Người miền Nam hay nói: “Ông đó chơi đẹp”, “Thằng này nhỏ mà chơi đẹp”, “Cô Hai chơi đẹp” v.v. để khen ngợi cách ứng xử của “Ông đó”, “Thằng này”, “Cô Hai”. Chữ “chơi” và chữ “đẹp” đều được dùng với nghĩa bóng. Sự thật không có ai “chơi” (trò chơi) mà cũng không có ai “đẹp” (nhan sắc). Khái niệm “chơi đẹp” trong thể thao gọi là “fair play”. Ngược lại với “chơi đẹp” là “chơi xấu”, “ăn gian”.

Bảo Huân 

Tôi tra từ điển tiếng Việt không tìm thấy chữ “chơi đẹp”, có lẽ đây là từ ngữ được người dân mới sáng tạo. Từ điển Merriam-Webster giải nghĩa “fair play” là đối xử công bằng, không thiên vị (equitable or impartial treatment) nên chúng ta có thể hiểu nôm na “chơi đẹp” nghĩa là sòng phẳng. Khái niệm sòng phẳng (khẩu ngữ) không có gì mới, dân gian hiểu sòng phẳng là công bằng, rõ ràng, không nhập nhèm, không ăn gian, không tìm cách tranh phần hơn dù thật sự chưa (hoặc không) xứng đáng được phần hơn đó. Từ điển mới (sau 1975) giải thích sòng phẳng là “sẵn sàng chịu nhận phần thiệt về mình để đem lại lợi ích hoặc sự hài lòng cho người khác”. Nếu hiểu theo kiểu của từ điển mới thì tà quyền cộng sản cướp đất, cướp nhà, xâm phạm nhân quyền người dân cũng phải im lặng chịu thiệt cho nhà nước “hài lòng” thì đó là “sòng phẳng”? Rõ ràng, cách giải thích này rất tào lao, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà cầm quyền cộng sản nên chúng ta không dùng.

Sở dĩ hôm nay tôi luận về “chơi đẹp” và “sòng phẳng” vì tôi nhận ra ngay ở xứ Mỹ này kẻ giàu có, thế mạnh lại chẳng mấy khi “chơi đẹp” và “sòng phẳng”. Lâu nay, chúng ta đều biết rằng, tất cả các sản phẩm đưa tới người tiêu dùng có in thương hiệu, logo nhà buôn, logo nhà sản xuất, thì đó là một kiểu quảng cáo rẻ tiền, rất đại chúng và hiệu quả. Khách hàng đem những đồ dùng có thương hiệu, logo đó đi khắp nơi, “đập vào mắt” nhiều người khác, khiến cho người ta nhớ dai. Trước đây, chúng ta đi mua sắm đều được tặng bao bì gói, đựng miễn phí có in thương hiệu doanh nghiệp, coi như doanh nghiệp bỏ ra một số tiền rất nhỏ để khách hàng quảng cáo giùm, hai bên đều có lợi. Khi tiểu bang Cali ra lịnh cấm tặng túi nilon cho khách, ai có nhu cầu phải mua 10 cents/cái thì những cái túi nilon đó mặc nhiên trở thành hàng hóa như bất kỳ món hàng nào đang bán trong tiệm. Lẽ ra doanh nghiệp không được quyền in thêm logo, tên tiệm lên túi để bán cho khách, vì như vậy khách hàng phải rút hầu bao để quảng cáo không công cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp được lợi cả hai đàng luôn, như vậy là doanh nghiệp không chơi đẹp, không sòng phẳng với khách hàng. Tôi để ý, các tập đoàn kinh doanh càng lớn thì họ càng keo kiệt, không sòng phẳng trong vụ này. Nói đi thì phải nói lại, người Mễ ở quận Cam “chơi đẹp” hơn. Tôi vô chợ Mễ, thấy họ không in tên chợ lên túi nilon bán cho khách nữa, thay vô đó là mã vạch và số, khách hàng muốn mua túi thì cứ đưa qua máy scan cái “tít” là tính tiền vô receipt luôn.

Xem thêm:   Dubai

Sự không sòng phẳng này còn có một “biến thể” khác mà chúng ta thường gọi là “bịnh đổ thừa” theo kiểu “Thương ai thương cả đường đi/ Ghét ai ghét cả tông ti họ hàng”. Trước bầu cử, truyền thông làm cho người dân thấy ông Trump là người kỳ thị tất cả những màu da khác (trừ người da trắng). Nếu lật lại những bài báo cũ thì họ mô tả ông Trump và người-không-phải-da-trắng giống như nước với lửa. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, phong trào “bài Trung Quốc” dâng cao (và bị lệch mục tiêu), kẻ tấn công nhằm vào tất cả người da vàng chớ không phân biệt được ai là người Trung Quốc. Kẻ tấn công thì đủ các màu da: trắng, đen, lai nâu, Trung Ðông… nên tình hình an ninh xã hội rất hỗn loạn. Vậy là có một vài tác giả chơi trò “biến thể” bằng cách viết những bài báo rất dông dài, cóp nhặt tin tức cũ-mới, đông-tây tá lả, gom lại nhét vào một rọ rồi cuối cùng quy ra rằng, việc những kẻ tấn công người da vàng (đã bị cảnh sát bắt giữ) vì họ bị ông Trump dùng ngôn ngữ kỳ thị đầu độc tư tưởng(?!). Ủa, trước đây sao nói ông Trump “kỳ thị” da màu, sao bây giờ da màu lại nghe lời ổng quá vậy? Tôi cho rằng chiêu trò dùng ngôn ngữ đánh tráo khái niệm này là không chơi đẹp, không sòng phẳng.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Hôm Chúa Nhật, 11 Tháng Tư tuần rồi, đã diễn ra cuộc tụ tập tại Huntington Beach (quận Cam), nhằm phản kháng lại thành kiến chống người da trắng, dẫn đến bốn người bị cảnh sát bắt giữ. Sự việc được các tờ báo tiếng Anh lẫn tiếng Việt tường thuật lại. Tôi đã đọc bài báo tiếng Việt và thấy tác giả bài viết đã không sòng phẳng trong vai trò một người làm báo bắt buộc phải khách quan và trung thực. Tôi dùng cụm từ tác-giả-bài-viết bởi vì dù bài đăng ở tờ báo tiếng Việt to đùng nhất nước Mỹ nhưng lại ẩn danh. Trước đây, chúng ta thấy cụm từ “Black Lives Matter” (viết hoa tất cả chữ cái đầu, cũng in trên chính tờ báo ấy) được dịch là “Quyền sống cho người da đen” rất trân trọng và mạnh mẽ. Vì vậy, tôi đã ngạc nhiên khi thấy bài báo viết “white lives matter” (không viết hoa, lặp lại 4 lần) và dịch là “mạng người da trắng cũng đáng kể” nghe rẻ rúng và bèo nhèo làm sao í. Trong tiếng Anh, chỉ có hai đại từ nhân xưng “I” và “You”, còn tiếng Việt thì rất đa dạng (anh, chị, mày, mi, ngươi… chưa tính đại từ nhân xưng tiếng địa phương).

Người đàn ông da trắng và người đàn ông da vàng đối đầu nhau trong cuộc biểu tình, trao đổi bằng tiếng Anh, tức là hai bên chỉ dùng “I” và “you,” nhưng trên báo tiếng Việt thì tác-giả-bài-viết cho người đàn ông da vàng xưng hô “anh” và “tôi”, còn người đàn ông da trắng lại gọi “mày” và “tao”, gây cảm giác cho người đọc thấy rằng, một bên thì rất lịch sự, dịu dàng, tử tế, còn một bên rất thô lỗ, cục súc. Tôi cho rằng, đây là cách viết không sòng phẳng, không “fair play.” Bài báo được viết lại theo video trực tiếp, cho thấy người đàn ông da vàng đã cố ý quấy rối người đàn ông da trắng bằng những câu hỏi lạc đề và xâm phạm đời tư người khác. Người đàn ông da trắng đã quát lên, bỏ đi nhưng người đàn ông da vàng vẫn cứ lẳng nhẳng đi theo, cật vấn về hình xăm chữ thập ngoặc trên tay ông ta.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Tôi cũng là một người da vàng, nhưng tôi không cho phép tôi ra đường gặp một người da trắng xa lạ và bám theo hỏi lẳng nhẳng: “Tôi muốn biết vì sao anh lại ghét tôi?”, trong khi ông da trắng lạ hoắc kia không biết tôi là ai và ông ta không hề có thái độ, lời nói gì thể hiện ông ta ghét tôi, hỏi vậy ai trả lời được? Tôi cũng không thể cho phép tôi cứ đi theo một người lạ để chỉ vào anh ta và hỏi mãi một câu rất bất lịch sự: “Chuyện gì nằm phía sau hình xăm chữ thập ngoặc này?”. Cái này là chuyện riêng tư của người ta, hỏi một lần người ta không trả lời đã thấy tẽn tò, vô duyên rồi, đằng này cứ bám theo hỏi mãi thì Phật trên bàn thờ cũng rớt xuống, nói gì người phàm. Luật không cấm mà, thích xăm gì thì xăm, không ai có quyền cật vấn, kể cả cảnh sát.

Thiển nghĩ, dù bất cứ nơi đâu, dù trong hoàn cảnh nào, cũng nên hành xử sòng phẳng, tự trọng, chớ học chi cái thói tiểu nhân, dù tranh hơn được nhưng tự hạ thấp nhân cách chính mình.

TPT

Ảnh minh họa: tạphongtần/trẻ