Hơn 500 cảnh sát Hồng Kông vào hôm Thứ Năm 17/6 đã tràn vào lục soát toà soạn của tờ nhật báo Apple Daily, được thành lập bởi ông Jimmy Lai (Lê Trí Anh) – một trong những tiếng nói thường xuyên chỉ trích nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện đang bị cầm tù – và bắt giữ 5 nhân viên điều hành của tờ báo, trong đó có Tổng biên tập Ryan Law.

Bảo Huân 

Cảnh sát cho biết vụ bắt giữ có liên quan đến hơn 30 bài báo của Apple Daily được xuất bản từ năm 2019, đã đóng một vai trò quan trọng trong một âm mưu khuyến khích một số chính phủ ngoại quốc đưa ra lệnh trừng phạt đối với Hồng Kông và Trung Quốc. Họ không cho biết những bài báo đó là bài nào.

Qua đến hôm Thứ Sáu, cảnh sát Hồng Kông đã buộc tội hai người – theo tờ Apple Daily nhận diện là ông Law và ông Cheung Kim-hung (Trương Kiếm Hồng), tổng giám đốc của nhà xuất bản Next Digital Ltd – với tội danh thông đồng với ngoại quốc.

Các sạp báo và các tiệm tạp hoá tiếp tục bán những chồng báo Apple Daily vào hôm Thứ Sáu và người dân Hồng Kông đã đổ xô đi mua hết sạch 500,000 ấn bản được in từ đêm hôm trước.

Những người ủng hộ quyền tự do và các nhà quan sát truyền thông cho biết tự do báo chí và nhiều quyền tự do dân sự khác ở Hồng Kông đang ngày càng bị xói mòn kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu cho áp dụng luật an ninh quốc gia, trong khi chính quyền Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không dung thứ cho những tiếng nói bất đồng chính kiến và những thách thức đối với quyền lực của họ tại thành phố này. Vụ bắt giữ hôm Thứ Năm đã làm dấy lên những câu hỏi mới về nội dung các bản tin liên quan đến các nhóm ủng hộ dân chủ và những lời bình luận từ nước ngoài như thế nào để có thể bị coi là vi phạm luật an ninh quốc gia, một thứ luật rất mập mờ do chính Trung Quốc áp đặt một năm trước sau nhiều tháng biểu tình rầm rộ chống chính phủ vào năm 2019 của người dân Hồng Kông.

Theo phúc trình Chỉ số Tự do Báo chí được phát hành bởi tổ chức Phóng viên không Biên Giới, trong suốt một thập niên qua, Hồng Kông đã rớt từ hạng 54 xuống hạng 80. Tuy nhiên, mức này vẫn còn tương đối cao hơn so với Trung Quốc đại lục hiện đứng thứ tư tính từ dưới lên ở hạng 177, cao hơn Bắc Hàn một hạng.

Tổng biên tập Ryan Law của tờ Apple Daily bị bắt hôm 17/6 – nguồn AP

Ảnh hưởng lan toả của luật an ninh còn cho thấy rõ ràng hơn nữa trong trường hợp của bà Claudia Mo (Mao Mạnh Tĩnh), một chính trị gia ủng hộ dân chủ, đã bị bắt vào tháng Giêng dựa trên luật mới này. Tháng 5 vừa qua, Cao đẳng Pháp viện của Hồng Kông đã bác quyền tại ngoại hầu tra cho bà Mo, nói rằng những tuyên bố bà nói với phóng viên ngoại quốc đã tước mất quyền này của bà. Quyết định trên của toà án đã gửi đi tín hiệu tới các nhà báo rằng họ có thể khiến cho những người mà họ phỏng vấn gặp rắc rối khi trích dẫn những lời tuyên bố của họ.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Nhật báo Apple Daily luôn tự hào về tinh thần không chịu khuất phục của họ. Nhưng nhiều cơ quan truyền thông khác, mặc dù ôn hoà hơn, cũng đang phải chịu sự o ép từ các luật lệ và chính sách mới áp đặt lên Hồng Kông. Hãy lấy thí dụ một hệ thống truyền thông công cộng của thành phố, Hương Cảng Ðiện Ðài (Radio Television Hong Kong – RTHK), từ lâu vẫn tự hào về tính cách độc lập của họ dựa trên căn bản về cách hoạt động của đài BBC của Anh mặc dù có nhận tài trợ từ chính phủ. Tháng 2 vừa qua, đài phát thanh Anh ngữ của RTHK đã phải ngưng chương trình phát lại phần tin tức thế giới của BBC vào ban đêm. Ðài tiếng Quảng Ðông của họ thì bỏ chương trình phát thanh hằng tuần chương trình tin tức của đài BBC kéo dài một tiếng phát đi bằng tiếng địa phương. Sự việc này xảy ra sau khi Trung Quốc quyết định cấm phát thanh chương trình của BBC trên lãnh thổ của họ với lý do là vì đài này đã đưa tin về các vụ đàn áp nhân quyền tại Tân Cương.

Tháng 3 vừa qua, chính quyền Hồng Kông bổ nhiệm Patrick Li, một nhân vật không có một chút kinh nghiệm nào về báo chí, làm giám đốc của đài. Kể từ đó, một số biên tập viên cấp cao đã từ chức, được cho là vì lo ngại về quyền tự do biên tập, và các chương trình có nhiều khán thính giả nhưng lại hay nhằm chỉ trích các quan chức chính quyền đã bị cắt bỏ.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Tờ South China Morning Post (Nam Hoa Tảo Báo), nhật báo chính bằng Anh ngữ của Hồng Kông, phần nào đó cho đến nay vẫn còn đăng những bài chỉ trích đảng cộng sản. Năm 2015 được công ty thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc (tựa như Amazon của Mỹ) mua lại và cho biết là họ muốn dùng tờ báo để chống lại các bài báo chống Trung Quốc mà họ cho là mang tính cách thiên vị trên các phương tiện truyền thông ngoại quốc. Lời tuyên bố này làm dấy lên nỗi lo ngại rằng tờ báo có thể trở thành một công cụ tuyên truyền của đảng. Tuy nhiên, tờ báo vẫn thường đưa tin về những vụ đàn áp nhân quyền tại Trung Quốc và đăng những bài có đề tài chính trị nhạy cảm. Một số cựu biên tập và phóng viên cho biết mặc dù vậy tờ báo trở nên thận trọng hơn đối với các đề tài mà đảng coi là hoàn toàn cấm kỵ, chẳng hạn như những vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức lãnh đạo và gia đình của họ.

Cảnh sát Hồng Kông tràn ngập tại toà soạn báo Apple Daily – nguồn AP

Giới nhà báo Hồng Kông hiện không biết còn bao lâu thời gian nữa mà họ vẫn còn được viết và đăng tải những đề tài mang nội dung phê bình đảng. Ðược biết chính quyền trung ương tại Bắc Kinh đang chuẩn bị thành lập một văn phòng tại Hồng Kông đặc cách về công việc tuyên truyền. Nhiều phóng viên lo ngại văn phòng này có thể là mô phỏng vai trò của Bộ Tuyên truyền của đảng tại Bắc Kinh, là cơ quan phụ trách công việc kiểm duyệt. Hồi tháng 3 vừa qua, Xia Bao-long (Hạ Bảo Long), giám đốc văn phòng điều phối của Trung Quốc tại Hồng Kông, đã than rằng trong truyền thông và nhiều lãnh vực khác, số “người yêu nước” vẫn chưa hoàn toàn nắm giữ phần trách nhiệm điều hành khu vực. Ðối với Trung Quốc, yêu nước có nghĩa là phải yêu đảng.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Kể từ khi ông Jimmy Lai bị bắt đến nay, chính quyền Hồng Kông đã đóng băng nhiều triệu Mỹ kim liên quan tới tài sản của tờ Apple Daily, trong đó bao gồm hơn $64 triệu thuộc tài sản liên quan đến cổ phiếu của ông Lai trong công ty Next Digital, nhà xuất bản điều hành tờ Apple Daily.

Dưới áp lực của Trung Quốc, các giới chức Hồng Kông đã cố tình bóp chết tờ Apple Daily bằng cách siết nguồn tài chánh của họ. Nhưng thậm chí biện pháp này dường như cũng bị cho là quá chậm và nay họ phải sử dụng đến biện pháp bắt giữ hàng loạt. Vụ bắt giữ trong tuần qua sẽ không phải là lần cuối cùng. Trong cuộc họp báo sau đó, John Lee, cục trưởng Cục Bảo an Hồng Kông, đưa ra đầy những lời đe doạ đối với các phóng viên khác là hãy “tránh xa ra” và “đừng có thông đồng” với đám nhà báo của Apple Daily. Ðối với ông Lee, “thông đồng” cũng có nghĩa là đưa tin về tình trạng bị chèn ép và mất tự do về báo chí.

Các quan chức chính quyền Hồng Kông tuyên bố họ chỉ hành động theo luật pháp. Nhưng tài sản bị đóng băng, diễn ra mà không có trát tòa và không theo một thủ tục tố tụng nào, là hành động tịch thu tài sản bất hợp lệ trong lãnh vực tư pháp. Nếu không được tiếp cận với các nguồn tài chính của họ, Apple Daily sẽ gặp nhiều khó khăn để tiếp tục công việc đưa tin và bảo vệ chính họ cũng như bào chữa cho các nhân viên đang bị cầm tù của họ.

Ðiều đáng buồn là cho tới nay Trung Quốc vẫn chưa phải trả giá dù là một phần nhỏ nhất trên bình diện quốc tế về những hành động vi phạm hiệp ước của họ với Vương quốc Anh là nhằm bảo đảm quyền tự trị cho Hồng Kông cho tới năm 2047.

Một trong những thông cáo chung sau cuộc họp thượng đỉnh G7 tại Anh quốc vừa qua là các nước tham dự đã đồng thanh chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền tại Hồng Kông và Tân Cương. Vụ bắt giữ vừa qua xảy ra chỉ ít ngày sau khi thượng đỉnh kết thúc và không thấy các quốc gia trên lên tiếng thêm điều gì. Ðưa ra tuyên bố thì ai chẳng làm được nhưng đưa ra được hành động cụ thể mới là điều quan trọng.

Ông Jimmy Lai, sáng lập tờ Apple Daily, bị bắt ngày 11 tháng 8 năm 2020- nguồn Getty Images

VH