Tuần lễ qua, do những lo ngại vì sự lan tràn của vi khuẩn corona có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào trong tình trạng suy trầm đã làm cho thị trường cổ phiếu khắp nơi trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, sụt giảm mạnh đến chóng mặt.

Nỗi sợ hãi về Covid-19 đang lan nhanh hơn qua các thị trường tài chính thế giới so với chính căn bệnh này. – photo Justin Lane / EPA-EFE / REX / Shutterstock  

Với dịch bệnh vi khuẩn corona đến nay đã được phát hiện tại ít nhất 56 quốc gia và có nguy cơ lan tràn thêm nữa, các công ty đang tìm cách điều chỉnh lại dự đoán lợi nhuận hàng năm của họ, các kinh tế gia thì lo hạ thấp kỳ vọng về mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, còn các nhà hoạch định chính sách thì đưa tín hiệu cho biết họ sẵn sàng hành động, nếu cần, để ổn định kinh tế.

Ngày 19 Tháng 2 khi thị trường S&P 500 đóng cửa ở mức kỷ lục, cổ phiếu thị trường Mỹ dường như không bị hề hấn gì bởi nỗi lo ngại quanh vụ dịch bệnh vi khuẩn corona lúc đó đã gây nhiều bất an cho các nhà đầu tư ở những thị trường khác, trong đó có trái phiếu, thị trường nguyên vật liệu và một số cổ phiếu nước ngoài.

Chín ngày sau đó, điều thật sự đáng sợ đã xảy ra. Thị trường S&P 500 đã bị sụt giảm 10% từ mức cao kỷ lục chỉ trong có mấy ngày. Chỉ số trung bình Dow Jones cũng chịu chung số phận thua lỗ trong một tuần lễ tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cổ phiếu của các ngành sản xuất, ngân hàng và năng lượng đã rớt giảm ít nhất từ 10% trở lên.

Các nhà giao dịch chứng khoán đã tỏ ra mệt mỏi khi mô tả tình trạng chứng khoán tuần qua là một tuần lễ nhiều biến động nhất tại Phố Wall so với những lần biến động khác gần đây. Các nhà đầu tư và phân tích đang cố tìm hiểu rõ hơn những tin tức mới nhất về dịch bệnh, cũng như số người bị nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong, nhưng rồi ngay lập tức, những con số đó đã bị những sự kiện mới nhất qua mặt và những phúc trình với những bằng chứng xác đáng hoặc không xác đáng làm cho lu mờ. Còn các vị giám đốc điều hành các quỹ đầu tư thì phải đối phó với những cú điện thoại tràn ngập gọi vào từ khách hàng của họ nêu lên những câu hỏi mà không ai có câu trả lời.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 21 tháng 3 năm 2024

Thị trường tài chánh vừa bị rơi vào một vùng lãnh thổ mới đầy những bất ổn. Xưa nay, mỗi khi thảo luận về tình hình thị trường, người ta thường tập trung quanh đề tài rằng phải chăng cổ phiếu đang chuẩn bị vỡ bong bóng – hay nói cách khác, phải chăng giá cổ phiếu nay đã tăng quá cao so với thực trạng kinh tế. Trước đây đã từng xảy ra vụ vỡ bong bóng dot-com. Rồi vụ vỡ bong bóng nhà đất. Và gần đây nhất là cuộc tranh luận phải chăng thị trường cổ phiếu không ngừng gia tăng trong một thời gian kỷ lục (11 năm) vừa qua và nay đã chín muồi cho một cuộc rớt giá để điều chỉnh lại. Tuy nhiên, vụ dịch bệnh corona đang mang đến cho thị trường một thử thách mới: đó là một thứ động lực đến từ bên ngoài không liên quan gì tới tài chánh mà ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế toàn cầu có thể rất lớn và không thể biết trước sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Cho dù là những bộ óc thông minh nhất ở Phố Wall nay cũng đang gặp khó khăn trong việc định liệu xem phải chăng dịch bệnh có thể chỉ là một sự gián đoạn ngắn hạn tạm thời, hay sẽ là mối đe dọa lâu dài có nguy cơ làm đảo lộn cuộc sống của hàng nhiều triệu người trên thế giới.

Người đi bộ đeo khẩu trang bên ngoài một văn phòng chứng khoán ở Tokyo, Nhật Bản, cho thấy thị trường chứng khoán toàn cầu đang lao dốc – nguồn dailymail.co.uk/

Rồi đây những nhà máy và văn phòng ở Mỹ và châu Âu cũng bị buộc phải đóng cửa như đã và đang xảy ra tại Trung Quốc hay không? Những đường phố trống rỗng và những cửa hàng phải ngưng hoạt động trong khi người ta lo trốn kỹ ở trong nhà? Và còn phải đợi bao lâu nữa thì các nhà khoa học mới hiểu được sự hoạt động của con vi khuẩn và chế ra được thứ thuốc có thể làm chậm sự lan tràn của nó? Cho đến khi có được câu trả lời rõ ràng hơn cho những câu hỏi trên, các nhà giao dịch chứng khoán tiên đoán thị trường có thể vẫn chưa đụng đáy.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Trong suốt thời gian bảy ngày kể từ khi người ta bắt đầu bán tống bán tháo cổ phiếu, thị trường S&P 500 đã rớt 13% từ mức cao nhất của nó – xoá mất $3.6 ngàn tỷ giá trị thị trường.

Trong khi phân lời trái phiếu 10 năm do Bộ Ngân khố Hoa Kỳ phát hành – được cho là nơi đầu tư an toàn nhất của thị trường tài chính toàn cầu – đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, điều này cho thấy giá trái phiếu tăng vọt là vì giới đầu tư từ các thị trường khác đang rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán và mang đến cho quốc gia giàu có nhất thế giới này vay mượn.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu sự sụt giảm mạnh trong tuần qua có thể chỉ là một cú hích nhẹ rồi sau đó tiếp tục tăng cao hơn nữa trong chu kỳ phát triển kinh tế lần này, hay liệu đây là vụ sụp đổ thị trường mà một số nhà đầu tư bi quan đã nói đến trong mấy năm qua, hoặc có thể là một điều gì đó thậm chí còn tồi tệ hơn thế nữa đang chuẩn bị xảy ra mà chưa ai thấy trước được.

Thị trường bắt đầu sụt giảm vào đầu ngày Thứ Hai 24/2 sau khi tin tức cuối tuần trước đó cho biết vi khuẩn corona đã lan nhanh tại Ý làm cho các nhà đầu tư nghi ngờ rằng dịch bệnh từ Trung Quốc có thể đang từ từ biến thành đại dịch toàn cầu và trở thành vấn đề ngày càng không kiểm soát được. Nhận định đó đã khiến cho thị trường Dow Jones sụt giảm hơn 1,000 điểm và phân lời trái phiếu 10 năm của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cũng rớt theo.

Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng của thị trường đến vào hôm Thứ Ba 25/2 sau khi giới chức từ Trung Tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) đưa ra lời cảnh báo khá nghiêm trọng. Họ cho biết các chuyên gia y tế dự đoán vi khuẩn corona nay có khả năng lan tràn khắp nước Mỹ, và kêu gọi trường học và các cơ sở kinh doanh nên chuẩn bị đối phó một khi sự lây lan xảy đến.

Chỉ số Dow Jones tuần qua – nguồn CNN Business

Lời cảnh báo của CDC đã nhắc lại điều mà chỉ vài tuần trước đó đã bị nhiều người bác bỏ – rằng Hoa Kỳ có thể sẽ không tránh được sự gián đoạn do dịch bệnh corona gây ra mà nay đã và đang khiến cho việc sinh hoạt thường ngày của người dân tại Trung Quốc, Ý, Nam Hàn và một số quốc gia khác bị ngưng lại.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Cổ phiếu của các công ty hàng không, khách sạn và du thuyền – mà lợi nhuận của các công ty này chắc chắn sẽ bị giảm sụt trong khi sự cách ly cũng như cảnh báo từ các giới chức y tế làm cho người dân ngại đi du lịch – là nằm trong số những loại cổ phiếu rớt mạnh nhất trong tuần qua.

Hầu như khắp thị trường chứng khoán không có cổ phiếu nào sáng sủa cả – ngoại trừ trường hợp của công ty dược phẩm Regeneron Pharmaceuticals Inc. hiện đang hợp tác với Bộ Y tế Hoa Kỳ để tìm phương thuốc chữa trị chống lại con vi khuẩn corona.

Phản ứng của thị trường trong tuần qua là điều đã từng xảy ra trước đây vào thời điểm khi mà các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về sức mạnh của nền kinh tế. Theo dữ liệu của Citigroup Inc., thị trường S&P 500 rớt 12% trong tuần lễ sau khi các giới chức Hoa Kỳ cho mở cửa trở lại sau vụ tấn công 9/11 năm 2001. Và cổ phiếu cũng đã từng rớt 13% trong khoảng thời gian khi dịch bệnh SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát năm 2003 cũng tại Trung Quốc. Trong cả hai trường hợp, thị trường cuối cùng đã lấy lại niềm tin của giới đầu tư nhưng điều này chỉ xảy ra sau khi có những bằng chứng rõ ràng cho thấy nền kinh tế toàn cầu có khả năng sẽ hồi phục. Cho đến khi các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về một số vấn đề – bao gồm mức độ lây nhiễm của dịch bệnh, và liệu các nhà khoa học có thể cung cấp được thuốc chủng ngừa và phương pháp điều trị hiệu quả trong thời gian sắp tới hay không – có nhiều khả năng thị trường sẽ còn phải tiếp tục đối diện với những áp lực đáng kể.

Sự đe doạ của vi khuẩn corona cuối cùng rồi sẽ qua và thị trường Hoa Kỳ cũng như thế giới sẽ hồi phục. Tuy nhiên, câu hỏi là dịch bệnh sẽ còn kéo dài bao lâu, và trong trường hợp nếu biến thành đại dịch, thì sự thiệt hại nó gây ra cho nền kinh tế toàn cầu sẽ là nghiêm trọng tới mức độ nào.

VH

Arlington, TX