Tin tức liên quan tới tình hình Hồng Kông trong suốt tuần qua đặc biệt chú ý tới hiện tượng nhiều ngàn cảnh sát dã chiến vừa được đưa vào đóng tại một vận động trường trong một khu dân cư thuộc Thẩm Quyến, là thành phố duyên hải thuộc Trung Quốc nằm sát nách và chỉ cách trung tâm thành phố Hồng Kông khoảng dưới 10 cây số. Hành động này được xem như một sự biểu dương lực lượng của chính quyền Trung Quốc nhắm vào người biểu tình Hồng Kông.

Nhóm cảnh sát dã chiến này là những đơn vị thuộc tổ chức Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc – là một lực lượng bán quân sự được thành lập sau vụ Thiên An Môn và được huấn luyện để chế ngự những cuộc biểu tình trong nước. Theo những nguồn tin từ dân địa phương, nhóm cảnh sát dã chiến này được đưa tới bằng các xe vận tải nhà binh và được đưa thẳng vào bên trong vận động trường, nơi họ đóng quân và tập luyện trong mấy ngày gần đây.

Những tin tức này cũng được các hệ thống truyền thông nhà nước của Trung Quốc chiếu cố rất kỹ trong mấy ngày qua đã làm dấy lên sự lo ngại ở tại Hồng Kông rằng rất có thể chính quyền Bắc Kinh đang xem xét kế hoạch sử dụng quân đội. Mặc dù nội dung tin tức đã được kiểm soát chặt chẽ nhưng với mức độ mà những bản tin về biểu tình ở Hồng Kông được phát đi trên các làn sóng một cách công khai và khá bất thường trong nội địa cho thấy một điều rõ ràng là chính quyền Bắc Kinh hiện đang rất lo ngại về tình hình ở Hồng Kông.

Trung tâm Thể thao Vịnh Thẩm Quyến – tên chính thức của vận động trường – nơi các nhóm cảnh sát dã chiến đang trú đóng nằm ở phía bên kia bờ biển của hai khu vực Nguyên Lãng (Yuen Long) và Thiên Thuỷ Vi (Tin Shui Wai), là những khu dân cư của Hồng Kông nơi đã xảy ra một vài vụ bạo động nặng nhất trong những cuộc biểu tình gần đây.

Theo nhận định của một số phân tích gia về thời sự Hồng Kông, bất cứ một phản ứng quân sự nào từ phía Bắc Kinh cũng sẽ đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng trong tình hình vốn đã hết sức mong manh và mấp mé ở bờ vực hỗn loạn tại Hồng Kông, và có nguy cơ làm suy yếu trên căn bản về quyền tự trị trong vòng 50 năm mà Bắc Kinh đã hứa với thành phố này sau khi Vương quốc Anh trả về cho Trung Quốc vào năm 1997, và đồng thời quyền tự trị này cũng được xem như một thứ định chế để giúp duy trì Hồng Kông trong vai trò là một trung tâm tài chánh quốc tế.

Xem thêm:   Dịch vụ cho thuê xe máy

Ở một mức độ tối thiểu, bất kỳ sự can thiệp nào, cho dù là có quân đội hay không, cũng sẽ gây cho dư luận quốc tế nhớ lại cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Trung Quốc tại Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989, cách đây đúng 30 năm, đã khiến cho hàng nhiều ngàn người thiệt mạng, hầu hết là những người trẻ đồng lứa tuổi với những người biểu tình tại Hồng Kông hiện nay, và củng cố vững vàng hơn nữa sự thật về chính sách của nhà cầm quyền Bắc Kinh rằng họ sẵn sàng thẳng tay đàn áp một cách không khoan dung những tiếng nói bất đồng, bất luận tiếng nói đó có ôn hoà hay không.

Hiện nay tại Hồng Kông đang có 6,000 lính trú đóng thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân, là lực lượng vũ trang của đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng theo những người am hiểu tình hình thì có lẽ Bắc Kinh sẽ không sử dụng lực lượng quân đội này để giải tán người biểu tình vì lo ngại sẽ gây thêm thiệt hại cho đường dây liên kết kinh doanh quốc tế của Hồng Kông cũng như làm xấu đi hình ảnh của Tổng bí thư Tập Cận Bình mà trong mấy năm qua đã cố gắng xây dựng như là một khuôn mặt lãnh tụ Trung Quốc hoà nhã, thân thiện đối với thế giới Tây phương.

Các phân tích gia cũng cho rằng lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân được đào tạo là để giải quyết những mối đe dọa đến từ ngoại quốc chứ không phải là các cuộc biểu tình trong nước mặc dù theo bộ Luật Căn bản của Hồng Kông, quân đội được phép giúp giữ gìn trật tự công cộng nếu chính quyền của thành phố yêu cầu.

Xem thêm:   Mật Ong của Ba

Sau vụ đàn áp tại Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc đã cho thành lập tổ chức bán quân sự Cảnh sát Vũ trang Nhân dân như là một lực lượng chủ yếu dùng để chế ngự những vụ xáo trộn trong nước, và trong nhiều năm qua, lực lượng này đã từng sử dụng bạo lực để đàn áp nhiều cuộc biểu tình ở đại lục, đặc biệt là tại khu vực Tân Cương nơi có đông người gốc Hồi Hột (Uighur) cư ngụ.

Có một số ý kiến cho rằng, thay vì đưa lực lượng này trực tiếp đối đầu với người biểu tình trên các đường phố của Hồng Kông, có thể Bắc Kinh dùng nhóm cảnh sát vũ trang bán quân sự này đứng đằng sau hỗ trợ cho cảnh sát địa phương.

Trong khi con số chính xác về lực lượng cảnh sát vũ trang này hiện đang đóng tại Thẩm Quyến vẫn chưa biết là bao nhiêu, một số không ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có khá nhiều xe nhà binh bít bùng đã được gửi tới khu vận động trường hôm tối Thứ Tư 14/8, với hàng chục chiếc được đậu vòng quanh bãi đậu xe bên ngoài. Trong số đó có một số loại xe quân sự sáu bánh nguỵ trang và xe tải công binh. Vận động trường này trước đây chủ yếu được dùng để tổ chức các buổi trình diễn âm nhạc, như hồi Tháng 10 năm ngoái có buổi trình diễn của ca sĩ Mariah Carey đến từ Mỹ.

Mặc dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Hồng Kông, người dân Hồng Kông không hề tỏ ra sợ hãi, vẫn tiếp tục biểu tình và nay đã bước sang tuần lễ thứ 11. Ngay từ tối hôm Thứ Sáu 16/8 đã có nhiều ngàn người tụ tập ở một số nơi trương biểu ngữ kêu đòi tự do cho Hồng Kông. Qua đến ngày Thứ Bảy đã có khoảng 22,000 giáo viên xuống đường lên tiếng ủng hộ cho các học sinh của họ.

Bước sang ngày Chủ Nhật, ngay từ sáng sớm đã có nhiều trăm ngàn người – đa số mặc áo đen, màu biểu tượng của phong trào biểu tình – đổ về tập trung tại công viên Victoria. Mặc dù cơn mưa đổ xuống xối xả cũng không làm chùn bước người biểu tình mà ngược lại số người đổ về ngày càng đông đến độ tràn ra bên ngoài công viên. Từ đó họ đi tuần hành khoảng hai dặm về hướng trung tâm thuộc khu vực tài chánh của thành phố bất chấp lệnh cấm của cảnh sát không được tụ họp ở bất cứ đâu bên ngoài công viên. Nhiều con đường huyết mạch của thành phố bị tắc nghẽn nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ vụ bạo động nào xảy ra, trái ngược hẳn với tình trạng hỗn loạn trong mấy tuần qua. Hầu hết các cửa tiệm vẫn mở cửa buôn bán bình thường trong khi bên ngoài những người biểu tình nối đuôi nhau trong cuộc tuần hành đầy ôn hoà. Người ta phỏng đoán có khoảng 1.7 triệu người tham gia cuộc biểu tình.

Xem thêm:   5 con dê trắng

Cảnh tượng này làm ta nhớ lại hai cuộc tuần hành khổng lồ hồi đầu Tháng 6, cho thấy phong trào biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống mà ngày càng tạo thêm áp lực cho nhà cầm quyền Hồng Kông và chắc chắn sẽ làm cho chính quyền Bắc Kinh phải thêm khó chịu.

Từ khi phong trào biểu tình nổ ra ở Hồng Kông, chúng ta đã được chứng kiến các bà mẹ, rồi giới luật sư, các công chức chính quyền, các nhân viên của hãng hàng không Cathay, và nay thì đến các giáo chức tham gia. Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật vừa qua người ta nhận thấy nhiều cha mẹ còn mang theo con nhỏ và nhiều cụ già đi lẫn lộn trong đoàn người biểu tình ở khắp các ngả đường của Hồng Kông. Có thể nói phong trào biểu tình ở Hồng Kông trong suốt hơn hai tháng qua đã được đủ mọi giới, đủ mọi hạng người trong xã hội tham gia – tất cả chỉ muốn nói lên ước vọng của họ là có thể được giữ lại chút quyền tự do dân sự như họ đã từng được hưởng khi còn là thuộc địa của Vương quốc Anh. Và cái quyền cao quý đó đã làm cho họ không hề sợ hãi trước áp lực của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

VH

Arlington, TX