Trong suốt nhiều tháng qua chúng ta đã được chứng kiến nhiều hiện tượng kinh tế như lạm phát cao, ngân hàng trung ương Fed tăng phân lời, thị trường cổ phiếu sụt giảm mạnh và nỗi lo ngại về tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation) ngày càng tăng, thì nay có thêm “suy trầm” được cộng vào trong danh sách những nỗi lo liên quan tới kinh tế.

Kinh tế suy trầm – nguồn Fortune.com 

Cái bóng ma của một chu kỳ kinh tế suy trầm mới đang khiến nhiều kinh tế gia và giám đốc điều hành công ty không khỏi lo lắng. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass phát biểu vào đầu tháng 6: “Ðối với nhiều quốc gia, kinh tế suy trầm là điều khó tránh khỏi.” Trong một cuộc khảo sát mới đây nhất với 750 tổng giám đốc công ty, hơn 60% trong số đó dự đoán suy trầm sẽ xảy ra trong khoảng thời gian 12 đến 18 tháng tới, và 15% nghĩ rằng tại một số khu vực trên thế giới nơi mà công ty của họ đang hoạt động đã rơi vào suy trầm.

Mặc dù kinh tế suy trầm có thể khiến nhiều người lo sợ và tạo thêm khó khăn cho sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, đây là một hiện tượng tự nhiên của kinh tế. Cách tốt nhất là đừng hoảng sợ ngay mà hãy tìm hiểu về hiện tượng kinh tế này và chuẩn bị tinh thần để đối phó.

Vậy suy trầm là gì?

Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính xác về suy trầm. Thay vào đó, nhiệm vụ xác định suy trầm được giao cho một hội đồng ít ai biết đến tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), một tổ chức phi lợi nhuận bao gồm nhiều học giả chuyên về kinh tế. Trên trang mạng của NBER, định nghĩa về suy trầm là “tình trạng suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trải rộng ra trên toàn bộ nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng.”

Thậm chí ngay cả định nghĩa trên vẫn có phần nào khá lỏng lẻo là vì khi nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm trong năm 2020 vào đúng thời điểm bắt đầu của trận đại dịch và đã được NBER xác định là suy trầm mặc dù nó kéo dài chỉ trong ít tháng.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

NBER xác định đã có 12 cuộc suy trầm xảy ra kể từ năm 1948, tính ra trung bình cứ khoảng sáu năm thì có một lần.

Giá thực phẩm tăng cao – nguồn Bloomberg News

Những tiêu chuẩn nào để xác định suy trầm?

Hội đồng gồm những học giả nói trên sẽ xem xét một cách bao quát đến các số liệu kinh tế, trong đó bao gồm tổng sản lượng nội địa (GDP), công ăn việc làm, thu nhập gia đình, chi tiêu của người dân, doanh số bán lẻ và mức sản xuất của các ngành kỹ nghệ. Các học giả sẽ nhìn vào và so sánh những số liệu trên, và không có số liệu nào nhất thiết quan trọng hơn số liệu nào.

Thông thường, hội đồng sẽ nhận ra nếu một cuộc suy trầm xảy ra. Những dấu hiệu thường thấy nhất là khi sản lượng và việc làm bị sụt giảm mạnh. Cái khó là việc xác định khi nào thì suy trầm bắt đầu và kết thúc – là phần trách nhiệm mà hội đồng thực hiện một cách hết sức thận trọng. Ðó là lý do vì sao hội đồng thường chờ một thời gian lâu mới xác định ngày nào tháng nào thì suy trầm xảy ra; họ muốn thu thập tất cả các số liệu nếu có thể rồi mới đưa ra quyết định. Và mỗi khi một cuộc suy trầm được hội đồng xác định thì ít có ai nghi ngờ đúng sai.

Nếu GDP rớt liền trong hai quý, phải chăng là suy trầm?

Câu trả lời ở đây là không. Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy tắc chung là như vậy, và đôi khi ta thấy xuất hiện trên báo chí và được nhiều phân tích gia cũng như bình luận gia trên thế giới sử dụng. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, đối với ban hội đồng của NBER, nó lại không mấy ý nghĩa. Dưới mắt nhìn của hội đồng, tình trạng kinh tế suy giảm do đại dịch gây ra dù chỉ kéo dài ít tháng nhưng lại đạt đủ tiêu chuẩn để được gọi là suy trầm do mức độ nghiêm trọng của nó. Ngoài ra, sự sụt giảm nhẹ về sản lượng trong sáu tháng (tức hai quý) có thể sẽ không đáp ứng đúng định nghĩa của hội đồng vì hội đồng chỉ xem đó là sự suy giảm “đáng kể” trong hoạt động kinh tế.

Cổ phiếu sụt giảm – nguồn AP

Thời gian và mức độ nghiêm trọng?

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Câu trả lời là còn tuỳ. Các cuộc suy trầm được ví giống như những bông tuyết, không có cái nào giống cái nào. Như cuộc suy trầm bắt đầu năm 2007 sau khi thị trường nhà ở sụp đổ đã kéo dài tới một năm rưỡi. Cuộc suy trầm liên quan tới đại dịch bắt đầu khoảng đầu năm 2020 kéo dài chỉ ít tháng. Các cuộc suy trầm cũng có nhiều khác biệt về mức độ nghiêm trọng: Số việc làm giảm 14% vào năm 2020 và khoảng 6% từ năm 2008 đến 2009, nhưng chỉ khoảng 1% năm 1980. Tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất là 14.7% năm 2020, 10.8% năm 1982 và 10% năm 2009, nhưng chỉ 5.7% vào năm 2001.

Khác biệt giữa suy trầm và suy thoái?

Theo nhận định của ngân hàng trung ương Fed chi nhánh San Francisco, suy thoái (depression) là “một phiên bản trầm trọng hơn của suy trầm.” Trong thời gian xảy ra cuộc Ðại Suy thoái (Great Depression), từ 1929 đến 1933, sản lượng kinh tế sau khi điều chỉnh lạm phát sụt giảm gần 30% và tỷ lệ thất nghiệp đạt mức gần 25%. Tuy nhiên, theo ý kiến của NBER thì họ lại không phân biệt giữa suy trầm và suy thoái.

GDP giảm, việc làm tăng, phải chăng là suy trầm?

Tình huống như vậy khó có thể xảy ra: Việc làm thường giảm trong thời kỳ suy trầm do các công ty sa thải nhân viên và ngừng tuyển dụng cho tới khi viễn ảnh kinh tế được cải thiện. Tuy nhiên, câu hỏi này đang được nhiều người đặt ra: Công việc làm tăng khá nhiều trong suốt 5 tháng đầu năm nay, nhưng GDP lại giảm trong quý đầu, và ngân hàng Fed dự đoán GDP không tăng trong quý hai.

Ðiều này khiến một số ít kinh tế gia lên tiếng báo động rằng Hoa Kỳ có thể đã rơi vào suy trầm rồi. Nếu trong trường hợp mức tăng trưởng của GDP tiếp tục trồi sụt ở mức 0% trong một vài quý tới, điều này có nghĩa là nền kinh tế Hoa Kỳ, về phương diện kỹ thuật, bị rơi vào suy trầm, nhưng là cuộc suy trầm rất nhẹ.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Tuy nhiên, trước khi các học giả trong hội đồng của NBER duyệt xét kỹ lưỡng tất cả các số liệu kinh tế và chính thức đưa ra quyết định, tất cả mọi lời tranh luận chỉ nên xem là tin đồn.

Nhiều cửa tiệm phải đóng cửa trong thời gian đại dịch – nguồn Getty Images

Tình trạng cổ phiếu sụt giảm là dấu hiệu suy trầm?

Không hẳn vậy. Thị trường cổ phiếu giảm mạnh thường xảy ra cùng lúc với suy trầm, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Ví dụ điển hình nhất là năm 1987, khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10 nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức ổn định.

Cảm nhận của dân chúng hiện nay.

Trong suốt mấy tuần lễ qua, thị trường cổ phiếu chao đảo mạnh và cho đến cuối ngày Thứ Sáu 17/6 ngưng ở mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Cộng thêm vào đó là tình trạng lạm phát tăng ở mức cao nhất trong hơn bốn thập niên khiến cho những người dân bình thường nhất cũng không thể tránh khỏi cảm giác là kinh tế Hoa Kỳ đang có vấn đề.

Một cuộc thăm dò gần đây từ hai tổ chức FiveThirtyEight và Ipsos cho thấy hơn một nửa người dân Mỹ nói rằng lạm phát là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước đang phải đối mặt, bỏ xa các vấn đề lớn khác như tư tưởng cực đoan chính trị, bạo lực súng đạn và biến đổi khí hậu.

Lạm phát thực sự gây khó khăn cho cuộc sống của dân chúng một cách trực tiếp, đặc biệt với những mặt hàng như thực phẩm và nhiên liệu là những thứ người ta không thể không mua. Cứ mỗi lần ngừng lại đổ xăng, ít ai tránh khỏi cảm giác sốt ruột khi nhìn vào số tiền họ phải trả.

Trong cuộc khảo sát mới nhất của Ðại học Michigan, chỉ số tâm lý người tiêu thụ (ICS) vào tháng 5 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2011, vào thời điểm khi Hoa Kỳ đang ở giữa cuộc khủng hoảng trần nợ và vẫn đang loay hoay để thoát ra khỏi tình trạng trì trệ của cuộc đại suy trầm (great depression) bắt đầu từ năm 2007. Nay nước Mỹ đang ở trong một tình huống tương tự – người dân cảm thấy mọi thứ trong cuộc sống đang hết sức tồi tệ, và điều này cũng đồng nghĩa cảm nhận rất xấu của họ về nền kinh tế quốc gia, cho dù đã suy trầm hay chưa.

VH