Một ngày Tháng Chín năm 2015, từ nhà tù cộng sản Việt Nam, tôi tháp tùng cùng ông David V. Muehlke – Tùy viên chính trị (Political Officer) Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bay tới Mỹ. Ông David V. Muehlke là một ông Mỹ trắng nói tiếng Việt trôi chảy và chuẩn văn phạm. Tôi luôn nhớ câu “Chị tới Mỹ sẽ thấy bất cứ cái gì ở Mỹ cũng to hơn ở Việt Nam gấp ba lần.” nên sau khi đáp xuống Cali, đi đâu, làm gì bên ngoài, tôi cũng nhìn ngó, quan sát như “thằng Mán đi chợ huyện” coi ông David V. Muehlke nói đúng không.

Bảo Huân  

Quả thật, từ đường sá, lối đi, tô phở “xe lửa” one size, ghế cho khách ngồi trong tiệm ăn, cục xà bông tắm, đơn vị đo lường, chén, dĩa, tô, cuồn giấy vệ sinh… đều to đùng so với hàng hóa cùng loại ở Việt Nam. Nếu hẻm trong khu dân cư ở Việt Nam chỉ đủ cho hai xe gắn máy đi ngược chiều nhau thì hẻm trong khu dân cư ở quận Cam đủ cho bốn xe sedan chạy hàng ngang (nếu không có xe nào đậu bên lề đường.) Ðơn vị tính dặm, feet, inch, gallon đương nhiên lớn hơn đơn vị tính kilometer, centimeter hay lít, xị ở Việt Nam. Ngay cả cái bồn cầu (toilet,) cái bồn tắm (bathtub) ở tư gia tại Mỹ cũng to hơn trong khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ ở Việt Nam. Tôi dám khẳng định điều này do tôi có 5 năm làm công tác quản lý du lịch tỉnh Bạc Liêu, đi kiểm tra cơ sở vật chất trang bị trong hệ thống lưu trú địa phương để xếp hạng 1, 2, 3, 4… sao cho khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ. Thời gian này tôi cũng có cơ hội đi nhiều nơi khác nên quan sát được thực tế. Không phải ở Việt Nam không nhập toilet và bathtub size lớn đúng chuẩn của thế giới, mà phần lớn chủ nhân các cơ sở này đều trang bị nội thất “size em bé” cho đỡ tốn tiền và dễ dàng qua mặt các quy định của Tổng cục Du Lịch, khi mà các tiêu chuẩn xếp hạng chỉ là “có” hoặc “không” chớ không quy định rõ là “lớn” hay nhỏ.”

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Tôi “kể chuyện xưa” ở Việt Nam góp vui để mở đầu cho những quan sát mới của tôi tại thời điểm này, có vẻ như nước Mỹ (ít ra là ở quận Cam nơi tôi sống) đã bắt đầu chuyển qua giai đoạn “cái gì cũng nhỏ” gần giống Việt Nam lắm rồi. Tôi đi chợ, thấy tất cả những món hàng tính đơn vị cái, bó đều tự dưng nhỏ lại, còn những món hàng được tính giá bán theo pounds hoặc đóng gói không – thể – nhỏ – được đều tăng giá bán. Gói mì ăn liền chua cay hiệu Mama của Thái Lan bây giờ “nhỏ nhắn xinh xinh” bỏ lọt thỏm cái chén, chế nước sôi vô tôi ăn được đúng hai đũa là hết.

Gói mì 2 đũa.

Tuần rồi, tôi vô tiệm bánh cuốn Thái Sơn trên đường Bolsa (trong khu chợ ABC) mua nem chua và bánh cuốn là hai món tôi vẫn thường mua. Lần này, cầm vỉ bánh cuốn, vỉ nem chua trên tay, tôi cảm giác sao nó nhẹ bổng và diện tích vỉ đựng cũng nhỏ đi. Giá mỗi thứ lại tăng thêm $1. Về nhà mở vỉ nem ra, thấy rõ rằng từng cục nem gói trong miếng plastic food wrap mỏng và nhỏ còn một nửa cục nem trước kia.

Tôi vẫn còn giữ một vỏ hộp giấy cục xà bông Dove “làm kỷ niệm” như sau ngày 30/4/1975 người miền Nam lưu giữ các đồ dùng kỷ vật thời Việt Nam Cộng Hòa. Vỏ hộp giấy này không có gì lạ so với các vỏ hộp đựng xà bông đang bán trong các tiệm, khác ở chỗ trên vỏ hộp in con số “135g.” Ðây chỉ là trọng lượng trung bình của cục xà bông giá $1 tôi mua trước đây thôi. Tôi đố quý vị tìm ra ở đâu còn bán  xà bông cục thương hiệu phổ thông như Dove, Coast, Zest, Dial, Old Spice… với size 135 gam hoặc size 141 gam. Trừ phi quý vị mua loại xà bông đặc biệt với giá tiền cũng “đặc biệt,” thì size xà bông thông dụng ở tất cả các tiệm lớn nhỏ hiện nay là từ 90 gam tới 113 gam/cục. Bạn bè, người quen đã từng tiếp xúc với tôi đều biết tôi có bàn tay, bàn chân nhỏ “size em bé,” nhưng khi tắm tôi cầm cục xà bông “đời mới” vẫn rớt lên rớt xuống vì nó lọt thỏm giữa mấy ngón tay.

Nem chua.

Tiệm bún bò Huế quen ở Little Sài Gòn (tôi vẫn thường vô ăn trước đây) nay lên giá thêm $2/tô mà trong tô có mỗi một cục móng heo nhỏ xíu và ba miếng thịt cũng nhỏ xíu, coi như thịt thà trong tô còn một phần ba so với tô cũ. Cái tô sành không nhỏ lại được nhưng thịt và bún trong tô “tự động” nhỏ lại. Không phải chỉ có tô bún bò Huế “nhỏ lại” mà tô phở, tô mì tàu, tô bò kho các nơi đều “nhỏ lại” với vài miếng thịt nhỏ xíu. Bạn tôi mời đi ăn cá nướng trong một tiệm Việt trên đường Bolsa. Chúng tôi ba người nên gọi con cá nướng size large giá $65.99, và thật ngạc nhiên khi thấy cá đem ra chỉ bằng cá size medium khi ăn trước đây. Rau sống có một dĩa nhỏ xíu, bánh tráng size nhỏ xíu khoảng chục cái, và dĩa bún tươi có một nhúm nhỏ xíu luôn.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Lúc trước vô tiệm Song Long trong khu chợ Ðà Lạt (thành phố Garden Grove) mua 3 ổ bánh mì tròn Việt Nam giá $1. Cách đây hai ngày, tôi trở lại tiệm mua $1 bánh mì tròn được 2 ổ và ổ bánh mì nhìn có vẻ nhỏ so với trước. Một anh bạn tôi nói vui rằng “Thời buổi này mua cái gì cũng lên giá, cũng nhỏ lại, chỉ có mua tờ vé số là không lên giá mà tờ giấy in vé số cũng bự y nguyên. Ðể không bị lỗ thì từ đây về sau ta chỉ mua vé số.”

Báo chí dã man.

Tuy nhiên, chuyện xăng lên giá không ảnh hưởng gì đến người giàu. Ai nghèo cứ nghèo, ai giàu cứ giàu.

Trong khi tôi đang viết lan man chuyện đời sống người nghèo ngày một khó khăn, đắt đỏ thì giá xăng vẫn tăng mỗi ngày chớ không thấy giảm. Một tờ báo Việt ngữ ở quận Cam viết: “giá xăng ở Mỹ ngày 14 Tháng Ba là $4.32/gallon, giảm nhẹ so với mức kỷ lục $4.33 vào ngày 11 Tháng Ba.” Ðúng là giảm nhẹ thiệt, nhẹ quá trời là nhẹ luôn.

Tôi cảm thấy giá trị tiền trong túi tôi mỗi ngày lại nhỏ thêm một chút, nhỏ một cách thảm thương, đến mức có bạn mời đi ăn tiệm tôi cũng từ chối. Tôi bèn viết câu này lên Facebook: “Thời nay ai mời tui đi ăn phải đưa kèm tiền đổ xăng thì tui mới chịu.” Tết Nguyên Ðán vừa rồi, tôi lái xe hơn 40 phút mới tới quán ăn có không gian thích hợp cho bạn bè lâu ngày gặp lại trò chuyện. Kiểu này các cụ xưa có câu: “Ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng”. Tôi mà không “mặc cả” như trên thì rủ rê riết ai chịu cho thấu hả Trời? Kệ đi, tự an ủi dù sao mình cũng hạnh phúc hơn nhiều người đang phải sống trong một chế độ dã man với một nền báo chí dã man.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

TPT