Vì thiếu sự nhận định chính xác tình hình và thiếu sự khẩn trương cấp bách của cả Hoa Kỳ lẫn Afghanistan khiến nhiều giới chức chính phủ cũng như quân sự của cả hai nước tin rằng thủ đô Kabul vẫn còn nhiều thời gian cầm cự. Điều không ngờ là toàn thể lãnh thổ Afghanistan rơi vào vòng kiểm soát của Taliban chỉ trong có 8 ngày kể từ khi họ chiếm được Kunduz, một trong những thành phố quan trọng của Afghanistan nằm ở khu vực đông bắc.

Taliban tiến vào Kabul – nguồn Reuters 

Theo một giới chức có mặt tại dinh tổng thống, hôm Thứ Bảy 7/8, sau một buổi họp ngắn nội các, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani dành hết thời gian còn lại trong ngày để nghỉ ngơi trên sân cỏ trước dinh và … đọc sách. Vào lúc đó, quốc gia Afghanistan đang dần sụp đổ. Một số quận lỵ địa phương dưới quyền kiểm soát của Kabul bắt đầu mất vào tay phiến quân có thể tính từng giờ. Thành phố Kunduz mất vào đêm hôm đó. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau, một số thủ phủ của các tỉnh khác cũng mất theo mà hầu như không có kháng cự.

Cùng ngày đó, Tổng thống Joe Biden đang nghỉ hè tại tư gia ở Wilmington, Delaware, chơi gôn và gặp gỡ trực tuyến với một nhóm lực sĩ Hoa Kỳ, chúc mừng họ đã thành công tại Thế vận hội Tokyo. Giữa hai sự việc, ông được thông báo ngắn gọn về tình hình Afghanistan.

Ngày Chủ Nhật 8/8, toà đại sứ Hoa Kỳ thông báo các công dân Mỹ nên rời Afghanistan càng sớm càng tốt. Một số người dân Afghanistan biết trước là họ sẽ bị Taliban săn lùng trong trường hợp Kabul thất thủ cũng đã nói đến chuyện rời nước. Khi ấy các chuyến bay ra khỏi Afghanistan vẫn còn nhiều chỗ trống.

Cho đến lúc đó, nhiều người vẫn nghĩ rằng phiến quân sẽ không tấn công Kabul trước khi quân đội Mỹ rút hết quân vào ngày 31 tháng 8. Nhiều giới chức chính phủ tại Washington đang đi nghỉ hè và những ai còn ở lại làm việc tại thủ đô thì chỉ dành sự tập trung vào dự luật xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các tay súng Taliban chiếm dinh tổng thống tại Kabul – nguồn AP

Kể từ khi đạt được thoả thuận vào tháng 2 năm 2020 dưới thời Tổng thống Donald Trump để quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, các lãnh tụ Taliban bảo đảm với Hoa Kỳ là họ sẽ không dùng vũ lực để chiếm Kabul. Họ sẽ cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với các lực lượng chính trị tại Kabul với một điều kiện duy nhất là Tổng thống Ghani phải từ chức trước khi thành lập một chính phủ chuyển tiếp.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Nhưng sự việc diễn ra hoàn toàn ngược hẳn sau khi Tổng thống Biden tuyên bố rút quân vào tháng 4 và Taliban bắt đầu phát động cuộc tiến quân vào ngày 1 tháng 5.

Ðến hôm thứ Tư 11/8, thành phố Mazar-e-Sharif, thủ phủ của tỉnh Balkh, biến thành một ốc đảo cô lập với nhiều đoàn quân Taliban bao vây bên ngoài. Trong cùng ngày, phiến quân cũng phát động cuộc tấn công vào thành phố Ghazni, nằm về hướng nam của Kabul, và chiếm được ít giờ sau đó. Sự sụp đổ của Ghazni đã mở ra con đường phía nam tiến vào Kabul và đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc tiến công của Taliban.

Nhiều người dân Afghanistan thấy trước là Taliban có thể sẽ không chờ cho đến khi người Mỹ rút đi. Các chuyến bay bán hết vé, và giá chợ đen cho các loại giấy thông hành tăng vọt. Nhiều ngàn người dân bu dày đặc các văn phòng cấp chiếu khán tại Kabul mặc dù lệnh ngưng hẳn việc cấp chiếu khán từ chính phủ đã được ban hành.

Qua ngày thứ Năm 12/8, hàng rào phòng thủ thành phố Herat bị đổ và nhiều tay súng Taliban bắt đầu xuất hiện trên đường phố.

Ðằng sau hậu trường, nhiều giới chức chính quyền Biden đã tỏ ra chới với trước cảnh hỗn loạn đang diễn ra ở Afghanistan, và lo sợ về mối nguy hiểm mà Taliban sẽ gây ra cho những người dân Afghanistan đã từng làm việc trong hai thập niên cùng với các binh sĩ và giới chức ngoại giao Hoa Kỳ trong các vai trò phiên dịch, sửa chữa quân cụ, tài xế v.v.

Cảnh người di tản bên trong lòng chiếc phi cơ C-17 – nguồn AFP

Thứ Sáu 13/8, thủ đô Kabul rơi vào cảnh hoảng loạn. Các máy ATM hết sạch tiền. Khu phố Shahr-e-Naw sang trọng đầy ắp những người chạy loạn vừa trốn khỏi cuộc tiến công của Taliban. Qua ngày hôm sau, thứ Bảy 14/5, phiến quân Taliban mở cuộc tấn công và chiếm giữ thành phố Jalalabad, thủ phủ tỉnh Nangarhar thuộc miền đông. Ðến tối cùng ngày, thành phố Mazar-e-Sharif cuối cùng cũng thất thủ. Các chuyến trực thăng đưa người từ toà đại sứ Hoa Kỳ tới phi trường làm việc không ngừng nghỉ suốt đêm.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Buổi sáng Chủ Nhật 15/8 được mô tả là một ngày nhiều nắng. Người dân xếp hàng dài bên ngoài ngân hàng trung ương, địa điểm cuối cùng có tin đồn là còn tiền mặt. Theo yêu cầu của các giới chức đàm phán của chính quyền Kabul, Taliban đưa ra thông cáo chỉ thị các tay súng của họ không tiến vào thủ đô. Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau đó, họ đổi ý và đòi chỉ chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Nhiều giới chức chính phủ Afghanistan, trong đó có Tổng thống Ghani, bỏ trốn. Khi màn đêm buông xuống, các tay súng Taliban bắt đầu tiến vào tiếp quản Kabul, kéo lá cờ Tiểu vương quốc Hồi giáo màu trắng của họ lên trước một cổng vào thủ đô. Nước Cộng hoà Afghanistan chính thức bị xoá sổ.

Cho đến lúc này, phi trường quốc tế Hamid Karzai là khu vực duy nhất tại Kabul là chưa nằm trong vòng kiểm soát của phiến quân và được bảo vệ của nhiều ngàn binh lính Hoa Kỳ và ngoại quốc, và cũng là nơi đang diễn ra cuộc di tản. Cảnh hỗn loạn là điều không thể tránh khỏi và lúc đầu người ta so sánh nó với cảnh di tản tại Sài Gòn hơn bốn thập niên trước. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng hỗn loạn tại Kabul tồi tệ hơn nhiều.

Cảnh hỗn loạn bên ngoài phi trường Hamid Karzai – nguồn Reuters

Tại Sài Gòn, mặc dù trong cảnh hỗn loạn vào những ngày cuối cùng trước khi thất thủ, không lực Hoa Kỳ đã thực hiện được 201 phi vụ C-141 và 174 chuyến bay C-130 di tản hơn 45,000 người Việt Nam tới Guam. Ngoài ra Hoa Kỳ còn huy động được 71 chiếc trực thăng bay tổng cộng 660 phi vụ để di tản hơn 7,800 người tới Thái Lan hoặc ra các chiến hạm của Mỹ đậu ngoài khơi. Cho đến nay, cuộc di tản tại Sài Gòn vẫn được đánh giá là cuộc di tản bằng không vận lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Trong khi đó thì ngược lại, đúng một tuần sau khi mất Kabul, người ta phỏng đoán chỉ có khoảng 18,000 người, bao gồm đủ mọi thành phần, là đã được di tản, trong khi hàng ngàn người Mỹ vẫn còn kẹt lại, nhiều người còn chưa lọt được vào phi trường. Ðó là chưa kể hàng chục ngàn người dân Afghanistan vẫn còn bám trụ bên trong và bên ngoài phi trường với hy vọng rất mong manh là sẽ được di tản ra ngoại quốc.

Hình ảnh những chiếc phi cơ vận chuyển C-17 rời khỏi phi trường với quang cảnh bên trong lòng phi cơ chật ních người tị nạn. Trong một trường hợp, một xác người Afghanistan được tìm thấy bị chết kẹt trong hệ thống bánh lái.  Nhưng hình ảnh mà người ta sẽ nhớ mãi về cuộc di tản tại Kabul là khi một chiếc C-17 cất cánh, một số người dân Afghanistan đã cố gắng bám víu vào bên ngoài thân phi cơ trong nỗi tuyệt vọng và sau đó đã bị rớt xuống đất thiệt mạng.

Kể từ khi chiếm đóng Afghanistan năm 2001 cho đến nay nước Mỹ đã đổ vào đất nước đó $2 ngàn tỉ; hơn 2,000 lính Mỹ thiệt mạng, đó là chưa kể hơn 117,000 mạng người dân và binh lính Afghanistan. Một điều trớ trêu là sau khi tái chiếm Kabul, nay Taliban lại kiểm soát một diện tích lãnh thổ còn lớn hơn so với lần trước khi họ nắm quyền lực. Họ cũng giành được sự khẳng định tối thượng: đánh bại một siêu cường – do từ quyết định sai lầm của một vài chính trị gia vô trách nhiệm tại Washington. Hậu quả là những người dân vô tội Afghanistan bị kẹt lại sẽ phải trả bằng giá rất đắt dưới sự cai trị man rợ của Taliban mà nhiều người đã từng có kinh nghiệm.

VH