Thành phố Berlin, thủ đô CHLB Đức là một trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học quan trọng của Châu Âu. Nhưng đặc biệt, theo cảm nhận của tôi, đó còn là một thành phố xanh với nhiều công viên, vườn, sông và hồ….tràn ngập bầu không khí trong lành.

Nhiều con đường sạch đẹp, thông thoáng 

Môi trường xanh, sạch, đẹp

Thật ngạc nhiên khi khoảng 1/3 diện tích của thành phố là rừng, công viên, vườn, hồ và sông. Cứ đi một đoạn là thấy công viên. Ra vùng ven là thấy rừng. Thấy màu xanh ngút ngàn của lá. Cảm thấy lòng mình như dịu lại, sống chậm hơn. Hèn chi cuối tuần là rất nhiều gia đình đánh xe đến những nơi tĩnh lặng như công viên, hồ, ven sông… ăn bánh, uống cà phê, chuyện trò…

Công viên Tiergarten, nằm giữa trung tâm thành phố, được mệnh danh là lá phổi xanh của Berlin, nơi bốn mùa mang sắc lá, màu hoa khác nhau… Cạnh nó còn có cả trăm công viên lớn nhỏ, nơi người lớn, trẻ em đến tắm nắng, tắm nước, vui chơi, thư giãn vào những ngày cuối tuần hoặc lễ hội. Chiều chiều đi ngang qua các công viên thấy có nhóm người trải chăn nằm trên cỏ, nhóm tổ chức nướng thịt, uống bia rất thảnh thơi. Và họ không quên mang theo cả bao đựng rác. Rời đi là trả lại nguyên trạng xanh, sạch cho công viên… Dọc hai bên đường, thỉnh thoảng chúng ta còn thấy những khoảng xanh, cây lá um tùm và dưới nó là những cái ghế sắt hoặc gỗ là… “ghế đá công viên”…lặng yên, trầm mặc đợi người ngồi nghỉ chân hay hóng mát. Trước mỗi cửa sổ tầng trệt hoặc trên ban công thường thấy chủ nhà trồng vài chậu hoa sắc màu rực rỡ, tạo một chút khoảng xanh…quý hiếm. Thường, quanh giữa những dãy nhà cao tầng, người ta dành một khoảnh đất để trồng nhiều cây, hoa, vài tiểu cảnh, vòi nước phun, đặt ghế sắt dài có tựa lưng, …tạo nên một không gian xanh mát, phong thủy. Có những con đường rộng, mỗi bên hai làn đường xuôi ngược, giữa có đường tàu điện, với bốn hàng cây xanh song song.

Ai cần dùng xin cứ lấy!

Tôi từng có dịp đi thuyền trên dòng sông Spree, ngắm cảnh hai bên bờ. Ngoài những tòa nhà chọc trời, những dãy chung cư cao tầng màu vôi tường sặc sỡ có, tường màu rêu cổ kính có, cây xanh leo, bò, bu bám gần kín mặt tường, chừa ra những ô cửa sổ, cửa chính còn là những bãi cỏ xanh biếc như điểm xuyết cho phong cảnh hữu tình. Nơi ấy thỉnh thoảng sẽ thấy vài cô gái nằm phơi nắng, đọc sách, thu hút nhiều ánh nhìn của những người qua lại bằng thuyền trên sông hay đi bộ, đạp xe trên bờ.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 21 tháng 3 năm 2024

Ý thức giữ gìn từng góc phố, con đường sạch đẹp hẳn đã được giáo dục từ nhỏ ở những công dân Ðức. Tôi chứng kiến một cụ bà, tóc bạc phơ, cúi nhặt những cái vỏ chai bia của ai đó vô tâm vứt lăn lóc dưới dãy ghế sắt của trạm chờ tàu điện, mang bỏ vào thùng rác. Một cô bé không tới 10 tuổi, lượm cái bao giấy gói  bánh trên vỉa hè bỏ vào thùng rác chứ không chịu…bỏ qua! Trên nhiều đường phố, tôi còn thấy những thùng đựng rác to có dấu hiệu phân loại vỏ chai bia, rượu theo ba màu (xanh, trắng, nâu); thùng rác màu cam treo trên cao. Trong các khu chung cư đều có đặt các thùng rác dành cho phân loại rác tại nguồn…Một lần, lúc ấy hơn 11 giờ đêm, tại Alexa, trung tâm mua sắm lớn thứ hai ở Berlin, khu vực Alexanderplatz, tôi thấy một phụ nữ trung niên ngồi gom các mảnh vỡ vỏ chai bia lại một chỗ rồi dùng miếng bìa cạc tông xúc đổ vào bao…mang đi tìm thùng rác. Những hành vi của họ dường như rất đỗi bình thường nhưng lại gây ấn tượng với nhiều người khách…nước ngoài như tôi…

Tác giả ở Berlin, tháng 7/2022

Ứng xử văn minh, thân thiện

Mấy ông bà hàng xóm nơi nhà con tôi ở, nếu không gặp thì thôi chứ thấy… người nước ngoài như tôi là ha-lô (hallo), chào buổi sáng, chào buổi tối và kèm nụ cười thân thiện. Và sau những lúc như vậy tôi có cảm giác vui và thầm cảm ơn họ đã chia cho mình một ít năng lượng sống trong ngày. Tôi học cách ha-lô này khi khách vừa vào cửa hàng tạp hóa của con gái ở phố Otto-Weidt-Platz 10. Họ rời quán là chào tạm biệt bằng tiếng Ðức kèm với một nụ cười. Có lần trên tàu điện, không kiềm được, tôi nhảy mũi (hắt xì hơi) rõ to. Có hai người Ðức ngồi ghế hàng bên cạnh nhoẻn cười. Một người buông tiếng Ðức với tôi. Tôi hỏi đứa cháu ngoại mới biết là họ chúc mình sức khỏe! Té ra là họ nghĩ mình có triệu chứng của cảm cúm nên chi …chúc mạnh khỏe trước cho rồi! Thiệt là khác xa bên mình cái khoản nhảy mũi! Ở Quảng Nam-Ðà Nẵng quê tôi, trẻ con nhảy mũi thì ông bà, cha mẹ hay nói to “cơm cá” với “chém sặc” rồi vỗ vỗ đầu…khá là…lương thực thực phẩm với bạo lực!

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Trên tàu điện, xe buýt, người trẻ nhường chỗ cho phụ nữ, người già, chứ tuyệt nhiên không giả vờ…chúi mũi vào điện thoại hoặc mắt lim dim…đang vào mộng như nhiều lúc trên xe buýt ở bên mình. Có lần, tín hiệu đèn xanh chuyển đèn đỏ, trong tích tắc, tôi dợm bước thì từ xa có xe ô tô rà thắng. Tôi lùi lại và người lái xe khoát tay ra dấu nhường cho mình cứ qua đường luôn! Trên đường, lái xe nhường đường cho đến nhường nhịn những ai nháy đèn xin vượt. Tuyệt không nghe tiếng còi inh ỏi, trừ tiếng còi hụ của xe 112 (Cứu hỏa và cứu thương), xe 110 (Cảnh sát)…Và khi nghe tiếng còi hụ, tất cả xe lưu thông trên đường phố tự dạt ra hai bên, nhường chỗ cho xe ưu tiên, cả trên đường cao tốc cũng vậy.

Một trong nhiều công viên ở Berlin

Ðã tận mắt thấy, trong một quán ăn của người Việt mình, nhóm mấy bạn trẻ cả nam và nữ uống bia thì cứ hô rầm trời: “dzô, dzô, một trăm phần trăm!”, cụng ly liên tục, ré cười ngả ngớn. Cũng một bàn khách khác, người bản địa cứ mỗi người một chai bia hoặc một cái ly bia to, cụng nhẹ, hớp từng ngụm một cách…thanh tao, quý tộc. Bên mình khi uống rượu bia, cứ giục, cứ nốc tràn cho kịp giờ xơ gan!

Tôi từng đến một nhà hàng ăn trong khu trung tâm Alexanderplatz, chủ quán là người Ðức. Nhân viên đều áo quần đồng phục, kín đáo, nói năng nhỏ nhẹ. Không như nhân viên một nhà hàng của người Việt mình trong chợ Ðồng Xuân. Nhân viên nam nữ phục vụ, người áo đen, kẻ áo trắng. Ai cũng tròng quần lửng, bày cặp giò chi chít sẹo thật phản cảm! Ngơi khách là dán mắt vào cái điện thoại. Tối hôm ấy, trong một quán ăn của người Ðức, thấy thực khách là người nước ngoài kể cả phần đông người bản xứ, họ ăn uống chi cũng từ tốn, nói năng khẽ nhẹ, khác xa với bàn khách người Việt của mình. Bàn có 6 người, trong đó có một phụ nữ nói giọng miền Nam. Họ chỉ ăn bánh mì và uống bia ly và… nói năng văng mạng… Họ kể chuyện thời bao cấp của Việt Nam như ăn độn, sắn ghế cơm, xếp hàng mua gạo, dầu lửa…rồi cười nhí nhố. Họ nghĩ ngồi trong nhà hàng đông khách như ngồi vỉa hè bên mình nên cứ vậy vô tư tranh giành nói rồi chửi thề, nói tục!  Chúng tôi ngồi bàn bên cạnh nghe rất chỏi tai bèn dời sang bàn khác…Nói đến xếp hàng mới thấy ở Berlin rất rõ…văn hóa xếp hàng! Trả tiền trong cửa hàng, siêu thị, mua bánh mì, mua vé xem tạp kỹ…dù chỉ có hai ba người thì nhất cử nhất động cứ đứng vào hàng như bên mình xếp hàng ra máy bay vậy, không chen ngang, lộn xộn.

Khách xếp hàng mua kem

Thỉnh thoảng tôi thấy trước cửa nhà nhiều con phố, chủ nhà cho đồ cũ đựng sẵn trong thùng giấy hoặc thùng nhựa, có kèm vài cái túi nilon chứ không thấy vứt lung tung. Ðồ cũ ở đây gồm sách báo, áo quần, ly tách, túi xách, dép giày…không dùng nữa, hẳn là sắm mới. Ai thiếu hoặc thích cứ vô tư chọn lấy, túi nilon cũng sẵn sàng!

Xem thêm:   Cám ơn kỷ niệm nuôi em lớn

Cái gì cũng cần thời gian

Nói về xanh, đẹp khỏi phải bàn nhưng khách quan nhìn nhận thì sạch ở đây…đôi chỗ chưa đạt “cảnh giới”… sạch trơn và sạch bóng! Nhiều trạm chờ tàu điện, một số đoạn phố sáng sớm vẫn còn vỏ chai bia, hộp đựng cà phê, giấy lau mặt, tàn thuốc còn vương vãi…Chợt liên tưởng đến Paris, (năm 2019, tôi ở đó gần một tuần lễ), nhiều đoạn đường rất sạch, đẹp nhưng cũng có vài đoạn đường rất mất vệ sinh. Rác vứt bừa bãi và đầy dấu vết nước tiểu in đậm trên mặt đường hoặc nước tiểu từ nhà vệ sinh công cộng chảy tràn ra vỉa hè. Berlin rải rác cũng có một số công viên có rác, vỏ chai nằm ngoài thùng đựng rác.

Thùng rác đựng vỏ chai bia, rượu theo màu

Nghĩ cho cùng, trong một đô thị có gần 5 triệu người, có đông người đến từ hơn 190 quốc gia trên thế giới, nơi đặt trụ sở 147 Ðại sứ quán… với nhiều nguồn gốc văn hóa, bản sắc dân tộc pha trộn và dân nhập cư ngày mỗi tăng thì ai biết được… trong đám dân cư ấy, có kẻ trời ơi, vứt rác bừa!

Các bạn trẻ Việt của mình hội nhập ở đây chắc đòi hỏi thời gian rất lâu chứ không thể một sớm một chiều. Từ ngôn ngữ đến cách cư xử, hành vi văn minh cần phải học nhiều, học nữa và học dài dài!

Thùng rác màu cam treo trên cao

LKD