Điều mà Hoa Kỳ lo ngại về hậu quả của cuộc xung đột tại dải Gaza có nhiều dấu hiệu đang xảy ra: Sau hơn 100 ngày, cuộc chiến giữa Israel và Hamas đang trở thành một cuộc xung đột kéo dài chưa có hồi kết thúc, hơn nữa nó có nguy cơ lan rộng khắp Trung Đông, làm gián đoạn thương mại toàn cầu và thậm chí khiến Hoa Kỳ có thể bị sa lầy.
Cuộc xung đột bắt đầu với cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 mà phía Israel nói rằng đã giết chết khoảng 1,200 người và sau đó là sự trả đũa dữ dội của quân đội Israel đối với tổ chức này ở dải Gaza. Nay cuộc chiến được đánh giá như một trong những cuộc xung đột mang tính địa chính trị có tầm mức quan trọng nhất ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trong khu vực.
Chính sách của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng
Cuộc xung đột ở dải Gaza đã buộc Hoa Kỳ phải tái tập trung vào khu vực Trung Đông sau nhiều năm với nỗ lực chuyển hướng các nguồn lực ngoại giao và quân sự để chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy. Nó cũng làm hao mòn đi nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ cho Ukraine để đánh bại cuộc xâm lược của Nga.
Cuộc xung đột đã làm xáo trộn một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Joe Biden: Các cuộc đàm phán bình thường hóa giữa Israel và Ả Rập Saudi do Hoa Kỳ hậu thuẫn nhằm định hình lại các liên minh ngoại giao và an ninh trong khu vực cũng như giúp kiềm chế sự ảnh hưởng của Iran. Với tình hình căng thẳng tăng cao giữa Hoa Kỳ và một số quốc gia Ả Rập do bất đồng về việc Hoa Kỳ hỗ trợ mạnh về quân sự cho Israel, hiện vẫn chưa rõ bằng giải pháp nào và khi nào thì Hoa Kỳ có thể nối lại các cuộc đàm phán vốn đã bị đình chỉ kể từ khi chiến tranh xảy ra.
Câu hỏi quan trọng là làm thế nào để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, vốn đã bị cộng đồng quốc tế và Israel trong nhiều năm qua đã không quan tâm đúng mức, và nay đang trở thành trọng tâm của chính sách ngoại giao toàn cầu – mặc dù con đường dẫn đến giải pháp hai quốc gia dường như đang gặp nhiều chông gai hơn bao giờ hết.
Hoa Kỳ trực tiếp tham gia
Vào thời điểm nào và bằng giải pháp nào để Israel quyết định kết thúc chiến tranh có thể sẽ liên quan đến nhiều vấn đề trong khu vực, trong đó quan trọng nhất là vấn đề an ninh lâu dài của quốc gia này.
Vượt ra ngoài giới tuyến của cuộc chiến ở Gaza, Hoa Kỳ đang tìm cách kiềm chế Iran, quốc gia hỗ trợ cho Hamas, và một số tổ chức đồng minh của họ, trong đó có Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen. Tiến trình hòa bình mong manh ở Yemen, mà Hoa Kỳ giúp làm trung gian và là tâm điểm của việc nối lại quan hệ gần đây giữa Ả Rập Saudi và Iran, hiện đang gặp nhiều rủi ro có thể bị đổ vỡ.
Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh trong thời gian vừa qua đã tiến hành một số cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen để đáp trả lại các cuộc tấn công của tổ chức này ở khu vực Hồng Hải khiến nhiều tàu buôn phải thay đổi hành trình xa hơn và tốn kém hơn khiến giá cả hàng hóa di chuyển trên con đường hàng hải này tăng lên.
Các cuộc tấn công vào căn cứ của Houthi là những dấu hiệu cho thấy quân đội Hoa Kỳ đã phải tham gia nhiều hơn họ mong muốn kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột Israel-Hamas sau khi đã cho bố trí một số chiến hạm vào trong khu vực để nhằm ngăn chặn Hezbollah tấn công vào khu vực phía bắc Israel. Hoa Kỳ cũng đã cung cấp cho Israel loại bom phá hầm cực lớn, cùng với hàng chục nghìn loại vũ khí và đạn pháo khác, để giúp đánh đuổi Hamas ra khỏi Gaza.
Thử thách của Israel
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đặt mục tiêu bằng bất cứ giá nào là phải tiêu diệt lực lượng quân sự của tổ chức Hamas, chấm dứt quyền kiểm soát của lực lượng này ở dải Gaza và giải cứu các con tin bị bắt cóc. Tuy nhiên, diễn biến của cuộc chiến cho thấy phần giới hạn về khả năng quân sự của Israel – và mạng lưới phòng thủ đặt dưới lòng đất phức tạp và tinh vi của Hamas đòi hỏi cần nhiều thời gian mới có thể phá huỷ được.
Quân đội Israel cho tới nay đã tiêu diệt hàng ngàn chiến binh Hamas và làm gián đoạn khả năng thực hiện các cuộc tấn công chống lại Israel của nhóm này.
Tuy nhiên, Israel đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu đưa ra ngay từ ngày đầu. Quân đội Israel vẫn đang nỗ lực tìm kiếm và khám phá các đường hầm nơi mà thủ lĩnh Hamas ở dải Gaza là Yahya Sinwar và một số chỉ huy khác được cho là đang ẩn trốn.
Hàng chục nghìn dân Israel vẫn chưa về được nhà của họ nằm ở phía bắc Israel trong bối cảnh có các cuộc giao tranh giữa Israel với Hezbollah.
Bước vào tháng thứ tư của chiến dịch quân sự tại dải Gaza, Israel cho biết họ đang dần chuyển sang giai đoạn mới của cuộc xung đột với cường độ giảm đi, do áp lực từ phía Hoa Kỳ nhắm hạn chế thương vong cho người Palestine và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ hơn.
Israel vẫn có khả năng truy tìm và tiêu diệt các thủ lĩnh của Hamas ở Gaza và các tay súng còn lại của tổ chức này – mà quân đội Israel ước tính con số lên tới hàng nghìn người. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự tin rằng để đạt được mục tiêu đó đồng thời cứu được các con tin còn lại là một sứ mệnh hết sức khó khăn.
Israel đang phải đối mặt với một thách thức mới sau khi chuyển mục tiêu cuộc chiến chống Hamas về phần phía nam dải Gaza, nơi hầu hết trong số 2.2 triệu người dân Palestine sống ở dải Gaza đã phải di tản tới, làm tăng nguy cơ có thêm nhiều thường dân thiệt mạng, khiến cho mối quan hệ Israel với Hoa Kỳ thêm căng thẳng.
Gaza sau chiến tranh
Hiện tại, giới lãnh đạo của Hamas cũng tỏ ra đang bị chia rẽ về mục tiêu mà nhóm muốn đạt được từ cuộc chiến. Họ tin rằng Hamas đã giành được chiến thắng lớn với cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 chỉ bằng cách là đã giáng một đòn khá nặng vào mạng lưới tình báo và quân sự của Israel cũng như bằng cách cho đến nay vẫn giữ được an toàn tính mạng cho các nhân vật lãnh đạo cấp cao của họ kể từ khi Israel phát động cuộc tấn công.
Câu hỏi chính là liệu Hamas có thể sử dụng số con tin còn lại mà họ vẫn đang nắm giữ để giải thoát những người Palestine đang bị giam trong các nhà tù của Israel hay không – đây cũng là mục tiêu quan trọng của thủ lĩnh Sinwar – và liệu Hamas có thể tiếp tục nắm quyền ở Gaza hay trở thành một lực lượng có ảnh hưởng trong hoạt động chính trị của Palestine trong tương lai hay không.
Ngay cả khi Israel thành công đẩy được Hamas ra khỏi Gaza, đến nay vẫn chưa rõ ai sẽ cai trị dải đất này, tổ chức hay quốc gia nào sẽ tài trợ cho việc tái thiết và cung cấp an ninh.
Các quốc gia Ả Rập có ảnh hưởng trong khu vực, trong đó có Ai Cập, tin rằng Hamas sẽ đóng một vai trò nào đó. Vị thế chính trị của nhóm này đã được cải thiện so với nhóm Thẩm quyền Palestine đang cai trị ở khu vực Tây Ngạn.
Bất kỳ lựa chọn nào trong số những điều nêu trên đều cho thấy có những khó khăn của nó vì cuộc chiến ở dải Gaza một lần nữa phơi bày ra tình trạng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Ả Rập vốn tỏ ra bất mãn với việc Hoa Kỳ đã hậu thuẫn cho chiến dịch quân sự của Israel trong cuộc xung đột Israel-Hamas hiện nay.
Điều trớ trêu là cuộc xung đột càng kéo dài, tình trạng căng thẳng ngoại giao giữa Hoa Kỳ, Israel và các quốc gia Ả Rập càng tăng thì Bắc Kinh và Moscow không cần làm gì hết mà vẫn được là những ngư ông hưởng lợi.
VH