Trong một cuộc họp báo cuối tuần qua sau khi hoàn tất hai tuần lễ sống cách ly trong khách sạn, hai nhà báo Úc là Bill Birtles và Michael Smith vẫn tỏ ra chưa hết xúc động sau khi đã phải đối diện với một tình huống đầy bất ngờ khi cả hai đã phải bỏ trốn khỏi Trung Quốc sau một cuộc đối đầu ngoại giao đầy căng thẳng giữa Toà đại sứ Úc và giới chức an ninh Trung Quốc để đảm bảo cho họ được phép quay trở lại Úc một cách an toàn.

Chính sách đàn áp thâm độc- nguồn RFA  

Có một điều nổi bật trong cuộc họp báo mà cả hai cùng đồng ý và đưa ra chung nhận định, đó là tình trạng cuộc sống của người dân Trung Quốc đang ngày càng bị siết chặt hơn trong mấy năm qua.

Nhà báo Birtles, thuộc hệ thống truyền hình ABC của Úc, còn nói thêm rằng Trung Quốc hiện nay là một quốc gia khép kín hơn so với năm năm trước, và rõ ràng là còn tệ hại hơn nữa nếu so với trước đó một thập niên. Chính quyền Bắc Kinh đang đẩy đất nước vào một thời kỳ với tư tưởng cực đoan nhất kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hoá vào giữa thập niên 1970.

Birtles cũng cho biết rằng đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay ngày càng chi phối cuộc sống thường ngày của người dân một cách rõ ràng hơn. Ông nhận thấy có những điều hết sức nhỏ nhặt, chẳng hạn như xu hướng ngày càng có nhiều người đeo huy hiệu đảng cộng sản Trung Quốc trên ngực áo tại các sân ga khi đứng đón xe lửa.

Dân chúng nói chung cũng ngày càng sống bảo thủ và tỏ ra thận trọng hơn khi gặp mặt người ngoại quốc, đó là chưa nói tới những nhà báo ngoại quốc, và hầu như chẳng ai muốn được phỏng vấn, thậm chí ngay cả những đề tài nhẹ nhàng nhất, có lẽ vì họ sợ gặp rắc rối với những công an chìm nổi có mặt ở khắp nơi.

Nhà báo Birtles ghi nhận rằng chính quyền Trung Quốc đã cho lắp đặt cả một hệ thống theo dõi và giám sát ở khắp nơi và có khả năng ngăn chặn và dập tắt bất cứ một sự chống đối nào đối với đảng cộng sản trong một thời gian ngắn nhất.

Trong khi đó thì nhà báo Michael Smith, làm việc cho tờ Australian Financial Review tại văn phòng ở Thượng Hải, cũng đồng ý rằng quả thật là có một sự siết chặt hơn trong xã hội Trung Quốc hiện nay. Smith cho biết vào đầu năm 2018, khi ông mới tới làm việc, thì việc chỉ trích về quản lý kinh tế của chính quyền chưa phải là một điều cấm kỵ tại Trung Quốc. Nhưng gần đây hơn thì ông nhận thấy hầu hết những chuyên gia kinh tế tại đây lại thường tỏ ra ngần ngại khi nói lên quan điểm của họ.

Xem thêm:   Chó...

Ðấy là đời sống của người dân ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi có nhiều người ngoại quốc sinh sống và làm việc, chính quyền còn tương đối nhẹ tay hơn trong việc kiểm soát đời sống của họ. Ở những vùng xa xôi hẻo lánh, như Tân Cương (Xinjiang) chẳng hạn, cuộc sống của người dân ở những nơi này mất tự do hơn nhiều, đặc biệt là đối với nhóm người thiểu số Hồi giáo, họ bị đối xử không khác gì những kẻ thù của đất nước.

Chuyện người thiểu số Uighur (Duy Ngô Nhĩ) bị đàn áp ở Tân Cương thì chúng ta đã nghe nhiều qua các tin tức quốc tế hồi năm ngoái. Và như để làm dịu bớt sự chỉ trích của quốc tế về chính sách cầm tù hàng loạt người thiểu số Hồi giáo, các giới chức chính quyền đã khẳng định rằng các “trại cải tạo” ở khu vực phía tây Tân Cương đã được thu hẹp sau khi các tù nhân cũ gia nhập lại vào xã hội với tư cách là những công dân đã được cải huấn.

Một trong những trại tù tại Tân Cương – nguồn WordPress.com

Nhưng trên thực tế, những điều mà các giới chức chính quyền Trung Quốc nói ở trên đều là giả dối. Hôm Thứ Năm 24/9, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã trưng ra nhiều bằng chứng với cuộc điều tra của họ cho thấy giới chức có thẩm quyền tại Tân Cương kể từ năm ngoái vẫn tiếp tục cho xây dựng thêm một số khu vực nhà tù khác nhau.

Thay vì được thả ra, cuộc điều tra cho thấy nhiều người tù đã bị đưa tới các trại tù và có lẽ tới những cơ sở cải huấn khác, dựa trên những không ảnh chụp được về những khu vực giam giữ mới và cũ được xây thêm. Có những bằng chứng cho thấy nhiều người tù trước đây chưa có án bị giam giữ tại những “trại cải tạo” rộng lớn ở Tân Cương thì nay chính thức bị buộc tội và bị đem nhốt tại những nhà tù được canh gác cẩn mật.

Chính quyền Trung Quốc lâu nay đã nhiều lần từ chối tiết lộ con số các địa điểm giam giữ cũng như người bị giam giữ tại Tân Cương và những nơi khác. Dựa theo các phóng ảnh vệ tinh mới nhất, các nhà nghiên cứu của ASPI đã kiểm tra và tìm thấy khoảng 380 địa điểm bị nghi ngờ là nơi giam giữ tù Tân Cương. Ít nhất 61 trong số những địa điểm trên đã được cho mở rộng thêm diện tích từ Tháng 7, 2019 đến Tháng 7 năm nay, và trong số đó, 14 địa điểm vẫn còn đang trong tiến trình xây cất.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Theo ước tính của nhiều học giả nghiên cứu về tình hình Tân Cương, dưới thời Tập Cận Bình, các giới chức chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một cuộc đàn áp thật quy mô tại Tân Cương, với khoảng một triệu người hoặc hơn đã bị giam giữ trong những năm gần đây. Phúc trình của ASPI được đưa ra một ngày sau ngày kỷ niệm lần thứ sáu của một thời điểm quan trọng trong chiến dịch bắt bớ ngày càng khắc nghiệt, đó là việc kết án Ilham Tohti, một học giả nổi tiếng người Uyghur, tù chung thân.

Hồi Tháng 8 vừa qua, cơ quan truyền thông BuzzFeed News đã tìm thấy 268 nhà tù tại Tân Cương được xây cất lên kể từ năm 2017. BuzzFeed nhận dạng những trại tù này bằng cách đem so những không ảnh của họ với những địa điểm bị xoá bỏ trên bản đồ của Baidu (Bách độ), một công ty kỹ thuật Trung Quốc tương tự như Google của Mỹ vậy.

Một cuộc điều tra khác do tờ New York Times thực hiện hồi năm ngoái cho biết hệ thống toà án tại Tân Cương – nơi người Uighur và những nhóm thiểu số Hồi giáo khác chiếm hơn phân nửa trên tổng số dân 25 triệu người – đã kết án tù hay những hình phạt khác đối với khoảng 230,000 người trong hai năm 2017 và 2018, nhiều hơn nhiều so với bất kỳ giai đoạn nào khác được ghi nhận trong khu vực.

Đền Imam Asim, một trong những thánh địa tôn nghiêm nhất tại Tân Cương, được chụp năm 2010 và 2018 – nguồn Tripavisor

Tuy nhiên, những việc đàn áp trên vẫn chưa thất đức bằng một âm mưu thâm độc hơn gấp bội, đó là trong những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa và phá hủy nhiều đền đài, nhà thờ và những thánh địa khác trên khắp lãnh thổ Tân Cương, nơi từ lâu đã lưu giữ văn hóa và tín ngưỡng của người Hồi giáo trong khu vực.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Mưu đồ đóng cửa và xoá bỏ những địa điểm trên là một phần trong một chính sách rộng lớn hơn của Trung Quốc trong việc biến người Uighur, Kazakh và những nhóm dân tộc thiểu số Trung Á khác trong khu vực thành những tín đồ trung thành của đảng cộng sản. Chính sách đồng hóa một cách quy mô trên chính là đầu mối dẫn đến việc cầm tù hàng triệu người gốc thiểu số Hồi giáo tại các nhà tù mà họ đã lấp liếm gọi bằng một danh từ rất ư cộng sản là “những trung tâm cải huấn”.

Phúc trình của viện nghiên cứu ASPI cũng đã đánh giá một cách nghiêm túc về mức độ tàn phá và những thay đổi đối với các địa điểm tôn giáo trong những năm gần đây. Theo phúc trình ước tính, có khoảng 8,500 nhà thờ Hồi giáo trên khắp Tân Cương đã bị phá hủy hoàn toàn kể từ năm 2017 – chiếm hơn một phần ba tổng số nhà thờ Hồi giáo mà chính phủ Trung Quốc cho biết là có trong khu vực – là mức độ phá hủy rộng lớn chưa từng thấy kể từ thời Cách mạng Văn hoá do Mao Trạch Ðông phát động.

Ði hành hương tới thăm các đền đài và thánh địa là một trong những nét văn hoá truyền thống của người thiểu số Hồi giáo Tân Cương. Nhưng kể từ năm 1997, chính quyền Trung Quốc đã cấm tổ chức các lễ hội và các cuộc hành hương tới những địa điểm tôn giáo trên, và những năm tiếp theo sau đó thì các đền thờ cũng lần lượt bị đóng cửa.

Hiện có một số nhóm người Uighur lưu vong đang nỗ lực kêu gọi thế giới phải đưa ra những biện pháp ngăn chặn việc đàn áp của chính quyền Trung Quốc trên quê hương của họ mà họ nói rằng ở mức độ có thể sánh ngang với tội diệt chủng.

Hoa Kỳ đã bắt đầu có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc về chính sách đàn áp của họ ở Tân Cương. Năm nay, chính quyền Trump đã cho áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với các giới chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc thi hành chính sách trong khu vực, cũng như một số công ty có liên quan.

Tuần qua, hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật cấm nhập cảng bất cứ sản phẩm nào từ Tân Cương nếu như những sản phẩm này không chứng minh được là không sử dụng nguồn lực cưỡng bức lao động để sản xuất.

Tuy nhiên, chỉ một mình Hoa Kỳ có lẽ vẫn chưa đủ mà còn cần có thêm nhiều quốc gia khác trên thế giới hợp lực thì tiếng nói mới đủ mạnh để ngăn chặn chính sách đàn áp độc ác này của Trung Quốc.

VH