Lệnh cấm ứng dụng TikTok do Tổng thống Donal Trump ban hành đã chi phối các bản tin kỹ thuật trên trang nhất của nhiều tờ báo kể từ đầu Tháng 8. Trong khi những cuộc thương thảo về ứng dụng video này vẫn đang tiếp diễn, một lệnh hành pháp khác, cũng được công bố cùng ngày, tuy ít được dư luận chú ý nhưng lại có khả năng tác động đến sinh hoạt thường ngày của khá nhiều người. Đó là lệnh cấm WeChat, một “siêu ứng dụng” mặc dù còn xa lạ với hầu hết người Mỹ nhưng lại rất phổ biến ở Trung Quốc.

Tường lửa Trung Quốc – nguồn GBHackers  

WeChat, sở hữu bởi công ty Tencent của Trung Quốc, và theo Tencent, là ứng dụng được hơn 1 tỷ người sử dụng, hầu hết là trong nội địa Trung Quốc, nhưng cũng được nhiều Hoa kiều sống tại những quốc gia khác sử dụng, trong đó có khoảng 20 triệu người sống tại Mỹ. Ứng dụng này cho phép người dùng gửi tin nhắn, gọi điện thoại, trò chuyện qua video, và chơi trò chơi điện tử, đồng thời nó cũng là một trang mạng xã hội, là ngân hàng, và người dùng có thể trả tiền các hoá đơn qua trực tuyến hay tại các cửa hàng. Nhiều người sống tại Hoa Kỳ sử dụng ứng dụng này để giữ liên lạc với bạn bè, gia đình, và những liên hệ khác ở Trung Quốc, trong khi giới kinh doanh Hoa Kỳ sử dụng ứng dụng cho công việc làm ăn buôn bán của họ với các đối tác Trung Quốc.

Lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ban hành sẽ cấm các giao dịch liên quan tới WeChat tại Hoa Kỳ vì lý do an ninh quốc gia và kinh tế, nói rằng WeChat nắm giữ một lượng lớn dữ liệu thông tin cá nhân của người sử dụng ở Mỹ và có thể chuyển cho chính quyền cộng sản Trung Quốc. Tại Trung Quốc, nhiều luật lệ buộc các công ty, các tổ chức và cá nhân phải chia sẻ những dữ liệu cá nhân đó với chính quyền.

Trong trường hợp nếu không tìm ra được giải pháp nào khác thì đến ngày 20 Tháng 9, cả hai ứng dụng trên sẽ phải ngưng hoạt động tại Hoa Kỳ.

Nếu điều này xảy ra, vậy người sử dụng vẫn có thể dùng những ứng dụng tương tự khác cho công việc của họ chứ?

Câu trả lời là đối với những người sử dụng TikTok thì đúng, vì những người này vẫn có thể dùng những ứng dụng khác để đăng các video của họ, như ứng dụng Instagram chẳng hạn. Nhưng với người sử dụng WeChat thì không thể, là vì WeChat là một trong số ít ứng dụng mà người sử dụng có thể vào được ở cả hai nơi Trung Quốc và Hoa Kỳ. Lý do là vì rất nhiều những ứng dụng cũng như mạng xã hội rất quen thuộc với nhiều người ở Mỹ nhưng lại bị chặn trong nội địa Trung Quốc, có thể kể ra đây một số như WhatsApp, Telegram, LINE, Facebook Messenger, Twitter, và Google. Sự ngăn chặn này được thực hiện bởi một hệ thống kiểm duyệt rất quy mô và tinh vi mà ta thường nghe nói tới là Bức tường lửa Trung Quốc (Phòng Hoả Trường Thành hay The Great Firewall of China).

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Vào thập niên 1980, cựu lãnh tụ Trung Quốc là Ðặng Tiểu Bình khi ấy đã tuyên bố một câu nổi tiếng: “Nếu bạn mở cửa sổ để hít thở không khí trong lành, bạn phải hiểu là sẽ có vài con ruồi bay vào”. Ông ta tin rằng nhà nước Trung Quốc sẽ phải đương đầu với những ảnh hưởng từ bên ngoài vào trong khi nền kinh tế trong nước phát triển nhờ chính sách mở cửa, đây là mối lo ngại hàng đầu của các giới chức chính quyền cộng sản kể từ thời đó cho đến ngày nay.

Nhiều trang mạng và ứng dụng bị chặn ở Trung Quốc – nguồn W24

Giữa những năm 1990, internet trở nên phổ biến và được sử dụng khá rộng rãi tại Trung Quốc, và đến cuối thập niên đó, chính quyền cộng sản đã phát động Dự án Lá chắn Vàng (Kim Thuẫn Công trình). Ðây là tên chung của một loạt những dự án liên quan đến việc giám sát và an ninh, trong đó có Bức tường Lửa Trung Quốc.

Bức tường lửa phục vụ nhiều mục đích cho chính quyền Trung Quốc. Nhưng mục đích chính là việc kiểm duyệt internet cho phép chính quyền cộng sản ít nhất có thể kiểm soát một phần luồng thông tin tuôn vào nước. Những hoạt động trên internet ở Trung Quốc phải đi sát với đường lối của đảng, phải ủng hộ các chính sách của chính phủ đưa ra, và bịt miệng những tiếng nói bất đồng trong cũng như ngoài nước.

Mặc dù tường lửa của Trung Quốc là một hệ thống phức tạp và tinh vi, nhưng nhìn từ góc độ của người sử dụng, nó hoạt động cũng khá đơn giản. Nếu bạn tìm cách truy cập vào một trang mạng bị chặn ở Trung Quốc (như Facebook chẳng hạn), trang mạng đó sẽ không tải lên màn hình. Nhìn vào màn hình, bạn sẽ có cảm tưởng như thể trang mạng đó vẫn đang liên tục cố gắng tải lên, nhưng kỳ thực là nội dung bạn muốn truy cập đang bị bức tường lửa chặn lại, và một điều chắc chắn là bạn sẽ không được thông báo rằng hoạt động internet của bạn đang bị kiểm duyệt.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Trong thời gian đầu khi mới lập ra tường lửa, chính quyền Trung Quốc đã huy động cả một đội ngũ đông đảo nhân viên suốt ngày chỉ ngồi theo dõi các hoạt động và thông tin trao đổi giữa những người sử dụng internet. Một khi tìm thấy nội dung đi ra ngoài đường lối của đảng thì họ chặn lại. Nay, hệ thống kiểm duyệt internet còn được sự hỗ trợ của kỹ thuật trí thông minh nhân tạo (AI) giúp cho bức tường lửa Trung Quốc ngày càng hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người sử dụng internet trong nội địa Trung Quốc không có cách để vượt.

Một trong những cách dễ và đơn giản nhất để vượt tường lửa tại Trung Quốc hiện nay, mà người Việt trong nước cũng thường sử dụng, là qua một mạng riêng ảo (virtual private network – VPN). Với một trương mục VPN, ta có thể giấu danh tính trên internet bằng cách «giả mạo» vị trí của mình. Mặc dù người sử dụng internet có thể đang ở Thượng Hải, nhưng hệ thống kiểm duyệt lại tưởng là người đó như đang ở một nơi nào khác, chẳng hạn như ở Hoa Kỳ hay Canada.

Thế nên, những ai dự định đi du lịch Trung Quốc vẫn được khuyên là nên tạo sẵn một trương mục qua dịch vụ của một công ty VPN nào đó để khi cần coi email, như trên trang Google Mail chẳng hạn, thì vẫn có thể làm được mà không bị chặn.

Trong nhiều năm qua, nhiều cá nhân hoặc những nhóm hoạt động thuộc giới tin học vẫn luôn tìm phương cách giúp người dân Trung Quốc vượt tường lửa để nối kết với thế giới bên ngoài. Những hoạt động này thực ra vi phạm luật an ninh của nhà nước TQ nhưng đôi khi giới chức chính quyền cũng mắt nhắm mắt mở làm ngơ nếu như những hoạt động của họ không đi quá xa lằn ranh được vạch ra như liên quan đến những điều được cho là nhạy cảm chính trị hay làm ăn mờ ám.

Vượt tường lửa qua VPN – nguồn Comparitech

Theo các chuyên gia về internet, sự việc làm ngơ có giới hạn này của đảng cũng có lý do của nó: một phần vì đây là cái nút van an toàn xã hội, lâu lâu xả ra một chút cho bớt áp suất, một phần khác là để giữ cho giới thượng tầng có nhiều cơ hội đi ra nước ngoài bớt có cái nhìn tiêu cực đối với đảng, nhưng có lẽ lý do chính là giới chức chính quyền Trung Quốc nhận ra rằng nỗ lực ngăn chặn kiểu Bắc Hàn nhằm xóa bỏ hoàn toàn internet sẽ gây tổn hại vô cùng lớn cho công việc kinh doanh và kinh tế.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Thế nên, dịch vụ thương mại cung cấp mạng riêng ảo VPN trong mấy năm gần đây là ngành kinh doanh phát triển rất nhanh và phổ biến ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những người sử dụng VPN tại Trung Quốc vẫn luôn phải đối mặt với một cuộc chiến liên tục để vượt lên phía trước hệ thống kiểm duyệt của chính quyền, và việc kiểm duyệt thường được siết chặt hơn đặc biệt vào những dịp lễ kỷ niệm có tính chất nhạy cảm chính trị hay những sự kiện lớn như Ðại hội Nhân dân Toàn quốc hàng năm tụ họp ở Bắc Kinh.

Ðây được xem như một trò chơi kiểu mèo vờn chuột, nhưng không phải lúc nào con mèo cũng thắng. Chính quyền cộng sản Trung Quốc càng tìm cách siết chặt internet thì càng có nhiều khả năng người dân Trung Quốc sẽ tìm cách chống lại.

Theo giáo sư Jeff South thuộc Ðại học Virginia Commonwealth, từng có thời gian dạy học tại Trung Quốc, cho biết đa số các sinh viên Trung Quốc của ông rất muốn được tự do truy cập internet. Một khi họ vượt được tường lửa, họ cũng sử dụng khoảng thời gian tự do này giống như hầu hết những người trẻ Mỹ đang làm là theo dõi những hoạt động trong cuộc sống hàng ngày hay bình luận về một sinh hoạt văn hóa đại chúng nào đó hoặc xem video ca nhạc. Nghĩa là, họ cũng muốn được hưởng những quyền tự do sơ đẳng nhất như bất cứ người trẻ nào khác của thế giới tự do.

Hiện nay, giới chuyên gia về tin học tại Trung Quốc tin rằng bức tường lửa vĩ đại đó đang làm hại cho đất nước hơn là lợi – bằng cách không chỉ không cho phép đưa thông tin từ ngoài vào mà còn ngăn chặn cả những thông tin tiêu cực của Trung Quốc ra với bên ngoài. Và thế hệ trẻ nhất ở Trung Quốc hiện nay có một tầm nhìn hết sức hạn hẹp về thế giới vì họ không có cơ hội giao tiếp với những người sống bên ngoài Trung Quốc.

Có thể nói, bức tường lửa của Trung Quốc (và cũng có thể nói của những quốc gia có chế độ kiểm duyệt khác như Iran, Nga, Việt Nam) đang chia cắt thế giới ra thành những mảnh nhỏ trong không gian ảo: một bên là thế giới tự do, một bên là những nhà nước kiểm duyệt. Và bức tranh này ngày càng thêm rõ rệt.

VH