Kể từ cuộc gặp mặt giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ và Trung Quốc tại New York vào tháng Tám năm ngoái tính ra cho đến nay là 10 tháng. Trong khoảng thời gian này mối quan hệ giữa hai nước đã ngày càng trở nên tồi tệ đến mức nguy hiểm do bất đồng quan điểm trên những vấn đề liên quan đến tình trạng của Hồng Kông và Đài Loan cũng như trận đại dịch Covid-19.

Quan hệ Mỹ-Trung vẫn lạnh – nguồn forexlive.com 

Thế nên cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và Dương Khiết Trì, giới chức ngoại giao hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa rồi có thể được xem như là nỗ lực chung của cả hai phía để tìm cách hàn gắn lại mối quan hệ trên.

Các cuộc đàm phán giữa hai bên bắt đầu khi ông Pompeo gặp Dương Khiết Trì trong một buổi ăn tối vào hôm Thứ Ba 16/6 và được tiếp tục trở lại vào sáng Thứ Tư hôm sau tại căn cứ không quân Hickman ở Hawaii.

Bản thông cáo của mỗi bên đưa ra sau khi cuộc đàm phán kết thúc cho thấy những khác biệt sâu sắc giữa họ mặc dù phía Trung Quốc khẳng định rằng cuộc đàm phán mang tính xây dựng. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết là họ thất vọng vì các nhà ngoại giao Trung Quốc đã không tỏ ra sẵn sàng trong các cuộc thảo luận.

Theo lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là Morgan Ortagus thì ông Pompeo đã dùng cuộc đàm phán để “nhấn mạnh đến những quyền lợi quan trọng của Mỹ và sự cần thiết cho toàn bộ những giao dịch đôi bên giữa hai nước xuyên qua các tương tác về thương mại, an ninh và ngoại giao.”

Ông Pompeo cũng kêu gọi phía Trung Quốc cần phải “hoàn toàn minh bạch và chia sẻ thông tin” liên quan đến đại dịch Covid-19.

Bản thông cáo đưa ra bởi phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Lập Kiên liệt kê một loạt những “vấn đề nhạy cảm” mà trong đó nói rằng ông Dương Khiết Trì đã biện hộ cho vị trí của Bắc Kinh. Trong những “vấn đề nhạy cảm” đó bao gồm việc Trung Quốc đòi hỏi Washington không nên can thiệp vào các vấn đề liên quan đến Ðài Loan, một đảo quốc tự trị mà Bắc Kinh vẫn thường tuyên bố là thuộc lãnh thổ của họ, cũng như quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc với kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông là “vấn đề hoàn toàn thuộc nội bộ Trung Quốc.”

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Ông Dương Khiết Trì cũng nói đến “thái độ rất bất mãn” của Bắc Kinh về dự luật mà Tổng thống Trump đã ký cũng vào hôm Thứ Tư để thi hành lệnh trừng phạt đối với các giới chức và các cơ quan chính quyền Trung Quốc nào bị xem là chịu trách nhiệm đối với chương trình giám sát và giam giữ quy mô nhắm vào các nhóm thiểu số Hồi giáo sống trong khu vực Tân Cương thuộc vùng tây bắc Trung Quốc.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì trước cuộc đàm phán tại Hawaii – nguồn ANI News

Thậm chí cả hai bên còn không đồng ý là phía nào đã đưa ra đề nghị đàm phán trước. Các giới chức Hoa Kỳ cho biết trong mấy ngày gần đây là Trung Quốc đã tìm gặp và muốn có một cuộc họp, tuy nhiên phía Trung Quốc thì nói rằng cuộc đàm phán diễn ra là do lời mời của Hoa Kỳ.

Riêng từ ý kiến của một số cựu giới chức Hoa Kỳ cho biết trước cuộc họp thì có nhiều khả năng là phía Trung Quốc đã tìm đến trước với hy vọng có thể ngăn cản bớt những phản ứng cứng rắn hơn nữa của Mỹ trên các tranh chấp về an ninh, kinh tế và chính sách đối ngoại đã làm chia rẽ hai quốc gia.

Nói chung, cuộc đàm phán Mỹ-Trung vừa qua đã không đem lại kết quả nào, ngoại trừ điểm khả quan duy nhất là phía Trung Quốc tái cam kết là sẽ mua đậu nành cũng như một số nông phẩm khác trị giá $200 tỷ của Mỹ mà hai bên đã đạt được trong thoả thuận thương mại đợt một vào ngày 15 tháng Giêng đầu năm nay.

Theo nhận định của một số chuyên gia về ngoại giao thì cho dù Trung Quốc có thực hiện lời hứa là mua thêm đậu nành của Mỹ thì mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn tụt dốc, và thậm chí sẽ còn tụt dốc nhanh hơn nữa trong những tháng tới vì những lý do kinh tế và chính trị của hai quốc gia trên hai bờ Thái Bình Dương này. Sự căng thẳng kéo dài từ những lời qua tiếng lại đổ lỗi cho nhau giữa Trump và Tập về đại dịch Covid-19 cho đến chính sách kinh tế “bảo hộ” của cả hai quốc gia, và cuộc đối đầu ngày càng leo thang từ những tranh chấp trong khu vực Biển Ðông đến các chất bán dẫn và hệ thống vệ tinh ngoài không gian.

Xem thêm:   Hang gấu

Theo một số giới chức Hoa Kỳ cựu cũng như hiện tại cho biết thì nguồn gốc nguyên thuỷ của con vi khuẩn corona đến từ Trung Quốc và các động thái của Bắc Kinh đối với Hồng Kông gần đây đã cho các cố vấn diều hâu về chính sách Trung Quốc tại Washington có tiếng nói mạnh hơn so với các giới chức ôn hoà là những nhân vật đang cố gắng điều đình cho các thoả thuận thương mại ở đằng sau hậu trường.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào cuối năm nay lại càng giúp cho tiếng nói của nhóm diều hâu mạnh mẽ hơn nữa. Trong khi đang phải đối diện với những vấn đề khó khăn trong nước, từ con số tử vong cao do đại dịch gây ra cho đến số người thất nghiệp ở mức kỷ lục, thì ông Trump lại càng phải tỏ ra cứng rắn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc và xem đây như là chính sách đối ngoại then chốt trong cuộc vận động tái tranh cử của ông. Trong khi đó, các cố vấn của Joe Biden, ứng cử viên đại diện cho đảng Dân chủ, cũng đang thúc giục ông ta cũng phải tỏ ra cứng rắn hơn về chính sách ngoại giao với Trung Quốc để không bị cáo buộc là ông có thái độ mềm mỏng với cộng sản Trung Quốc.

Người dân Hồng Kông biểu tình chống luật an ninh quốc gia của Trung Quốc – nguồn Shutterstock.com

Trong khi đó, Tập Cận Bình cũng trong tình trạng “thập diện mai phục”, bao gồm tình hình bất ổn tại Hồng Kông, dịch bệnh Covid-19 đang xuất hiện trở lại tại Bắc Kinh, áp lực từ các đối tác thương mại đòi Trung Quốc phải từ bỏ chính sách ngược đãi nhóm thiểu số Uighurs tại Tân Cương, và tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục. Hai trụ cột chính giúp Tập Cận Bình trong việc nắm giữ và duy trì quyền lực là tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị thì cả hai đều đang bị lung lay tận mạng bởi trận đại dịch và tình trạng bất ổn ở Hồng Kông.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, Bắc Kinh đã ngày càng sử dụng sức mạnh kinh tế để tìm cách đẩy các quốc gia đang phát triển vào tình thế bị lệ thuộc nhiều hơn vào sự trợ giúp của họ qua các chương trình cho vay; Bắc Kinh cũng không bỏ qua việc sử dụng bộ máy tuyên truyền qua phương tiện truyền thông xã hội để khai thác sự chia rẽ trên các lãnh vực xã hội, chính trị và kinh tế; và sự chậm trễ cũng như đưa ra những phúc trình gây nhiều hiểu lầm vào thời điểm đầu khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán đã khiến nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và châu Âu mà Bắc Kinh cố gắng lôi kéo vào trong quỹ đạo của họ tìm cách xa lánh. Có thể nói các chính sách hiện thời của Trung Quốc đang gặp thất bại và đẩy họ vào trong tình trạng bị cô lập với thế giới. Do đó, để che đậy những thất bại trên, Bắc Kinh lại càng phải cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại để chứng tỏ cho dân chúng trong nước thấy rằng Trung Quốc dưới sự cai trị của đảng cộng sản không sợ phải đối đầu với bất cứ cường quốc nào trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ.

Mặc dù có cuộc đàm phán tại Hawaii vừa qua, tình hình căng thẳng giữa hai nước sẽ còn tiếp tục leo thang. Với hơn 270 dự luật liên quan đến Trung Quốc hiện đang được xem xét và thảo luận tại quốc hội, và nhiều giới chức Hoa Kỳ cho biết có nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ còn cho thi hành thêm các biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa đối với Trung Quốc. Trong khi phía Trung Quốc tuyên bố là họ sẽ phản đòn đối với bất cứ nỗ lực trừng phạt các giới chức của họ liên quan đến việc ngược đãi người Uighurs.

Do vậy, ta có thể kết luận rằng quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung sẽ còn tiếp tục kéo dài trong tình trạng băng giá, thậm chí kể cả sau cuộc bầu cử tổng thống tới đây.

VH