Ở Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, người lưu thông trên đường sẽ phải mang theo 6 loại giấy tờ xe, trong đó gồm cà-vẹt xe, bằng lái, giấy chứng nhận bảo hiểm xe, giấy đăng kiểm hạn sử dụng xe, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng, giấy tờ khác liên quan và thêm chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Cái giấy cuối cùng này và cái giấy bảo hiểm xe máy là hai loại giấy tờ vốn đã và đang gây xôn xao dư luận, bất mãn nhiều nhất.

Xe nào cũng là xe, xe to đóng lệ phí lớn, xe nhỏ đóng lệ phí vừa…   

Bảo hiểm xe bắt buộc, nên hay không?

Chị Lan, chủ của một tập đoàn du lịch, sở hữu hơn 20 xe hơi chuyên chở du lịch, chia sẻ:

– Các loại giấy tờ xe nói chung thì hợp lý thôi. Nhưng hai thứ này hết sức vô lý, đó là giấy bảo hiểm bắt buộc và chứng chỉ hiểu biết luật giao thông.

– Vì sao chị cho rằng hai loại giấy tờ này là vô lý?

– Trước tiên nói về giấy bảo hiểm xe bắt buộc, đây là thứ giấy vô nghĩa nhất, ra đường, gặp cảnh sát giao thông thổi, họ yêu cầu xuất trình giấy tờ, nếu không có giấy bảo hiểm thì bị phạt, phạt nặng hơn, thậm chí gấp đôi mức tiền mua bảo hiểm, vậy thì sao người ta không mua được chứ!

– Như vậy thì mua cũng hợp lý mà chị?

– Hợp lý ở chỗ sẽ khỏi bị thổi phạt thôi, cứ thổi đi thổi lại vậy thì có mà bán xe để nộp luôn cho xong. Nhưng nó không hợp lý vì giấy bảo hiểm chẳng giải quyết được gì đâu!

– Không giải quyết được gì nghĩa là sao chị?

– Thường khi tai nạn giao thông xảy ra, đợi công ty bảo hiểm đến để làm các thủ tục của họ thì coi như người bị tai nạn chết lâu rồi. Rề rà, mười lần như chục. Mà họ tới, họ cũng tìm cách hạ tất cả các vấn đề và rủi ro xuống mức thấp nhất, đẩy trách nhiệm về phía khách hàng. Khi xe bị hỏng chẳng hạn, đưa tới sửa chữa theo diện bảo hiểm còn mắc hơn tự bỏ tiền túi ra sửa. Có nghĩa là họ nâng giá sửa chữa lên vài lần, sau đó làm biên bản chịu trách nhiệm đền bù chừng 70%, 30% còn lại chắc chắn mắc hơn mình tự đưa xe đi sửa. Xe hơi hay xe máy gì cũng đều vậy à!

Giữ xe ba ngàn đồng một lượt.

– Như vậy, theo chị, vì sao người ta lại ép buộc mình phải mua bảo hiểm tai nạn?

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 8 năm 2024

– Cái này khó nói lắm, nhìn chung thì có vẻ như quyền lợi khách hàng được đặt lên hàng đầu, nhưng nhìn riêng, nhìn lách dưới gầm bàn thì có thể thấy ngay cái bắt tay nào đó của ai đó với ai đó để ai đó bắt ai đó phải mua bảo hiểm vì quyền lợi của ai đó và có ăn chia cho ai đó. Nói chung là vậy.

– Như vậy, theo chị, ai đó đã bắt tay với ai đó để moi tiền trong túi của số đông ai đó?

– Chính xác, bây giờ, chuyện ai đó bắt tay với ai đó để moi tiền trong túi của số đông ai đó, mà chị có biết số đông ai đó có nhiều tiền lắm không?!

– Dạ, em chưa hiểu câu này lắm, vì phần đông người lao động thì ít tiền, xin chị chia sẻ thêm?

– Số đông ai đó, có lẽ cũng gần tám chục triệu người gồm cả giàu và nghèo, dân thượng lưu và dân lao động đều phải ra đường, đều phải ngồi trên xe. Và, đã ngồi trên xe, để xe lăn bánh thì phải mua bảo hiểm cho xe, mà bảo hiểm xe hơi mỗi năm có giá tương đương với bảo hiểm y tế của con người. Nhưng vấn đề là ở chỗ nghèo giàu chi cũng phải đóng, mà xe máy tuy vài chục ngàn đồng nhưng đóng cho vui chứ bảo hiểm chả có ý nghĩa chi đâu, đóng để qua cửa thôi! Cứ nhân thử đi, với hàng chục triệu chiếc/ tổng số người, mỗi người xe máy thì vài chục ngàn đồng, hàng bảy, tám chục triệu mà nhân vài chục ngàn thì ra bao nhiêu tỉ? Và, hầu hết dân có xe hơi đều có xe máy. Riêng xe hơi, hiện tại phải trên ba chục triệu chiếc trên cả nước. Mỗi chiếc đóng gần một triệu đồng, qua ngày 1 tháng 7 này có thể tăng hơn một triệu đồng mỗi chiếc. Như vậy nhân ra thì bao nhiêu ngàn tỉ đồng?! Chính vì vậy mới có cái bắt tay của ai đó với ai đó thôi!

– Khổ, em cũng đi xe, hiểu chuyện này, nhưng biết làm sao đây? Còn với chị, hàng chục xe? Kinh khủng thật!

– Còn nhiều thứ kinh khủng hơn khi ra đường chị ạ. Bởi cảnh sát giao thông ở xứ mình không cho cảm giác an toàn trên đường đi, thấy họ như đang thấy cái bẫy, thấy phiến quân, thấy kẻ trấn lột vậy. Đó là sự thật!

Thuốc men, thực phẩm, học phí con, lệ phí xe… đủ tròng trên cổ dân

Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

Xem thêm:   Dynamix nơi hội tụ của niềm đam mê

Một tài xế taxi tên Việt, cho biết anh đã có giấy này sau khi bỏ ra 350,000 đồng và học một ngày. Số tiền anh phải nộp thấp hơn so với số tiền người khác phải nộp bởi anh nộp theo diện tập thể, bao giá tập thể. Nếu mỗi cá nhân học sẽ dao động từ 450,000 đồng đến 500,000 đồng. Anh cho rằng đây là điều nên có:

– Em thấy chuyện này cũng bình thường thôi, nghề tài xế như tụi em thì nộp nhiều khoản lắm, thêm một khoản, xong thì mình ráng mà chạy kiếm khách vài ngày cũng xong thôi chị à!

– Nhưng anh có thấy điều gì vô lý trong chuyện này không?

– Dạ có gì đâu mà vô lý chị! Với lại nghề tụi em cũng ít hiểu biết pháp luật lắm.

– Ủa, khi học bằng lái, phần lý thuyết anh phải học luật giao thông chứ?

– Dạ cũng tùy chị ạ. Em gốc dân lái xe cẩu, chuyên móc gỗ bỏ qua xe tải, rồi sau đó điều khiển xe múc, đâu có biết gì về taixi đâu! Sau này em nộp đơn qua hãng taxi, họ thử tay nghề rồi cho em đi thi, đi học vài bữa mà thi cái chi, thế mà vẫn đậu. Thôi thì chạy, mình cứ chạy cẩn thận là được rồi. Bằng em là bằng thật đó nha, thi thật, học thật, chỉ có kiến thức là không thật thôi, vì vậy, được “bồi dưỡng” trong một ngày, em cũng thích lắm!

– Lớp học của anh đông không? Họ cũng được “trang bị” bằng lái giống như anh hay sao?

– Dạ đông lắm chị ơi! Hầu hết bằng lái đều thật giống em, và sự học cũng giống em thôi. Chỉ có vài người cúp cua (chuồn khỏi lớp) ngồi uống nước ngoài quán, tới cuối buổi lại vào điểm danh thôi.

– Học hấp dẫn vậy sao họ lại cúp cua hả anh?

– Hấp dẫn chi đâu chị. Người không biết thì mới thấy hay chứ người học rồi thì chán lắm!

Xe cơ giới phải mang theo 6 loại giấy tờ cần thiết

Cuối cùng, vô tình lại lộ ra hai chuyện từ bằng thật nhưng học giả cho đến chuyện chứng chỉ này chỉ có giá trị với người học giả khi thi bằng thật. Và chuyện này, với chị Nhung, vừa là tài xế chuyên chở khách VIP của hãng du lịch vừa là chủ một công ty lữ hành với hơn 40 đầu xe:

Xem thêm:   Bia... "thất thủ"

– Thêm một vụ học và cấp bằng thì thêm một thứ tiêu cực thôi em!

– Dạ, chị có thể chia sẻ thêm chuyện tiêu cực không?

– Thì thực ra, trong bằng lái, phần lý thuyết đã dạy toàn bộ luật giao thông tương xứng với loại phương tiện mà mình điều khiển, học để lấy bằng. Ví dụ như chị đi xe hơi, chị học bằng B1, B2, thì chị phải được dạy luật giao thông nói chung và giới hạn cho phép của chiếc xe chị điều khiển trên đường đi, tốc độ, nhường đường… kính thưa các loại. Giờ xử ra học thêm cái chứng chỉ kia thì vô nghĩa! Nó chỉ có lợi cho một số người.

– Cụ thể là có lợi cho ai vậy chị?

– Đầu tiên là có lợi cho mấy chỗ tổ chức dạy, họ hốt được một khối tiền, cả trăm, cả ngàn tỉ đồng chứ chẳng giỡn chơi đâu! Vì số lượng người lái xe bao nhiêu thì có bấy nhiêu người phải đi học, trừ một số người nghèo quá làm liều, không học. Nhưng không học thì không học vậy chứ gặp cảnh sát giao thông nó hù cho một bận, phạt cho một vố thì phải học. Em cứ nhân con số trung bình 400,000 đồng cho vài chục triệu thì biết bao nhiêu tiền rồi đó, ước chừng 70 triệu người lái xe, thôi cứ cho là 50 triệu, nửa dân số đi! Con số sẽ là hai triệu tỉ đồng đấy nhé!

– Và ai nữa có lợi?

– Thì mấy người cầm bằng lái giả, rồi cầm bằng lái thật mà học giả, họ hoàn toàn mù tịt về luật giao thông, giờ có cái chứng chỉ, họ cũng tự tin hơn khi lái xe. Mà học cả mấy tháng còn không ra gì, học có một ngày thì chả hiểu nhét vào đâu.

– Theo chị cách làm của nhà nước như vậy có hợp lý không?

– Cái gì mấy ổng đã làm thì có không hợp lý cũng thành hợp lý à! Thực ra có rất nhiều thứ không hợp lý đang vận hành một cách hợp lý đó thôi! Nhìn chung, chuyến này, hốt được mớ tiền, ngoài ra, chẳng có ý nghĩa gì hết! Mà định nghĩa rất rộng nha, xe cơ giới, vậy thì xe máy cày dưới ruộng cũng phải có chứng nhận. Để rồi xem!

“Cái không hợp lý được vận hành một cách hợp lý”, lời này nghe cay đắng thật, nhưng cũng chẳng thể nói khác đi được, nhất là khi các nhóm lợi ích vẫn đang quyết liệt đấu đá nhau, mạnh được, yếu thua, thì sá gì dân đen đầu ngõ!

UC