Sau một tháng trì hoãn, kết quả cuộc kiểm tra dân số tại Trung Quốc được chính thức công bố vào trung tuần tháng Năm vừa qua với tổng dân số là 1.41 tỷ trong năm 2020, chỉ tăng một chút so với năm ngoái là 1.40 tỷ, và điều này cho thấy những thử thách về vấn đề dân số mà quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ phải đối mặt sớm hơn dự kiến. Con số trên cũng cho thấy là dân số Trung Quốc chỉ tăng thêm có 72 triệu kể từ cuộc kiểm tra dân số lần trước vào năm 2010.

Mối lo của Trung Quốc – nguồn Finantial Times 

Trong cuộc họp báo sau khi đưa ra kết quả, ông Ninh Cát Triết (Ning Jishe), giám đốc Cục Thống kê Quốc gia, cho biết năm ngoái có khoảng 12 triệu đứa bé Trung Quốc được sinh ra, giảm 18% so với mức 14.65 triệu một năm trước đó, và với xu hướng này sẽ gia tăng thêm áp lực đối với chính quyền Bắc Kinh để phải nới lỏng thêm những biện pháp hạn chế sinh con còn lại. Ðây là năm thứ tư liên tiếp mà mức sinh suất đã giảm sau khi tăng một chút vào năm 2016, năm đầu tiên sau khi Trung Quốc chấm dứt chính sách một con kéo dài trong hơn ba thập niên.

Ông Ninh cũng cho biết mức sinh suất – tức số con trung bình một phụ nữ sinh sản trong đời – giảm xuống 1.3 vào năm ngoái, là mức quá thấp đối với một quốc gia kỹ nghệ.

Trong khi đó, dân số người già Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh.

Các số liệu cho thấy tỷ lệ những người dân Trung Quốc tuổi từ 60 trở lên nay đã đạt mức 18.7% trong dân số, tính ra là quá nhanh so với 13.3% trong năm 2010.

Phần dân số tuổi từ 15 tới 59, tức thành phần lao động, đứng ở mức 63.35% trong năm 2020, giảm từ 70.1% năm 2010.

Tình trạng dân số của Trung Quốc hiện nay đã trở thành mối quan tâm kinh tế hàng đầu đối với Bắc Kinh. Xu hướng ngày càng ít người trẻ hơn để thay thế cho nhóm người nghỉ hưu ngày càng đông thực ra đã được thấy trước từ nhiều năm qua nhưng thay vì giải quyết sớm thì lại cứ lần lượt bị đẩy xuống trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung giải quyết các món nợ chồng chất trước mắt, lo đối đầu với cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và tìm mọi cách can thiệp vào khu vực kinh doanh tư nhân. Nay thì họ không thể làm ngơ được nữa nếu như vẫn còn muốn tiếp tục đà tăng trưởng về lâu về dài.

Hậu quả của chính sách một con – nguồn Asia Pacific Crurriculum

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Dị Phú Hiền (Yi Fuxian), chuyên gia về chính sách dân số Trung Quốc, mức sinh suất có lẽ còn rớt thêm nữa trong những năm tới là vì chính sách một con đã đưa đến hệ quả là số phụ nữ trong tuổi sinh con nay cũng giảm sút.

Xem thêm:   Ham & hố

Dân số ngày càng già nua của Trung Quốc được dự kiến sẽ là nguồn hao hụt chính của ngân sách quốc gia. Và đúng vào lúc khi Trung Quốc đang nhắm đến khối người tiêu thụ nội địa như là động lực tăng trưởng kinh tế tương lai thì nhiều người lớn tuổi bắt đầu lo lắng về số tiền hưu không đủ của họ – và với chỉ một đứa con trong nhà thì không đủ sức để phụng dưỡng họ – nên nhóm người tương đối khá đông này cũng không dám chi tiêu nhiều.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã chỉ ra kỹ thuật tự động (automation) như là một phương thức giúp bù đắp lại tình trạng giảm sụt nhóm dân số trong tuổi lao động mà kể từ năm 2012 đến nay cứ mỗi ngày một co cụm lại. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã tỏ ra nghi ngờ về chiến lược này. Tháng Ba vừa qua, các nhà nghiên cứu thuộc ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đưa ra bản phúc trình kêu gọi phải giải quyết mạnh hơn nữa đối với một tương lai ảm đạm về dân số.

Trung Quốc được dự kiến là sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vài năm nữa, nhưng một số nhà kinh tế cảnh báo rất có thể Trung Quốc sẽ không có đủ khả năng để nắm giữ vị thế này nếu số người làm việc tiếp tục sụt giảm. Không như Hoa Kỳ, Trung Quốc không có chính sách di dân để thu hút người từ nước khác tới bổ sung cho lực lượng lao động trong nước.

Người già Trung Quốc ngày càng nhiều – nguồn New York Times

Năm 2016, Trung Quốc thay đổi chính sách và bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng được có hai con, tuy nhiên số em bé được sinh ra không nhiều như các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hy vọng. Chính sách một con đã tạo cho người dân Trung Quốc một quan niệm chắc nịch là dành tất cả nguồn tài lực của hai vợ chồng tập trung vào một đứa con và nay nhiều gia đình cảm thấy là họ không đủ khả năng để có thêm đứa con thứ hai.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Và một đôi khi hiếm hoi cũng có cặp vợ chồng nào đó muốn có hơn hai đứa con thì lại gặp nguy cơ có thể bị trừng phạt vì chừng nào các biện pháp hạn chế sinh đẻ của Trung Quốc vẫn còn trong bộ luật dân sự của nhà nước. Thế nên đã có người đã phải than thở trên mạng xã hội: “Ở đất nước chúng tôi, sinh con cũng có thể là một cái tội.”

Kể từ khi lên nắm chức chủ tịch nước, Tập Cận Bình đã không giấu diếm tham vọng của ông là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị toàn cầu của thế kỷ 21. Nhưng với kết quả cuộc điều tra dân số mới đây cho thấy một nhược điểm lớn trong chính sách một con và sẽ ngày càng trở thành một mối lo lớn nhất của họ trong tương lai.

Nhiều chính phủ trên thế giới đã thử những chính sách khuyến khích người dân có thêm con, và một số nhà nghiên cứu tin rằng những nước như Ba Lan và Hung Gia Lợi (hiện nay đang chi tiêu gần 5% tổng sản lượng quốc gia để khuyến khích dân của họ ráng có thêm con) có thể có câu trả lời. Tuy nhiên, nói chung, những chính sách khuyến khích sinh đẻ này hoặc là thất bại hoàn toàn, hoặc chỉ cho thấy mức sinh sản có tăng lên thêm một chút nhưng không thấm vào đâu.

Sinh con cũng có thể là một cái tội – shutterstock.com

Chuyện sinh đẻ ở Trung Quốc mới nghe qua tưởng là bình thường nhưng lại tác động lên xã hội và kinh tế rất lớn, liên quan đến mọi khía cạnh, từ những sinh hoạt trong gia đình cho tới những nhu cầu ngày càng tăng đối với các chương trình y tế và hưu bổng tại Trung Quốc vốn đã bị kéo quá căng và đồng thời lại không được sự tài trợ đúng mức từ chính phủ. Vào tháng Ba, chính quyền trung ương thông báo là họ sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu lên so với 60 tuổi như hiện nay, và rõ ràng điều này cho thấy là họ đã biết trước về kết quả của cuộc kiểm tra dân số. Chi tiêu cho chương trình hưu bổng là một gánh nặng cho bất cứ quốc gia nào, nhưng riêng với Trung Quốc thì cho tới nay sự thịnh vượng trong đời sống của người dân mà họ đạt được vẫn chưa vượt qua được phạm vi của những thành phố lớn nằm dọc theo bờ biển phía đông của họ. Ðiều này có nghĩa càng đi về phía tây thì đời sống của người dân càng bớt đi sự sung túc, đặc biệt là ở những vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều người nghèo.

Xem thêm:   Dinh Độc Lập biểu tượng tinh thần quốc gia

Nhiều quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng dân số già nua và mức sinh suất ngày càng giảm. Người dân Nhật Bản, Singapore và Nam Hàn giàu có hơn so với người dân Trung Quốc nhưng có mức sinh suất theo thứ tự là 1.36, 1.1 và 0.9. Mức sinh suất tính chung của cả châu Âu là 1.522, của Hoa Kỳ là 1.7, trong khi của Trung Quốc là 1.3. Các nhà kinh tế cho rằng mức sinh suất cần thiết để có đủ người làm trong tương lai thay thế cho lớp người già nghỉ hưu là 2.1.

Xu hướng sinh suất giảm này khẳng định một điều rằng các biện pháp can thiệp kế hoạch hóa gia đình một cách thô bạo của chính quyền Bắc Kinh đã để lại cho Trung Quốc một quả bom nổ chậm về vấn đề dân số.

Tham vọng của Trung Quốc là rất muốn thay thế Hoa Kỳ để trở thành quốc gia lãnh đạo toàn cầu, và chướng ngại vật ngăn cản tham vọng đó của họ không xuất phát từ những thế lực thù địch bên ngoài mà chính là dân số đang ngày càng già nua của họ. Thêm một di sản thất sách nữa của đảng cộng sản Trung Quốc.

VH