Chiếc taxi Grab phóng một mạch từ Sài Gòn đi Bến Tre mất hơn 2 giờ đồng hồ. Hôm ấy anh bạn thổ địa đưa tôi và một người bạn nữa vào ngôi quán có tên “Rừng Xanh”. Bước vào trong, chúng tôi lập tức được hai thanh niên dẫn ngay vào một căn phòng nhỏ nằm khuất sau mấy chậu cây cảnh.

Vừa ngồi xuống ghế, một “má mì” khoảng 30 tuổi nhanh nhẹn bước vào hỏi thăm. Có lẽ mấy người bạn tôi quá quen chỗ này nên mới gặp họ đã chuyện trò rôm rả. Không phí thì giờ, cô ta đi ngay vào chuyện: “Vẫn như cũ hay mấy anh có yêu cầu gì đặc biệt khác? Ðáp:  “Với các anh thì không có gì cả, chỉ nhờ em lo giùm ông bạn quý đây nghen”. “Má mì” gật đầu, bỏ đi lúc sau quay lại phòng với năm cô gái trẻ xinh đẹp đứng xếp hàng ngang trước chúng tôi. Hai người bạn tôi mỗi người chọn ngay một cô. Thấy tôi còn do dự, “Má mì” nhoẻn miệng cười và chọn giúp cho tôi luôn. Cô gái vừa được chọn liền sà ngay vào ngồi sát cạnh. Hầu hết các cô đều ăn mặc rất  “mát mẻ”: áo hai dây, váy ngắn cũn cỡn. Chưa biết phải làm gì thì cô em kia liền lấy khăn lạnh lau mặt cho tôi, hỏi nhỏ: “Anh vô đây chơi lần đầu hả?”. “Ừ”. “Hèn chi anh lạ hoắc, mấy anh kia em biết mặt hết!”. Ðang nói chuyện thì hai thanh niên dẫn chúng tôi khi nãy khênh hai két “Ken” (Heineken) và cái xô nước đá bước vào. Ðoạn họ bắt đầu khởi động dàn karaoke, điều chỉnh âm thanh rồi rời phòng.

Một cô tiếp viên đưa ly lên mời các “ông xã, bà xã” cùng nâng để “mừng ngày tao ngộ”. Những bài karaoke được chọn và các cô cùng các bạn tôi say sưa hát. “Uống đi anh!” Em ngồi bên tôi nhắc. Tôi thoái thác rằng mới uống bia ở ngoài nên không uống thêm nhiều được. “Không sao! Anh cứ uống, có gì em đỡ cho!”. “Em uống hay quá hén, mà em uống được bao nhiêu chai?”.  “Không biết nữa, mới vào nghề em uống ít lắm, còn giờ có thể uống chục chai”. “Không xỉn hả?”. “Xỉn chứ anh, nhưng không uống sẽ bị chửi cho coi!”. “Ai chửi?”. “Bà má mì đó, không uống là mất việc luôn…”. Lợi dụng khi mấy người bạn tôi đang mê hát, tôi tìm cách tìm hiểu đời tư của em. Em tên Nhung, năm nay 21 tuổi, xuất thân từ một gia đình nghèo ở một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ba em đi theo vợ bé lúc em mới lên 14. Học đến lớp 8 thì em phải nghỉ theo mẹ đi làm đồng. Trong xã em từng có nhiều người “đi bán ở Bến Tre kiếm ăn rất được” nên em quyết định theo bạn bè một phen. Hàng ngày em “làm việc” từ 11 giờ trưa đến hơn 23 giờ đêm. Khi có khách “bay đêm” thì em cũng …đi luôn đến gần sáng mới về nhà trọ. Mỗi hôm em phục vụ cho một khách còn khi “may mắn” thì hai, ba khách. Mỗi tháng em dư khoảng chục triệu đồng, sau khi trả tiền phòng và tiền ăn. Ðó là số tiền mà người dân quê nằm mơ cũng khó lòng có được trong một tháng.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Nhung vừa kể chuyện, vừa cụng ly bia với tôi. Giọng em cứ dửng dưng, không vui không buồn. Tôi thắc mắc: “Em nói mới vào nghề sao nói chuyện không có cảm xúc gì hết vậy?”. Nghe vậy Nhung nói một mạch: “Anh tưởng em là thú vật hay cục đá sao mà không biết nhục, biết đau? Em nhục lắm anh ơi. Nếu người dưới quê em biết em làm nghề này, người ta kêu em là con đĩ đó! Nhưng biết sao? Không có tiền nên em phải cắn răng làm cái nghề hèn hạ này. Cuộc sống bây giờ chó má lắm, mình không tiền là bị người ta khinh,…”.

Lần khác, mấy thằng bạn lại dẫn tôi “thực tế” tại một quán bia ôm khác ở Tân Trụ, Long An. Quán này bề ngoài có vẻ sang trọng nhưng nhỏ hơn quán ở câu chuyện trên. Tiếp tôi là một cô gái trẻ, xinh đẹp tên Luyến. Nghe nói Luyến xuất thân từ Vĩnh Long nhưng cô nhất định không cho biết từ xã hay huyện nào. “Anh hỏi thêm về quê em, em bỏ anh liền ráng chịu!”. Luyến vờ dọa tôi. Vừa sà vào sa-lông, trong mùi nước hoa nồng nặc và bộ cánh hở hang (không mặc áo ngực, và cái váy cực ngắn chắc cũng không có …gì ở trong!), Luyến đặt ngay nụ hôn vào má tôi, kêu lên: “Anh chưa rửa mặt hả?”. Rồi cô sẵn tay cầm cái khăn lạnh lau mặt cho tôi như …mẹ lau em bé! Các cô tiếp viên khác cùng nâng ly mời tôi uống, Luyến liền phản đối: “Ai cho phép mấy bạn mời ông xã tui, trong khi tui chưa mời ổng!”. Rồi cô quay sang tôi: “Em nói vậy phải không, ông xã?”.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Tôi nghiệm ra rằng ai vào bia ôm đều phải đóng vai vợ chồng hờ trong vài giờ đồng hồ. “Anh mới lại đây lần đầu hả?” Tôi gật. “Thấy là biết ngay! Chắc anh là Việt kiều bên đó mới về chơi?” Tôi đáp: “Không! Anh chỉ là công chức từ miền Trung vào đây công tác, sẵn dịp ghé chơi”.

Thấy Luyến là một cô gái thích nói chuyện nên tôi cũng có một cuộc thăm dò về hoàn cảnh của cô. Luyến kể năm nay cô 23 tuổi mà đã có hai con sinh đôi vì một lần lầm lỡ lúc chưa 19 tuổi. Cô là đứa con út trong gia đình làm nông gồm 4 anh chị em. Mấy người kia đã có gia đình ở quê. Luyến học đến lớp 5 thì nghỉ, theo phụ giúp gia đình trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn. Ba má cô còn sống nhưng đang chờ …chết vì cả hai đều mắc những chứng bệnh ngặt nghèo. Không ai có tiền lo cho ba má, cô nghỉ học đi làm cho một tiệm ăn ở Vĩnh Long. Ðồng lương ít ỏi (chỉ khoảng 150 ngàn một ngày), không đủ sống nên sau cùng cô đi theo bạn bè trong xóm lên đây tìm đường mưu sinh.“Vậy con em ai nuôi?”. Cô ngậm ngùi: “Em gửi chúng vào cô nhi viện rồi. Ngày nào đó có đủ tiền em sẽ đem con về nuôi”. “Vậy ở đây mỗi ngày em làm được bao nhiêu?”. “Tùy ngày, 300 ngàn có, 500 ngàn có, có khi có khách “boa” đậm thì  1 triệu!”. “Vậy khá quá rồi!”. Luyến uất nghẹn: “Nhục lắm anh ơi, chẳng qua vì hoàn cảnh, chứ ai muốn làm cái nghề dơ bẩn này? Khách đàng hoàng còn đỡ, gặp khách cà chớn chỉ khổ thân. Mà thôi, hỏi làm gì, mình cứ uống đi anh!” Luyến lảng sang chuyện khác, kêu tôi nâng ly rồi ca hát.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Lúc sau, tôi tò mò hỏi tiếp: “Em làm nghề này không sợ công an bắt sao?”. “Bọn công an vẫn kiểm tra thường xuyên, nhưng được chủ “lót tay” hết, nên chỉ làm cho có thôi”. “Ba má biết em làm nghề này không?”. “Bộ khùng sao mà nói thật?”. Tôi lại hỏi: “Vậy em có “bay đêm” không?”. Em đáp ngay: “Có chớ, đêm ngày gì em cũng bay cả, nhưng dạo này em phải chọn khách”. “Sao vậy?”. “Sợ lắm anh ơi, bay đêm mà gặp khách tử tế còn đỡ, chớ gặp khách say rượu khốn khổ cho cái thân”. “Sao khổ?”. “Anh giả bộ ngây thơ hả? Gặp mấy thằng khách say xỉn thì nó hành hạ thân xác mình chịu sao nổi?”. Nói xong, em chỉ một bên vai cho tôi xem một vết bầm tím rồi buồn kể lại rằng hôm nọ em đi “bay đêm” với khách, gặp nhằm thằng cha háo sắc, đụng đâu cạp đó, làm em phải cắn răng chịu đựng mới ra nông nỗi vậy. “Nhưng em vẫn có quyền từ chối hắn chứ?” . “Trời, từ chối để về với tay trắng à? Anh nói hay quá!”. “Em sợ bệnh không?”. “Sợ chứ anh, ai làm nghề này cũng mắc bệnh, không bệnh …thận thì cũng HIV/AIDS”. “Biết vậy sao vẫn làm?”. “Chắc em chỉ làm vài năm nữa rồi thôi …”.

Gần nửa đêm, cuộc tiệc sắp tàn. Em lại nhận xét tôi là một ông khách đặc biệt vì cứ hỏi hết chuyện này sang chuyện khác mà không tham gia vào cuộc vui. Tôi thoái thác rằng do bận lo nghĩ việc cho ngày mai… Cuối cùng, em giật tờ bạc 200 ngàn trên tay tôi rồi tất tả bước ra chắc để đi tiếp một ông khách khác. Nhìn theo bóng em khuất khỏi phòng, tôi chợt thấy lòng mình bùi ngùi …

NS

(SÀI GÒN, VIỆT NAM)

Ảnh: Gái bia ôm tỉnh lẻ