi cỡ tôi trở lên. Người trẻ thích fast food kiểu Mỹ, thích BBQ chớ đâu quan tâm tới cá lòng tong kho tiêu, cá rô tôm tích chiên giòn hay gỏi cuốn.

Rất nhiều người tỵ nạn cộng sản tha hương trên khắp thế giới không muốn trở về Việt Nam do Việt Nam vẫn còn chế độ cộng sản. Vì vậy, mỗi khi muốn tìm lại “hương tình cũ” thì chỉ biết chờ đến Tết cổ truyền, rủ nhau hội tụ về Little Sài Gòn (Nam Cali) để nghe giọng nói Nam kỳ, để có cơ hội “cứ bước chân ra một bước đường là có ngay món ăn Việt” nóng sốt ngon lành thưởng thức, bất kể đó là món Bắc, Trung hay Nam.

Xem thêm:   Về Cà Mau

Tôi dễ ăn, nhưng cũng rất khó tánh. Nấu ăn món Nam là phải ra Nam, Bắc ra Bắc, Trung ra Trung, không thích kiểu tạp nham. Tỷ như ăn bún riêu cua đồng kiểu Bắc phải có mắm tôm; ăn bún riêu giò heo kiểu Nam phải có mắm ruốc. Ðừng nghĩ mắm nào cũng là mắm rồi cho loạn xà ngầu vô, lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, ăn vô mùi vị trớt quớt, món ngon thành dở tệ. Bún bò Huế phải có ớt sa tế; bánh Huế phải có ớt hiểm xanh; bún nước lèo phải có ớt hiểm bằm (không phải xay), không đúng loại ớt thì món ăn giảm cái sự ngon của nó đi. Chính những điều nhỏ nhặt tầm thường này nó làm nên hương vị riêng biệt, không thể nào quên được của ẩm thực vùng, miền.

Sở dĩ tôi phải mô tả tỉ mỉ các cách ăn mắm, ăn ớt nhằm cho người ăn cảm nhận được cái ngon tột bậc làm nên danh tiếng của món ăn. Thời gian gần đây, tôi thấy buồn khi nhận ra Little Sài Gòn không còn là Little Sài Gòn của ngày trước, ít nhất là cách đây 5 năm, khi tôi mới đặt chân đến vùng đất thủ đô người Việt tỵ nạn này. Nói theo cố nhà thơ Nguyễn Bính thì đó là “Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Little Sài Gòn có vài tiệm cơm tấm nổi tiếng ngon mà bất kỳ ai mới tới đây cũng đều muốn thưởng thức. Năm đầu tiên bạn tôi dẫn tôi đi ăn cơm tấm bì gà chiên, quả thật là ngon. Năm thứ hai một chị bạn và người cháu từ San Jose đến chơi, tôi đưa hai cô cháu tới tiệm đó ăn cơm tấm, vẫn còn ngon. Khoảng Tháng Tư năm nay, tôi và bạn tôi tới tiệm đó ăn cơm tấm bì lần nữa thì hỡi ôi, dĩa cơm tấm đem ra thiệt là nuốt không trôi. Cơm vừa nhão vừa nát, không rưới mỡ hành lá phi; bì trắng bệch không có thính mà có mùi tanh da heo; thịt heo là thịt luộc xắt miếng, bày lên trên cơm; nước mắm thì không có dưa chua củ cải trắng và cà rốt; chén nước súp kèm theo nhạt nhẽo như nước sôi. Cơm tấm bì thịt nướng là món ăn đặc trưng của Sài Gòn và dân Nam kỳ. Dĩa cơm tệ như vậy mà chủ tiệm vẫn điềm nhiên cho bồi bàn đem ra bán cho khách thì tôi đánh giá tiệm giờ đã “thay thầy đổi chủ” và người chủ mới không phải dân Nam kỳ “chánh hiệu Con Nai Vàng”. Chủ tiệm có lẽ chỉ “thừa kế” tên tiệm của chủ cũ thôi, chớ họ không biết gì về món ăn Nam bộ.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Chúng tôi rời tiệm cơm tấm này tới một tiệm cơm tấm khác mà theo người bạn “thổ địa” giới thiệu là “ngon nhất khu này, nổi tiếng cách đây hơn 15 năm trước” thì tình trạng chẳng khác gì tiệm vừa rồi, nghĩa là nuốt không trôi. Ra khỏi tiệm, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ quay lại lần thứ hai để khỏi phí phạm tiền một cách vô lý.

Trước mùa dịch, tôi và bạn tôi vô một quán mì Tàu (thuộc loại nổi tiếng) ăn tô mì khô là món tôi thích nhứt. Tôi thật sự bật ngửa khi nhìn vô trong, thấy người đầu bếp đang làm món mì Tàu cho tôi lại là một ông Mễ. Trong những bài trước, tôi đã từng kể cho quý vị chuyện 30% dân xứ tôi là người Việt gốc Triều Châu (Tiều) và nổi tiếng với nhiều quán mì, hủ tiếu ngon nhứt miền Tây. Không phải tôi khen họ (mấy chú chệt chủ tiệm mì đó không bà con gì với tôi) mà tôi từng nhiều lần cất công chạy qua Chợ Lớn (Quảng Ðông) rồi và rõ ràng mì Tàu Quảng Ðông làm không ngon bằng mì Triều Châu. Muốn nấu được tô mì Tàu ngon trước hết là phải ăn nhiều mì Tàu, ăn ở nhiều nơi, nhiều tiệm, rồi mới phân biệt được mì Tàu nào ngon, dở. Mì Tàu do ông Mễ nấu thì thiệt là bó tay, ổng cứ “y khuôn” thầy dạy phang tới chớ có biết ngon dở ra sao mà cải tiến, thêm thắt cho món ăn ngon hơn. Hậu quả là tôi ăn mì Tàu vịt quay nhưng cục thịt vịt quay hôi lông, nuốt không nổi phải nhả bỏ.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Chúng tôi cũng “thề” với lòng không vô quán mì Tàu nữa mà chuyển qua quán bún nước lèo. Tôi vốn “dễ nuôi,” ở nhà nấu ăn tôi vẫn dùng tí xíu bột ngọt cho món ăn thêm ngon. Vậy mà không biết có phải tôi bị “tổ trác” hay không nữa! Tiệm bán bún nước lèo thứ nhứt tôi vô ăn xong cảm thấy “lợm giọng tới óc o” do đầu bếp cho bột ngọt vô nước lèo quá nhiều. Họ không biết rằng bột ngọt dùng vừa phải thì ngon, mà quá lố lại làm món ăn bị tanh. Lần sau, tôi vô tiệm chuyên bán bún nước lèo khác thì quỷ thần ơi, bún mắm mà nước mắm như nấu chè, vậy sao ăn nổi! Ðầu bếp tiệm này chưa từng ăn bún nước lèo Nam kỳ hay sao á?

Thật đáng buồn khi thủ đô tỵ nạn Little Sài Gòn đang dần dần đánh mất văn hóa ẩm thực Nam kỳ lục tỉnh…

TPT