Để mở đầu cho ngày bế mạc của Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra vào hôm Chủ Nhật 10/23, sau khi hai cánh cửa lớn sơn son thếp vàng được mở ra, giọng nói của một phát thanh viên dõng dạc tuyên bố “Tổng Bí thư mới được bầu chọn”, và tiếp sau đó người ta thấy ông Tập Cận Bình sải bước tiến vào, miệng nở nụ cười và giơ cao tay vẫy, chân bước lên sân khấu được trải thảm đỏ tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, để xác nhận nhiệm kỳ thứ ba của ông trong vai trò lãnh đạo đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc trong 5 năm tới.

Trong vai trò này, cùng với việc đưa một số tay chân thân tín vào Ban Thường vụ Bộ chính trị, Tập Cận Bình nghiễm nhiên trở thành nhân vật lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Ðông. Tuy nhiên, qua những thất bại trong các chính sách kinh tế cũng như những luật lệ ngày càng siết chặt việc kiểm soát cuộc sống của dân chúng, một số người dân Trung Quốc vẫn dám hiên ngang lên tiếng chỉ trích sự cai trị của Tập, mặc dù việc làm này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Thời gian đầu

Khi Tập Cận Bình chuẩn bị lên nắm quyền lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc một thập niên trước, nhiều người dân Trung Quốc tỏ ý hy vọng rằng ông ta sẽ biến đất nước của họ thành một quốc gia cởi mở, công bằng và thịnh vượng hơn.

Thời gian đầu, Tập đã cố tìm cách vun bồi cho mình một hình ảnh khiêm tốn. Tại cuộc họp báo đầu tiên trong vai trò lãnh đạo, ông ta bắt đầu bài phát biểu bằng một nụ cười rụt rè và thậm chí còn đưa ra lời xin lỗi vì đã để các nhà báo phải chờ đợi. Một bức ảnh chụp cho thấy có lần Tập đứng chờ xếp hàng và tự trả tiền cho phần ăn trưa là một chiếc bánh bao tại một tiệm ăn bình dân. Nhiều người dân Trung Quốc lúc đó gọi ông ta một cách thân mật là “bác Tập”.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Ngày nay, Tập cai trị giống như một ông vua chuyên chế với bàn tay sắt. Tại đại hội đảng vừa qua, Tập đã được trao quyền nắm giữ chiếc ghế lãnh đạo số một thêm nhiệm kỳ thứ ba, điều chưa từng xảy ra trước đây với các vị tiền nhiệm, và đưa vào ban lãnh đạo đảng những tay chân thân tín và trung thành của mình. Một số học giả tin rằng Tập đã và đang biến Trung Quốc thành một nhà nước toàn trị.

Nay, ở những chỗ riêng tư, một số người dân Trung Quốc gọi Tập là “hoàng đế đỏ”. Trong nhiều nhóm chat trên mạng xã hội, nơi nội chỉ nhắc tới tên ông ta thôi cũng có thể trở thành một việc làm nguy hiểm, cái tên Tập chỉ còn được nêu lên ở ngôi thứ ba: “ông ta”.

Biểu ngữ chống Tập Cận Bình tại Bắc Kinh – Twitter

Xây dựng quyền lực

Tập thường hay thích nói về việc cá nhân ông ta rất quan tâm đến cuộc sống của người dân Trung Quốc. Trong bài diễn văn dài đọc tại đại hội đảng vừa qua, Tập nhắc tới hai chữ “nhân dân” 177 lần, con số đó có lẽ chỉ thua số lần mà ông nói tới “đảng”. Tuy nhiên, điều thực tế là cuộc sống của người dân Trung Quốc không có gì gọi là tốt đẹp dưới quyền cai trị của Tập.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tập đã kiểm soát chặt chẽ hoàn toàn hệ thống truyền thông của Trung Quốc, bịt miệng các ký giả chuyên về điều tra và tống những người chỉ trích ông ta vào tù.

Tập đã lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng để thanh trừng hàng trăm giới chức cao cấp của đảng và cũng là đối thủ chính trị. Ông ta đàn áp khu vực kinh doanh tư, buộc nhiều doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc phải nghỉ hưu sớm hoặc sống lưu vong. Ông ta cũng ra lệnh bắt khoảng một triệu thành viên của các nhóm Hồi giáo và các nhóm thiểu số khác vào các trại tù cải tạo vì niềm tin tôn giáo của họ và tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Ông ta cho xây dựng một hệ thống giám sát và theo dõi trên toàn quốc với kỹ thuật trí thông minh nhân tạo và hàng triệu máy cameras được đặt tại các góc phố. Tuần qua, giới chức Hoà Lan cho biết họ đang điều tra về một số báo cáo nói rằng nhiều cơ quan an ninh Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp để giám sát các công dân Trung Quốc đang sống và làm việc tại Hoà Lan.

Sau khi đại dịch Covid bắt đầu hoành hành, chính quyền của Tập đã cho áp dụng các cơ chế giám sát của nhà nước lên cuộc sống của 1.4 tỷ người dân Trung Quốc dưới danh nghĩa là để bảo vệ sức khoẻ của họ.

Thậm chí khi mức độ đe doạ của Covid đã giảm, Tập vẫn kiên quyết giữ lại chính sách khắc nghiệt “zero-Covid”. Theo đó, chính quyền tiếp tục phong toả cuộc sống của nhiều triệu người dân, ngăn cấm du lịch và bắt dân chúng phải thường xuyên đi thử nghiệm.

Thông điệp chống đối xuất hiện tại nhiều nơi công cộng ở Trung Quốc – Bloomberg.com

Làn sóng chống đối

Tập đã hầu như bịt miệng tất cả mọi tiếng nói đối lập. Một số nhân vật bất đồng chính kiến đã bị kết án tù dài hạn. Chính sách kiểm duyệt đã trở nên hà khắc đến mức người ta sử dụng một thành ngữ Trung Quốc, “vạn mã tề âm”, để mô tả nỗi sợ hãi khi nói ra những suy nghĩ của mình.

Ít ai dám công khai chỉ trích Tập, vậy mà chỉ ít ngày trước đại hội đảng, một người biểu tình đã giương hai biểu ngữ trên một chiếc cầu vượt trên xa lộ ở khu vực trung tâm Bắc Kinh, tố cáo Tập là “kẻ phản bội chuyên quyền”, một số người đã ca ngợi người này như một anh hùng.

Ðể nói cho rõ hơn, vẫn có nhiều người ủng hộ chính sách cai trị của Tập, và một số đông khác thì tỏ ra thờ ơ với chính trị, do hậu quả từ các chính sách kiểm duyệt, tuyên truyền nhồi sọ và khủng bố tinh thần.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Tuy nhiên, chính sách zero-Covid đã khiến các cuộc phản đối xảy ra thường xuyên, chủ yếu là trên các mạng xã hội. Trong khoảng thời gian suốt hai tháng phong toả tại Thượng Hải, khu đô thị với dân số 25 triệu người, dân cư tại đây đã sử dụng mạng xã hội để chia sẻ sự chống đối của họ qua các tin nhắn, các đoạn video, các bài hát và áp phích.

Một số giới trẻ Trung Quốc, là những người lớn lên dưới sự giáo huấn và tuyên truyền của đảng, đang thể nghiệm một cuộc thức tỉnh chính trị một cách thầm lặng. Trong mấy tuần qua, để đáp lại hành động của nhân vật biểu tình ở Bắc Kinh, những người trẻ này bắt đầu sử dụng những phương cách đầy thông minh và sáng tạo để lan truyền các thông điệp chống đối Tập. Họ sơn vẽ các khẩu hiệu trên tường các phòng vệ sinh công cộng. Họ trương khẩu hiệu tại các khuôn viên đại học trên khắp thế giới.

Một sinh viên đại học sống tại thành phố cảng Quảng Châu thuộc miền nam Trung Quốc cho biết đã sử dụng chức năng AirDrop của công ty Apple để gửi đi những ảnh chụp các thông điệp biểu tình tới các điện thoại iPhone của những hành khách cùng đi trên chuyến tàu điện với anh. Sau khi biết được tuổi của người thanh niên này còn quá trẻ đã khiến cho vị ký giả không tránh được sự cảm phục. Khi được hỏi tại sao anh lại liều lĩnh có hành động phản đối như vậy, anh nói rằng anh muốn chấm dứt sự cai trị độc quyền của đảng cộng sản và đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia dân chủ.

Sau bức màn tre tại Trung Quốc hiện nay là một nồi áp suất khổng lồ. Liệu những nỗi thất vọng và bực tức của người dân Trung Quốc có biến thành một phong trào phản đối trên toàn quốc như tại Iran hiện nay hay không là điều chúng ta còn phải chờ xem.

Sinh viên Trung Quốc tại Úc bày tỏ chính kiến – News18.com

VH