Nữ hoàng Elizabeth II, người nắm giữ ngai vàng lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh và là biểu tượng của sự ổn định trong thời đại có quá nhiều thay đổi trong chính trị và xã hội, qua đời hôm thứ Năm 8/9 thọ 96 tuổi.

Nữ hoàng Elizabeth II – nguồn Getty Images 

Trong suốt 7 thập niên ngồi trên ngai vàng, Nữ hoàng đã chứng kiến giai đoạn tan rã của Ðế quốc Anh và vai trò của Vương quốc Anh trên thế giới bị thu hẹp lại đáng kể. Áp lực đòi độc lập ngày càng tăng ở Tô Cách Lan và những tranh luận về việc thống nhất Ái Nhĩ Lan đã đe dọa đường biên giới quốc gia có thể sẽ phải vẽ lại, và những rạn nứt trong gia đình Bà đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về vai trò trong tương lai của chế độ quân chủ và hoàng gia.

Nhưng rồi cuối cùng, Nữ hoàng Elizabeth vẫn giữ lại được ngôi vị là Nguyên thủ quốc gia (mặc dù không có quyền lực) của Vương quốc Anh và 14 lãnh thổ tự trị, và là người lãnh đạo của khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth) hiện bao gồm 54 quốc gia với tổng dân số hơn 2 tỷ người.

Trải qua ngần ấy năm, Nữ hoàng đã trị vì cùng với 15 Thủ tướng Anh, bắt đầu với Winston Churchill, và 14 Tổng thống Hoa Kỳ, bắt đầu với Harry Truman. Bà lên ngôi ngày 6 tháng 2 năm 1952, vào thời điểm khi khắp lục địa Châu Âu vẫn còn đang trên đường hồi phục từ vết thương của Ðệ nhị Thế chiến. Vương quốc Anh vẫn đang trong tình trạng thiếu thốn thực phẩm trầm trọng khi Bà đăng quang năm 1953, và một phần lớn lục địa bị bao phủ sau bức màn sắt của chủ nghĩa cộng sản. Bà vẫn tiếp tục nắm giữ ngôi vị Nữ hoàng nhiều thập niên sau đó để chứng kiến toàn thể Liên bang Sô viết sụp đổ và Trung Quốc bắt đầu vươn lên thành một cường quốc toàn cầu.

Luôn luôn là tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho mối quan hệ mật thiết giữa Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, vùng đất từng một thời là thuộc địa ở bên kia bờ Ðại Tây Dương, Nữ hoàng đã viết một lá thư được đọc tại buổi lễ tưởng niệm ở New York một tuần sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001 với vụ khủng bố tấn công, trong đó có chứa đựng thông điệp: “Ðau buồn là cái giá mà chúng ta phải trả cho tình yêu thương.”

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Elizabeth Alexandra Mary Windsor sinh ngày 21 tháng 4 năm 1926 tại Mayfair, London, là con đầu lòng của công tước và nữ công tước xứ York. Nguyên thuỷ, Bà đứng thứ ba ở vị trí kế vị ngai vàng, sau người bác và cha.

Người dân Anh Quốc tỏ lòng thương tiếc bên ngoài điện Buckingham – nguồn Reuters

Năm 1936, cuộc đời của Bà đã có một bước ngoặt quan trọng với cái chết của ông nội là vua George V. Người con cả của ông là David lên ngôi lấy hiệu là vua Edward VIII, nhưng không lâu sau đó bỏ ngai vàng để cưới bà Wallis Simpson, một phụ nữ Mỹ từng hai lần ly dị chồng, điều mà người dân Anh Quốc lúc đó không thể chấp nhận được trong vai trò người phối ngẫu của vị Giáo chủ Giáo hội Anh giáo.

Albert, cha của công chúa Elizabeth, lên ngôi trở thành vua George VI, và do đó đưa Elizabeth vào vị trí người đứng đầu kế vị ngai vàng. Ðể chuẩn bị cho vai trò tương lai của Bà, Elizabeth bắt đầu được cho học về lịch sử hiến pháp và luật pháp, và nhận sự chỉ giáo từ chính người cha và vị hiệu phó của trường tư thục danh tiếng Eton College.

Năm 1947, Elizabeth thành hôn với một người bà con xa là Philip Mountbatten, hoàng tử Hy Lạp và Ðan Mạch và lúc đó là Thiếu uý trong Hải quân Hoàng gia. Một năm sau, hai người có con trai đầu lòng là Charles, sinh năm 1948, tiếp theo sau là Anne năm 1950, Andrew năm 1960 và Edward năm 1964.

Cuộc sống tương đối tự do và hồn nhiên của gia đình trẻ này bất ngờ bị gián đoạn vào ngày 6 tháng 2 năm 1952, khi cha của Elizabeth đột ngột qua đời trong khi Bà đang trong cuộc hành trình thăm viếng xứ Kenya. Ngay lập tức Bà lên ngôi và cấp tốc bay trở lại London.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Lễ đăng quang của Bà vào năm 1953 là sự kiện quan trọng đầu tiên mang tính cách quốc tế được phát sóng trên truyền hình tại nhiều nơi trên thế giới. Tại Anh Quốc, hàng nhiều triệu người đã được coi trực tiếp trên tivi đen trắng. Cuốn phim quay lại buổi lễ ngay sau đó được không quân hoàng gia đưa sang Canada để được chiếu trên truyền hình cùng ngày, và một số đài truyền hình Hoa Kỳ cũng làm điều tương tự.

Nữ hoàng Elizabeth II cùng chồng là Hoàng tế Philip trong ngày đăng quang – nguồn AP

Vào thời điểm đó, nhiều quốc gia thuộc địa cũng đang trải qua nhiều biến chuyển quan trọng. Ðế quốc Anh trao trả độc lập cho Ấn Ðộ năm 1947, và ngay sau đó đã rơi vào tình trạng hỗn loạn để cuối cùng phân chia thành Ấn Ðộ và Pakistan như ngày nay. Biến chuyển dồn dập tiếp tục diễn ra trong những năm đầu trị vì của Nữ hoàng Elizabeth và tiếp theo là các cựu thuộc địa tại Phi Châu, Á Châu và vùng Caribbean cũng được lần lượt trao trả độc lập. Nhiều quốc gia trong số đó chọn ở lại làm thành viên của khối Thịnh Vượng Chung, cũng là tổ chức mà Nữ hoàng đứng ở ngôi vị lãnh đạo mang tính cách biểu tượng. Thuộc địa quan trọng cuối cùng của Vương quốc Anh là Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc năm 1997.

Nhiều biến chuyển xã hội cũng xảy ra tại quê nhà khi mà sự tôn sùng tuyệt đối đối với chế độ quân chủ trước đó đã phải nhường chỗ cho những châm biếm cũng như tâm lý chống hoàng gia gia tăng bắt đầu vào thập niên 1960 và 1970 cùng với sự soi mói của công chúng nhiều hơn đối với những sinh hoạt của hoàng gia.

Năm 1992, Nữ hoàng Elizabeth đã trải qua những ngày đau buồn nhất trong đời mà sau này được Bà mô tả là “một năm tồi tệ.” Con gái Bà là công chúa Anne ly dị chồng; con trai là hoàng tử Andrew ly thân với vợ là Sarah Ferguson; và một cuộc hoả hoạn dữ dội đã đốt cháy một phần lớn lâu đài Windsor.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Bốn năm sau xảy ra cuộc ly dị của Thái tử Charles và Công nương Diana, tiếp theo là cái chết của Diana trong một vụ tai nạn xe tại Paris ngày 31 tháng 8 năm 1997. Trong gần một tuần lễ Nữ hoàng đã không đưa ra một lời tuyên bố nào về cái chết trước sự thất vọng của công chúng Anh.

Cuối cùng, Nữ hoàng đã phải lên tiếng, nhắc đến sự ngưỡng mộ của Bà dành cho Diana, trong một chương trình phát sóng trên truyền hình, và điều này đã giúp làm dịu dư luận.

Elizabeth II trong những ngày cuối chào đón Tân thủ tướng Liz Truss – nguồn AFP

Tuy nhiên, những sóng gió của thập niên 1980 và 1990 đã làm giảm sụt mức ủng hộ của công chúng đối với hoàng gia. Sau cái chết của Diana, một cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 48% người dân Anh nghĩ rằng vương quốc sẽ tồi tệ hơn nếu không có Nữ hoàng.

Với việc cắt giảm một số chi tiêu của hoàng gia cho hợp lý và cuộc hôn nhân năm 2011 của hoàng tử William với Catherine Middleton, hình ảnh của hoàng gia trước công chúng đã được cải thiện. Cùng năm đó, một cuộc thăm dò cho thấy 62% người dân Anh nghĩ rằng quốc gia sẽ tồi tệ hơn nếu không có Nữ hoàng.

Tháng 6 vừa qua, Vương quốc Anh đã tổ chức kỷ niệm đánh dấu năm thứ 70 của Elizabeth trên ngôi vị Nữ hoàng cùng với mối quan hệ mới đầy tốt đẹp giữa hoàng gia và công chúng. Các buổi hòa nhạc và các buổi lễ được tổ chức trên toàn quốc để kỷ niệm khoảng thời gian trị vì dài kỷ lục của Bà, mặc dù bản thân Nữ hoàng đã phải bỏ qua một số sự kiện quan trọng do sức khỏe suy kém.

Nay dưới sự trị vì của vua Charles III, hoàng gia Anh sẽ thích nghi và phát triển ra sao trong thời đại thông tin mở rộng sẽ phụ thuộc một phần không nhỏ vào những kinh nghiệm mà ông học được từ tấm gương của người mẹ. Mặc dù nhận được không ít lời chê bai và chỉ trích, nhìn chung, Vương quốc Anh có thể nói là đã may mắn khi có được sự lãnh đạo khôn ngoan, khéo léo nhưng biết tự chủ của Nữ hoàng Elizabeth II trong suốt một thời kỳ dài với biết bao nhiêu những biến chuyển trên thế giới nói chung và Anh Quốc nói riêng.

VH