Nhiều dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc đang vướng phải những lỗi lầm trong việc xây dựng, trong đó có cả một nhà máy thủy điện khổng lồ ở Ecuador, khiến làm tăng thêm chi phí cho một chương trình đầy tham vọng nhưng bị chỉ trích là đẩy nhiều quốc gia lún sâu hơn vào nợ nần.

Vành đai nợ – The Japan Times   

Nhà máy thuỷ điện Coca Codo Sinclair với tổng chi phí $2.7 tỷ được xây gần một núi lửa đang phun trào, là dự án hạ tầng lớn nhất từ trước tới nay được xây dựng tại Ecuador, với một khối bê tông khổng lồ được tài trợ bởi tiền Trung Quốc và quan trọng đến độ lãnh tụ Tập Cận Bình đã đến đọc diễn văn trong ngày khánh thành năm 2016.

Sau hơn 5 năm hoạt động, các kỹ sư nay tìm thấy hàng ngàn vết nứt xuất hiện, làm dấy lên mối lo ngại rằng nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất của Ecuador nay mai có thể bị hư hỏng. Trong khi đó, các sườn núi của sông Coca đang bị xói mòn, có nguy cơ làm hư hại tới con đập.

Ðây là một trong nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ trên khắp thế giới mắc phải nhiều lỗi lầm trong việc xây dựng.

Trong một thập niên qua, Trung Quốc đã cho vay tổng cộng khoảng $1 ngàn tỷ như một phần của sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Bắc Kinh để nhằm phát triển thương mại kinh tế và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Theo Ngân hàng Thế giới, những khoản cho vay đó đã biến Bắc Kinh trở thành chính phủ chủ nợ lớn nhất đối với những quốc gia đang phát triển, với tổng số tiền cho vay gần bằng tổng số tiền cho vay của tất cả các chính phủ khác cộng lại.

Tuy nhiên, các hoạt động cho vay của Trung Quốc đã bị các nhà lãnh đạo, các kinh tế gia và nhiều giới chức khác trên thế giới chỉ trích, nói rằng chương trình cho vay để xây dựng hạ tầng này đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nợ ở những xứ như Sri Lanka và Zambia, và nhiều quốc gia không có khả năng để trả nợ. Một số dự án lại còn bị cho là không phù hợp với nhu cầu cơ sở hạ tầng của một quốc gia hoặc gây hại cho môi trường.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Nay, việc xây dựng với phẩm chất kém đối với một số dự án có nguy cơ làm hư hại đến công trình xây cất và khiến nhiều quốc gia phải gánh chịu thêm nhiều chi phí hơn trong nhiều năm tới trong khi họ đang cố gắng tìm cách sửa chữa lại.

Tình trạng xói mòn gần nhà máy thủy điện Coca Codo Sinclair – WSJ.com

Tiền Trung Quốc đã được sử dụng để xây dựng đủ mọi dự án, từ bến cảng ở Pakistan đến đường sá ở Ethiopia và đường dây tải điện ở Brazil.

Các công ty xây cất Trung Quốc thường đấu thầu các dự án của chính phủ hoặc trực tiếp tiếp cận các giới chức địa phương với các dự án với lời hứa hẹn rằng họ có thể dễ dàng thu xếp các thoả thuận tài chính từ các ngân hàng và công ty bảo hiểm Trung Quốc.

Ðiều đó đã tạo lợi thế cho các công ty Trung Quốc, bởi vì nó có nghĩa là chính phủ các quốc gia đang phát triển muốn xây dựng một con đập hoặc một con đường mới không cần phải tự huy động vốn. Theo một phúc trình năm 2021 của nhóm nghiên cứu Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc-Phi Châu tại Ðại học Johns Hopkins, tại Phi Châu, hơn 60% doanh thu mà các nhà thầu lớn quốc tế thu được trong năm 2019 thuộc về các công ty Trung Quốc

Những người chỉ trích cho rằng các khoản vay tương đối dễ dàng của Trung Quốc dành cho hoạt động xây dựng của các công ty Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng phí tổn dự án tăng cao vì các chính phủ ít chịu áp lực hơn trong việc giảm thiểu chi phí.

Nhiều sai sót trong một số dự án do Trung Quốc xây dựng đã được đưa ra ánh sáng.

Tại Pakistan, các giới chức chính quyền đã ra lệnh đóng cửa nhà máy thuỷ điện Neelum-Jhelum hồi năm ngoái sau khi phát hiện nhiều vết nứt trong đường hầm vận chuyển nước xuyên qua núi để chạy máy quay phát điện (turbine). Sự việc này xảy ra chỉ 4 năm sau khi nhà máy điện 969-megawatt này được đưa vào hoạt động.

Nhà máy thủy điện Neelum-Jhelum ở Pakistan đã phải đóng cửa sau 4 năm hoạt động do phát hiện nhiều đường nứt – Getty Images

Theo cơ quan quản lý, việc đóng cửa nhà máy đã khiến Pakistan mất khoảng $44 triệu mỗi tháng do chi phí điện tăng cao hơn kể từ tháng 7.

Xem thêm:   Ham & hố

Theo Ngân hàng Thế giới, các nhà máy thủy điện có thể hoạt động trong vòng 100 năm.

Công ty sản xuất điện của Uganda cho biết họ đã xác định được hơn 500 lỗi xây dựng trong nhà máy thủy điện Isimba do Trung Quốc xây dựng trên sông Nile, nơi thường xuyên bị hư hỏng kể từ khi được đưa vào hoạt động năm 2019. Công ty Hữu hạn Thủy lợi Ðiện lực Trung Quốc (China International Water & Electric Corp.) thầu xây dựng nhà máy thủy điện 183-megawatt nói trên đã không lắp đặt phao chắn để bảo vệ đập khỏi bị cỏ dại và các mảnh vụn khác trôi vào làm nghẽn máy quay.

Một nhà máy thủy điện khác có tên gọi là Dự án Thủy điện Karuma 600-megawatt do Trung Quốc xây dựng ở hạ lưu sông Nile vừa được hoàn tất, nhưng đã bị trễ hơn 3 năm so với kế hoạch ban đầu, mà các giới chức Uganda cho biết nguyên do của sự chậm trễ này là do gặp phải nhiều lỗi xây dựng khác nhau, trong đó có tình trạng tường bị nứt. Ðó là chưa kể dây cáp, công tắc và hệ thống chữa cháy bị hư cần phải thay thế. Ðầu năm nay, chính phủ Uganda bắt đầu phải trả theo định kỳ món nợ $1.44 tỷ họ vay từ Ngân hàng Xuất-Nhập cảng Trung Quốc để tài trợ cho dự án, ngay cả khi nhà máy điện nói trên vẫn chưa hoạt động.

Nhìn chung, dự án đầy tham vọng nhất của Trung Quốc là nhà máy thủy điện Coca Codo Sinclair ở Ecuador, dự án mà các kỹ sư người Ecuador nghiên cứu lần đầu tiên về con sông Coca là vào thập niên 1970. Vào thời đó, các kỹ sư coi đây là một dự án mạo hiểm do chi phí cao và vị trí gần một ngọn núi lửa đang hoạt động.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Nhưng chính phủ Ecuador muốn xây con đập để cải thiện mạng lưới điện thường xuyên bị cúp điện và Ecuador phải phụ thuộc vào năng lượng nhập cảng từ nước ngoài quá mắc.

Nhà máy thủy điện Isimba ở Uganda hoàn tất năm 2019 nhưng phát hiện hơn 500 lỗi xây dựng – Zuma Press

Một số kỹ sư đã đặt câu hỏi về dự án ngay từ những ngày đầu, nói rằng các nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường đã lỗi thời. Theo các cựu giới chức năng lượng và các nhà điều tra ở quốc hội, công suất 1,500-megawatt của nhà máy lớn hơn nhiều so với công suất dự kiến ban đầu là khoảng 1,000-megawatt, khiến làm tăng thêm chi phí xây dựng và tạo ra nhiều công suất hơn khả năng mà dòng sông có thể cung cấp.

Theo cơ quan điện lực nhà nước, kể từ khi khánh thành vào năm 2016, các giới chức của cơ quan điện lực nhà nước đã tìm thấy hơn 17,000 vết nứt trong 8 máy quay của nhà máy điện. Họ quy trách nhiệm cho các vết nứt trên là do nhập cảng loại thép kém phẩm chất từ Trung Quốc.

Năm 2020, sườn sông Coca bắt đầu sụp đổ, tạo ra những tiếng va chạm rền vang như sấm và mặt đất rung chuyển như một trận động đất thật sự. Tình trạng xói mòn đã phá hủy thác nước lớn nhất của Ecuador. Một đoạn đường trọng yếu và đường ống dẫn dầu bị hư hại hoàn toàn.

Một số nhà địa chất học nói rằng các cấu trúc bê tông của nhà máy đã làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của con sông và sự tích tụ trầm tích nhiều đến mức dòng nước chảy xiết bắt đầu cắt vào bờ sông khi nó chảy xuống từ dãy núi Andes trên đường để đi đến vùng rừng nhiệt đới Amazon.

Ecuador đã cố gắng ngăn chặn tình trạng xói mòn ở khúc sông gần nhà máy điện Coca Codo Sinclair, bao gồm cả việc đặt công-ten-nơ vận chuyển hàng hóa (shipping container) dưới lòng sông để làm chậm dòng chảy, nhưng không thành công. Những thùng hàng đó chỉ ít lâu sau liền bị nước cuốn trôi mất.

Và còn nhiều dự án xây dựng tương tự ở khắp nơi nếu không bị lụn bại thì cũng bị bỏ hoang. Tuy nhiên, tiền nợ thì vẫn phải trả và nếu không trả được thì bị xiết nợ như tình trạng của Sri Lanca bị mất bến cảng Hambantota cách đây mấy năm. Và sáng kiến Một vành đai, Một con đường nay đang ngày càng trở thành Vành đai nợ.

VH